Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 16/10/2014, 18:06 (GMT+7)
Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) với vấn đề xây dựng lòng yêu nước của con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), đã thảo luận, quyết định ban hành Nghị quyết “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Trong đó, đặt lên hàng đầu việc xây dựng lòng yêu nước của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Hình bản đồ Tổ quốc thiêng liêng - một cách thể hiện lòng yêu nước 
(Ảnh minh họa)

1. Con người, đạo đức và nhân cách là cốt lõi của văn hóa.

Văn hóa nói lên trình độ phát triển, sức sống và nguồn trữ năng, nhất là trữ năng tinh thần của một dân tộc, một đất nước; là diện mạo của quốc gia, được ví như tấm căn cước để dân tộc đến với thế giới nhân loại và hội nhập quốc tế. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa, vừa sản xuất ra văn hóa vừa cảm thụ, tiêu dùng và quảng bá văn hóa trong xã hội; đến lượt nó, văn hóa phát triển, hoàn thiện con người. Không có hoạt động sáng tạo của chủ thể người - ở tầm phổ quát là nhân dân, dân tộc và nhân loại thì không có bất cứ một thứ văn hóa nào được tạo ra. Cũng như vậy, nếu không được nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện trong môi trường văn hóa, bằng sự cảm thụ các giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần (tư tưởng, đạo đức, văn học, nghệ thuật, truyền thống, bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại được tiếp biến để thâu thái và phát huy thành sức mạnh nội sinh) thì con người không thể thành người, không thành nhân cách. Không có đạo đức, nhân cách nào hình thành và phát triển ở bên ngoài xã hội, ở bên ngoài những tác động của văn hóa. Bởi vậy, văn hóa và con người gắn liền với nhau như một chỉnh thể. Nói văn hóa, đương nhiên, tự nhiên và tất yếu đã nói tới con người, nghĩa là nói tới đạo đức, nhân cách - nơi kết tinh của văn hóa, là giá trị của mọi giá trị văn hóa. Thực tế cho thấy, xem nhẹ các giá trị đạo đức và giáo dục đạo đức thì chẳng những không thể tạo ra con người lành mạnh mà văn hóa cũng không thể phát triển vững chắc được. Về vấn đề này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, “cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, thói giả dối, bệnh thành tích,… đang có xu hướng lan rộng. Phải chăng, trong hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng?”1 Câu hỏi này thực sự là một tình huống có vấn đề, gây nên nỗi lo ngại lớn của Đảng, tâm trạng bức xúc của xã hội. Thẳng thắn thừa nhận rằng, để xảy ra tình trạng suy thoái đạo đức xã hội là một trong những khuyết điểm nổi bật trong 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII). Rõ ràng là, từ nhận thức đến lãnh đạo, quản lý và tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết, về giáo dục đạo đức, nhất là đạo đức truyền thống đối với con người Việt Nam nói chung, lớp trẻ nói riêng trong điều kiện phát triển mạnh mẽ kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đã không được quan tâm đúng mức, thậm chí bị xem nhẹ. Đây cũng là một điểm nghẽn của sự phát triển đất nước như Đảng ta đã chỉ ra và là nguyên nhân dẫn đến chất lượng thấp của nguồn nhân lực. Do đó, cần nhìn thẳng vào sự thật, tìm đúng nguyên nhân và áp dụng những giải pháp hữu hiệu nhằm chấn hưng đạo đức xã hội, coi đó là vấn đề cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam. Không vượt qua điểm nghẽn này thì các điểm nghẽn khác về thể chế và hạ tầng kỹ thuật - công nghệ cũng khó mà vượt qua được, càng không thể nói tới phát triển bền vững.

Điều sâu xa nhất của phát triển bền vững là phát triển bền vững con người, từ cá thể đến cộng đồng người trong xã hội, xét trên tất cả các mặt thể lực, tâm lực và trí lực. Quy tụ lại là chất lượng nhân cách con người, đó là vốn người, vốn nhân lực, thành phần quan trọng nhất, có tính quyết định tổng lượng vốn xã hội trong phát triển đất nước. Phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và quản trị xã hội mà không tính đến thước đo nhân văn, tức là văn hóa, sẽ dẫn tới mất triển vọng, thậm chí có nguy cơ biến dạng, thoái hóa thành phản phát triển. Mọi tình huống phản phát triển đều đồng thời là phản văn hóa, nó không hướng đích, mà còn làm tổn thương tới chân - thiện - mỹ, làm đạo đức suy đồi, nhân cách bị tha hóa, xã hội bị băng hoại về giá trị. Chính vì thế, Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI), coi xây dựng và phát triển con người với một hệ giá trị là sự nhấn mạnh, điểm cốt lõi của văn hóa, chủ thể sáng tạo văn hóa và cũng là mục tiêu hướng tới của văn hóa. Đây cũng là tính mới, điểm mới, chỗ phát triển so với Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII).

2. Xây dựng lòng yêu nước - Giá trị hàng đầu của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Lòng yêu nước là một tình cảm thiêng liêng gắn liền với ý thức về đất nước, Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc, sản phẩm của hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Điểm xuất phát, cái nôi, cũng là cội nguồn của lòng yêu nước là tình yêu quê hương, xứ sở, mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình, không gian sinh tồn của mỗi gia đình, cộng đồng, quốc gia dân tộc. Nó đồng thời gắn liền với tình thương yêu con người, thủy chung tình nghĩa, đó là người Mẹ và Tình Mẹ. Từ người mẹ cụ thể đã sinh thành, mang nặng đẻ đau, ấp ủ 9 tháng 10 ngày và “vượt cạn” trong nỗi đau thân xác mà cũng là hạnh phúc của tâm hồn nuôi dưỡng ta khôn lớn thành người bằng cả bầu sữa và lời ru đến Người Mẹ vĩ đại là Tổ quốc đã rèn đúc cho ta phẩm giá, nhân cách làm người.

Mẹ Việt Nam - người đã sinh ra ta - người Mẹ Tổ quốc, đã đi vào lịch sử như một huyền thoại, kết tinh bao giá trị cao quý, là niềm xúc động thiêng liêng cả một đời người, của muôn người, của thế hệ nối tiếp thế hệ, đã trở thành hình tượng của lịch sử dân tộc, một đề tài vĩnh cửu của văn học, nghệ thuật, một giá trị văn hóa có sức sống bền bỉ của dân tộc ở mọi thời đại. Đối với mọi thế hệ người Việt Nam, tình yêu quê hương, đất nước là tình cảm đặc biệt thiêng liêng, lắng đọng và sâu sắc; đất và người, đất và nước, là hình hài Tổ quốc, là “máu thịt” của ta, như nhà thơ Giang Nam đã viết: “Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/Có những ngày trốn học bị đòn roi/Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”. Nhờ tình cảm thiêng liêng ấy mà dân tộc Việt Nam trường tồn, phát triển. Dẫn ra ví dụ trên đây cốt để nói tới điều hệ trọng là xây dựng lòng yêu nước cho con người Việt Nam hiện nay phải đặc biệt chú trọng giáo dục về tình cảm và đạo đức, phải khai thác tối đa sức biểu cảm của văn học nghệ thuật, nói rộng ra là các giá trị của văn hóa tinh thần. Đó cũng là lý do Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) xác định yêu nước, xây dựng lòng yêu nước là giá trị hàng đầu của con người Việt Nam. Và được thể hiện rất đậm nét, xuyên suốt từ mục tiêu, quan điểm đến nhiệm vụ, giải pháp, như: xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học (mục tiêu chung). Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường, điều kiện để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức pháp luật, đề cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước (mục tiêu cụ thể). Ở phần quan điểm, Nghị quyết nhấn mạnh, trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Nghị quyết đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc.

Xây dựng lòng yêu nước cho con người Việt Nam, xét về thực chất là giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức, niềm tự hào dân tộc và Tổ quốc mình. Đó là sự kết hợp giữa giáo dục nhận thức với bồi dưỡng tình cảm, củng cố niềm tin để thúc đẩy hành động. Đây là hoạt động tự giác, sáng tạo, có chủ đích mà các chủ thể giáo dục tác động thường xuyên, bền bỉ tới các đối tượng, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới cán bộ, đảng viên, công chức và thế hệ trẻ. Nhất là, giáo dục niềm tự hào chính đáng về dân tộc và truyền thống dân tộc, đó cũng là sự hình thành, kết tinh từ lịch sử. Giáo dục lòng trung thành và đức hy sinh vì Đảng, vì Tổ quốc, dân tộc và nhân dân cho các đối tượng nói chung, đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang nói riêng là một nội dung quan trọng, cần phải được quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, trong lúc bình thường cũng như khi nền độc lập, tự do của Tổ quốc lâm nguy.

Giáo dục lòng yêu nước để xây dựng lòng yêu nước như một giá trị văn hóa, thấm sâu vào ý thức, tinh thần, thành sức mạnh của lý trí và tình cảm, tâm hồn mỗi người Việt Nam, ở mọi thế hệ, tạo ra sức cộng hưởng lớn của ý chí và hành động, muôn người như một trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vào lúc này trở nên vô cùng hệ trọng. Đó phải là điểm tương đồng lớn nhất, nổi bật nhất để quy tụ đoàn kết, thống nhất, đồng thuận toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy cao độ nội lực trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, phát triển đất nước, hội nhập quốc tế. Nền tảng tinh thần và sức mạnh nội sinh ấy vừa bắt nguồn, vừa là kết quả được tạo ra từ lòng yêu nước của mỗi con người, cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, như Nghị quyết đã xác định: “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”2.

Để xây dựng lòng yêu nước, chúng ta không chỉ chú trọng giáo dục mà còn phải nỗ lực chuyển hóa giáo dục thành tự giáo dục ở mỗi người, mỗi nhà, ở từng tổ chức, tập thể, tạo thành nhu cầu tự thân, kết nối thành phong trào và lực lượng của toàn dân. Có như vậy mới hình thành thói quen, trở nên tự giác, bền vững, định hình ở lối sống, hành vi và hoạt động của mỗi người. Do đó, xây dựng lòng yêu nước, lấy giáo dục làm tiền đề, lấy thực hành làm mục đích, lấy hiệu quả và sức lan tỏa rộng khắp của tình cảm, hành động yêu nước để bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm thước đo đánh giá. Thực hành ấy chính là thực hành thi đua yêu nước, theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua. Ai thi đua, ấy là người yêu nước nhất”. Người từng viết và nói như vậy khi ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc hơn 65 năm về trước. Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay, được Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) đặc biệt nhấn mạnh. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, phát huy dân chủ và sáng tạo, nhấn mạnh xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước, chú trọng đạo đức, lối sống và sự gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên là nội dung quan trọng trong học tập và làm theo Bác. Đồng thời, chủ động đấu tranh phòng, chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trên lĩnh vực văn hóa. Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết, bởi nó liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, sinh mệnh của Đảng. Chính ở đây càng cho thấy tác dụng to lớn và tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược của xây dựng lòng yêu nước cho con người Việt Nam - động lực to lớn của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

3. Xây dựng lòng yêu nước để thực hành văn hóa làm người, Ái Quốc để Ái Dân.

Vào lúc này, giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc và trách nhiệm với Tổ quốc mà sâu xa là trách nhiệm trước dân, vì cuộc sống hạnh phúc của dân với giáo dục lý tưởng cách mạng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng hòa quyện, thống nhất làm một. Từng tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải coi việc thực hiện Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam chẳng những là nghĩa vụ, trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước dân mà còn là sự thôi thúc của đạo đức, lương tâm, danh dự và lẽ sống vì dân, vì nước, vì độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng có sứ mệnh cao cả dẫn dắt cả dân tộc thực hiện.

Nhân dân ta luôn có niềm tin, tự hào về Đảng của mình. Qua những chặng đường lịch sử vẻ vang, đoàn kết trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân đã trở thành một giá trị văn hóa bền vững, làm nên sức sống của Đảng, uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của Đảng trong lòng dân và trong xã hội. Xây dựng và thực hành văn hóa trong Đảng, trong dân lúc này phải sao cho lòng dân - ý Đảng và phép Nước trở thành nguồn xung lực văn hóa tinh thần mạnh mẽ, đủ sức kích hoạt mọi hành động, sáng tạo, góp sức vào công cuộc chấn hưng dân tộc, chấn hưng đạo đức, chấn hưng giáo dục. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhằm vào sự chấn hưng đó để phát triển bền vững.

Trong nỗ lực sáng tạo để cụ thể hóa những giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, với điểm nhấn quan trọng là xây dựng lòng yêu nước, chúng ta cần nuôi dưỡng bền bỉ nhu cầu văn hóa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Khi Người nói, Đảng ta là một Đảng cách mạng chân chính, Đảng là đạo đức là văn minh, đảng viên đi trước làng nước theo sau, một tấm gương sống còn quý hơn hàng trăm bài diễn văn,… là lúc Người quan tâm đặc biệt tới chất lượng văn hóa ở trong Đảng. Đó không chỉ là văn hóa chính trị mà còn là văn hóa đạo đức, là đem đạo đức cách mạng để chiến thắng “giặc nội xâm”, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Để làm cho sức mạnh nội sinh của văn hóa trở thành hiện thực, thành động lực mạnh mẽ của phát triển bền vững, phải bắt đầu từ trong Đảng lan tỏa rộng rãi trong xã hội, thấm sâu vào trong kinh tế và chính trị, trong đời sống của nhân dân.

Những đúc kết như châm ngôn văn hóa của Hồ Chí Minh, đặc biệt là về đạo đức cách mạng cần được chúng ta hiểu thấu và thực hành nghiêm túc nhất. Đó là, “dĩ công vi thượng”, “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết”, “phụng công thủ pháp”, “thực hành dân chủ rộng rãi”, “dùng văn hóa để tẩy sạch quan liêu tham nhũng”, “có đủ bốn đức cần, kiệm, liêm, chính mới là người hoàn toàn”, v.v. Người nhiều lần nhấn mạnh “Tổ quốc trên hết”, “Dân tộc trên hết”, “Dân là quý nhất”, “không làm điều gì trái ý dân”, v.v. Đó là những chỉ thị văn hóa trong đạo làm người, trong đạo lý và đạo nghĩa cách mạng và bao nhiêu những lời đẹp đẽ khác, thể hiện đạo đức, lẽ sống cao thượng của Người mà chúng ta cần thực hành. Ngày nay, phát triển đất nước thực hiện độc lập - tự do - hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân là lợi ích cốt lõi, cao nhất của quốc gia - dân tộc, là thông điệp lớn nhất của phát triển theo tư tưởng, hoài bão, khát vọng Hồ Chí Minh. Đó cũng là định hướng và mục tiêu của xây dựng lòng yêu nước cho con người Việt Nam.

Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì lòng yêu nước ấy lại nổi lên như một làn sóng mạnh mẽ, to lớn, lướt qua mọi sự nguy hiểm, nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước. Bác Hồ đã nói với chúng ta như vậy. Người còn nhấn mạnh, thà hy sinh tất cả chứ quyết không chịu làm nô lệ; không có gì quý hơn độc lập, tự do. Nỗi đau mất nước và nỗi nhục nô lệ đã thức tỉnh cả dân tộc chiến đấu hy sinh, giữ gìn và nâng cao phẩm giá Việt Nam. Ý thức dân tộc và lòng yêu nước ấy, tiếp nối truyền thống ông cha, ngày nay chúng ta thấm thía nỗi nhục nghèo nàn lạc hậu, phải đánh thắng giặc ngoại xâm, đánh thắng nghèo nàn lạc hậu, đánh thắng cả “giặc nội xâm” vốn ẩn nấp trong mỗi con người, nó đang trỗi dậy làm tổn hại tới dân, làm suy yếu Đảng và dân tộc. Đem văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đem lòng yêu nước biến thành hành động yêu nước để tận trung với nước, tận hiếu với dân như Bác Hồ đã suốt đời thực hiện. Đó là đòi hỏi bức xúc hiện nay đối với Đảng và nhân dân ta. Ái Quốc và Ái Dân là tên của Bác lúc sinh thời. Ở đó, Bác nhắn gửi, ký thác và thúc giục chúng ta ra sức thực hành văn hóa - văn hóa làm người.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO, Hội đồng Lý luận Trung ương

TS. TRẦN THỊ MINH TUYẾT, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
______________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI), Nxb CTQG, H. 2014, tr. 8.

2 - Sđd, tr. 47.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...