Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:29 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Số II - Tham nhũng và những hệ lụy
Cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tham nhũng trong các cơ quan công quyền nhà nước là hoàn toàn có cơ sở khoa học, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Có thể nói, đây là hiện tượng phổ biến, mang tính toàn cầu. Ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng (năm 1945), Người đã sớm nhận ra rằng, nếu cán bộ của Đảng, Nhà nước không giữ được phẩm chất, ý chí cách mạng, “Dĩ công vi thượng”, toàn tâm toàn ý với dân, với nước mà chỉ lo trục lợi cá nhân, gia đình, địa phương, thì tất yếu dẫn đến tham nhũng. Và, xảy ra tham nhũng thì tác hại của nó sẽ khôn lường, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng, việc phát hiện, đánh giá chính xác tình trạng tham nhũng trên thực tế để có biện pháp phòng, chống lại rất khó khăn.
Theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI), tình hình tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là nghiêm trọng. Nó diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với những biểu hiện vừa tinh vi, vừa lộ liễu và mang tính phổ biến. Trước đây, tham nhũng chủ yếu chỉ ở lĩnh vực kinh tế, nhưng ngày nay, tham nhũng còn lan sang cả những lĩnh vực mang giá trị đạo đức, truyền thống của dân tộc, như: giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, nhân đạo, từ thiện, phòng, chống dịch bệnh, v.v. Đáng quan ngại hơn là, tham nhũng còn xảy ra ngay trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, người đại diện cho công lý và công bằng xã hội. Những trường hợp “chạy tội”, “chạy án” cũng đã xuất hiện ở một số nơi. Tình trạng tham nhũng “vặt”, tham nhũng “nhỏ, lẻ”, hay còn gọi là “nhũng nhiễu”, “chi phí không chính thức”, tuy thiệt hại về vật chất không lớn, nhưng diễn ra khá phổ biến, khiến người dân bức xúc. Cán bộ cấp cao mà tham nhũng thì mức độ nguy hại càng lớn. Hoạt động tham nhũng thường diễn ra thông qua giao dịch tìm kiếm việc làm, thuyên chuyển, cất nhắc, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Những giao dịch, thỏa thuận này thường đi kèm tác nhân môi giới, trung gian, tạo ra luật chơi bất thành văn, quy định ngầm, theo kiểu “tạm ứng trước”, “thu hồi sau”, dẫn tới “tham nhũng đẻ tham nhũng”. Loại tham nhũng phổ biến nhất, gây thiệt hại lớn về kinh tế là ở các hoạt động dự án, đấu thầu, các hợp đồng kinh tế, đất đai, tài chính - ngân hàng, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, mở mang khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ, giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế, v.v. Tham những ở một số cán bộ, công chức là biểu hiện của sự suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mặc dù, công tác phòng, chống tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, từ 01-10-2015 đến 31-7-2016: toàn Ngành đã triển khai hơn 4.600 cuộc thanh tra hành chính và gần 200.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm gần 93.000 tỷ đồng, 14.266 ha đất; kiến nghị thu hồi gần 20.000 tỷ đồng và 6.508 ha đất (đã thu hồi 9.528 tỷ đồng, 739 ha đất). Đồng thời, kiến nghị kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân với số tiền xử phạt lên đến 11.929 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 53 vụ, 77 đối tượng; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, thu hồi, xử lý khác 3.155 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 75%) và 1.196 ha đất, v.v. Cũng trong thời gian này, cơ quan điều tra thụ lý điều tra 254 vụ án, 627 bị can phạm tội tham nhũng. Trong đó, khởi tố mới 141 vụ, 290 bị can; đã kết luận điều tra 121 vụ, 400 bị can; đình chỉ điều tra 5 vụ, 4 bị can; tạm đình chỉ 6 vụ, 15 bị can; hiện đang điều tra 122 vụ, 208 bị can.
Riêng năm 2016, Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 264 vụ, 635 bị can về các tội danh tham nhũng. Tòa án nhân dân các cấp thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 325 vụ với 898 bị cáo; xét xử sơ thẩm 159 vụ, 427 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 46,7% (tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2015); số bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 12% (giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2015). Các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2016 gây thiệt hại trên 240 tỷ đồng, kê biên 7 bất động sản, đạt 38,3%, v.v.
Qua các vụ án xét xử gần đây cho thấy, tham nhũng diễn ra ở nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức, phổ biến là các tội danh: (1) “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (tại Công ty in, thương mại và dịch vụ Agribank). (2) “Đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (tại Tổng Công ty Xây dựng Đường thủy Việt Nam). (3) “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (tại Công ty Cổ phần dệt Quế Võ và Chi nhánh Quỹ hỗ trợ phát triển Bắc Ninh). (4) “Tham ô tài sản; rửa tiền” (tại Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn dương Vinashin). (5) “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cho vay lãi nặng” (tại Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh). (6) “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương) - (Oceanbank), … và còn nhiều vụ có dấu hiệu tham nhũng đang trong quá trình điều tra, xét xử.
Thủ đoạn tham nhũng rất tinh vi, khó phát hiện, tác động trực tiếp đến mọi hoạt động của đời sống xã hội, làm phân tâm tư tưởng, tình cảm và lòng tin của các tầng lớp nhân dân. Với lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tham nhũng chủ yếu diễn ra trong quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; thu hồi đất nông nghiệp để triển khai dự án xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị; giao đất, cho thuê đất, định giá đất khi thu hồi, đền bù; cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, …. hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất không đúng thẩm quyền, lập hồ sơ khống, khai tăng diện tích đất khi đền bù. Trong xây dựng cơ bản, sai phạm xảy ra ở các khâu: lập dự án, thiết kế, dự toán, phê duyệt kế hoạch cấp vốn, đấu thầu, tư vấn, giám sát, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Thủ đoạn chủ yếu là không chấp hành đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản; gian lận, thiếu minh bạch trong đấu thầu; khai khống khối lượng và giá trị vật tư, thiết bị; đưa vật liệu kém chất lượng, sai quy cách vào sử dụng; thi công sai quy trình để giảm chi phí, v.v. Trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, thủ đoạn tham nhũng chủ yếu là giấu bớt và định giá trị tài sản, đất đai thấp hơn giá trị thực khi cổ phần hóa hoặc bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp; lập các hợp đồng mua bán, vận chuyển hoặc hóa đơn khống để chiếm đoạt; nâng khống giá khi mua bán tài sản công để trục lợi. Trong công tác cán bộ, tình trạng “chạy chức, chạy quyền, chạy công chức, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương” chưa được khắc phục triệt để. Hiện tượng một số cán bộ tiến thân bằng con đường chạy chọt, xu nịnh, tìm hiểu sở thích, nhu cầu cá nhân của cấp trên và gia đình họ để tìm cách đáp ứng và sẵn sàng biếu những món quà có giá trị lớn, như: nhà ở, đất ở, cổ phần trong các dự án, công ty, … là đáng lo ngại. Trong lĩnh vực tư pháp, tham nhũng chủ yếu là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhận hối lộ nhằm bỏ lọt hoặc giảm nhẹ tội phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, v.v.
Hậu quả mà tham nhũng gây ra để lại nhiều hệ lụy phức tạp, khó lường đối với công tác lãnh đạo, quản lý xã hội của Đảng, Nhà nước. Về mặt chính trị, tham nhũng đã cản trở việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế; làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và là một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa. Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 khẳng định: “Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, … gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, tiềm ẩn các xung đột lợi ích, phản kháng về xã hội, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo. Tham nhũng trở thành thách thức - vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, cho sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ”. Đặc biệt nghiêm trọng là, tham nhũng còn là mảnh đất màu mỡ và là “cái cớ” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị triệt để lợi dụng, can thiệp vào công việc nội bộ để chống Đảng, Nhà nước và chế độ ta; kích động, chia rẽ tình cảm giữa nhân dân với Đảng, sự đồng thuận xã hội và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Về mặt kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, tập thể và công dân; giá trị tài sản thiệt hại, thất thoát lên tới hàng chục, hàng trăm, thậm chí là hàng ngàn tỷ đồng. Đó là những con số lớn so với số thu ngân sách hằng năm của đất nước. Là một nước đang phát triển, mọi nguồn lực của nước ta cần phải huy động tối đa cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội,… thì việc làm thất thoát tài sản, ngân sách, thời gian, công sức do tham nhũng gây ra được coi là thứ “giặc nội xâm”, gậm nhấm nền kinh tế, phá hoại công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước. Ở mức độ thấp hơn, việc một số cán bộ, công chức lạm dụng quyền hạn, sách nhiễu nhân dân trong khi thực thi công vụ khiến cho họ phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc mới có thể thực hiện được công việc của mình, như: xin cấp các loại giấy phép, giấy chứng nhận và các loại giấy tờ khác, v.v. Nếu xét từng trường hợp cụ thể, thì giá trị vật chất do tham nhũng ở dạng này không quá lớn, nhưng nếu tổng hợp những vụ việc diễn ra thường xuyên, liên tục thì con số bị thất thoát là nghiêm trọng, v.v. Hậu quả của hành vi tham nhũng không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà nguy hiểm hơn, còn làm giảm đi sự thiện cảm, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường kinh doanh và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về mặt xã hội, tham nhũng làm đảo lộn những giá trị, chuẩn mực đạo đức xã hội, làm giàu bất chính, tha hoá đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước. Trước những lợi ích bất chính do thực hiện hành vi tham nhũng mà có, nhiều người đã không giữ được phẩm chất đạo đức, sống xa hoa, hưởng thụ, vi phạm pháp luật, làm trái lương tâm và bổn phận trách nhiệm công dân đối với xã hội và gia đình. Tham nhũng còn len lỏi, làm xói mòn cả khía cạnh đạo đức và pháp luật, như: phúc lợi xã hội, giáo dục, bảo vệ pháp luật, trợ cấp thương binh, liệt sĩ, gia đình chính sách, người có công, kinh phí cứu trợ xã hội, thảm họa thiên tai, thậm chí cả trong xét duyệt công nhận di tích lịch sử, văn hoá, thi đua - khen thưởng, v.v. Dưới góc độ xã hội, tham nhũng làm gia tăng sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu - nghèo, giảm đi sự đồng thuận trong nhân dân, phai nhạt tình cảm gia đình, làng xóm, đồng chí, đồng nghiệp; chi phối đến nhận thức, suy tư, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, ý thức kinh doanh của cán bộ, công chức, doanh nhân; đồng thời, làm cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, “xóa đói giảm nghèo”, “xóa mù chữ”, đào tạo nghề, xây dựng nông thôn mới, … gặp nhiều khó khăn, bất cập, v.v.
Có thể nói, tình trạng tham nhũng đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường, để lại nhiều hệ lụy chi phối đến công tác lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự đồng thuận trong nhân dân. Để khắc phục tình trạng đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, với hệ thống giải pháp đồng bộ, quyết liệt, có tính khả thi, thể hiện quyết tâm chính trị cao đối với tệ nạn nguy hiểm này.
Đại tá, TS. ĐỖ HỒNG LÂM ______________________
(SỐ TIẾP THEO VÀ HẾT: III. Phòng, chống tham nhũng - Quyết tâm chính trị cao của Đảng)
Phòng chống tham nhũng,vấn đề sống còn,Hồ Chí Minh
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học