Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 13/07/2023, 07:14 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Điện Biên phát huy vai trò nòng cốt, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Phát huy vai trò đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã, đang tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt nội dung này, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV đề ra. 

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, giữ vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 2 và cả nước. Những năm qua, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, lực lượng vũ trang Điện Biên luôn phát huy tốt vai trò nòng cốt, cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh tập trung mọi nỗ lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh quán triệt, xây dựng, triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật, nhằm nâng cao chất lượng công tác quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân1. Nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân nhân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có nhiều chuyển biến tích cực; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng không ngừng được nâng lên. Lực lượng vũ trang được xây dựng vững mạnh toàn diện, đủ sức hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khu vực phòng thủ các cấp được xây dựng ngày càng vững chắc; thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là “thế trận lòng dân” được củng cố một bước mới; khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường; kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá2, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; an sinh xã hội được đảm bảo; văn hóa, giáo dục, y tế,... có nhiều phát triển, tạo nền tảng vững chắc xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ an toàn địa bàn.

Lãnh đạo Tỉnh động viên lực lượng thực binh tham gia diễn tập
khu vực phòng thủ (năm 2021)

Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn nói riêng còn chưa thật đầy đủ, toàn diện; việc xây dựng cơ sở chính trị và các tiềm lực phục vụ cho quốc phòng còn nhiều bất cập; kinh tế phát triển chưa đồng đều, đời sống đồng bào các dân tộc còn khó khăn,... đã tác động không nhỏ tới quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Tỉnh. Tình hình đó đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn dân trong Tỉnh, nòng cốt là lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt, tham mưu, triển khai thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Đảng với quyết tâm chính trị cao và giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây là vấn đề quan trọng nhất, quyết định nhất tới chất lượng hiệu quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Với nhận thức đó và trên cơ sở xác định rõ vai trò nòng cốt của mình, lực lượng vũ trang Tỉnh tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 07/05/2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025, v.v. Tập trung tham mưu quán triệt, thực hiện hiệu quả nguyên tắc: Đảng lãnh đạo “tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt” lực lượng vũ trang nhân dân và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn; cơ chế: Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và tổ chức thực hiện, lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Xây dựng đồng bộ, thống nhất và phát huy năng lực, trách nhiệm hệ thống tổ chức đảng trong lãnh đạo công tác quốc phòng từ Tỉnh đến cơ sở; kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo khu vực phòng thủ, phòng không nhân dân, các hội đồng: cung cấp, nghĩa vụ quân sự, giáo dục quốc phòng và an ninh,... thống nhất nội dung, phương thức phối hợp hoạt động của các cấp, ngành, lực lượng, địa phương trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Chú trọng tham mưu, triển khai thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước về quốc phòng; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan chức năng trong xây dựng, quản lý, huy động các tiềm lực, xây dựng, duy trì hoạt động của lực lượng vũ trang và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Quán triệt, thực hiện đúng các bước trong lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương; chú trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang với kết quả xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác tham mưu xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân, trọng tâm là tiềm lực chính trị, tiềm lực kinh tế vững mạnh. Để tăng cường tiềm lực chính trị, Tỉnh tập trung đẩy mạnh các biện pháp xây dựng hệ thống cơ sở chính trị địa phương vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 - 2025”; chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị 29 xã, phường, thị trấn địa bàn trọng điểm biên giới và các xã nội địa có tình hình an ninh chính trị phức tạp. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong bám địa bàn, bám dân, nắm, dự báo tình hình, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; tích cực tham gia xây dựng cấp ủy, chính quyền địa phương, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh hệ thống chính trị cơ sở. Chủ động tham mưu và triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kết hợp phát triển, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc với bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa vùng đất Điện Biên anh hùng, góp phần tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, văn hóa,... trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an toàn địa bàn.

Lễ truy điệu, an táng hài cốt Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào

Quán triệt, thực hiện chủ trương kết hợp kinh tế với quốc phòng, lực lượng vũ trang phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng trên phạm vi toàn Tỉnh gắn với quy hoạch, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, thẩm định, quản lý các dự án, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn3, nhằm không chỉ duy trì đúng quy định pháp luật về quốc phòng, an ninh, mà còn huy động nguồn lực thúc đẩy quốc phòng, an ninh phát triển. Chủ động phối hợp và phát huy vai trò các đoàn kinh tế - quốc phòng trên địa bàn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ giống, vốn; chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến; phát triển các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Kết hợp các chính sách an sinh xã hội chung với hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn,... của lực lượng vũ trang, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Ba là, tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, bảo vệ vững chắc địa bàn trong mọi tình huống. Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, cơ quan quân sự các cấp tập trung tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các chủ trương, biện pháp xây dựng, điều chỉnh lực lượng thường trực theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu tổ chức hợp lý, cân đối với lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ, sẵn sàng chiến đấu cao, ưu tiên bảo đảm 95% quân số trở lên cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Chuẩn bị sáp nhập cơ quan hậu cần, kỹ thuật các cấp và một số bộ phận theo kế hoạch, lộ trình xác định; nâng cao chất lượng xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; phát huy vai trò nòng cốt trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn. Đi liền với xây dựng lực lượng thường trực, Tỉnh coi trọng xây dựng lực lượng dự bị động viên “hùng hậu”, sẵn sàng động viên bổ sung cho lực lượng thường trực khi cần thiết. Tiếp tục củng cố lực lượng dân quân tự vệ theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu, số lượng hợp lý, chất lượng cao, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng địa phương; chú trọng huấn luyện, diễn tập nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cho lực lượng dân quân tự vệ các xã, phường, thị trấn địa bàn biên giới trọng điểm, an ninh chính trị phức tạp; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an theo tinh thần Nghị định số 03/2019/NĐ-CP, ngày 05/9/2019 của Chính phủ, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống quốc phòng, an ninh ngay tại cơ sở.

Bốn là, tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Để thực hiện tốt nội dung quan trọng này, lực lượng vũ trang Tỉnh đẩy mạnh tham mưu, triển khai hiệu quả công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng đúng quy định các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy, trận địa hỏa lực, đường tuần tra biên giới, kho, trạm hậu cần, kỹ thuật,...), bảo đảm phù hợp thế bố trí lực lượng vũ trang và thế trận phòng thủ quân khu. Xây dựng, triển khai đồng bộ các kế hoạch động viên quốc phòng, bảo đảm đầy đủ nhu cầu dự trữ vật chất hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Kết hợp với các sở, ban, ngành xây dựng, điều chỉnh kế hoạch di chuyển sở chỉ huy, động viên kinh tế thời kỳ đầu chiến tranh, kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến; tăng cường khảo sát, tổ chức các biện pháp nâng cao khả năng huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật của nền kinh tế quốc dân cho nhiệm vụ quốc phòng; gắn xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân vững chắc trên từng địa phương; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, giao lưu hữu nghị biên giới, góp phần bảo vệ vững chắc địa bàn trọng điểm Quân khu 2 và cả nước.

Đại tá NGÔ QUANG TUẤN, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
__________________

1 - Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 23/05/2016 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016 - 2020; Đề án số 72/ĐA-UBND, ngày 19/6/2015 về bảo đảm quốc phòng tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020 định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 07/05/2021 của Tỉnh ủy về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025, v.v.

2 - Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 10,19%, GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 39,68 triệu đồng/người/năm, tăng 1,9 lần so với năm 2013.

3 - Hiên nay, Tỉnh quản lý chặt chẽ 66 dự án có yếu tố nước ngoài (23 dự án NGO, 43 dự án thuộc các chương trình sử dụng vốn của Chính phủ có sự hỗ trợ phát triển của các tổ chức quốc tế) và 01 dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...