Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Là một bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng Việt Nam, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, báo chí Quân đội không ngừng trưởng thành, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đặc biệt đối với báo chí, tạo mọi điều kiện để báo chí phát triển, hoạt động hiệu quả. Với quan điểm công tác báo chí (CTBC) là một bộ phận quan trọng của công tác tư tưởng, văn hóa, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị…, gần đây là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”, Thông báo Kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về một số biện pháp tăng cường lãnh đạo và quản lý báo chí”. Đó là những văn bản quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí phát huy vai trò của mình đối với sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Những năm qua, nhất là trong 5 năm gần đây, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị trên của Đảng, trực tiếp là Chỉ thị 47-CT/ĐUQSTW của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương - QUTƯ) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường lãnh đạo, quản lý công tác báo chí và công tác xuất bản, in, phát hành sách, báo trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, báo chí Quân đội (BCQĐ) đã có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, luôn giữ vững định hướng chính trị, tôn chỉ, mục đích; phục vụ đúng đối tượng; bám sát tình hình thế giới và trong nước, hướng mạnh về cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; tích cực đổi mới về nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả tuyên truyền. BCQĐ đã thực hiện tốt vai trò là tiếng nói của QUTƯ và Bộ Quốc phòng (BQP); của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; là diễn đàn tin cậy của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) và nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. BCQĐ đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, về xây dựng Quân đội nhân dân “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, BCQĐ đã bám sát định hướng tuyên truyền về những sự kiện chính trị quan trọng, những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, nổi bật là: Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 (khóa XI), kỳ họp thứ 3, 4, 5 Quốc hội khóa XIII; việc lấy ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… Cùng với đó, BCQĐ đã tham gia tích cực, hiệu quả vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng - văn hóa chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội và định hướng tư tưởng trong xã hội.
Công tác quản lý BCQĐ luôn được cơ quan chủ quản báo chí các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý theo Quy chế đã ban hành theo Quyết định số 199/2007/QĐ-BQP, ngày 24-12-2007 của Bộ trưởng BQP. Việc nhận xét, đánh giá báo chí được tiến hành thường xuyên; đảm bảo toàn diện, chuyên sâu, theo quy định phân cấp quản lý. Công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật được các cấp coi trọng cả về số lượng và chất lượng1. Việc theo dõi, kiểm tra, uốn nắn, xử lý những thiếu sót trong quá trình hoạt động báo chí được tiến hành kịp thời, đi vào nền nếp. Công tác bổ nhiệm, đề bạt lãnh đạo cơ quan báo chí (CQBC); kiện toàn, quy hoạch hệ thống BCQĐ được chú trọng theo hướng cơ bản, đúng quy trình, có phân cấp quản lý cụ thể2. Cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện tác nghiệp từng bước được đổi mới theo hướng hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền.
Tuy nhiên, BCQĐ vẫn còn những hạn chế. Nhận thức của một số cấp ủy, người chỉ huy, cơ quan chính trị về vai trò của báo chí còn chưa đầy đủ. Hệ thống BCQĐ tuy đã được quy hoạch, kiện toàn một bước, nhưng vẫn còn thiếu cơ bản, thống nhất. Một số cơ quan chủ quản báo chí chưa xác định rõ chế độ làm việc, cơ chế quản lý hoạt động báo chí, có biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan chính trị, CQBC. Nội dung, hình thức của một số tờ báo còn chưa sinh động, hấp dẫn. Số bài viết đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch có chất lượng cao còn ít. Năng lực, trình độ, tính chuyên nghiệp, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, dự báo, định hướng dư luận của đội ngũ nhà báo Quân đội còn chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Việc đào tạo, bồi dưỡng phóng viên, biên tập viên trẻ, xây dựng đội ngũ cộng tác viên chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của tổ chức chi hội, liên chi hội nhà báo trong Quân đội chưa thể hiện rõ vai trò, chức năng của tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các CQBC Quân đội.
Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế có sự phát triển, yêu cầu cao. Nhiệm vụ của BCQĐ vừa có thuận lợi và khó khăn đan xen. Đáng chú ý là, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” bằng những thủ đoạn mới hết sức tinh vi, nhất là trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, hòng thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Tình hình đó đòi hỏi BCQĐ phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình. Trong thời gian tới, cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý đối với các CQBC trong Quân đội, nhằm đảm bảo cho BCQĐ hoạt động đúng định hướng, đúng pháp luật, đúng tôn chỉ, mục đích, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Đảng, của QUTƯ và BQP, trực tiếp là Tổng cục Chính trị (TCCT), cơ quan chủ quản báo chí các cấp cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động của các CQBC theo phân cấp; đảm bảo hoạt động của CQBC đúng Luật Báo chí, Quy chế quản lý báo chí trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phải thường xuyên, chặt chẽ, toàn diện trên tất cả các mặt hoạt động: từ xây dựng, kiện toàn tổ chức, định hướng tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, chuyên trang, chuyên mục, quy trình tác nghiệp, đến xuất bản, phát hành… Việc chỉ đạo định hướng nội dung tuyên truyền phải được thực hiện bằng nhiều phương thức: thông qua giao ban báo chí định kỳ (tháng, quý) hoặc đột xuất; bằng văn bản, thông qua kế hoạch tuyên truyền, hoặc chỉ đạo trực tiếp đối với Tổng biên tập (Trưởng ban biên tập) của CQBC, nhất là trước những sự kiện, những vấn đề quan trọng, nhạy cảm.
Để làm được điều đó, cơ quan chủ quản các CQBC Quân đội phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế đã ban hành để xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo cho phù hợp; xây dựng cơ chế điều hành bảo đảm khoa học, linh hoạt, hiệu quả, có tính khả thi cao. Đồng thời, tập trung xây dựng các CQBC Quân đội vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng CQBC vững mạnh toàn diện, mà trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, tiêu biểu về đạo đức, lối sống và phương pháp tác nghiệp báo chí, có tinh thần chủ động, sáng tạo trong công việc. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của cơ quan chủ quản báo chí phải hướng trọng tâm vào khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong hoạt động báo chí; định hướng, uốn nắn kịp thời những sai phạm; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, tạo môi trường thuận lợi để các CQBC phát huy tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết khắc phục các biểu hiện buông lỏng, đứng ngoài cuộc, loại trừ hiện tượng xa rời tôn chỉ, mục đích, thương mại hóa, chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần, thị hiếu tầm thường của một bộ phận độc giả và những lệch lạc trong quá trình tác nghiệp của đội ngũ phóng viên, biên tập viên; gắn kiểm tra, giám sát với sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động báo chí.
Hai là, tiếp tục kiện toàn hệ thống CQBC theo hướng cơ bản, chính quy, hiện đại, có tính chuyên nghiệp cao. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, báo chí nước ta đang tiếp cận và chuyển mình theo xu hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Do đó, việc hiện đại hóa hệ thống CQBC trong Quân đội là chủ trương đúng đắn nhằm đảm bảo cho CQBC hoạt động có hiệu quả. Việc củng cố, kiện toàn hệ thống CQBC được tiến hành theo lộ trình, đề án đã xây dựng, nhưng phải hết sức khẩn trương, đảm bảo tiến độ. Đây là trách nhiệm của các cấp, các ngành chức năng, mà trước hết là các cơ quan chủ quản và CQBC; gắn việc làm này với đẩy mạnh các hoạt động quảng bá để nâng cao vị thế BCQĐ trong quá trình phát triển. Để bảo đảm việc kiện toàn hệ thống CQBC đạt yêu cầu đề ra, các cơ quan chức năng của BQP, TCCT cần rà soát, nắm chắc thực chất những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về tổ chức biên chế, điều kiện hoạt động… của các CQBC. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, trên cơ sở đó tham mưu cho BQP, TCCT chủ trương, biện pháp kiện toàn hệ thống tổ chức CQBC phù hợp với Đề án tổ chức lực lượng Quân đội giai đoạn 2010 – 2015 của QUTƯ và BQP. Trong quá trình thực hiện, cần tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho 07 CQBC trực thuộc QUTƯ và BQP; đồng thời, quan tâm đúng mức các CQBC chuyên ngành thuộc các Tổng cục, quân khu, quân chủng, Bộ đội Biên phòng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu… trực tiếp quản lý. Cùng với việc kiện toàn về tổ chức, nâng cao chất lượng trang bị kỹ thuật, phải chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; bổ sung, hoàn thiện quy chế quản lý, quy trình tác nghiệp ở từng CQBC. Qua đó, đảm bảo hình thức thông tin trên BCQĐ luôn đa dạng về thể loại, phong phú về nội dung; luôn đảm bảo tính chính xác, tính thời sự, tính định hướng tư tưởng và tính chiến đấu.
Ba là, coi trọng xây dựng đội ngũ nhà báo “vừa hồng, vừa chuyên”. Thực tiễn chỉ ra rằng, chất lượng của tác phẩm báo chí phụ thuộc trước hết vào phẩm chất chính trị, năng lực nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Ở đâu và khi nào có đội ngũ nhà báo “tay nghề vững”, thì ở đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí sẽ được đảm bảo; uy tín, vị thế của CQBC được nâng lên; ấn phẩm báo chí thu hút được đông đảo độc giả, đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn. Bởi vậy, đây là việc làm có ý nghĩa chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu cả trước mắt cũng như lâu dài, mà trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan chủ quản và các CQBC. Việc xây dựng đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần tập trung vào nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác…; bảo đảm trong mọi hoàn cảnh, họ luôn có bản lĩnh chính trị vững vàng, nêu cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Các cơ quan chủ quản báo chí cần làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, phóng viên, biên tập viên đảm bảo sự ổn định vững chắc giữa hiện tại, kế cận và kế tiếp, tránh để hụt hẫng. Phải coi trọng khâu tạo nguồn, tuyển chọn cán bộ về công tác ở các CQBC đáp ứng các tiêu chí quy định; đồng thời, có cơ chế, chính sách thu hút tài năng trẻ, nhất là với những lĩnh vực đặc thù. Đặc biệt, phải hết sức chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, phóng viên, biên tập viên; gắn đào tạo cơ bản với đào tạo tại chức, đào tạo trong nước với bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm quản lý, nghiệp vụ báo chí ở nước ngoài. Các CQBC cần chú trọng gửi cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành do Quân đội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Mặt khác, tích cực bồi dưỡng bằng hình thức: cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, người có kinh nghiệm bồi dưỡng người mới vào nghề; kết hợp với phát huy vai trò của các chi hội, liên chi hội nhà báo; động viên tinh thần tích cực, tự giác, tự học, tự bồi dưỡng của đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện, thiết thực, đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là tấm gương đạo đức, phong cách làm báo của Người. Để tạo điều kiện cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên có nhiều chất liệu thực tiễn trong tác nghiệp báo chí, các CQBC phải làm tốt công tác luân chuyển, đưa phóng viên, biên tập viên đi thực tiễn cơ sở, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, những nơi khó khăn, nguy hiểm; tạo điều kiện cho họ “đắm mình” vào cuộc sống, sinh hoạt của bộ đội; trên cơ sở đó có những tác phẩm báo chí thực sự mang hơi thở của thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động sản xuất, công tác… của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Là một bộ phận của nền báo chí cách mạng, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chỉ đạo thường xuyên của QUTƯ, BQP, mà trực tiếp là TCCT, BCQĐ sẽ tiếp tục phát huy vai trò to lớn của mình vào thực hiện nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Thiếu tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA
Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
_______________
1 - Hiện nay, toàn quân có gần 500 đồng chí được biên chế công tác tại các CQBC Quân đội, với trên 400 cán bộ, phóng viên, biên tập viên trực tiếp làm báo, trong đó 100% được đào tạo ở các nhà trường trong và ngoài Quân đội, 89% trình độ đại học và trên đại học.
2 - Tính đến tháng 6 năm 2013, trong Quân đội có các loại hình báo nói, báo viết, báo hình và báo điện tử, với 56 cơ quan báo chí (trong đó có 07 CQBC trực thuộc Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, do Tổng cục Chính trị trực tiếp quản lý; 49 báo, tạp chí chuyên ngành trực thuộc các đơn vị trong toàn quân). Ngoài ra, còn có 27 ấn phẩm báo chí phát hành nội bộ (tờ tin, thông tin, bản tin, tài liệu nghiệp vụ chuyên ngành).
Báo chí,quân đội
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học