Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 24/10/2019, 07:45 (GMT+7)
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta trong tình hình mới đang đứng trước những cơ hội thuận lợi và không ít khó khăn, phức tạp, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc của Đảng; trong đó, “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” là quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt.

Tại sao khẳng định đây là quan điểm cơ bản, quan trọng của Đảng ta? Trước hết là bởi, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là một trong hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đây là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Sự nghiệp cao cả đó phải thường xuyên được coi trọng, không được lơi lỏng và phải gắn chặt với nhiệm vụ xây dựng đất nước. Điều đó, xuất phát từ tình hình quốc tế và trong nước, nhất là những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ khó dự báo, sự chống phá quyết liệt, bằng nhiều hình thức của các thế lực thù địch đối với nước ta; đồng thời, từ bài học kinh nghiệm quý báu được đúc kết từ lịch sử và đã trở thành quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta, đó là: “dựng nước phải đi đôi với giữ nước”. Những lý do trên nói lên tầm quan trọng của quan điểm này. Hơn thế, kết quả thực hiện quan điểm đó có quan hệ trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, đất nước, dân tộc. Vì thế, bất luận trong hoàn cảnh nào, thuận lợi và khó khăn ra sao, chúng ta cũng phải kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đó là trách nhiệm chính trị, nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng của các thế hệ người Việt Nam cả trước đây, hiện nay và mai sau.

Để quán triệt sâu và thực hiện tốt quan điểm, có nhiều việc cần làm, phải làm; trước hết và quan trọng nhất là phải nhận thức đúng, đầy đủ nội hàm quan điểm. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc là một thể hoàn chỉnh, thống nhất, gắn chặt với nhau, nên không được xem nhẹ bất cứ một nội dung nào. Trong đó, bảo vệ độc lập là nguyên tắc tối thượng. Để giành và giữ được độc lập, có được cuộc sống tự do, hạnh phúc và là chủ thể đất nước như hiện nay, nhân dân ta đã phải trả một cái giá không hề rẻ bằng cả máu, mồ hôi và nước mắt của mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; và rằng: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Đó là chân lý, lời hiệu triệu toàn dân của Người - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Và, trong thời điểm tình thế ngặt nghèo của đất nước năm 1946, trước khi lên đường dự Hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Người đã căn dặn các đồng chí lãnh đạo của Đảng: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Cái “bất biến” ở đây chính là “độc lập”, dù tình hình khó khăn, phức tạp đến đâu cũng phải giữ cho được “độc lập”, đó là nguyên tắc chiến lược, vấn đề căn bản nhất để “ứng vạn biến”. Trong chừng mực nào đó, chúng ta có thể nhân nhượng, thậm chí thỏa hiệp, nhằm đạt được mục tiêu của cách mạng, nhưng sự nhân nhượng, thỏa hiệp đó tuyệt đối không được làm ảnh hưởng tới độc lập, tự do của dân tộc; hơn thế, còn phải góp phần vào giữ vững nền độc lập của nước nhà. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc giữ vững độc lập, tự chủ là vấn đề sống còn, nhiệm vụ quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xét về bản chất, giữ vững “độc lập” hiện nay không khác trước đây, nhưng về tính chất và yêu cầu thì có những điểm mới cần chú ý để có biện pháp thực hiện phù hợp. Đặc biệt, trong mối quan hệ quốc tế đan xen, phức tạp hiện nay, phải hết sức tránh bị lệ thuộc vào nước ngoài, nhất là về chính trị và kinh tế. Bởi, bị lệ thuộc tức là mất quyền tự chủ và ở mức độ nào đó cũng có nghĩa là mất độc lập. Vì thế, phải rất tỉnh táo, tránh để bị lệ thuộc, nhưng đồng thời cũng không để rơi vào thế cô lập, hơn thế còn tích cực mở rộng quan hệ, nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển đất nước đi đôi với bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, được quốc tế công nhận, đó là cơ sở pháp lý mà không một ai, không một thế lực nào, dù mạnh đến đâu có thể phản bác hoặc xâm phạm. Chủ quyền thiêng liêng ấy của nước ta không tự nhiên có được, mà nhân dân ta đã phải giành lại cùng với giành độc lập, tự do từ tay kẻ thù xâm lược qua cuộc đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế, trách nhiệm cao cả của mỗi người Việt Nam hôm nay và mai sau là phải giữ cho được chủ quyền quốc gia, dân tộc, đó là quyền có tiếng nói, quyền được tôn trọng tại các tổ chức, diễn đàn, hội nghị quốc tế,... mà Việt Nam tham gia với tư cách thành viên. Chủ quyền quốc gia phải được giữ vững và thể hiện một cách đầy đủ theo đúng hàm nghĩa của nó, tức là trên tất cả các lĩnh vực, trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, nhất là chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Phải giữ vững sự thống nhất các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Đây vừa là mục tiêu, yêu cầu của cách mạng Việt Nam, của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, vừa là truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được tiếp tục gìn giữ, phát huy. Phải giữ vững và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất toàn dân và các tôn giáo, nhằm không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng các chính sách thỏa đáng, hợp lòng dân, có lợi cho dân, vì nhân dân. Đặc biệt, phải coi trọng giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”, đảm bảo cho Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, phải chú trọng đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các nước đối với nước ta, nhất là quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan tại khu vực, thế giới. Thống nhất dựa trên cơ sở đoàn kết, có giữ vững được đoàn kết mới có sự thống nhất và có đoàn kết, thống nhất thì mới thành công, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Thực tiễn cho thấy, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất là giữ vững và tăng cường nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, đưa nước ta tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường đổi mới, hội nhập, phát triển, hướng tới tương lai.

Bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng khi tình hình Biển Đông đang diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền, an ninh vùng biển nước ta. Đặc biệt, thời gian gần đây, nước ngoài đã bất chấp luật pháp, thông lệ quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Quy định về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), ngang nhiên có những hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam. Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta phải thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động và tích cực đấu tranh với mọi hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Dân tộc Việt Nam không bao giờ có ý định, chứ chưa nói tới hành động xâm phạm lãnh thổ của quốc gia nào, nhưng cũng không cho phép bất cứ ai xâm phạm lãnh thổ của mình. Đó là nguyên tắc, là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo của Đảng ta xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trước hết là sự tác động nhiều chiều của tình hình thế giới, khu vực; sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ đối với nước ta. Và trên thực tế, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ hiện hữu như Đảng ta đã cảnh báo. Thực tiễn đã chỉ ra, không phải cái gì “có” là không thể “mất”, ranh giới giữa “có” và “mất” rất mong manh, “có” mà không giữ được hoặc không biết giữ thì sẽ có thể “mất”, thậm chí “mất” hoàn toàn, đúng như luận điểm của V.I Lê-nin: “Giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc cũng vậy. Hơn thế, đó là mục tiêu, lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thường xuyên nêu cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu và hành động chống phá nước ta của các thế lực thù địch bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ cơ quan của Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội và chủ động đấu tranh với các hành động xâm phạm chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, nhất là trên vùng biển của đất nước. Về nhận thức, tư tưởng, cần phải thấu suốt đây là cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng, diễn ra và kết thúc không thể “một sớm, một chiều”, mà là thường xuyên, lâu dài. Quá trình thực hiện phải quán triệt phương châm: kiên quyết, kiên trì đấu tranh; kiên quyết nhưng phải tỉnh táo, thận trọng, không nóng vội và kiên trì nhưng luôn chủ động, linh hoạt, giữ vững nguyên tắc. Đồng thời, cần nắm vững quan điểm của Đảng về hợp tác và đấu tranh, đối tác và đối tượng: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”1. Đối với việc giải quyết các vấn đề phức tạp ở Biển Đông, lập trường kiên định, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận giữa các bên trong khu vực, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp về chủ quyền, lãnh thổ.

Như vậy, cần khẳng định: “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc” là quan điểm đúng đắn của Đảng xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm trên định hướng tư tưởng và hành động cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc -  lợi ích cao nhất của đất nước; đồng thời, còn thể hiện rõ thái độ, lập trường nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này. “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh,...” là một thể thống nhất, không tách rời nhau trong quá trình thực hiện. Kiên quyết đấu tranh, tức là đấu tranh không khoan nhượng, không do dự, thỏa hiệp, nhưng như thế chưa đủ, mà còn phải gắn với kiên trì, bền bỉ đấu tranh, không được nóng vội, bởi đây là cuộc đấu tranh lâu dài, không thể kết thúc trong “ngày một, ngày hai”. Đó là nội dung cốt lõi của quan điểm mà chúng ta cần quán triệt để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

______________

1 - Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI).

Ý kiến bạn đọc (1)

góp ý
15/11/2019 14:29
Bài này có 2 chỗ sai. 1. Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng - nhân sỹ yêu nước, chứ có dặn các đồng chí lãnh đạo của Đảng đâu. 2. Vấn đề "thống nhất" trong bài này là thống nhất về lãnh thổ, không có chia cắt, cát cứ... Không phải là thống nhất các dân tộc, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo... như bài viết phân tích . Theo tôi, bài này nếu dịch sang tiếng Anh và tiếng Trung thì sửa ngay cái sai thứ nhất (vì dễ sửa), nếu không người ta cười cho. Còn cái sai thứ hai thì đành chịu.
Hồi
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...