Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 19/04/2016, 07:47 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng

Nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược nói chung, trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng là nội dung quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là vấn đề được Báo cáo về các văn kiện Đại hội XII của Đảng đề cập, khẳng định. Vì thế, quán triệt sâu sắc quan điểm này sẽ tạo thế chủ động, phòng ngừa và xử lý có hiệu quả các tình huống có thể xảy ra.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình các mặt và từ yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Báo cáo về các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng” trên các lĩnh vực, không để đất nước bị bất ngờ về chiến lược. Quan điểm cơ bản đó, thể hiện tư tưởng nhất quán của Đảng ta về công tác dự báo chiến lược trong thời kỳ mới, trong đó có dự báo trên lĩnh vực quốc phòng.

Nét mới trong quan điểm của Đảng về dự báo chiến lược được thể hiện ở chỗ đề cập sâu hơn, toàn diện hơn và có sự bổ sung, phát triển so với giai đoạn trước. Nếu như trong văn kiện các kỳ đại hội gần đây, việc dự báo chiến lược mới chỉ thể hiện chủ yếu ở lĩnh vực đối ngoại thì tại Đại hội lần này, Đảng ta đã chỉ rõ mục tiêu, yêu cầuphương thức dự báo chiến lược trên các lĩnh vực trong tình hình mới. Theo đó, trong lĩnh vực quốc phòng, mục tiêu của dự báo chiến lược phải cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận, làm căn cứ hoạch định đường lối, chủ trương, đối sách quốc phòng trước các nguy cơ, thách thức có thể xảy ra. Yêu cầu đặt ra đối với dự báo chiến lược là phải toàn diện, khách quan, khoa học, nhưng có trọng tâm trọng điểm, ở tầm chiến lược và điều quan trọng phải có tính hướng đích rõ ràng; không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược. Phương thức của dự báo chiến lược phải đi từ tổng kết thực tiễn bảo vệ Tổ quốc thời gian qua, kết hợp với nghiên cứu lý luận về các dạng thức, nguy cơ dẫn tới xung đột, chiến tranh trong tương lai cùng lý luận về nghệ thuật chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới,… để có những dự báo chính xác, kịp thời. Đó là những nội dung cốt lõi của quan điểm mà chúng ta cần quán triệt, thấu suốt về mặt nhận thức, tư tưởng; trên cơ sở đó vận dụng vào giải quyết những vấn đề do thực tiễn bảo vệ Tổ quốc đặt ra theo đúng quan điểm của Đảng. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, cùng với thời cơ, vận hội hợp tác là những nguy cơ, thách thức đan xen, thì quán triệt và thực hiện tốt công tác dự báo chiến lược về quốc phòng càng có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

Nhìn lại lịch sử cách mạng nước ta, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua cho thấy, công tác dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống. Theo đó, chúng ta đã luôn dự báo sát, đúng sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực tác động đến quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; về cấu trúc an ninh khu vực, thế giới; vấn đề đối tượng, đối tác của quốc phòng Việt Nam; về các tình huống quốc phòng và một số dạng thức xung đột, chiến tranh có thể xảy ra, v.v. Ở trong nước, chúng ta cũng có nhiều dự báo quan trọng với độ tin cậy cao, như: dự báo các nguy cơ của đất nước; vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên các địa bàn chiến lược. Đặc biệt, chúng ta đã cơ bản dự báo đúng sự phát triển tình hình tranh chấp phức tạp ở Biển Đông; các hoạt động kích động gây rối, bạo loạn bên trong,… từ đó tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định đường lối, chiến lược quốc phòng - an ninh cùng các phương án, đối sách xử lý khôn khéo, kịp thời, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của các cấp, ngành và một bộ phận cán bộ về dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng còn hạn chế; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành trong dự báo còn bất cập; năng lực dự báo và khả năng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu còn chưa chặt chẽ, v.v. Những vấn đề đó không chỉ góp phần hạn chế hiệu quả việc hoạch định, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, mà còn làm gia tăng các nguy cơ đe dọa quốc phòng - an ninh của đất nước. Vì vậy, nâng cao hiệu quả dự báo chiến lược nói chung, trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng phải là mối quan tâm thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; trên cơ sở đó có nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Trước hết, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với công tác quan trọng này. Trong đó, đối với từng vấn đề, cần tập trung định hướng rõ về mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung, phạm vi nghiên cứu dự báo, yêu cầu cần đạt được;… từ đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu cả ngắn hạn và dài hạn; đồng thời, tổ chức chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng đạt hiệu quả cao. Các cơ quan thuộc Bộ, theo chức năng, quyền hạn của mình, cần phát huy vai trò chỉ đạo, hướng dẫn giúp các cơ quan làm nhiệm vụ nghiên cứu dự báo theo đúng quy trình, quy định, bảo đảm sát thực tiễn, đúng hướng và mục đích đã đề ra. Trong tình hình hiện nay, để nâng cao chất lượng dự báo chiến lược, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan nghiên cứu dự báo cần tập trung giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy cho đội ngũ cán bộ thuộc quyền, nhất là đổi mới về nội dung, phương pháp và hoạt động nghiên cứu dự báo. Đồng thời, tăng cường công tác chỉ đạo nghiên cứu tập trung, kiểm tra, đôn đốc, góp ý kiến kịp thời; có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp, nhằm phát huy cao nhất năng lực, sở trường của đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng.

Hai là, tổ chức sắp xếp lại hệ thống cơ quan nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng theo hướng: tập trung, chuyên sâu với các quy mô tương xứng, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan. Đây cũng là nội dung cần coi trọng. Hiện nay, hệ thống các cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng tuy được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, nhưng cũng có mặt chưa thật hợp lý, bị phân tán nên chưa tạo sự nghiên cứu tập trung, thống nhất cao. Vì vậy, thời gian tới, cần rà soát kỹ về tổ chức biên chế, chức năng, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của từng cơ quan, tránh chồng chéo, bảo đảm nâng cao tính độc lập, tự chủ và khả năng phối hợp trong nghiên cứu dự báo chiến lược. Theo đó, việc tổ chức hệ thống cơ quan nghiên cứu chiến lược có thể bao gồm: cơ quan nghiên cứu chiến lược chuyên trách, chuyên ngành, kiêm nhiệm và lực lượng cộng tác viên, tư vấn về dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng. Trong đó, cần xác định rõ cơ quan chủ trì, có trách nhiệm điều hành chung trong nghiên cứu dự báo chiến lược. Đồng thời, sớm có phương án tổ chức hệ thống cơ quan nghiên cứu chiến lược một cách khoa học, với lộ trình, bước đi hợp lý, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu dự báo chiến lược cả trước mắt và lâu dài; tránh tình trạng trùng lắp, gây lãng phí về nhân lực, nhân tài và hạn chế khả năng thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị.

Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực làm nhiệm vụ nghiên cứu dự báo chiến lược có “đủ năng lực, phẩm chất và tri thức ngang tầm nhiệm vụ”. Trong đó, trọng tâm là nâng cao năng lực về nghiên cứu hoạch định chiến lược; khả năng phản ứng nhanh, nhạy trong nắm bắt, xử lý tình hình trong nước, khu vực và quốc tế; trình độ phân tích, đánh giá, nhận xét và đưa ra các kết luận dự báo sắc sảo, ở tầm chiến lược với xác xuất cao; mạnh dạn dự báo các vấn đề mang tính đột phá, nhất là các vấn đề khó khăn, phức tạp của quốc phòng, quân sự, v.v.

Để làm được điều đó, trước hết, phải đổi mới công tác tuyển chọn, đánh giá, bố trí, sắp xếp, sử dụng cán bộ làm công tác nghiên cứu dự báo chiến lược; ưu tiên những cán bộ có năng lực nghiên cứu khoa học (nghiên cứu chiến lược), tốt nhất là lựa chọn cán bộ vừa có năng lực nghiên cứu, vừa có kinh nghiệm thực tiễn để bố trí vào cơ quan nghiên cứu chiến lược. Trong sắp xếp, bố trí cán bộ phải thực hiện đúng nguyên tắc và quy trình, thẩm định kỹ lưỡng, bảo đảm đúng người, đúng việc, lấy chất lượng, hiệu quả công việc làm tiêu chuẩn chủ yếu. Bên cạnh đó, cần quan tâm việc đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu dự báo chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, trong các học viện, nhà trường Quân đội chưa có nội dung, chương trình đào tạo riêng cho loại hình cán bộ này; do đó, phải đa dạng hóa các loại hình đào tạo, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo (trong và ngoài Quân đội) với tự đào tạo, giữa đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước với gửi đi học tập ở nước ngoài. Tiếp tục nghiên cứu để sớm có cơ chế, chính sách về chế độ cộng tác viên, chuyên gia, tư vấn nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng, nhằm khuyến khích, tận dụng trí tuệ của đội ngũ cán bộ dày dạn kinh nghiệm, các chuyên gia giỏi, các nhà khoa học đầu ngành đã nghỉ hưu, nghỉ công tác.

Bốn là, tăng cường phối hợp hoạt động giữa các cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng với các cơ quan nghiên cứu chiến lược của các bộ, ngành Nhà nước, đảm bảo kết quả nghiên cứu dự báo chiến lược về quốc phòng mang tính toàn diện, có cơ sở khoa học chặt chẽ và độ tin cậy cao. Theo đó, các hoạt động phối hợp phải tuân thủ cơ chế, phương thức quy định và có sự tham gia của nhiều cơ quan, trọng tâm là các cơ quan nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Khoa học - Công nghệ, v.v. Nội dung phối hợp phải chặt chẽ ở tất cả các khâu, các bước, từ xác định chủ đề, nội hàm chủ yếu của vấn đề nghiên cứu dự báo, phối hợp cung cấp thông tin, hoạt động tư vấn, chuyên gia, hội thảo,… đến phối hợp tổ chức thực hiện trên từng nội dung và trong sử dụng, vận dụng các kết quả dự báo chiến lược. Trong đó, việc phân công các nội dung nghiên cứu dự báo phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và sở trường của từng cơ quan, nhất là đối với các cơ quan chuyên trách.

Nghiên cứu dự báo chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng rất quan trọng, tính đặc thù cao; những vấn đề có tính chiến lược của quốc phòng có thể đề ra những định hướng, yêu cầu mà nhiều ngành, lĩnh vực khác phải tuân theo. Vì vậy, trong phối hợp nghiên cứu dự báo chiến lược về quốc phòng, cơ quan chuyên trách của Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp ở tất cả các khâu, các bước, bảo đảm chặt chẽ, toàn diện, khách quan, khoa học, góp phần xây dựng, hoạch định các chủ trương, đối sách quốc phòng đúng đắn, phù hợp, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...