Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 12/08/2021, 10:46 (GMT+7)
Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Nắm vững và xử lý tốt các mối quan hệ lớn trong đường lối đổi mới của Đảng là yêu cầu cấp thiết, quan trọng. Trong đó, “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội”1 là mối quan hệ mới được Đại hội XIII của Đảng bổ sung trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

1. Dân chủ và kỷ cương có quan hệ biện chứng, không đối lập nhau

Mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” được Đại hội XIII của Đảng bổ sung xuất phát từ nhận thức rõ hơn về vấn đề có tính quy luật trong quản lý xã hội, đó là: “dân chủ” đi liền với “kỷ cương”, “tự do” không tách rời “trách nhiệm”. Đây là kinh nghiệm được rút ra từ kết quả nghiên cứu, tổng kết quản lý xã hội ở nước ta thời gian qua. Trong bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, dân chủ và kỷ cương là hai mặt thống nhất trong chỉnh thể cơ chế vận hành đúng đắn, lành mạnh của xã hội, nghĩa là: trong yếu tố dân chủ thực sự đã bao hàm cả yếu tố kỷ cương và kỷ cương để bảo đảm cho tính dân chủ được vững chắc; trong yếu tố kỷ cương đã bao hàm cả tính chất dân chủ của nó. Vì vậy, trong nhận thức, phải tuân thủ tính biện chứng của mối quan hệ này, muốn thực hành dân chủ thực sự hiệu quả, phải tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; mặt khác, muốn tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội thật tốt, phải thực hành dân chủ thật sự, dân chủ đích thực, đó là dân chủ rộng rãi và đúng hướng. Chống biểu hiện độc đoán, gia trưởng, hoặc dân chủ “vô chính phủ”, dân chủ quá trớn.

Trên cơ sở tư duy biện chứng của mối quan hệ này và từ đặc trưng ưu việt trong bản chất của hệ thống chính trị ở nước ta, cho nên chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được Nhân dân thực hiện bằng hành động cụ thể: ý Đảng, lòng dân gặp nhau, đó là biểu hiện của tư duy dân chủ và kỷ cương phép nước. Minh chứng là, khi đối phó với đại dịch Covid-19, có lẽ Việt Nam là nước duy nhất mà tư duy của Đảng, Nhà nước đã thấm vào mỗi người dân, với tinh thần: “chống dịch như chống giặc”. Khi thực hiện kỷ cương xã hội, nhân dân đã phát huy dân chủ, sáng tạo nhiều cách thức, biện pháp để phòng, chống dịch. Điều này cho thấy, bản chất dân chủ thực sự, gắn với kỷ cương, phép nước theo véctơ chung mà Đảng, Nhà nước định hướng. Nhờ thành công trong phòng, chống dịch, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có tăng trưởng dương. Điều đó, khác hẳn với cách tiếp cận dân chủ về quyền tự do cá nhân ở nhiều quốc gia; trong đó, có cả các nước phát triển, với hệ thống y tế hiện đại, nhưng khi quy định của chính quyền nhà nước không có nhiều hiệu lực, sự tự do cá nhân, tự do vô chính phủ lên ngôi, nên không kiểm soát được dịch bệnh, bị “vỡ trận”, dẫn đến khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng.

2. Nâng cao chất lượng thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Đảng ta chỉ rõ: “Quyền làm chủ của nhân dân có lúc, có nơi còn bị vi phạm; vẫn còn biểu hiện dân chủ hình thức, tách rời dân chủ với kỷ cương, pháp luật”2; “kỷ cương phép nước có nơi, có lúc còn bị xem nhẹ”3. Vì vậy, để nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ này phải vừa mở rộng, thực hành dân chủ, vừa tăng cường kỷ luật, kỷ cương.

Trong thực hành dân chủ, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh: dân là chủ và dân làm chủ; dân là chủ là đề cập vị thế của dân; dân làm chủ là đề cập trách nhiệm của dân. “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ theo tinh thần Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011) và Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực hiện tốt, có hiệu quả các hình thức dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở”4.

Dân chủ ở cơ sở là những biểu hiện bảo đảm cho người dân làm chủ trực tiếp ở địa bàn nơi họ sống và làm việc, được biểu đạt ở thể chế, được thực thi hay phản ánh trên thực tế. Theo đó, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11, ngày 20/4/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XI) về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia quản lý Nhà nước để khắc phục tình trạng suy thoái, quan liêu, mất dân chủ và nạn tham nhũng, lãng phí; phát huy quyền làm chủ của nhân dân ở cơ sở. Bảo đảm các công việc liên quan đến cuộc sống của người dân, phải công khai cho nhân dân biết; liên quan đến huy động sức dân, phải để nhân dân bàn và quyết định, được kiểm tra, giám sát các dự án triển khai. Chấp hành nghiêm quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, như: không thực hiện hoặc làm trái quy định của Pháp lệnh về thực hiện dân chủ; trù dập người khiếu nại, tố cáo; lợi dụng dân chủ để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, v.v.

Thực hiện tốt phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”5. Dân thụ hưởng là nội dung mới được Đại hội XIII của Đảng bổ sung, đây là nội dung rất quan trọng bảo đảm cho cơ chế thực hành dân chủ có hiệu quả. Bởi vì, dân chính là chủ thể phản ánh bản chất của dân chủ. Giám sát, thụ hưởng là yếu tố cuối trong chuỗi nội dung để phát huy vai trò làm chủ, thể hiện dân chủ của xã hội, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển dân chủ trong xã hội; phản ánh mức độ và tính chất dân chủ hiệu quả nhất, bảo đảm cho dân chủ thực chất để tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Kỷ cương (kỷ luật) là biểu hiện của tự do đúng theo nghĩa vận hành trong một xã hội lành mạnh. Dân chủ không chung với độc tài và không có nghĩa là có tự do tuyệt đối. Tự do đúng nghĩa chính là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu, nghĩa là suy nghĩ và hành động theo đúng quy luật của tự nhiên và xã hội. Nếu làm trái, không chỉ ảnh hưởng xấu đến tự do của toàn xã hội và những người xung quanh, mà còn làm mất tự do của chính mình. Kỷ cương phải gắn liền với pháp chế, mà pháp chế ở nước ta là pháp chế trong sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; pháp luật là tối thượng trong xã hội. Hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, cho nên pháp chế trong xã hội ở nước ta là sự thể chế hóa Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Sự cầm quyền của Đảng là sự ủy quyền của nhân dân, tức là nhân dân tin tưởng trao cho Đảng quyền lãnh đạo hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đảng ra đời, tồn tại và hoạt động không phải vì mục đích tự thân mà vì phục vụ cách mạng, Tổ quốc và Nhân dân; theo lôgíc đó, pháp chế phải bảo đảm cho quyền lợi của nhân dân. Vì vậy, cần xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, bảo đảm tính ổn định, đồng bộ, thống nhất, khả thi; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định. Tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

3. Thực hành dân chủ phải luôn đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Thực tế chỉ ra: nhiều hạn chế, vấn đề phức tạp, nhất là một số hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu nảy sinh trong công tác tổ chức, quản lý, điều hành bộ máy nhà nước và không ít mâu thuẫn, xung đột gây nên những lộn xộn trong đời sống xã hội đều có chung một nguyên nhân là không thực hành đồng bộ giữa dân chủ với pháp chế, kỷ cương. Vì vậy, yêu cầu đặt ra và giải quyết mối quan hệ “giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” chính là nhằm thực hành đầy đủ chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương xã hội, thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định của pháp luật. Đó là điều kiện bảo đảm căn bản cho một xã hội hài hòa, cuộc sống hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đại hội XIII của Đảng biểu đạt tư duy và hành động của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là vừa nêu gương thực hành dân chủ, vừa phải tuân thủ pháp luật, đề cao đạo đức xã hội. Dân chủ và pháp chế, kỷ cương xã hội đi đôi với nhau chính là đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy trí tuệ, quyền và trách nhiệm của người dân trong tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Bởi vậy, đòi hỏi dân chủ trước hết phải từ trong Đảng, nếu không sẽ không thể có dân chủ ngoài xã hội. Cán bộ, đảng viên, thành viên trong bộ máy của hệ thống chính trị phải là đầy tớ, công bộc của dân. Nhà nước với chức năng cai trị của một giai cấp, phải chuyển dần sang hình thức phục vụ nhân dân, dịch vụ công. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành và chính quyền địa phương; khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn; bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, ngành, gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực.

Xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước những tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, gây rối làm mất ổn định chính trị - xã hội hoặc vi phạm dân chủ, phương hại đến quyền làm chủ của nhân dân. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tiêu cực, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; âm mưu, thủ đoạn và hành động kích động, xuyên tạc bản chất dân chủ, kỷ cương xã hội, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta mà Đảng ta, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn.

Nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa “thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội” hiện nay đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó vai trò của Quân đội là rất quan trọng, nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc với những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG - TS. NGUYỄN DUY TIÊN*
___________________

* - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 119.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 89

3 - Sđd, Tập I, tr. 89.

4 - Sđd, Tập I, tr. 173.

5 - Sđd, Tập I, tr. 173.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...