Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 07/07/2016, 08:27 (GMT+7)
Phát triển giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức rõ vai trò quyết định của nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XII của Đảng tiếp tục chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” với nhiều nội dung được cụ thể hóa.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ kiểm tra thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2016, tại Hội đồng thi Đại học Thủy lợi. (Ảnh: TTXVN)

Kế thừa quan điểm chỉ đạo ở các đại hội trước, nhất là Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về giáo dục và đào tạo, Đại hội XII tiếp tục chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo”. Văn kiện Đại hội nhấn mạnh đến sự cần thiết phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo là do lĩnh vực này từ tư duy giáo dục đến tất cả các yếu tố cơ bản trong thời gian qua còn nhiều yếu kém; trong đó, đặt lên hàng đầu hai yếu kém chủ yếu phản ánh một cách tổng quát kết quả đầu vào và đầu ra của giáo dục, đào tạo nước nhà.

Giáo dục và đào tạo chưa thực sự trở thành quốc sách hàng đầu” như nhiều nghị quyết của Đảng đã xác định. Trong thực tế, nhiệm vụ này chưa được ưu tiên nhất trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thực sự được coi là nhân tố quyết định phát triển đất nước. Vì thế, rất nhiều chương trình, dự án đầu tư chỉ tập trung vào mua sắm trang thiết bị, phương tiện mà chưa chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ các trang thiết bị đó, dẫn tới hiệu quả đầu tư thấp kém. Nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương còn lúng túng trong việc cụ thể hóa quan điểm “phát triển giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu” và xử lý các vấn đề thực tiễn của giáo dục, đào tạo trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Vì thế, nhiều hạn chế của giáo dục, đào tạo được nêu từ Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) vẫn chậm được khắc phục, có mặt còn nặng nề hơn.

Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu” của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững. Vì thế, giáo dục và đào tạo chưa tạo ra được lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ về nhân lực của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới, khi mà lợi thế cạnh tranh về nhân lực đã chuyển từ số lượng sang chất lượng; làm cho năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta còn thấp, chậm được cải thiện. Theo công bố năm 2015 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Xin-ga-po 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Ma-lai-xi-a 5 lần, Thái Lan 2,5 lần; thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN, chỉ cao hơn My-an-ma và Cam-pu-chia. Xếp hạng năng lực cạnh tranh của 148 nền kinh tế năm 2014 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, thì Việt Nam cũng chỉ đứng thứ 68, sau: Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, với các thứ hạng lần lượt là: 2, 20, 31, 34 và 52. Cùng với đó, chất lượng giáo dục, đào tạo cũng chưa tích cực, chủ động góp phần vào việc xây dựng con người và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Tình trạng “Đạo đức, lối sống có mặt xuống cấp đáng lo ngại”1 có phần nguyên nhân từ triết lý giáo dục nặng về dạy chữ, nhẹ về dạy người. Những yếu kém đó tác động tiêu cực đến xây dựng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập quốc tế. Để khắc phục những hạn chế đó, cần quán triệt, thống nhất nhận thức về những định hướng lớn mà Đại hội XII đưa ra.

Trước hết, phải kiên trì quan điểm coi “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”, giữ vai trò quyết định thực hiện thành công mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”, phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cũng như hiện đại hóa các lực lượng vũ trang; thể hiện cụ thể ở sự ưu tiên về lãnh đạo, đầu tư tài chính và nhân lực trong các chương trình, kế hoạch, dự án đầu tư.

Thứ hai, mục tiêu giáo dục phải chuyển mạnh từ chủ yếu chú trọng trang bị kiến thức (nâng cao dân trí) sang tập trung phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học (năng lực công dân). Nhiều năm qua, do thiếu tính đồng bộ và nhận thức chưa thống nhất, nên việc dạy và học vẫn theo cách cũ: trang bị kiến thức là chính, phát triển phẩm chất và năng lực là phụ. Để khắc phục hạn chế này, quá trình đổi mới cần gắn liền với sự thay đổi triết lý giáo dục lấy dạy người - chủ nhân của chế độ xã hội mới trước, với phương châm “dạy người, dạy chữ, dạy nghề” thay cho “dạy chữ, dạy người, dạy nghề” trước đây; trong đó, chú trọng giáo dục con người Việt Nam vừa phát triển toàn diện, vừa phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; phát triển năng lực và phẩm chất một cách hài hòa giữa đức, trí, thể, mỹ; “yêu gia đình, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, sống tốt và làm việc hiệu quả”2.

Thứ ba, phát triển giáo dục, đào tạo trong thời kỳ hội nhập phải phù hợp với quy luật phát triển khách quan. Theo đó, giáo dục, đào tạo “phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động”3. Phải quán triệt và thực hiện tốt các nguyên lý giáo dục: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”, nhằm khắc phục có hiệu quả hiện tượng “thừa thầy, thiếu thợ”, sản phẩm đào tạo ra không đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Theo đó, phải chuyển mạnh phát triển giáo dục, đào tạo hiện nay chủ yếu theo mục tiêu số lượng sang phát triển theo mục tiêu vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả, vừa đáp ứng yêu cầu về số lượng theo nhu cầu nhân lực của xã hội; kiên trì, kiên quyết thực hiện “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa giáo dục” trong thực tế.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo, từ: chương trình, nội dung, phương pháp,… đến chính sách, cơ chế tài chính và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ giáo dục và quản lý giáo dục. Việc đổi mới các yếu tố đó cần phải hướng mạnh vào mục tiêu chất lượng, hiệu quả của phát triển giáo dục, đào tạo; coi trọng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học là chủ yếu, nhằm chuyển mạnh quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, bồi dưỡng khát vọng học tập suốt đời cho người học; đảm bảo cho sản phẩm của quá trình đào tạo đáp ứng tốt yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, những năm qua, các nhà trường Quân đội đã quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTƯ của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI), để chủ động đổi mới công tác giáo dục, đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại trong thời kỳ mới. Thực hiện Chiến lược “Phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020” của Bộ Quốc phòng, những yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo trong các nhà trường Quân đội đã được đổi mới theo hướng kết hợp hài hòa giữa đào tạo theo chức vụ với đào tạo theo trình độ học vấn; giữa bồi dưỡng năng lực tư duy sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp với bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, nhằm đào tạo ra những cán bộ Quân đội vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Các nhà trường Quân đội đã chủ động, tích cực đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; khắc phục sự trùng lắp, bảo đảm tính kế thừa, liên thông giữa các cấp học, bậc học và từng ngành đào tạo. Kỹ năng tự học, tự nghiên cứu; trình độ ngoại ngữ, tin học và năng lực sáng tạo của người học được chú ý phát triển. Thời lượng giảng dạy lý thuyết được cắt giảm để tăng thời lượng cho các hình thức tập bài, thực hành, thực tập. Bên cạnh đó, hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất bảo đảm cho giáo dục, đào tạo cũng được cải thiện đáng kể. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được chăm lo xây dựng theo Đề án “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đến năm 2020”. Nhờ đó, nhiều trường đã bảo đảm được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý về số lượng với cơ cấu hợp lý, có trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn, năng lực chuyên môn sâu, đủ khả năng mở rộng quy mô tham gia đào tạo nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (đào tạo hệ dân sự).

Quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo” trong thực hiện Chiến lược “Phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020”, các nhà trường Quân đội cần chủ động vận dụng sáng tạo các quan điểm chỉ đạo của Đại hội phù hợp với đặc thù lĩnh vực đào tạo của từng trường. Theo đó, cần chú trọng một số vấn đề nổi lên sau đây:

1. Tiếp tục tham gia rà soát để sắp xếp lại hệ thống nhà trường và các ngành đào tạo trong Quân đội cho phù hợp với số lượng cần đào tạo trong thời kỳ mới; qua đó, khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo, gây lãng phí ngay trong hệ thống nhà trường Quân đội và cả trong hệ thống giáo dục quốc dân.

2. Nhận thức đầy đủ hơn vai trò quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện Đề án “Kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đến năm 2020” một cách nghiêm túc, thực chất, khoa học, nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo về số lượng; thực sự vừa “hồng”, vừa “chuyên”; có đủ “tâm” và “tầm” gánh vác sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa thời kỳ hội nhập quốc tế.

3. Cần coi trọng mục tiêu chất lượng trong quá trình tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tránh sa vào mục tiêu chạy theo số lượng, dẫn đến dễ bị thương mại hóa quá trình đào tạo. Theo đó, cần tuyển chọn đầu vào chặt chẽ, phù hợp hơn; đảm bảo nghiêm ngặt hơn quy trình đào tạo, nhất là khâu kiểm tra, đánh giá kết quả; thắt chặt đầu ra, đảm bảo chuẩn theo quy định.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo là một cuộc cách mạng, mà hiệu ứng của nó sẽ làm biến đổi tích cực nhiều mặt của xã hội nước ta. Quán triệt và thực hiện sáng tạo các quan điểm cơ bản về phát triển giáo dục, đào tạo mà Đại hội XII vạch ra là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; trong đó, lực lượng trực tiếp làm công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội là một nguồn lực quan trọng.

PGS, TS. NGUYỄN NGỌC HỒI

_______________

1, 2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 125, tr. 115, tr. 114 - 115.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...