Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 21/05/2018, 08:19 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường Quân đội

Phát huy kết quả đã đạt được, các học viện, nhà trường trong Quân đội tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về dạy, học ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước về dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân và nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của ngoại ngữ đối với nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế về quốc phòng ngày càng sâu rộng, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc dạy, học ngoại ngữ trong các học viện, nhà trường Quân đội (sau đây gọi chung là các nhà trường) và bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong toàn quân. Theo đó, Bộ Quốc phòng đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tích cực triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”1. Đặc biệt, ngày 09-11-2016, Bộ Quốc phòng đã ban hành Chỉ thị 89/CT-BQP “Về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội”, nhằm tăng cường chỉ đạo vấn đề này.

Ngay sau khi Chỉ thị 89/CT-BQP được ban hành, với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, toàn quân, trước hết là các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Quốc phòng, các nhà trường Quân đội đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ Quốc phòng thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”. Cục Nhà trường, Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai Đề án đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát thực trạng trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên và chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong các nhà trường. Trên cơ sở đó, đề xuất, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong toàn quân. Cục Nhà trường cùng các nhà trường đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên và tham quan, học tập các mô hình dạy, học ngoại ngữ. Đồng thời, tiến hành phúc tra kết quả dạy, học ngoại ngữ ở một số trường sĩ quan để rút kinh nghiệm2; đề xuất huy động nguồn lực, đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy, học ngoại ngữ cho các nhà trường, nhất là các trường có nhu cầu cao về sử dụng ngoại ngữ, v.v. Thực hiện chỉ đạo của Bộ, Cục Nhà trường đã phối hợp với Học viện Khoa học Quân sự xây dựng, triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ và quan hệ quốc tế tại Học viện Khoa học Quân sự giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm xây dựng Học viện này thành trung tâm đào tạo ngoại ngữ hàng đầu của Quân đội, đủ khả năng đánh giá năng lực ngoại ngữ, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên ngoại ngữ theo chuẩn quốc gia và quốc tế. Để tạo động lực thúc đẩy phong trào dạy và học ngoại ngữ trong các nhà trường Quân đội, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo tổ chức Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, trường sĩ quan, đại học toàn quân lần thứ nhất - năm 2017; chỉ đạo các cơ quan, nhà trường tiến hành nghiên cứu và làm công tác chuẩn bị để triển khai thí điểm thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ đối với học viên đào tạo sĩ quan cấp phân đội trình độ đại học. Đặc biệt, Bộ đã cho phép các nhà trường bổ sung khối A1 (toán, hóa học, tiếng Anh) trong xét tuyển sinh quân sự, nhằm tạo nguồn đầu vào có năng lực, trình độ ngoại ngữ tốt cho Quân đội, v.v.

Trung tướng Trần Hữu Phúc trao Cờ lưu niệm tặng các đội tham gia
Hội thi Olympic tiếng Anh các học viện, nhà trường Quân đội lần thứ nhất.
(Ảnh: qdnd.vn)

Đối với các nhà trường, việc thực hiện Chỉ thị 89/CT-BQP được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, triển khai quyết liệt, kịp thời, với nhiều biện pháp, cách làm hiệu quả cao. Bên cạnh chú trọng kiện toàn các khoa, bộ môn ngoại ngữ; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giảng viên, giáo viên ngoại ngữ có chất lượng cao, các nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, điều chỉnh chương trình dạy, học ngoại ngữ cho các đối tượng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm trong dạy, học ngoại ngữ; đổi mới phương thức thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học viên; ưu tiên đầu tư trang thiết bị, xây dựng, củng cố các phòng học đa năng, chuyên dùng phục vụ dạy, học ngoại ngữ, v.v. Cùng với đó, các nhà trường đã có nhiều mô hình hay, biện pháp thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ, giáo viên, học viên, như: thành lập và duy trì hoạt động của các “Tổ học tập ngoại ngữ”, “Câu lạc bộ tiếng Anh”; triển khai hệ thống bảng, biển, pa-nô, khẩu hiệu song ngữ; ghi chú mô hình, học cụ và quy định chào hỏi, báo cáo lên lớp, xuống lớp bằng ngoại ngữ; bổ sung sách, báo ngoại văn cho thư viện và lấy năng lực ngoại ngữ là một tiêu chí để lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ, v.v. Nhờ đó, đã tạo môi trường, động lực tích cực trong học tập, sử dụng ngoại ngữ. Đáng chú ý là, một số nhà trường đã mạnh dạn thí điểm giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh, tiếng Nga3, thu được kết quả bước đầu và nhiều kinh nghiệm bổ ích. Nhiều cuộc hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, bảo vệ luận văn, luận án bằng ngoại ngữ đã được các học viện: Kỹ thuật Quân sự, Quân y, Hải quân,… thực hiện có hiệu quả. Công tác nghiên cứu khoa học phục vụ dạy, học ngoại ngữ cũng được các nhà trường đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, v.v.

Có thể thấy rằng, sau hơn 01 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 89/CT-BQP, việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội đã có sự chuyển biến tiến bộ rõ nét. Tuy nhiên, kết quả đó mới chỉ là bước đầu. Trình độ, năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm của một số giáo viên, giảng viên ngoại ngữ và khả năng sử dụng ngoại ngữ của cán bộ, giảng viên các chuyên ngành còn hạn chế. Ở một số nhà trường, phương pháp dạy, học và đánh giá năng lực ngoại ngữ tuy có đổi mới, nhưng chưa nhiều, chưa tạo được môi trường thực sự trong giao tiếp, sử dụng ngoại ngữ; công tác bảo đảm về phương tiện cũng như các trang thiết bị cho công tác này còn hạn hẹp. Một bộ phận học viên chưa nhận thức đúng vai trò của ngoại ngữ, trình độ và kết quả học ngoại ngữ chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo, v.v.

Nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ là nhiệm vụ vừa cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài; là một trong những khâu đột phá để đổi mới căn bản, mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo trong các nhà trường Quân đội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, trước hết là các nhà trường trong toàn quân cần quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về vấn đề này. Trên cơ sở đó, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ dạy và học ngoại ngữ; làm tốt việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, nhất là người dạy và người học; tiếp tục triển khai các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả hơn nữa, nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ, v.v. Trước mắt, các nhà trường rà soát, bổ sung nội dung, biện pháp thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị 89/CT-BQP, phù hợp với tình hình thực tiễn. Trong đó, chú ý gắn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ với thực hiện Kế hoạch hành động của hệ thống nhà trường Quân đội trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Ban hành kèm theo Quyết định 889/QĐ-BQP, ngày 22-3-2018 của Bộ Quốc phòng).

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đã đề ra, các nhà trường cần chủ động khắc phục khó khăn, đẩy mạnh xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, giáo viên ngoại ngữ, đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ, năng lực, tâm huyết với nghề nghiệp; đồng thời, quan tâm thích đáng đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên giảng dạy chuyên ngành, xem đây là nhân tố quan trọng hàng đầu. Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ngoại ngữ, phương thức thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập ngoại ngữ của các đối tượng; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ việc dạy, học ngoại ngữ. Thực hiện tốt việc dạy và học ngoại ngữ theo hướng nắm chắc ngữ pháp gắn với phát triển kỹ năng giao tiếp. Mặt khác, các nhà trường tập trung lựa chọn, biên soạn, hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ dạy và học ngoại ngữ, đảm bảo “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với bậc học, ngành học, đối tượng đào tạo và đặc thù quân sự. Chủ động làm tốt việc biên soạn giáo trình ngoại ngữ phần chuyên ngành; chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết để tổ chức thi tốt nghiệp môn ngoại ngữ theo kế hoạch đã xác định, v.v. Phát huy kết quả đã đạt được, các học viện, nhà trường tăng cường phối hợp trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong dạy và học ngoại ngữ; đẩy mạnh liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo ngoại ngữ. Đồng thời, tiếp tục có giải pháp đột phá để thiết lập, duy trì môi trường học ngoại ngữ, sử dụng ngoại ngữ trong giao tiếp hằng ngày, nhất là nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ ngoại ngữ, xây dựng, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về dạy, học ngoại ngữ; khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên, học viên đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương của Bác Hồ về tự học ngoại ngữ, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong Quân đội.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng có liên quan của Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Cục Nhà trường cần tăng cường phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo” và Chỉ thị 89/CT-BQP của các nhà trường trong toàn quân. Qua đó, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết. Thời gian tới, Cục Nhà trường tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các học viện, nhà trường đẩy mạnh kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, giáo viên ngoại ngữ; làm tốt việc quy hoạch dạy, học ngoại ngữ, phù hợp với từng trường, từng chuyên ngành đào tạo. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt công tác phúc tra ngoại ngữ; rà soát, nghiên cứu xây dựng “chuẩn đầu ra” về ngoại ngữ cho các đối tượng; chỉ đạo duy trì, nâng cao chất lượng thi Olympic môn ngoại ngữ trong toàn quân và thí điểm xây dựng chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế cho sĩ quan cấp phân đội, tạo nguồn cử đi học nước ngoài và đào tạo sau đại học, v.v.

Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội là nhiệm vụ cấp thiết trước mắt và cơ bản lâu dài, phải được triển khai quyết liệt, kiên trì, với quyết tâm cao, biện pháp phù hợp, lộ trình cụ thể, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan có chất lượng toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Trung tướng, GS, TS. TRẦN HỮU PHÚC, Cục trưởng Cục Nhà trường
________________

1 - Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 547/QĐ-TTg, ngày 25-4-2015.

2 - Năm 2017, phúc tra tại 05 trường sĩ quan: Lục quân 1; Lục quân 2; Chính trị; Công binh và Tăng thiết giáp.

3 - Học viện Biên phòng và Trường Sĩ quan Thông tin thí điểm giảng dạy cho chuyên ngành Cửa khẩu, chuyên ngành Chỉ huy - tham mưu Thông tin cấp phân đội trình độ đại học bằng tiếng Anh; Học viện Kỹ thuật Quân sự giảng dạy bằng tiếng Nga cho các lớp Tiên tiến Việt - Nga, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...