Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 07/04/2022, 06:48 (GMT+7)
Những định hướng về đường lối đổi mới trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”

Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân Việt Nam, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Đây là chân lý đã được thử thách và kiểm nghiệm trong thực tiễn đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam hơn 90 năm qua, nhất là qua hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nỗ lực tìm tòi, đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp ở mỗi thời kỳ; qua đó, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đại hội XIII của Đảng đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới với 12 định hướng lớn phát triển toàn diện, bền vững đất nước. Những định hướng đó, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập khá toàn diện, sâu sắc trong cuốn sách: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, được dư luận rất quan tâm và đánh giá cao.

Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình đấu tranh cách mạng, với sự kiên định, vững vàng trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhất quán khẳng định: chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, là khát vọng của dân tộc và nhân dân Việt Nam; đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta đã từng bước đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và đề ra đường lối đổi mới, đánh dấu bước chuyển to lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Sự nghiệp đổi mới là sự lựa chọn mang tính lịch sử, là quá trình thay đổi sâu sắc, toàn diện về nhận thức, tư duy lý luận, về chủ trương, đường lối xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; thật sự trở thành sản phẩm sáng tạo vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam. Nhờ sự kiên trì và nỗ lực của toàn dân, toàn quân dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay1. Thành tựu đó đã, đang củng cố vững chắc niềm tin; khơi dậy khát vọng mạnh mẽ và quyết tâm cao vươn lên của mọi người vì sự phát triển bền vững và phồn vinh của Tổ quốc và cũng vì hạnh phúc của nhân dân. Đó là điều kiện và tiền đề quan trọng để chúng ta vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra cho giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục bổ sung, phát triển, với những định hướng cơ bản sau.

Quang cảnh Lễ ra mắt Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tế về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”. Ảnh: tapchicongsan.org.vn

Định hướng đầu tiên hết sức quan trọng là phải “xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường”2. Việc Văn kiện của Đại hội XIII đặt yêu cầu phát triển bền vững về văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực khác là nét nổi bật và là sự bổ sung quan trọng rất cần được làm sâu sắc thêm. Điều đó cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”3.

Định hướng thứ 2 là “hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”4. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”5. Để thực hiện tốt chủ trương này, điều quan trọng là phải tạo được môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và nhất là sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội hiện có nhằm thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại; từ đó đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, xây dựng quốc gia số, xã hội số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Định hướng thứ 3 nhằm “tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”6. Định hướng này xuất phát từ tư tưởng Hồ Chí Minh về trọng dụng người tài: “Kiến thiết cần có nhân tài” và việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài để có nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước là nhiệm vụ quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt, trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng đãi ngộ người tài”7.

Định hướng thứ 4 về phát triển con người và xây dựng nền văn hóa Việt Nam được Tổng Bí thư quan tâm và luôn coi đó là một trong những trọng tâm, nội dung nổi bật trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Nghị quyết Đại hội XIII chỉ rõ: “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc để văn hóa và con người Việt Nam thực sự là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”8. Việc coi con người và văn hóa vừa là động lực, vừa là sức mạnh nội sinh để thúc đẩy phát triển đất nước nhằm mục tiêu “đến năm 2030,… là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao” và “đến năm 2045: trở thành nước phát triển, thu nhập cao”9 là sự phát triển nhận thức lý luận rất quan trọng về sự phát triển bền vững của Đảng ta.

Định hướng thứ 5 là bảo đảm an ninh con người. Phát triển toàn diện con người phải “trở thành trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”; con người phải được coi là mục đích cao nhất của sự phát triển, mọi người phải “được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển kinh tế”10. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải: “… quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người”11.

Trọng tâm của định hướng thứ 6 là khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, do “khai thác tài nguyên thiếu bền vững, hiệu quả quản lý, sử dụng chưa cao”12. Định hướng này đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không thể vì tăng trưởng kinh tế đơn thuần mà đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế. Bởi vậy, phải: “… chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững”13.

Định hướng thứ 7 phải “giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”14. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cần: “Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”15.

Định hướng thứ 8, “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”16. Việc chủ động hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả sẽ giúp chúng ta tranh thủ được sức mạnh và cơ hội nhiều mặt do thời đại tạo ra, nhất là về khoa học, công nghệ, thương mại nhằm rút ngắn khoảng cách và trình độ phát triển của nước ta với thế giới. Do vậy, cần: “… thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”17.

Định hướng thứ 9, thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ thực chất trong xã hội là tiền đề quan trọng tạo nên sự đồng thuận và đoàn kết xã hội vì sự phát triển của đất nước. Do vậy, cần “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội”18.

Định hướng thứ 10 chỉ rõ, “xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”19. Khi Nhà nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” thì sức mạnh của đất nước sẽ tăng lên gấp bội, Nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ được toàn dân triệt để ủng hộ và ngày càng trở nên vững bền. Do đó, phải “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực”20.

Định hướng thứ 11 về sự trong sạch, vững mạnh của hệ thống chính trị và năng lực cầm quyền hiệu quả của Đảng là một đảm bảo vững chắc cho chế độ xã hội chủ nghĩa. Bởi vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “… xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”21.

Định hướng thứ 12, “Tiếp tục nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ”22. Định hướng này bổ sung mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội. Nhấn mạnh mối quan hệ này nhằm: chống lại sự đòi hỏi dân chủ quá trớn, bất chấp kỷ cương, pháp luật; nhấn mạnh mối quan hệ giữa tự do và trách nhiệm; giữa quyền lợi và nghĩa vụ của mọi công dân đối với đất nước.

Như vậy, có thể thấy, cuốn sách của Tổng Bí thư góp phần quan trọng tổng kết, khẳng định: từ thực tiễn hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành, từng bước hoàn thiện và hiện thực hóa lý luận về đường lối đổi mới Việt Nam. Đồng thờithể hiện tầm nhìn, mục tiêu và các định hướng phát triển đất nước, đúc kết những bài học kinh nghiệm, những quan điểm chỉ đạo, những mối quan hệ lớn phù hợp với quy luật khách quan, để tiếp tục bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn mới.

PGS, TS. VŨ QUANG VINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
_________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 25.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 114.

3 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 27.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 114.

5 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 25.

6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 115.

7 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 64.

8 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 115 - 116.

9 - Sđd, Tập I, tr. 112.

10 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021,  tr. 81.

11 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 54.

12 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 73.

13 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 54.

14 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 117.

15 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 54.

16 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 117 - 118.

17 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 54.

18 – Sđd, tr. 54.

19 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 118.

20 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 54.

21 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 119.

22 - Sđd, Tập I, tr. 119.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...