Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 15/11/2021, 08:37 (GMT+7)
Phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng theo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội

Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi phải có Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; trong đó, có yếu tố con người và vũ khí, trang bị. Để đáp ứng yêu cầu đề ra, một trong những nội dung trọng tâm Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội xác định là phải hiện đại hóa nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng; cần nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghiêm chủ trương này.

Hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng là phải làm chủ được công nghệ sản xuất quốc phòng, tránh sự lệ thuộc từ bên ngoài. Điều đó chỉ có thể làm được khi nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng được chuẩn hóa, hiện đại hóa. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các nhà máy thường xuyên quan tâm phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc phát triển nguồn nhân lực này vẫn còn nhiều bất cập. Nhân lực có trình độ cao còn khiêm tốn về số lượng dẫn đến “khả năng khai thác, làm chủ và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất vũ khí mới, vũ khí công nghệ cao còn nhiều hạn chế”1. Ở nhiều khâu, nhiều bước của sản xuất quốc phòng còn thực hiện thủ công hoặc bán tự động với đội ngũ nhân lực qua đào tạo còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, bất cập về cơ cấu. Nhân lực có trình độ kỹ thuật cao của công nghiệp quốc phòng Việt Nam chủ yếu được đào tạo ở Liên Xô trước đây, Nga hiện nay; trong khi đó, chúng ta nhận chuyển giao công nghệ từ nhiều nước trên thế giới nên sự đồng bộ về mặt công nghệ gặp nhiều khó khăn. Chuyên gia chuyển giao công nghệ đều sử dụng tiếng Anh nên nảy sinh bất cập, khó khăn trong việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ, do trình độ tiếng Anh của ta còn hạn chế.

Nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng còn bị “cạnh tranh gay gắt bởi thị trường lao động trên địa bàn”2. Các tập đoàn, công ty cơ khí lớn có chế độ làm việc, chính sách đãi ngộ, điều kiện làm việc tốt hơn để thu hút lao động từ các nhà máy công nghiệp quốc phòng về làm việc tại các doanh nghiệp này. Mặt khác, do yêu cầu tinh giản biên chế, tổ chức nên Quân đội đang hạn chế việc tuyển dụng sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng, tâm lý và sự gắn bó với nhà máy của người lao động. Đối với lao động hợp đồng, mức độ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, nhất là trong các tình huống đột xuất rất khó khăn, vì họ chỉ thực hiện theo pháp luật của Nhà nước, mà không có nghĩa vụ thực hiện kỷ luật Quân đội.

Cùng với đó, “điều kiện thu hút, ưu đãi, giữ gìn nguồn nhân lực chất lượng cao gặp nhiều khó khăn”3. Vì các cơ sở sản xuất quốc phòng thường đóng quân ở các địa bàn khó khăn về kinh tế, xã hội, xa trung tâm, đời sống vật chất, tinh thần còn nhiều hạn chế. Đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy các cơ sở sản xuất công nghiệp quốc phòng chủ yếu được đào tạo năng lực chỉ huy và chuyên môn kỹ thuật quân sự, ít được đào tạo về kiến thức quản lý kinh tế, v.v.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, Đại hội XI Đảng bộ Quân đội xác định: “... xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân”4. Một trong những yếu tố để xây dựng Quân đội hiện đại là phải tự chủ sản xuất được các loại vũ khí, trang bị hiện đại. Do đó, Đại hội cũng xác định: “... xây dựng công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước”5. Thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trên và để khắc phục những bất cập về nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng hiện nay, cần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có cơ cấu hợp lý; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, cần có quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng một cách khoa học, khả thi và nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chỉ huy các cấp về phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng. Trên cơ sở nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, các nhà máy quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và toàn quân cần có quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, khắc phục được hạn chế, bất cập hiện tại, đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng thời gian tới phù hợp với các chiến lược nói trên.

Để hiện thực hóa quy hoạch, kế hoạch đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp, nhất là cấp ủy, chỉ huy ngành Công nghiệp quốc phòng phải có nhận thức đúng về vai trò nguồn nhân lực trong phát triển công nghiệp quốc phòng “tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia”. Trên cơ sở nhận thức đúng, đề cao trách nhiệm, xây dựng lộ trình tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phù hợp. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 16/7/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo; các kết luận, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng.

Hai là, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng. Trong đào tạo lại nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng hiện có, trước hết, cần nâng cao trình độ tiếng Anh cho lực lượng làm nhiệm vụ tiếp nhận, chuyển giao công nghệ sản xuất quốc phòng từ các nước trên thế giới có nền công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại. Từng nhà máy, toàn ngành Công nghiệp quốc phòng cần chủ động đào tạo lại nguồn nhân lực bằng khả năng, điều kiện của mình, người đi trước, có trình độ cao hơn, nhiều kinh nghiệm bồi dưỡng trực tiếp cho người đi sau, trình độ và kinh nghiệm còn hạn chế. Mở các lớp đào tạo lại, mời chuyên gia nước ngoài đến trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất quốc phòng. Đồng thời, lựa chọn, cử đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề đi học tập, tập huấn ở các nước có trình độ công nghiệp quốc phòng tiên tiến, hiện đại.

Trong đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng phải lựa chọn “đầu vào” có trình độ cao, sức khỏe tốt, phẩm chất chính trị trong sáng, rõ ràng, sẵn sàng phục vụ lâu dài trong Quân đội, thích ứng với điều kiện khó khăn, gian khổ của môi trường làm việc, nhất là làm việc ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế, xã hội, v.v. Khi có “đầu vào” tốt cần tính toán để lựa chọn đưa đi đào tạo tại các trường trong và ngoài nước với cơ cấu phù hợp yêu cầu phát triển của công nghiệp quốc phòng trong điều kiện mới.

Các nhà trường đào tạo kỹ thuật của Quân đội vừa đổi mới nội dung, chương trình thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, vừa tăng cường đào tạo kiến thức quản lý kinh tế trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đồng thời, tăng cường liên kết đào tạo giữa các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, tăng thời gian thực hành, giảm thời gian lý thuyết để nâng cao chất lượng “đầu ra” đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng thời kỳ mới.

Ba là, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, “giữ chân” nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng có chất lượng cao. Trong nền kinh tế thị trường khó tránh khỏi sự so sánh về môi trường làm việc, thu nhập của người lao động. Để khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”; “đứng núi này trông núi nọ”, người lao động từ nhà máy công nghiệp quốc phòng chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp dân sinh, doanh nghiệp nước ngoài, thì phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ để đời sống vật chất, tinh thần của họ không thua kém người lao động ở doanh nghiệp dân dụng, doanh nghiệp nước ngoài. Đây là bài toán khó, nhưng không dùng cơ chế, chính sách để giải bài toán này, thì tình trạng “chảy máu chất xám” rất khó khắc phục. Cùng với chế độ, chính sách chung của Quân đội, cần có chế độ, chính sách riêng của ngành Công nghiệp quốc phòng đảm bảo chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động cũng như hậu phương, gia đình họ. Có như thế, người lao động ngành Công nghiệp quốc phòng mới yên tâm gắn bó với nhà máy, nâng cao trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp quốc phòng. Thực hiện nhiệm vụ khó khăn đó, đòi hỏi các nhà máy công nghiệp quốc phòng phải thực hiện “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Do đó, các nhà máy cần phát huy tính lưỡng dụng của dây chuyền công nghệ, tăng cường kết hợp sản xuất quốc phòng gắn với sản xuất kinh tế, để có thêm nguồn lực thực hiện các chế độ đãi ngộ, nâng cao đời sống của người lao động và chăm lo hậu phương, gia đình họ.

Thực hiện có hiệu quả một số giải pháp trên là góp phần phát triển nguồn nhân lực công nghiệp quốc phòng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Đó là điều kiện cơ bản để hiện đại hóa công nghiệp quốc phòng trong sự nghiệp hiện đại hóa Quân đội ta thời gian tới.

Thượng tá, TS. PHÙNG MNH CƯNG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
________________

1 - Tổng Cục Chính trị Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb QĐND, H. 2020, tr. 36.

2 - Nhà máy Z189 – Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020, phương hướng năm 2021.

3 - Nhà máy Z129 Báo cáo tổng kết năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021.

4 - Tổng Cục Chính trị    Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb QĐND, H. 2020, tr. 44.

5 - Sđd, tr. 61.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...