Chủ Nhật, 24/11/2024, 02:11 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Chăm lo, bồi đắp và phát huy giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới là việc làm quan trọng, nhằm đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” vào đời sống hiện thực của cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). (Nguồn: qdnd.vn)
Giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” được hình thành và phát triển trong suốt quá trình gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nó có đặc trưng cơ bản là đậm nét bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Giá trị đó còn được thể hiện cô đọng trong lời khen tặng của Bác Hồ: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì CNXH. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”1.
Ra đời trong khói lửa của sự nghiệp đấu tranh cách mạng, Quân đội ta mang trong mình bản chất giai cấp công nhân của đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; không quản ngại gian khổ, hy sinh đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Và, chính điều đó là cơ sở hình thành phẩm chất cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng – giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Giá trị văn hóa đó, tiếp tục được thể hiện sinh động trong thực tiễn công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị, giúp dân phòng, chống thiên tai, bão lụt, tìm kiếm cứu nạn, xóa đói giảm nghèo,… và bằng chính sự nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng, tỏa sáng trong lòng nhân dân. Thông qua hoạt động thực tiễn, những nhân tố văn hóa mới không ngừng được bổ sung và phát triển đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt, khi toàn Đảng đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” thì yêu cầu phát huy giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” càng phải được nhận thức đầy đủ và quan tâm bồi đắp hơn nữa.
Trên cơ sở nhận thức sâu sắc về văn hóa và vai trò của văn hóa trong thời kỳ mới, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), chỉ rõ: “Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết cần cù, sáng tạo”2. Quán triệt tinh thần Nghị quyết, việc xác định nội hàm giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong điều kiện mới cần phải hướng tới mục tiêu phát triển con người toàn diện, mà nhiệm vụ trọng tâm là chăm lo xây dựng nhân cách người quân nhân cách mạng, với đặc trưng cơ bản là: Trung với Đảng. Sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam chính là kết quả vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội kiểu mới vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến; đồng thời, là sản phẩm trực tiếp của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trung với Đảng và trung với Nước ở đây quyện với nhau trong mối quan hệ hữu cơ giữa giai cấp, dân tộc và nhân dân - bản chất Quân đội ta mang bản chất giai cấp công nhân, đậm tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Trung với Nước, mà biểu hiện tập trung ở lòng yêu Nước, yêu quê hương tha thiết là cội nguồn của sức mạnh dân tộc và cũng là giá trị văn hóa truyền thống hàng đầu của dân tộc ta, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam. Phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được văn hóa cách mạng nuôi dưỡng, làm cho tâm hồn, khí phách và bản lĩnh mưu trí, dũng cảm, sáng tạo,… của người quân nhân cách mạng không ngừng phát triển, bảo đảm cho Quân đội ta luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Hiếu với dân. Dân tộc Việt Nam luôn đề cao chữ “hiếu” (dùng để răn dạy về đạo đức cho con, cháu đối với ông bà, cha mẹ), được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới để giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đó là: “Hiếu với dân”. Xuất thân từ nhân dân, vì nhân dân và cùng với nhân dân mà chiến đấu; sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội luôn đặt trong sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân. Quân đội với nhân dân là máu của máu, thịt của thịt. Quân đội ta gắn bó mật thiết với nhân dân như cá với nước. Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới mà quân đội lại được nhân dân yêu mến gắn với tên Lãnh tụ kính yêu của dân tộc: “Bộ đội Cụ Hồ”. Và cũng không có quân đội nào lại gọi vị Tổng Tư lệnh của mình là “Người Anh Cả”,… Đó chính là những giá trị nhân văn cao cả được kế thừa, phát huy từ giá trị truyền thống dựng nước và giữ nước của cha ông, phản ánh tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của một đội quân cách mạng luôn sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Từ trong khởi nghĩa toàn dân, chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Quân đội ta đã phát huy cao độ những giá trị văn hóa đánh giặc giữ nước của dân tộc; nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, không quản ngại gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên những chiến công oanh liệt, như: Chiến dịch Điện Biên Phủ - “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; Đại thắng mùa Xuân năm 1975, đưa cả nước đi lên CNXH và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả với tinh thần “giúp bạn là giúp mình”. Trong điều kiện đất nước hòa bình, hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ dầm mình trong lũ dữ để cứu tính mạng, tài sản của nhân dân, hay dũng cảm hy sinh để bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc,… đã tiếp tục củng cố niềm tin và sự cảm phục sâu sắc của nhân dân đối với Quân đội. Những việc làm đó, đã thiết thực bồi đắp giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” - xứng danh với lời khen ngợi của Bác: Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.
Hiện nay, sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại diễn ra cùng với quá trình đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Nhiều yếu tố văn hóa bên ngoài cũng được du nhập vào Việt Nam, tác động đa chiều đến lĩnh vực hoạt động quân sự. Sự xuất hiện những luồng tư tưởng phản động, kèm theo những “sản phẩm” văn hóa xấu độc, làm ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, tư tưởng và hành động của một bộ phận quân nhân, nhất là cán bộ trẻ và chiến sĩ. Điều đó, phần nào làm cản trở sự phát triển nhân tố văn hóa mới, tổn hại bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, cũng như môi trường văn hóa, trong đó có môi trường văn hóa quân đội. Vì thế, việc quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) là một yêu cầu cơ bản để kịp thời ngăn chặn những tác động tiêu cực, tạo môi trường thuận lợi để không ngừng củng cố, bồi đắp và phát huy giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời gian tới.
Trước hết, cần sớm xây dựng, ban hành Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới. Đây là việc làm rất cần thiết, phù hợp với Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI): “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn”3 và nội dung của Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” đang được đẩy mạnh thực hiện trong Quân đội. Sẽ là sai lầm nếu nhận thức giản đơn về việc xây dựng Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ”, hoặc cho rằng, không cần thiết phải xây dựng Chuẩn mực này. Bởi lẽ, Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” là kiểu mẫu nhân cách người quân nhân cách mạng, nó bao gồm cả một hệ thống giá trị được định hình, phát triển và hoàn thiện cùng với lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta. Khi nghiên cứu về nhân cách người quân nhân cách mạng, nhất thiết phải lấy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” làm tiêu điểm để quy chiếu mọi giá trị của Văn hóa Quân sự. Vì thế, quá trình nghiên cứu, xây dựng Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” phải được thực hiện một cách nghiêm túc, khoa học, có lộ trình phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, cơ quan, đơn vị tham gia ý kiến; làm sáng tỏ mọi góc cạnh về giá trị Văn hóa Quân sự, bảo đảm để nội dung Chuẩn mực “Bộ đội Cụ Hồ” đạt tầm khái quát cao, dễ nhớ, dễ thực hiện.
Hai là, khai thác và phát huy có hiệu quả vai trò “thẩm thấu” cơ bản của Văn hóa Quân sự. Trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội, nhằm làm cho cán bộ, chiến sĩ bị suy thoái, biến chất, thì việc phát huy vai trò “thấm thấu” cơ bản của Văn hóa Quân sự lại càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Vấn đề này, cần được quán triệt và thực hiện tốt, theo phương châm: “Dạy, dỗ, rèn, phản, phát”. Nghĩa là, để văn hóa thấm sâu vào mỗi quân nhân, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các cấp phải tiến hành đồng bộ các nội dung: giáo dục (dạy); thuyết phục, cảm hóa (dỗ); huấn luyện, rèn luyện (rèn); uốn nắn, chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc (phản) và phát huy tốt ý thức tự tu dưỡng của mỗi người. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm chăm lo mọi mặt cho sự phát triển toàn diện của người quân nhân cách mạng; tạo điều kiện thuận lợi để những phẩm chất, giá trị tốt đẹp Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng tỏa sáng, góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực làm xói mòn giá trị đích thực của Văn hóa Quân sự Việt Nam.
Ba là, luôn hướng hoạt động quân sự đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Giá trị đích thực của Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” chỉ được khẳng định khi nó toát lên những giá trị chân – thiện – mỹ. Thực tiễn gần 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam cho thấy, mục đích hoạt động của Quân đội được quy định bởi sự thống nhất về mục tiêu lý tưởng của Đảng là: vì độc lập dân tộc, vì CNXH, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Tất cả các cuộc chiến tranh chống xâm lược trong lịch sử dân tộc quân và dân ta đều là chính nghĩa. Vì lẽ đó mà Văn hóa Quân sự Việt Nam có giá trị nhân văn rất sâu sắc. Để giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” luôn được bồi đắp, phát triển trong thời kỳ mới, yêu cầu đối với hoạt động quân sự phải luôn quán triệt và nhất quán quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; đồng thời, phải thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, lao động, sản xuất và làm công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Mọi quân nhân đề cao trách nhiệm, phát huy lòng trung thành, đức hy sinh, dũng cảm vượt qua khó khăn, gian khổ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Thực hiện tốt những nội dung cơ bản trên đây là thiết thực củng cố, bồi đắp và phát huy giá trị Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần đưa Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) vào cuộc sống trong môi trường Quân đội .
ĐOÀN TÁ ANH __________
1 – Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 350.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ Chín Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2014, tr. 48 - 49.
3 – Sđd – tr. 47.
Nghị quyết,Trung ương 9,văn hóa,Bộ đội Cụ Hồ
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học