Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:30 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Dự báo chiến lược là một trong những nội dung cơ bản của hoạt động nghiên cứu, hoạch định chiến lược và là đặc trưng chủ yếu, quan trọng của tư duy chiến lược - tư duy dự báo. Dự báo đúng là cơ sở khoa học để Đảng ta hoạch định đường lối cách mạng đúng đắn; ngược lại, dự báo sai sẽ nguy hại đến an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc, thậm chí cả sự tồn vong của chế độ.
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam là những trang sử chói lọi về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng, trong đó đặc biệt xuất sắc là công tác dự báo chiến lược, nhất là nhận định, đánh giá tình hình, dự báo chiến lược trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thực tế cho thấy, sai lầm về dự báo chiến lược là rất nghiêm trọng, nhưng nghiêm trọng hơn là đưa ra một chiến lược sai.
Công tác dự báo chiến lược luôn được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quan tâm đúng mức, tổ chức thực hiện quyết liệt và đã thu được những kết quả nhất định trên các lĩnh vực, nhất là quốc phòng, quân sự, an ninh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác dự báo chiến lược còn nhiều hạn chế. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Công tác nắm tình hình, dự báo chiến lược về quốc phòng, an ninh có lúc chưa thật chủ động”1 và khi nêu bài học kinh nghiệm đã khẳng định: “Chủ động nghiên cứu, nắm bắt dự báo đúng tình hình, không để bị động bất ngờ”2. Vì vậy, để tiếp tục nghiên cứu, quán triệt phương hướng, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh do Đại hội XIII của Đảng xác định: “nâng cao năng lực dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”3, đặt ra vấn đề cần phải nâng cao chất lượng dự báo chiến lược; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Nhận thức về dự báo chiến lược
Dự báo trong lĩnh vực quân sự là: “Xác định trước, có luận cứ khoa học về triển vọng phát triển của lực lượng vũ trang, kỹ thuật quân sự, nghệ thuật quân sự, tiến trình và kết cục của chiến tranh có thể xảy ra”4. Như vậy, dự báo nói chung, dự báo chiến lược nói riêng là tiến hành công việc của tương lai, nên rất khó và phức tạp. Dự báo chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh còn khó khăn, phức tạp hơn, vì nó phụ thuộc vào đặc điểm, tính chất đặc thù của chính hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh. Đây là lĩnh vực được bảo vệ, bảo mật nghiêm ngặt, nên mọi hoạt động nghiên cứu, nắm bắt tình hình hết sức khó khăn, gay go, quyết liệt và vô cùng nhạy cảm, dự báo không chính xác sẽ dẫn đến hậu quả khôn lường. Dự báo chiến lược trong lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, dân tộc, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ trong khu vực và quốc tế. Vì thế, lực lượng hoạt động ở lĩnh vực này cần phải là những người “thông thái”, có tầm nhìn xa, dài hạn mới đảm bảo chất lượng công tác dự báo nói chung, dự báo chiến lược nói riêng.
Yêu cầu nâng cao chất lượng công tác dự báo
(1) Công tác dự báo phải đạt được tính khách quan, trung thực, không gò ép, dự báo đầy đủ cả tích cực, tiêu cực, vận hội, cơ hội, thời cơ, nguy cơ và thách thức; ở cả hai chiều biến cố rủi ro và những cơ hội đưa đến, dự kiến được cả hai mặt thuận - nghịch mà không “kiêng” những chỗ (vấn đề, lĩnh vực, khu vực) có thể xảy ra nguy hiểm. (2) Dự báo phải bảo đảm tính chính xác cao, nghĩa là kết quả dự báo phải trên cơ sở khoa học tin cậy, có phương pháp luận khoa học, chặt chẽ, hợp lý. Dự báo càng sát, đúng thì giá trị của dự báo càng cao. (3) Dự báo phải bám sát thực tiễn và phải ở tầm chiến lược, tư duy dự báo nhất thiết phải là tư duy trải nghiệm, phải bám sát thời cuộc và yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Kết quả dự báo phải có tầm nhìn xa, tầm nhìn dài hạn và có giá trị ảnh hưởng, tác động đến các vấn đề cơ bản của cách mạng, lợi ích quốc gia - dân tộc. (4) Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh, dự báo chiến lược phải phù hợp đặc điểm, tính chất đặc thù của hoạt động quân sự, quốc phòng, an ninh và phải chịu sự chi phối bởi các hoạt động có tính đặc thù ấy. Dự báo phải có tính hướng đích rõ ràng, nghĩa là phải nhằm hoạch định chiến lược trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, an ninh.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược
Để nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải luôn quán triệt đầy đủ, nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm giữ đúng định hướng chính trị trong công tác dự báo. Trong đó, các nhiệm vụ ngắn hạn được xác định trong kế hoạch 05 năm của các kỳ đại hội Đảng, trung hạn là Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế - xã hội hoặc dài hạn là định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, v.v. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, nhằm cung cấp lý luận và các luận cứ khoa học cho công tác dự báo. Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận chưa được quan tâm đúng mức, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu, một số vấn đề mới, khó, phức tạp chưa được làm sáng tỏ”5. Vì vậy, cần phải: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới cũng như lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”6. Trong đó, cần hết sức chú trọng nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ các vấn đề thực tiễn đặt ra về chủ nghĩa xã hội ngày nay, như: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; đường lối chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc và nhiều vấn đề khác, nhằm cung cấp luận cứ khoa học, bảo đảm cho dự báo chiến lược có chất lượng cao. Dự báo chiến lược phải toàn diện, nhưng hết sức tập trung, có trọng tâm, trọng điểm vào các vấn đề cốt lõi của chiến lược cần hoạch định, nhất là các vấn đề nổi cộm, các thách thức chủ yếu tác động đến sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, v.v. Kết quả dự báo phải cập nhật tình hình mới nhất, liên quan đến chiến lược cần dự báo và phải có tính đột phá về chiến lược, làm xoay chuyển về căn bản bản chất của chiến lược được hoạch định theo hướng tích cực. Nội dung dự báo nhất thiết phải ở tầm chiến lược, có giá trị lớn đối với lợi ích quốc gia - dân tộc với tầm nhìn dài hạn.
Nội dung dự báo chiến lược thường gồm những vấn đề về sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực; các vấn đề liên quan đến: an ninh, chính trị nội bộ, sự phát triển của nền kinh tế, xã hội, đối ngoại, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Về an ninh, cần dự báo các âm mưu, thủ đoạn và hành động chống phá mới của các thế lực thù địch, nhất là về chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, bạo loạn ly khai, v.v. Về nội bộ, cần dự báo rõ các vấn đề liên quan đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đoàn kết nội bộ, sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, nạn tham nhũng, lòng tin của nhân dân; khả năng có thể hình thành lực lượng chính trị đối lập, gây đột biến về chính trị để “có biện pháp và xử lý kịp thời những nhân tố bất lợi, nhất là những nhân tố có thể gây đột biến”. Về quân sự, quốc phòng cần tập trung dự báo các thách thức về quốc phòng, các tình huống quốc phòng, các hình thái chiến tranh. Dự báo toàn diện, nhưng tập trung vào các vấn đề chủ yếu, các điểm nóng, nhất là các vấn đề về bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ trên biển, đảo, không gian mạng, biên giới theo phương châm “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”. Tình hình an ninh chính trị ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các khả năng có thể xảy ra bạo loạn lật đổ, bạo loạn ly khai, xung đột và chiến tranh trên biển, đảo, biên giới, không gian mạng, v.v. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần quan tâm dự báo cả về sự tác động từ những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, khủng bố, buôn lậu, tội phạm xuyên quốc gia, v.v.
Dự báo chiến lược là để hoạch định chiến lược, vì vậy nội dung dự báo phải bám sát nội dung chủ yếu của chiến lược dự kiến hoạch định. Đồng thời, phải nâng cao năng lực hoạch định chiến lược cho đội ngũ cán bộ chiến lược. Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Công tác cán bộ phải thực sự là “then chốt của then chốt”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ”7. Cùng với đó, ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học - công nghệ vào công tác dự báo.
Một nội dung quan trọng cần hết sức quan tâm là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nghiên cứu chiến lược, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nghiên cứu dự báo chiến lược, một cách hợp lý, nhưng có sự vận dụng linh hoạt. Coi trọng quá trình thu thập và xử lý thông tin, kết hợp chặt chẽ hoạt động của cơ quan trung tâm và các cơ quan liên quan, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, trong xác định các vấn đề chủ yếu của dự báo chiến lược và nội dung chủ yếu của chiến lược hoạch định. Vì chiến lược là sự thể hiện cao độ ý chí, quyết tâm, trí tuệ, phẩm chất và bản lĩnh của người lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến lược, nhất là người đứng đầu. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Đề cao trách nhiệm người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị, giữ vững kỷ cương”8. Nêu cao trách nhiệm của cơ quan trung tâm, lực lượng nòng cốt trong dự báo và hoạch định chiến lược, đảm bảo phải có đủ năng lực đưa ra các nội dung dự báo chủ yếu và có khả năng cao trong việc khai thác trí tuệ của các cơ quan phối hợp, để đưa ra dự báo chiến lược hoàn chỉnh, chất lượng cao.
Tư duy chiến lược, nhất là tư duy dự báo chiến lược quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ rất khó, cần phải nhanh nhạy, linh hoạt, trí tuệ để có đủ khả năng phân tích, đánh giá nhanh, chính xác tình hình; đồng thời, đưa ra dự báo sát, đúng, kịp thời để Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, đòi hỏi đội ngũ này phải nắm chắc các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh nghiệm lịch sử, giỏi phân tích hiện tại, tiếp thu tinh hoa thế giới, biết kết hợp hài hòa các vấn đề dân tộc và thời đại, dự báo các vấn đề chiến lược khu vực, thế giới liên quan đến Việt Nam, giúp Đảng hoạch định đường lối chiến lược về quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, hiệu quả.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH ______________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 87.
2 - Sđd, Tập I, tr. 98.
3 - Sđd, Tập I, tr. 159.
4 - Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, H. 1996, tr. 232.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 90, 91.
6 - Sđd, Tập I, tr. 181, 182.
7 - Sđd, Tập I, tr. . 96.
8 - Sđd, Tập I, tr. 97.
dự báo chiến lược,quốc phòng,an ninh
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học