Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 12/09/2011, 03:35 (GMT+7)
Kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

 Kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại (QP,AN,ĐN) nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, luôn là kế sách dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như những năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã thực hiện tốt sự kết hợp đó nên cách mạng giành được những thắng lợi vẻ vang. Ngày nay, kết hợp QP,AN,ĐN vẫn là kế sách tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.


Phó Đô đốc Nguyễn Văn Hiến trao Quốc kỳ và Quyết định cho Ban chỉ huy tàu tại Lễ tiếp nhận Tàu Hộ vệ tên lửa HQ 012-Lý Thái Tổ (Ảnh: quocphonganninh.edu.vn)

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ to lớn và nặng nề, phải giải quyết muôn vàn công việc thực tiễn mà việc gì cũng quan trọng. Nhiệm vụ đó không chỉ đơn lẻ một cá nhân, một đơn vị hay một địa phương nào có thể gánh vác nổi. Bởi vậy, tư duy của Đảng về thực hiện nhiệm vụ QP,AN,ĐN bao giờ cũng là tư duy về sự kết hợp; có phân công, phân nhiệm rõ ràng, nhưng luôn đặt chúng trong mối quan hệ chặt chẽ, hài hòa, hỗ trợ lẫn nhau vì lợi ích tối cao của đất nước. Sự kết hợp QP,AN,ĐN bao giờ cũng nhắm tới đích là huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, cả chế độ, các cấp, các ngành, các lực lượng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.

Quốc phòng - an ninh là hai lĩnh vực khác nhau, song gắn bó mật thiết không tách rời nhau, để cùng với kinh tế - xã hội làm thành một chỉnh thể phản ánh sức mạnh bên trong (đối nội) của đất nước. Ngày nay, quốc phòng, an ninh (QP,AN) của đất nước ta đã có những phát triển mới đa dạng, đa chiều hơn so với trước; thể hiện sự gắn bó hữu cơ, phản ánh một cách đầy đủ, chính xác hơn mối quan hệ biện chứng, bản chất của các nhân tố hợp thành sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, yêu cầu nội tại của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hoàn cảnh mới cũng đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn các nhân tố QP,AN, làm cơ sở cho việc phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại phục vụ cho sự ổn định và phát triển đất nước.

Tính đa dạng, đa chiều của QP,AN thể hiện trước hết ở những mục tiêu mà nó bảo vệ. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ: “Mục tiêu, nhiệm vụ QP,AN là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”1. Như vậy, nội hàm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc ngày nay đã có những phát triển mới và còn tiếp tục phát triển theo tình hình thực tiễn. Chính sự đa dạng của các đối tượng được bảo vệ quy định sự đa dạng của phương thức, nội dung, biện pháp, lực lượng bảo vệ. Rõ ràng, phương thức, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc không giống với bảo vệ Đảng, chế độ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị… của đất nước. Bởi lẽ, bảo vệ Tổ quốc có cương vực, ranh giới cụ thể. Còn bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, trước hết là bảo vệ hệ tư tưởng, nguyên tắc, đường lối, các tiêu chuẩn cán bộ, đảng viên của Đảng; là bảo vệ tính định hướng XHCN, thể chế kinh tế, công cuộc CNH,HĐH và hội nhập quốc tế của đất  nước mà QP,AN phải quán triệt một cách đúng đắn, sâu sắc và phải kết hợp chặt chẽ với nhau để thực hiện có hiệu quả.

Đất nước ta hiện nay đang ở vào thời kỳ mà thế giới thay đổi hết sức nhanh chóng, khó lường. Đó là một thế giới mà xu hướng đa cực hóa đang ngày càng hình thành rõ nét. Trong lúc đó, toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển; các yếu tố đe dọa an ninh phi truyền thống, tội phạm công nghệ cao, tội phạm xuyên quốc gia… gia tăng; sự cạnh tranh thương mại, giành giật tài nguyên, năng lượng hết sức gay gắt. Ở trong nước, cùng với những lợi thế do công cuộc đổi mới đưa lại, chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ, nhất là chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Các thế lực đó tăng cường phối hợp giữa trong nước và ngoài nước; ra sức xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, chế độ; lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; xúi dục, kích động tung tin thất thiệt, lôi kéo tụ tập đông người... hoặc phối hợp với các trang mạng xã hội thù địch tuyên truyền chống phá… Cùng với đó, các hoạt động xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, nhất là trên các vùng biển, đảo diễn ra ngày càng căng thẳng hơn. Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đặt ra càng nặng nề và phức tạp, đòi hỏi sự chủ động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng; đồng thời, yêu cầu rất cao sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa quốc phòng và an ninh. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đề ra là, phải kết hợp chặt chẽ, thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ QP,AN nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN: “giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời;… chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu”2

Để thực hiện tốt điều đó, chúng ta phải quan tâm xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, xây dựng thế trận QPTD gắn với xây dựng thế trận an ninh nhân dân; trong đó, phải hết sức coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) và Công an nhân dân vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt bảo vệ thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ QP,AN mà Nghị quyết của Đảng đã đề ra. Trước yêu cầu mới, QĐND phải được tập trung xây dựng về mọi mặt, bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất. Trong quá trình xây dựng quân đội, chúng ta vẫn tuân thủ nguyên tắc "người trước, súng sau" của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cùng với việc coi trọng vũ khí, trang bị, phải luôn đề cao vai trò con người và coi chính trị - tinh thần là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Như vậy, vấn đề cơ bản, xuyên suốt nhất là phải tập trung xây dựng QĐND thành lực lượng chính trị tinh nhuệ, trung thành, tin cậy tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân; sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược, dù nó xuất phát từ hướng nào, kể cả cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao; đồng thời, luôn tham gia tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh trên các mặt trận nhằm củng cố và tăng cường sức mạnh quốc phòng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại... của đất nước. Bởi vậy, chủ trương của Đảng ta là tập trung xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở cho việc xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong xây dựng quân đội từng bước hiện đại, Nghị quyết của Đảng cũng xác định rõ, phải ưu tiên “trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân”3… đáp ứng kịp thời nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Trong thời kỳ mới, nhiệm vụ của an ninh phải vươn rộng ra hầu hết các lĩnh vực của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh đất nước thực hiện cơ chế thị trường, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, thu hút đầu tư, tăng cường liên doanh, liên kết với các đối tác nước ngoài; các thế lực thù địch chống phá cách mạng nước ta một cách quyết liệt và toàn diện, để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng an ninh không thể đứng ngoài hoặc bỏ qua một lĩnh vực nào của đời sống xã hội; từ bảo đảm an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh xã hội, an ninh văn hóa, đến an ninh đối ngoại… Thực tiễn cho thấy, nhiệm vụ an ninh ngày càng nặng nề hơn, thâm nhập sâu hơn, phối hợp chặt chẽ hơn với các lực lượng mà nó phải bảo vệ. Đặc biệt, hiện nay một số lao động người nước ngoài đến làm việc ở một số địa bàn, nhất là những nơi có ý nghĩa chiến lược về quân sự, thì yêu cầu đó đặt ra càng cao hơn. Bởi thế, lực lượng an ninh phải luôn phối hợp tốt với các lực lượng khác; đồng thời, các lực lượng liên quan có trách nhiệm phối hợp tốt với an ninh để chủ động bảo vệ từ xa, dự kiến hết mọi khả năng có thể xảy ra, phát hiện kịp thời mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá, thủ tiêu mọi mầm mống phá hoại, góp phần bảo vệ vững chắc đất nước và chế độ.

Với sự đổi mới trong tư duy về QP,AN của Đảng, chúng ta thấy rằng: QP,AN không hề biệt lập với nhau, các biện pháp chống thù trong giặc ngoài ngày càng giao thoa, đan xen, gắn bó chặt chẽ với nhau. Yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi QP,AN ngày càng gắn bó mật thiết; tuy có phân công trách nhiệm, nhưng luôn thống nhất trong ý chí và hành động, phối hợp chặt chẽ trong bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực sự làm nòng cốt cho toàn Đảng, toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chế độ XHCN. Không những thế, để thực hiện tốt mọi nhiệm vụ, các lực lượng QP,AN còn phải thống nhất, gắn bó với các lực lượng khác trong xã hội. Bởi lẽ, xét cho cùng, để bảo vệ được các mục tiêu đó thì lực lượng bảo vệ tốt nhất chính là bản thân họ. Chẳng hạn, để bảo vệ an ninh đối ngoại của đất nước thì không một lực lượng nào có thể làm hiệu quả hơn trong ngành đối ngoại. Cũng như vậy, để bảo vệ nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phải là lực lượng chủ lực làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam được giữ vững, nhưng luôn giàu có thêm trên cơ sở tiếp thu tinh hoa của văn hóa nước ngoài, chứ không phải là sự cấm kỵ, đóng cửa.

Trong kết hợp quốc phòng với an ninh thì vấn đề quan trọng trước hết là kết hợp hoạt động của quân đội với hoạt động của công an. Đây là hai lực lượng riêng biệt, mỗi lực lượng có chức năng, nhiệm vụ riêng; song cả quân đội và công an đều đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Những năm qua, hai lực lượng này đã làm tốt công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg (nay là Nghị định 77/2010/NĐ-CP) của Thủ tướng Chính phủ. QĐND và Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong trao đổi và kiểm tra, xác minh những thông tin về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch; hoạt động của một số tội phạm quốc tế cũng như tình hình an ninh biên giới. Đồng thời, hai bên đã phối hợp tốt trong tiến hành công tác vận động quần chúng ở địa bàn biên giới; trong diễn tập phòng chống bạo loạn, khủng bố; trong đấu tranh phòng chống tội phạm; phối hợp bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh khu vực biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo; trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ…; góp phần quan trọng vào việc bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Chính sách đối ngoại là sự tiếp nối của chính sách đối nội. Sự phát triển mọi mặt của đất nước luôn phải dựa trên cơ sở quốc phòng và an ninh được đảm bảo; nhưng việc nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế lại là yếu tố quan trọng để củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh của Tổ quốc. Ngày nay, vì nhu cầu phát triển đất nước thời kỳ CNH,HĐH và hội nhập quốc tế, chúng ta cần tăng cường mở rộng và phát triển quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, nhưng dù ở mức độ, lộ trình, ưu tiên nào, sự kết hợp của các ngành liên quan, nhất là QP,AN giữ vai trò hết sức quan trọng. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, nếu không có sự bảo đảm của QP,AN thì không thể tạo dựng được sự phát triển của kinh tế - xã hội và do đó, không thể phát huy được sức mạnh trong nước cho hoạt động đối ngoại. Nhưng mặt khác, đối ngoại luôn đóng vai trò chủ động và có hiệu quả trong việc củng cố môi trường quốc tế có lợi cho xây dựng đất nước, tăng cường, củng cố quốc phòng, đảm bảo an ninh quốc gia. Như vậy QP,AN,ĐN tuy có tính độc lập tương đối, nhưng luôn liên quan chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau trong một thể thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Yêu cầu của đất nước trong thời kỳ mới đòi hỏi phải xây dựng an ninh và đối ngoại mạnh như những mũi nhọn tấn công; đồng thời, phải xây dựng nền QPTD, QĐND vững mạnh, đủ khả năng tự bảo vệ và ngăn ngừa không để chiến tranh xảy ra.

Ngày nay hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ đạo của thời đại, nhưng “Cuộc đấu tranh giai cấp và dân tộc vẫn diễn biến phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á, là khu vực phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định”4. Trong lúc đó, việc một số cường quốc phát triển sức mạnh và tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực Đông Nam Á và tình hình tranh chấp trên Biển Đông, càng làm cho tình hình trong khu vực thêm phức tạp. Chính vì vậy, vấn đề giữ vững độc lập, tự chủ, bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế càng có ý nghĩa quan trọng, thực sự là cuộc đấu tranh không kém phần gay go, quyết liệt, mang tính chất sống còn của đất nước, chế độ ta. Việc kết hợp chặt chẽ QP,AN,ĐN hiện nay phải được thực hiện trong sự biến hóa của các mối liên hệ ấy; đảm bảo sao cho hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả nhưng vẫn giữ vững độc lập, tự chủ, tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi, tạo được nguồn lực cả về vật chất và tinh thần cho phát triển kinh tế và củng cố QP,AN. Ngược lại, QP,AN phải thực sự là chỗ dựa vững chắc cho hội nhập quốc tế. Chủ động hội nhập quốc tế phải kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đi liền với chính sách rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa; không chỉ nhằm phát triển đất nước mà còn tăng cường an ninh cho đất nước; không chỉ bảo vệ và phát huy cuội nguồn của dân tộc, mà còn tạo nền tảng vững chắc để dân tộc ta phát triển theo định hướng XHCN.

Kết hợp tốt QP,AN,ĐN là tạo dựng được những nhân tố cơ bản trong nước để tham gia vào những hình thức tập hợp lực lượng quốc tế có lợi cho đất nước. Chúng ta không tham gia liên minh quân sự và cũng không lấy quan hệ với nước này để chống nước khác. Nhưng chúng ta cần phải tham gia vào những xu thế chung của thời đại, những hình thức tập hợp lực lượng, những tổ chức khu vực và quốc tế có lợi cho đất nước. Là thành viên, đặc biệt năm 2010 là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có đóng góp xứng đáng vào việc tăng cường hợp tác trên nhiều mặt, nhất là trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, thúc đẩy xu thế hợp tác và phát triển, củng cố vị thế của tổ chức này trên thế giới. Trước những diễn biến phức tạp trên Biển Đông và các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, chúng ta kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, thông qua đối thoại; luôn kiềm chế, tránh gây xung đột và không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động gây mất đoàn kết nội bộ và đoàn kết quốc tế… Thực hiện được những vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng đắn về thời cơ, thách thức, nguy cơ, về xu thế phát triển của thời đại, chiều hướng diễn biến quốc tế, đối tượng, đối tác, bạn và thù; đồng thời, luôn kết hợp tốt QP,AN,ĐN, tạo được uy tín và vị thế đất nước ngày càng cao trong khu vực và trên thế giới.

 Đại tá, TS. NGUYỄN VIẾT HIỂN

______________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.

        2 - Sđd, tr. 233.

        3 - Sđd, tr. 235.

        4 - Sđd, tr. 28.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...