Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:58 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã trở thành xu thế khách quan chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và quan hệ quốc tế, lôi cuốn nhiều nước tham gia. Cách đây đúng 5 năm - ngày 11-01-2007, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau lộ trình khá dài trước đó (10 năm) chuẩn bị những điều kiện cần thiết rất khó khăn, phức tạp, đặc biệt là đàm phán song phương. Nhìn lại 5 năm gia nhập WTO, chúng ta càng thấy rõ hơn những cơ hội và thách thức để có chủ trương, giải pháp hội nhập hiệu quả trong thời gian tới.
Các cam kết WTO của Việt Nam tương tự như cam kết của các nước gia nhập khác nằm trong khuôn khổ quy định của WTO, đồng thời, phục vụ cho mục tiêu nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa hàng nội địa và nhập khẩu hoặc giữa đầu tư trong và ngoài nước và minh bạch hóa. Các lĩnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam đã có cam kết, gồm: mở cửa thị trường thông qua cắt giảm các hàng rào thuế quan, chính sách giá cả minh bạch, không phân biệt đối xử và phù hợp với các quy định của WTO; giảm hoặc điều chỉnh lại thuế xuất khẩu đối vớí một số hàng hóa không áp dụng trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản từ thời điểm gia nhập; duy trì hỗ trợ nông nghiệp trong nước ở mức không quá 10% giá trị sản lượng; bãi bỏ hoàn toàn các loại trợ cấp công nghiệp bị cấm từ thời điểm gia nhập; các ưu đãi đầu tư đã cấp trước ngày gia nhập WTO sẽ được bảo lưu trong 5 năm (trừ các ưu đãi xuất khẩu đối với ngành dệt may); tuân thủ Hiệp định về Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIM) của WTO từ thời điểm gia nhập; áp dụng các loại phí và lệ phí theo quy định của WTO; tuân thủ Hiệp định về xác định trị giá tính thuế hải quan của WTO ngay từ khi gia nhập; tuân thủ Hiệp định về kiểm tra trước khi giao hàng cũng như các Hiệp định có liên quan khác của WTO; duy trì hệ thống thủ tục hải quan thống nhất, minh bạch, đơn giản và phù hợp với chuẩn mực quốc tế; các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ hoàn toàn hoạt động theo tiêu chí thương mại, nhà nước không can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào hoạt động của DNNN; chấp nhận điều khoản về nền kinh tế phi thị trường trong thời gian tối đa là 12 năm, tham gia vào một số hiệp định tự do hóa theo ngành; cam kết mở cửa thị trường dịch vụ tài chính, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ kế toán, kiểm toán, dịch vụ thuế.
Bước vào một sân chơi mới, Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong tiến trình hội nhập. Trước hết là, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm do tiếp cận thị trường quốc tế rộng lớn, bao gồm tất cả các nước thành viên với mức thuế nhập khẩu đã được cắt giảm, được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập (vì là nước đang phát triển). Hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường này không bị phân biệt đối xử, miễn là không vi phạm những quy chế và cam kết đã ký. Với một nền kinh tế có độ mở lớn như nền kinh tế của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu luôn chiếm trên 60% GDP, thì điều này là một trong những yếu tố tích cực bảo đảm tăng trưởng.
Là thành viên của WTO, Việt Nam có cơ hội hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế theo cơ chế thị trường định hướng XHCN và thực hiện công khai minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Đây là cơ sở quan trọng góp phần làm trong sạch bộ máy nhà nước, nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách kinh tế của Chính phủ, tạo được hệ thống chính sách minh bạch làm cơ sở thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện CNH,HĐH đất nước, bảo đảm tốc độ tăng trưởng và rút ngắn khoảng cách phát triển.
Gia nhập WTO, Việt Nam nâng cao được vị thế trong các mối quan hệ quốc tế, trong việc biểu quyết những vấn đề liên quan đến WTO; đặc biệt, chúng ta có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế mới công bằng hơn, hợp lý hơn, có điều kiện để bảo vệ lợi ích của quốc gia, của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho Việt Nam triển khai có hiệu quả "đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam XHCN giàu mạnh”1 và vì một thế giới hoà bình, hợp tác và phát triển.
Gia nhập WTO, Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến, những thị trường tài chính hàng đầu thế giới. Mặt khác, hàng hóa các nước thâm nhập thị trường trong nước đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh...
Bên cạnh những cơ hội của việc gia nhập WTO, Việt Nam cũng gặp không ít những thách thức. Một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt là cạnh tranh, cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn, trên bình diện sâu rộng hơn. Ở đây là sự cạnh tranh giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm các nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp các nước, không chỉ trên thị trường thế giới mà ngay trên thị trường nước ta do thuế nhập khẩu phải cắt giảm. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao, khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; nếu không, việc bị đào thải khỏi thị trường là không tránh khỏi, dẫn đến hậu quả là số lượng lao động thất nghiệp tăng cao. Bên cạnh đó, cạnh tranh còn diễn ra giữa nhà nước và nhà nước trong việc hoạch định chính sách quản lý và chiến lược phát triển nhằm phát huy nội lực và thu hút đầu tư từ bên ngoài. Tổng hợp các yếu tố cạnh tranh trên đây sẽ tạo nên sức cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế, sức cạnh tranh quốc gia.
Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện những cam kết, những thỏa thuận đã ký trong những hiệp định thương mại song phương, đa phương, cũng như các quy chế của WTO. Ngoài ra, là các vấn đề mới nảy sinh trong quá trình hội nhập, như: sự phân hóa, chênh lệch khoảng cách giàu, nghèo; vấn đề bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh quốc gia; giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chống lại lối sống thực dụng..., đó là những mầm mống của sự bất ổn về chính trị. Trong khi đó, cơ chế, chính sách về kinh tế – xã hội của ta đang trong quá trình hoàn thiện, chưa đồng bộ, thì đây cũng là khó khăn, thách thức không nhỏ trong quá trình hội nhập WTO.
Ngoài ra, việc gia nhập WTO cũng đòi hỏi Chính phủ phải tích cực nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có kỹ năng để đáp ứng yêu cầu của bộ máy quản lý đa năng và chuyên nghiệp hóa.
Như vậy, gia nhập WTO vừa đem lại cho Việt Nam những cơ hội lớn, tuy nhiên cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Đã 5 năm kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các định chế kinh tế toàn cầu, mở rộng thị trường hàng hoá dịch vụ, đầu tư quốc tế, đổi mới mạnh mẽ hơn và đồng bộ hơn các thể chế; đồng thời, cải tiến nền hành chính quốc gia theo hướng hiện đại. Có thể nói rằng, đây là định hướng và chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ trong công cuộc đưa Việt Nam từng bước hội nhập với kinh tế quốc tế và đã đem lại những thành quả tích cực: kinh tế phát triển ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, văn hóa – xã hội phát triển đa dạng; đặc biệt, lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng, từng bước kết hợp hài hòa hơn với phát triển kinh tế. Mặt khác, chính trị - xã hội ổn định, tiềm lực quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
5 năm tham gia vào WTO chưa phải là một khoảng thời gian dài để Việt Nam hoàn toàn hội nhập được với nền kinh tế thế giới, trước mắt còn nhiều thách thức lớn đặt ra. Tuy nhiên, với những thành tựu đã đạt được sau hơn 20 năm đổi mới, cùng với quá trình chuyển biến tích cực trong cạnh tranh và hội nhập kinh tế những năm vừa qua, cộng với kinh nghiệm và kết quả của các nước gia nhập WTO trước đó, cho phép chúng ta tin tưởng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân tộc, Việt Nam sẽ phát triển theo mục tiêu và định hướng đã đề ra.
Trên thực tế, việc gia nhập WTO không phải là điểm bắt đầu và kết thúc của quá trình hội nhập của Việt Nam. Đồng thời với việc gia nhập WTO, Việt Nam cũng đã và đang tham gia nhiều hiệp định tự do thương mại khu vực (như AFTA/ASEAN, ASEAN+1 FTA, TPP...). Điều rõ ràng là, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại, đầu tư và chuyển sang thể chế kinh tế thị trường đang diễn ra ngày càng sâu rộng và không thể đảo ngược. Nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế thế giới.
BÙI QUANG VINH
Ủy viên BCHTƯ Đảng,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
__________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 235-236.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học