Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:46 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Trinh sát, nghiên cứu, đánh giá địa hình là nội dung quan trọng giúp người chỉ huy hạ quyết tâm, chỉ huy, điều hành tác chiến nhanh chóng, kịp thời, chính xác. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong điều kiện mới, các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong nâng cao chất lượng huấn luyện địa hình quân sự, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Địa hình quân sự được giảng dạy trong các học viện, nhà trường Quân đội và là một nội dung huấn luyện chiến đấu hằng năm cho sĩ quan, nhân viên chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Những năm qua, cùng với thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc bản đồ quốc phòng, viễn thám quân sự, Cục Bản đồ đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị về công tác huấn luyện, trực tiếp là Nghị quyết số 765-NQ/QUTW, ngày 20/12/2012 của Quân ủy Trung ương về việc nâng cao chất lượng công tác huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo; chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng hằng năm của Tổng Tham mưu trưởng; chủ động tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường toàn quân duy trì nghiêm nền nếp huấn luyện, giảng dạy địa hình quân sự cho các đối tượng sát yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, chất lượng ngày càng nâng cao. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị làm tham mưu và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm địa hình quân sự cho các cuộc diễn tập lớn, như: MT-22, PT-23, TC-23; chỉ đạo Ngành bảo đảm địa hình cho người chỉ huy các cấp soạn thảo văn kiện quân sự, quốc phòng và tổ chức huấn luyện, diễn tập. Tham mưu tổ chức Hội thi kỹ thuật ngành Địa hình quân sự toàn quân; đặc biệt, đã tổ chức, huấn luyện Đội tuyển “Kinh tuyến” tham gia Hội thao quân sự Quốc tế đạt giải Ba (năm 2021) và đứng thứ 4/8 đội (năm 2022).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác huấn luyện địa hình quân sự vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nội dung, chương trình huấn luyện, giảng dạy chưa thống nhất; giáo viên của môn học này cơ bản vẫn kiêm nhiệm; cơ chế bảo đảm còn chồng chéo; vật chất bảo đảm cho huấn luyện, nhất là trang bị phục vụ huấn luyện các nội dung mới, hiện đại chưa đáp ứng được yêu cầu, v.v.
Thời gian tới, cùng với sự phát triển về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, các lĩnh vực hàng không, vũ trụ, điện tử, tin học, viễn thám và công nghệ số đã, đang phát triển như vũ bão sẽ tác động lớn đến hình thức, phương pháp, phương tiện chỉ huy và đặt ra yêu cầu rất cao trong quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu địa hình, bản đồ quân sự, v.v. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, nhà trường toàn quân cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác địa hình quân sự; trên cơ sở đó, đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện đối với nội dung quan trọng này; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau.
Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác huấn luyện địa hình quân sự. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới của Quân ủy Trung ương, Cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục rà soát, bổ sung mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình thực hiện nghị quyết nâng cao chất lượng huấn luyện chiến đấu nói chung và huấn luyện địa hình quân sự nói riêng sát với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, tập trung thống nhất nội dung đào tạo, huấn luyện, tập huấn, hội thi; cập nhật các nội dung liên quan đến công nghệ nghiên cứu, đánh giá địa hình hiện đại; đổi mới phương pháp giảng dạy, huấn luyện, lấy thực hành làm chủ đạo; củng cố, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ huấn luyện; làm tốt công tác bảo đảm vật chất, trang bị, nhất là trang bị mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình huấn luyện, đào tạo, v.v. Để tạo thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, nhà trường triển khai thực hiện, Cục tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chức năng quán triệt, cụ thể hóa các chỉ tiêu, nhiệm vụ; xây dựng chương trình, đề án, hoạt động chuyên đề hướng vào nâng cao chất lượng huấn luyện địa hình quân sự toàn quân. Nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ, sửa đổi Điều lệ ngành Địa hình quân sự; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền trong tổ chức huấn luyện, kiểm tra, đánh giá và bảo đảm trang bị, vật chất thiết yếu. Phối hợp chặt chẽ với Cục Quân huấn, Cục Nhà trường xây dựng hợp phần nội dung địa hình quân sự trong chương trình huấn luyện chiến đấu, đào tạo; ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nội dung huấn luyện, giảng dạy, kiểm tra, đánh giá, phúc tra, bồi dưỡng, tập huấn,... làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện, góp phần nâng cao kết quả huấn luyện địa hình quân sự nói riêng và chất lượng công tác địa hình quân sự nói chung. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu phân định trách nhiệm trong bảo đảm trang bị, bảo đảm kỹ thuật, huấn luyện địa hình quân sự, khắc phục tình trạng chồng chéo, kém hiệu quả.
Hai là, tiếp tục chuẩn hóa, hiện đại hóa nội dung, chương trình và đẩy mạnh đổi mới phương pháp huấn luyện địa hình quân sự. Đặc thù của môn học địa hình quân sự chủ yếu là thực hành và phải phù hợp với các khoa mục khác trong quá trình huấn luyện, đào tạo. Vì vậy, để nâng cao chất lượng môn học, thời gian tới, trên cơ sở quán triệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, học viện, nhà trường nghiên cứu thống nhất, tinh chỉnh nội dung, cập nhật thông tin, tăng thời gian thực hành, thực tế của học viên phù hợp với tiến trình đổi mới quy trình, chương trình đào tạo theo hướng kết hợp truyền thống với hiện đại, chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát thực tiễn huấn luyện, diễn tập ở đơn vị. Trong đó, chú trọng xây dựng quy trình huấn luyện địa hình quân sự phù hợp với nghiệp vụ trinh sát, quân báo; bên cạnh các nội dung huấn luyện truyền thống, lựa chọn bổ sung các nội dung về: công nghệ xử lý ảnh; công nghệ định vị vệ tinh; công nghệ viễn thám quân sự phục vụ trinh sát, nghiên cứu địa hình, quản lý cơ động lực lượng; công nghệ bản đồ số trong xây dựng, lưu trữ các loại bản đồ: địa hình, hình thái tác chiến, thực hiện nhiệm vụ quân sự. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong công tác huấn luyện, giảng dạy; tiếp tục biên dịch, biên soạn tài liệu, giáo trình về địa hình quân sự; xây dựng thư viện phim, ảnh tư liệu về địa hình, phân tích địa hình theo mục tiêu hoạt động quân sự; mô phỏng quá trình trinh sát, nghiên cứu, đánh giá, sử dụng địa hình cho các tình huống cụ thể. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp huấn luyện, đào tạo theo phương châm lấy người học làm trung tâm, lấy tự học, tự nghiên cứu là chính; chú trọng kỹ năng nghiên cứu địa hình trên bản đồ, đặc biệt là nghiên cứu, xác định giá trị quân sự của từng loại địa hình trên thực địa. Trong huấn luyện thực hành, cần xây dựng bài tập đúng thực tế, bám sát nhiệm vụ, hoạt động quân sự của đơn vị, phân nhóm học viên làm từng bài tập, nâng cao nhận thức, ý thức nghiên cứu địa hình trong mọi hoạt động quân sự, nhất là trong diễn tập, bổ sung các văn kiện tác chiến. Bên cạnh đó, Cục đổi mới nội dung, phương pháp tập huấn, hội thi phù hợp với thực tế huấn luyện chiến đấu và công nghệ mới trong tham mưu địa hình; duy trì nền nếp chế độ giao ban kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật chủ chốt của Ngành và cán bộ giảng dạy để cập nhật, phổ biến thông tin, thảo luận phương pháp huấn luyện, giảng dạy những vấn đề khó, mới phát sinh trong thực tiễn.
Ba là, duy trì nền nếp, chất lượng huấn luyện và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cho cán bộ làm công tác huấn luyện địa hình quân sự. Để khắc phục những bất cập của đội ngũ giảng dạy, huấn luyện địa hình quân sự hiện nay, trước mắt, Cục tăng cường tổ chức tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên địa hình quân sự trong toàn quân, làm nòng cốt tham mưu, triển khai công tác huấn luyện của các cơ quan, đơn vị; bồi dưỡng kiến thức công nghệ địa hình tiên tiến cho giáo viên địa hình quân sự các học viện, nhà trường. Nội dung tập huấn, bồi dưỡng chủ yếu cập nhật công nghệ mới về viễn thám quân sự; định vị, dẫn đường quân sự; hệ thông tin địa lý; mô phỏng, phân tích địa hình và khai thác trang thiết bị. Phối hợp chỉ đạo các bộ môn, tổ giáo viên địa hình quân sự tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, thảo luận, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy; duy trì hoạt động phương pháp, giảng thử, giảng mẫu. Về lâu dài, Cục phối hợp chỉ đạo các học viện, nhà trường chú trọng tuyển chọn cán bộ có thâm niên hoạt động trinh sát, tham mưu tác chiến, huấn luyện để bồi dưỡng cơ bản, chuyên nghiệp ở trong và ngoài nước, tạo nguồn giáo viên, giảng viên địa hình quân sự và lực lượng bảo đảm địa hình quân sự toàn quân. Cục tăng cường kiểm tra việc chấp hành nền nếp, nội dung, thời lượng huấn luyện địa hình quân sự; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị lựa chọn các sĩ quan có kinh nghiệm công tác để thực hiện nhiệm vụ. Trước khi tổ chức huấn luyện, các cơ quan, đơn vị, nhà trường cần rà soát thống nhất nội dung, cập nhật, bổ sung các kiến thức mới; phối hợp với cơ quan bản đồ các cấp bảo đảm tư liệu địa hình, hướng dẫn khai thác, sử dụng trang bị,... để huấn luyện sát thực tế.
Bốn là, tổ chức tốt công tác bảo đảm cho huấn luyện địa hình quân sự. Địa hình quân sự là một nội dung có tính đặc thù trong chương trình huấn luyện chiến đấu, đòi hỏi mọi hoạt động phải sát thực tiễn huấn luyện, tác chiến. Vì vậy, để nâng cao chất lượng huấn luyện, Cục tiếp tục phối hợp với các cơ quan: Quân lực, Quân huấn, Nhà trường, tham mưu cho Bộ Tổng Tham mưu phân cấp kinh phí bảo đảm kỹ thuật cho các loại trang thiết bị và vật tư tiêu hao trong huấn luyện, làm nghiệp vụ; đầu tư xây dựng phòng học chuyên dùng với trang thiết bị hiện đại, đồng bộ cho các nhà trường trọng điểm và mua sắm trang thiết bị tập trung để cấp phát cho đơn vị. Tập trung vào những trang thiết bị hiện đại, như: máy tính chuyên dùng chạy các phần mềm bản đồ, viễn thám, viết vẽ văn kiện quân sự; hệ thống định vị, dẫn đường; các thiết bị bay chụp ảnh, đo đạc, in ấn; xây dựng hệ thông tin địa lý và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; các loại phần mềm nghiên cứu, đánh giá địa hình và hỗ trợ ra quyết định chỉ huy. Ưu tiên cho các đơn vị đang được đầu tư tiến lên hiện đại; các đơn vị đủ quân, làm nhiệm vụ đặc thù, v.v. Đồng thời, duy trì thực hiện tốt công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định đảm bảo hoạt động ổn định, hiệu quả của trang bị.
Công tác địa hình quân sự có vai trò quan trọng trong hoạt động quân sự và đang có bước phát triển nhảy vọt nhờ ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại. Vì vậy, toàn quân cần quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện nội dung này cho các đối tượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá, TS. BÙI YÊN TĨNH, Phó Cục trưởng Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu
Cục Bản đồ,địa hình quân sự,chất lượng huấn luyện,bảo vệ Tổ quốc
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học