Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 06/08/2012, 07:40 (GMT+7)
Một số vấn đề về hoàn thiện cơ sở hiến định của pháp luật quốc phòng - an ninh trong Hiến pháp năm 1992

Hoàn thiện nội dung về quốc phòng – an ninh trong Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là vấn đề trọng yếu nhằm tạo cơ sở hiến định về lĩnh vực này, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc. Đó cũng là vấn đề cấp thiết đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp năm 1992.

alt
Phiên họp thứ Sáu, UBTV Quốc hội tập trung thảo luận một số nội dung quan trọng liên quan vấn đề sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (nguồn: tienphong.vn)
 

1. Trong đời sống của mỗi quốc gia nói chung, ở Việt Nam nói riêng, các lĩnh vực có quan hệ hữu cơ; trong đó, quốc phòng – an ninh (QP-AN) là lĩnh vực đặc thù gồm các hoạt động nhằm bảo vệ Tổ quốc. Pháp luật QP-AN là một cơ sở bảo đảm quan trọng nhất để thiết lập, duy trì thiết chế nhằm giữ vững ổn định chính trị - xã hội và chống mọi sự xâm hại cả từ bên trong và bên ngoài. Vì thế, củng cố pháp luật QP-AN là vấn đề quan trọng để tăng cường tiềm lực QP-AN đất nước và nó đòi hỏi một cơ sở hiến định hoàn thiện. Để giải quyết thấu đáo vấn đề này, phải nhận thức đầy đủ về phạm trù QP-AN; pháp luật QP-AN và những định hướng cơ bản để củng cố, hoàn thiện pháp luật QP-AN trong Hiến pháp, làm cơ sở điều chỉnh toàn bộ mọi hoạt động xã hội phục vụ mục tiêu bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới.

Cần thấy rằng, pháp luật QP-AN là tổng hợp các quy phạm thuộc Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước và cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong các lĩnh vực khác nhau liên quan đến phòng thủ đất nước và bảo vệ an ninh quốc gia; quy định trách nhiệm của Nhà nước, của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và quyền, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Như vậy, pháp luật QP-AN là sự thống nhất nội tại, sự liên kết, phụ thuộc, tác động lẫn nhau giữa các mặt, các lĩnh vực của đời sống xã hội mà trước hết và chủ yếu là sự tác động lẫn nhau giữa hai tiểu hệ thống: pháp luật quốc phòng pháp luật an ninh. Điều này được quy định không chỉ bởi sự gắn kết chặt chẽ và thống nhất hữu cơ giữa hai lĩnh vực quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn xuất phát từ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta trong xây dựng, quản lý, sử dụng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân.

Mặt khác, những tư tưởng và quy định cụ thể của pháp luật QP-AN trong Hiến pháp là nền tảng pháp lý để thiết kế và thực thi nền QP-AN, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần và cơ sở vật chất kỹ thuật của nền QP-AN. Trên nền tảng đó, pháp luật QP-AN trở thành công cụ để chúng ta nhận thức các giá trị xã hội về QP-AN; cung cấp thông tin cần thiết về các giá trị và yêu cầu ổn định, phát triển bền vững đất nước, bảo đảm cuộc sống bình yên cho mọi thành viên trong xã hội, thông qua đó, làm chuyển biến tư tưởng, hành vi của họ. Do đó, để có một hệ thống pháp luật QP-AN phát triển, năng động, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền QP-AN bền vững, phải bắt đầu từ việc xác lập cơ sở hiến định của hệ thống đó và phải được xem xét thấu đáo trên hai cấp độ. Thứ nhất, thiết lập nền móng pháp lý cho việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội ổn định và phát triển hài hòa, tạo ra những nhân tố bảo đảm hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, loại trừ các nguyên nhân gây bạo loạn, lật đổ, mất ổn định chính trị và rối loạn trật tự xã hội. Thứ hai, ở một cấp độ khác, trực tiếp hơn, bảo đảm pháp lý để giải quyết tốt nhất các nhiệm vụ QP-AN trong điều kiện bình thường và còn sẵn sàng cho cả những trạng thái, tình huống đất nước có chiến sự, bảo đảm cơ chế pháp lý hữu hiệu để vận hành hệ thống QP-AN khi buộc phải tiến hành các biện pháp đặc biệt để bảo vệ Tổ quốc. Đó là những cơ sở hiến định rất căn bản của pháp luật QP-AN trong Hiến pháp.

2. Trải qua nhiều thế kỷ đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân ta đã nhận thức sâu sắc về vai trò của nền QP-AN cùng những cơ sở pháp lý của nó. Đến nay, pháp luật QP-AN đã được thể hiện tương đối đầy đủ, chặt chẽ trong Hiến pháp năm 1992; được xã hội thừa nhận rộng rãi, tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới của cách mạng; đồng thời, là công cụ để kiểm nghiệm các quá trình, hiện tượng xã hội có quan hệ đến sức mạnh, tiềm lực QP-AN của đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới đang đi vào chiều sâu; yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định trong Hiến pháp đã bộc lộ những bất cập nhất định; trong đó, nhiều quan hệ xã hội có ý nghĩa QP-AN đã thay đổi cần được bổ sung cơ sở pháp lý để điều chỉnh cho phù hợp.

Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 nói chung, nội dung về chính sách, pháp luật QP-AN nói riêng phải trên cơ sở tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992; phải căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) – Cương lĩnh 2011 và các văn kiện khác của Đảng; trong đó, cần chú trọng quán triệt những bài học quý báu về bảo vệ Tổ quốc đã được tổng kết từ thực tiễn. Một là, nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH. Hai là, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng CNXH là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Ba là, giữ vững và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là phương châm, nguyên tắc, mục tiêu phấn đấu và nguồn sức mạnh chủ yếu để giữ vững QP-AN. Bốn là, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại; giá trị truyền thống với xu thế và tiến bộ của xã hội hiện đại; phát huy mạnh mẽ nội lực, ý chí tự lực, tự cường, đồng thời khai thác tối đa nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế.

3. Như đã phân tích ở trên, pháp luật QP-AN được xây dựng và từng bước hoàn thiện theo nhu cầu khách quan của việc điều chỉnh các quan hệ xã hội nảy sinh trong lĩnh vực QP-AN. Nhà nước và xã hội cần pháp luật QP-AN để tổ chức nền QP-AN của đất nước và quản lý, điều hành hệ thống QP-AN thực hiện thắng lợi mục tiêu bảo vệ Tổ quốc. Điều hết sức quan trọng trong sửa đổi bổ sung Hiến pháp lần này là, cần tiếp tục thể chế, kế thừa và phát huy những giá trị đã được thực tiễn khẳng định, nhất là bám sát, thể chế hóa mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta xác định; đồng thời, biết tiếp thu và hấp thụ tốt những thành tựu khoa học – công nghệ hiện đại của kinh tế tri thức và xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ nhưng không làm xáo trộn những giá trị căn bản của dân tộc và chế độ xã hội, mà trước hết chính là những cơ sở hiến định của nền QP-AN. Ví như, cùng với việc cổ vũ, tăng cường hợp tác quốc tế về QP-AN, phải xác lập một trật tự, hệ thống pháp luật QP-AN vững chắc, kín kẽ trong việc tham gia các điều ước quốc tế cũng như các hoạt động QP-AN mang tính quốc tế để không bị lợi dụng trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Cùng với đó, Hiến pháp và pháp luật QP-AN phải phản ánh được tinh thần dự báo xu hướng phát triển các mâu thuẫn cơ bản trên thế giới. Ngày nay, các mâu thuẫn này vẫn tồn tại nhưng được biểu hiện dưới những hình thức, quy mô và tính chất khác nhau, rất đa dạng, phức tạp. Nước ta với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nên Hiến pháp mới cũng cần thể hiện những tư tưởng pháp lý và xu hướng chủ đạo trong đời sống quốc tế vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Đồng thời, cũng quán triệt một tinh thần cảnh báo sâu sắc về khả năng diễn biến phức tạp trong đấu tranh dân tộc, giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo; tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên; tội phạm xuyên quốc gia và các vấn đề xã hội khác đang là thách thức gay gắt đối với cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh hiện nay, nội hàm QP-AN đã có sự phát triển với nhiều nội dung mới; trong đó, nổi bật lên các vấn đề về gìn giữ hòa bình, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, phòng, chống khủng bố, dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu… Để giải quyết những vấn đề đó, phải có một hệ thống QP-AN mở, lấy sự hợp tác và tinh thần trách nhiệm cao trong quan hệ quốc tế làm động lực để tăng cường hiệu quả hợp tác và phát huy nội lực vào thực hiện nhiệm vụ chung của nhân loại; đồng thời, phải thiết lập những cơ sở pháp lý, tạo hành lang an toàn để các chủ thể tham gia các hoạt động này được thuận lợi và đạt hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, phải xử lý triệt để các định chế liên quan đến quan hệ quốc tế về QP-AN; trong đó, tập trung phân tích những xu hướng nhận thức và giải quyết các vấn đề chiến tranh và hòa bình của các nước lớn, các nước trong khu vực và các nước láng giềng để có thể khắc phục tối đa những yếu tố rủi ro trong xây dựng chiến lược, ít nhất cho một bản Hiến pháp có sự ổn định từ 30 đến 50 năm tới.

Một vấn đề quan trọng nữa là, trên cơ sở quán triệt các quan điểm về QP-AN trong Cương lĩnh 2011, cần tiếp tục đổi mới tư duy và cách tiếp cận lợi ích QP-AN, nhất là bảo đảm thực thi tốt hơn, minh định rõ hơn những tư tưởng lập hiến về quyền và nghĩa vụ công dân cũng như các quy định về quyền và nghĩa vụ hiến định của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; thể chế hóa sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp QP-AN. Trong đó, cần phân định rõ thẩm quyền của các thiết chế Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Hội đồng QP-AN…, trong việc quyết định các vấn đề chiến tranh và hòa bình; về cơ chế xử lý các quan hệ chiến tranh – hòa bình trong các trạng huống có vấn đề; về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực QP-AN…, để củng cố nền móng pháp luật vững chắc, bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.

GS,TS. HỒ TRỌNG NGŨ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN của Quốc hội

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...