Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:53 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Quán triệt sâu sắc chủ trương “giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”1 của Đảng, những năm qua, Học viện Kỹ thuật Quân sự chủ động, tích cực triển khai nhiều kế hoạch, chương trình phát triển theo mô hình trường đại học nghiên cứu đạt trình độ quốc tế và khu vực, thu được kết quả đáng khích lệ.
Ngay từ khi thành lập (ngày 28/10/1966), Phân hiệu II Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - đơn vị tiền thân của Học viện Kỹ thuật Quân sự đã được định hướng: xây dựng thành trường đại học Kỹ thuật quân sự hoàn chỉnh, trung tâm nghiên cứu khoa học, kỹ thuật hiện đại, đủ điều kiện đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật theo yêu cầu trước mắt và lâu dài của Quân đội. Kế thừa truyền thống, uy tín, bề dày kinh nghiệm đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường đại học lớn, trong thời gian ngắn, Phân hiệu nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạch định đường lối, nhiệm vụ, đột phá xây dựng đội ngũ giáo viên, tạo nguồn học viên, phát triển thành Trường Đại học Kỹ thuật Quân sự - Trung tâm nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật cho Quân đội, đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới, Nhà trường được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khoa học quan trọng và phát triển thành Học viện Kỹ thuật Quân sự, mở rộng đào tạo sau đại học, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, nhất là các lĩnh vực mới, đặc thù, v.v. Trải qua 55 năm xây dựng, phát triển và đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, cán bộ quản lý khoa học, chỉ huy kỹ thuật quân sự, Học viện đã nghiên cứu thành công hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, bộ, ngành có hàm lượng khoa học cao; hàng nghìn sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ quốc phòng và kinh tế. Nhiều sản phẩm khoa học mang hiệu quả cao trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, như: Hệ thống truyền thanh thông thoại trên tàu thủy; đạn rải nhiễu; các loại kính ngắm cho súng bộ binh; pin nhiệt cho tên lửa phòng không tầm thấp; thiết bị chế ép Flycam và hơn 300 chủng loại vật tư bảo đảm kỹ thuật cho tên lửa, ra đa, pháo binh, v.v. Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, trong thời gian rất ngắn, Học viện thiết kế, chế tạo và đưa rô bốt Vibot vào hỗ trợ tích cực công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện nay, Học viện đã công nhận 18 nhóm nghiên cứu mạnh; trên 90% cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học; trong đó, 56% tu nghiệp ở nước ngoài, trên 50% tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, 10% giáo sư, phó giáo sư, khẳng định vị thế trường đại học trọng điểm quốc gia, trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ quan trọng của Quân đội và Nhà nước. Ghi nhận thành tích đó, Học viện vinh dự được Nhà nước tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới và nhiều phần thưởng cao quý.
Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, cùng những thách thưc, cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu: “Đến năm 2030, trở thành trường đại học nghiên cứu trong tốp đầu về khoa học, kỹ thuật và công nghệ của đất nước, trong tốp 700 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu thế giới... đến năm 2045, trở thành trường đại học thuộc tốp 500 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu trên thế giới”. Để thực hiện thắng lợi Đề án, Học viện tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo theo chuẩn quốc gia, quốc tế. Tập trung quy hoạch tổng thể hệ thống ngành, chuyên ngành, loại hình đào tạo; xây dựng một số ngành đạt tầm khu vực; mở rộng quy mô, hướng đào tạo; cân đối đào tạo dài hạn, ngắn hạn và bồi dưỡng kiến thức công nghệ, khai thác vũ khí, trang bị mới. Xây dựng, hoàn thiện nội dung và thực hiện chương trình đào tạo theo phương thức tổ chức bảo đảm kỹ thuật mới; theo chức danh; sau đại học chuyên sâu các chuyên ngành,... bảo đảm sát thực tiễn, chuẩn đầu ra theo yêu cầu tổ chức mới ngành kỹ thuật Quân đội. Trong đó, ưu tiên đào tạo chuyên sâu về công nghệ IoT, Blockchain, Trí tuệ nhân tạo và các chuyên ngành: thiết kế, chế tạo và phát triển sản phẩm; vật liệu tiên tiến; tự động hóa chỉ huy; an toàn thông tin; tác chiến không gian mạng; khai thác, làm chủ vũ khí, trang thiết bị hiện đại, v.v. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng sư phạm thông minh, tăng cường vai trò tự học, tự tích lũy kiến thức, xây dựng năng lực tự học suốt đời; xây dựng các học phần, bổ sung kiến thức đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đa dạng hóa hình thức đào tạo, kết hợp dạy học trên lớp và trực tuyến; duy trì tốt hoạt động của các diễn đàn học tập trên mạng,... có quy mô phù hợp với lộ trình phát triển cơ sở hạ tầng nhà trường thông minh. Gắn đào tạo với đơn vị, tăng tỷ lệ đồ án theo nhóm, đồ án, luận văn, luận án có sản phẩm, có cán bộ đơn vị hướng dẫn, viết và bảo vệ bằng ngoại ngữ, coi trọng chất lượng thực hành, thực tập cho các chuyên ngành. Thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục, đào tạo theo chuẩn quốc gia và quốc tế; bổ sung, hoàn thiện ngân hàng đề thi, tuyển sinh bảo đảm tính phân loại trình độ; tăng cường thi trực tuyến, v.v.
Thứ hai, đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ định hướng sản phẩm, bám sát mục tiêu hiện đại hóa và tiêu chí trường đại học nghiên cứu. Quán triệt, thực hiện nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về xây dựng công nghiệp quốc phòng, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật, đổi mới công tác huấn luyện, Học viện tập trung nghiên cứu đổi mới phương thức bảo đảm kỹ thuật; định hướng phát triển công nghiệp quốc phòng; ứng dụng công nghệ 4.0 trong thiết kế, chế tạo, khai thác vũ khí, trang bị hiện đại, công nghệ cao; hiện đại hóa công tác huấn luyện, diễn tập, chỉ huy, quản lý điều hành và bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống thông tin, v.v. Kết hợp hài hòa nghiên cứu cơ bản với nghiên cứu ứng dụng, giữa nghiên cứu khoa học với đào tạo; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ định hướng sản phẩm, gắn với huấn luyện, chiến đấu. Phát triển các hướng nghiên cứu mũi nhọn và liên ngành; xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ quốc gia, khu vực; đầu tư xây dựng trung tâm nghiên cứu xuất sắc cấp Học viện. Trong nghiên cứu cơ bản, Học viện tích cực tổ chức hội thảo khoa học quốc tế; hỗ trợ đề tài, nhóm nghiên cứu tham gia các giải thưởng trong nước, quốc tế; nâng cao số lượng nhà khoa học, công bố khoa học, số lượt tham gia giải thưởng khoa học - công nghệ trong và ngoài nước và đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ, phát minh sáng chế. Trong nghiên cứu ứng dụng, Học viện chủ động chuẩn bị nguồn lực, tích cực đề xuất và tham gia thực hiện, tư vấn, giám sát các chương trình, dự án khoa học - công nghệ của Nhà nước, Quân đội có đầu tư lớn, hàm lượng khoa học - công nghệ cao và chủ trì quy hoạch, thiết kế các công trình quốc phòng, an ninh, phục vụ chiến đấu, phát triển kinh tế. Để đạt hiệu quả, Học viện áp dụng công nghệ thông tin, quy trình quản lý hoạt động khoa học tiên tiến theo TCVN ISO 9001:2015; hỗ trợ công bố khoa học, đăng ký sở hữu trí tuệ. Nâng cao tính tự chủ, có cơ chế đặt hàng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, làm dịch vụ khoa học. Đồng thời, đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ 4.0; phát huy nội lực trên nền tảng phát triển nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc; tận dụng cơ hội thông qua hợp tác quốc tế và trong nước; khai thác tối đa các nguồn lực từ Nhà nước, Quân đội, các quỹ quốc gia, quốc tế hỗ trợ nghiên cứu khoa học.
Thứ ba, tăng cường đầu tư chiều sâu cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tích cực huy động tối đa các nguồn đầu tư nâng cấp, xây mới các phòng thí nghiệm phục vụ: đào tạo chuyên ngành định hướng tăng cường thực hành, thực tập trên trang thiết bị thực trong các lĩnh vực Tên lửa, Ra đa, Tác chiến điện tử, Tác chiến không gian mạng, thuộc các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ IoT, Blockchain, Bigdata; các phòng thí nghiệm ảo, bán tự nhiên, trọng điểm quốc gia, đạt trình độ khu vực và đạt chuẩn ISO/IEC 17025. Triển khai đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng đầu tư trong Dự án xây dựng nhà trường thông minh gắn với thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hoàn thành đúng kế hoạch các hạng mục: khu thử nghiệm, khu kỹ thuật, nâng cấp thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và thông tin, nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm hệ thống thông tin tích hợp dùng chung cơ sở dữ liệu nhà trường thông minh đảm bảo cho tất cả các thành phần của hệ thống nhà trường thông minh hoạt động hiệu quả, đúng tính năng. Tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin gắn với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; triển khai Chính phủ điện tử và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Thứ tư, mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Học viện tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các điều kiện đảm bảo, cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động này theo nguyên tắc, quy định của Nhà nước, Quân đội; đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này; tăng cường quảng bá trên website,... tạo dựng môi trường hoạt động tốt. Tăng cường hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các đối tác: khu vực nói tiếng Anh có lợi thế trong các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ 4.0; sở hữu công nghệ nguồn về vũ khí, trang bị, công nghệ quân sự. Nâng cao hiệu quả hợp tác với các nhà khoa học đầu ngành của các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật uy tín trên thế giới. Chuẩn bị nguồn, cử học viên, chuyên gia đi đào tạo, bồi dưỡng, thỉnh giảng, hợp tác nghiên cứu, hội thảo, chuyển giao công nghệ ở nước ngoài. Nâng cao chất lượng đào tạo học viên Lào, Campuchia, v.v.
Cùng với các giải pháp trên, Học viện tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên theo Nghị quyết số 277-NQ/ĐU, ngày 26/4/2021 của Đảng ủy Học viện về lãnh đạo xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, ưu tiên thực hiện tốt các kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù thu hút, tuyển chọn, đãi ngộ nhân tài. Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Kỹ thuật Quân sự phấn đấu đến năm 2025, mở mới đủ mã ngành đào tạo đại học, sau đại học; đào tạo kỹ sư quân sự chất lượng cao; học phần học tập trực tuyến 20%; có 20% đề tài, luận văn, luận án gắn với đề tài, dự án khoa học công nghệ,... đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đáp ứng yêu cầu các bậc đào tạo, phù hợp với tiêu chí trường đại học nghiên cứu đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Trung tướng, GS, TSKH, NGND. NGUYỄN CÔNG ĐỊNH, Giám đốc Học viện _________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 136.
Học viện Kỹ thuật Quân sự,trường Đại học,giáo dục và đào tạo,trình độ quốc tế và khu vực
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học