Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:43 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2019. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển để bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm gần đây, tình hình an ninh, chủ quyền trên hướng Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, không chỉ liên quan đến lợi ích của các nước trong khu vực mà còn tác động đến lợi ích chính trị của nhiều cường quốc trên thế giới. Các tình huống liên quan tới quốc phòng, an ninh trên biển liên tiếp xảy ra do chiến lược, tham vọng kiểm soát biển của các nước trong khu vực; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm về ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại; vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển, v.v. Trong khi đó, Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành năm 1998 (được sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, như: chưa quy định chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia cũng như nhiệm vụ xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; chưa quy định về sự phối hợp giữa Cảnh sát biển với các lực lượng chức năng khác làm nhiệm vụ trên biển; phạm vi hoạt động ngoài vùng biển Việt Nam, v.v. Điều đó gây khó khăn cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia trên biển.
Thực hiện định hướng của Đảng, Nhà nước, năm 2015, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tổng kết 17 năm thực hiện Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, xây dựng dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam thông qua Thường vụ Quân ủy Trung ương. Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 34/2017/QH14, ngày 08-6-2017; Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1183/QĐ-TTg, ngày 11-8-2017, Bộ Quốc phòng đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục về soạn thảo dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành liên quan và lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Trên cơ sở đó, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã tham mưu, giúp Bộ Quốc phòng hoàn thiện hồ sơ dự án Luật, gửi Bộ Tư pháp thẩm định và tiếp thu, chỉnh lý, trình Chính phủ, trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là bước phát triển về cơ sở pháp lý, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển; thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của Nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Luật đã kế thừa, phát triển Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; cập nhật, bổ sung nhiều quy định mới và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, tư duy chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là quản lý, bảo vệ biển, đảo trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Tại khoản 2, Điều 14, Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong Luật được Quốc hội biểu quyết thông qua đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân, như: tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; huy động nhân lực, tàu thuyền, bắt giữ, truy đuổi, nổ súng, v.v. Nhờ đó, Cảnh sát biển Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng các quyền này để đấu tranh, ngăn chặn những hành vi xâm phạm vùng biển Việt Nam, như: khai thác hải sản bất hợp pháp; nghiên cứu, thăm dò dầu khí, khoáng sản; buôn lậu, buôn bán, vận chuyển hàng hóa trái pháp luật; tội phạm về ma túy; cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu, thuyền trên các vùng biển Việt Nam. Mặt khác, từ năm 2008 đến nay, nhiều văn bản mới về quản lý, bảo vệ biển, đảo đã được Quốc hội ban hành1, trong đó quy định nhiều nội dung mới, liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, như: Hải quan, Kiểm ngư, Cảng vụ Hàng hải, Thanh tra môi trường, v.v. Hơn nữa, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng đa chức năng, có phạm vi hoạt động rộng khắp trên các vùng biển của Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thực thi pháp luật trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước trên biển. Vì thế, việc quy định về tổ chức, hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam trong Luật đảm bảo tính thống nhất với các văn bản mới ban hành; qua đó, tăng cường hiệu lực quản lý, bảo vệ vùng biển, góp phần triển khai hiệu quả các luật quản lý chuyên ngành.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển; xây dựng, phát triển Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Luật đã thể hiện rõ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về định hướng chiến lược biển, định hướng quốc phòng, an ninh trên biển và xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trong đó, khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt là quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển Việt Nam, trên cơ sở giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; đồng thời, luật hóa tạo nền tảng pháp lý để xây dựng, phát triển về mặt tổ chức lực lượng; bảo đảm chế độ, chính sách; công tác đào tạo, nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển; tập trung các nguồn lực, tăng cường đầu tư, xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đủ khả năng “là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển”, chỗ dựa vững chắc cho ngư dân và các hoạt động kinh tế trên biển.
Luật Cảnh sát biển Việt Nam đảm bảo sự tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trên thế giới, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam. Hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam mang tính quốc tế cao, tác động trực tiếp tới hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, đa số các quốc gia lớn trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển, Ấn Độ,… đều xác định cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia mình và quy định bằng văn bản luật. Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về biển, đảo; phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các thông lệ, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, là cơ sở pháp lý mới, cao hơn để Cảnh sát biển Việt Nam hoạt động theo đúng chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo tính tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, Cảnh sát biển Việt Nam cần phải tăng cường hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trên biển, thực hiện quyền truy đuổi, tiến hành tuần tra chung, diễn tập an ninh hàng hải, chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền, v.v. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế với những quốc gia có lực lượng thực thi pháp luật trên biển mạnh, có kinh nghiệm tổ chức, xây dựng lực lượng, quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thông qua đó, nâng cao năng lực thực thi pháp luật, tranh thủ sự hỗ trợ, ủng hộ về trang bị, phương tiện, đào tạo. Bởi vậy, Luật Cảnh sát biển Việt Nam không chỉ tạo cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ vùng biển, mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trên thế giới; thiết thực hỗ trợ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng và quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, thiết thực đưa Luật đi vào thực tiễn cuộc sống là nghĩa vụ, quyền lợi, trách nhiệm chính trị của mọi công dân, tổ chức, đoàn thể của cả hệ thống chính trị. Với vai trò là lực lượng chuyên trách, nòng cốt, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp tục nghiên cứu, tham mưu với Bộ Quốc phòng đề xuất Chính phủ ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật. Trước mắt, xây dựng, ban hành các nghị định: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định về việc quản lý, sử dụng và danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành các thông tư: Quy định quy trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; Quy định điều kiện, tiêu chuẩn chọn công dân vào lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam,… nhằm hướng dẫn, triển khai thực hiện Luật. Cùng với đó, cần tổ chức đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn Lực lượng nhằm quán triệt, học tập, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ, chấp hành, thực hiện Luật trong thi hành nhiệm vụ.
Đối với các bộ, ngành có liên quan và cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là 28 tỉnh, thành phố ven biển, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các nội dung cơ bản của Luật cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là ngư dân để mọi người nắm vững, hiểu rõ, sẵn sàng chấp hành việc huy động nhân lực, phương tiện nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển khi thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ trên biển đặt ra. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá Luật trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các nước trong phối hợp thực thi pháp luật trên biển, tạo sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán, an ninh quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS. NGUYỄN VĂN SƠN, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ________________
1 - Năm 2012: Luật Biển Việt Nam, Luật Xử lý vi phạm hành chính; năm 2013: Luật Bảo vệ môi trường; năm 2014: Luật Hải quan; năm 2015: Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, v.v.
Luật Cảnh sát biển,cơ sở pháp lý,pháp luật trên biển
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học