Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 26/12/2022, 08:09 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên địa bàn Tây Nam Bộ trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm được Đảng ta xác định trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là cơ sở, định hướng rất quan trọng để các ban, bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương trên cả nước nói chung, địa bàn Tây Nam Bộ nói riêng tập trung đẩy mạnh thực hiện, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và đạt được kết quả thiết thực.

Vùng Tây Nam Bộ gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, diện tích 40.600 km2, dân số 17.273.630 người; có vùng biển, đảo và đất liền tiếp giáp với nhiều nước, tạo nên tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế, nhất là phát triển các ngành: nông nghiệp, thủy sản1, dầu khí, năng lượng tái tạo,... đóng góp khoảng 11,95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đây cũng là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng,... địa bàn sinh sống, gắn bó lâu đời của cộng đồng các dân tộc Việt, Khmer, Hoa, Chăm,... nên có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của khu vực phía Nam và cả nước. Đồng thời, đây cũng là mảnh đất “màu mỡ” để các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn, lợi dụng tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo và các vụ việc có liên quan đến dân tộc, tôn giáo,… để kích động, xuyên tạc và chống phá. Chúng ra sức hỗ trợ, hậu thuẫn cho các đối tượng cực đoan đẩy mạnh hoạt động đòi "ly khai, tự trị", biểu tình, gây rối, tạo cớ để bên ngoài can thiệp. Tình hình an ninh nông thôn, khiếu kiện, buôn lậu, tệ nạn xã hội,... ở một số địa phương diễn biến phức tạp, ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị và trật tự xã hội. Mặt khác, do tác động của dịch Covid-19, giá cả hàng hóa nông sản không ổn định, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai nên nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phá sản, ngưng hoạt động, nhất là những doanh nghiệp chế biến nông nghiệp, thủy sản, hải sản, tác động xấu đến đời sống kinh tế - xã hội.

Trước bối cảnh đó, để triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các ban, bộ, ngành Trung ương, lực lượng vũ trang cùng cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã tổ chức quán triệt nghiêm túc, xây dựng các chương trình hành động gắn với thực hiện Nghị quyết số 21, Kết luận số 28 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thời kỳ 2001 - 2010 và thời kỳ 2011 - 2020. Với vai trò là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát của Đảng ở phía Nam, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ2 đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng trên địa bàn xây dựng Quy chế phối hợp về phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, địa phương, đạt được kết quả quan trọng, thể hiện trên một số mặt sau:

Trong phát triển kinh tế - xã hội, từ chỗ kinh tế mất cân đối, tốc độ tăng trưởng thấp, cơ cấu lạc hậu, đã chuyển dịch mạnh mẽ và phát triển đúng hướng, với quy mô, hiệu quả ngày càng cao3. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mạnh mẽ; trong đó, hệ thống hạ tầng về thủy lợi, điện, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, đường không, cảng biển,... hạ tầng bưu chính, viễn thông được xây dựng tương đối đồng bộ từ đô thị đến vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Thương mại, dịch vụ, du lịch có bước phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ và đời sống nhân dân. Hoạt động xuất khẩu được mở rộng, giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn Vùng tăng trung bình 18%/năm. Các mặt hàng chủ lực, như: gạo, thủy sản, trái cây chiếm ưu thế và tăng nhanh cả về lượng và chất, từng bước tạo được thế cạnh tranh trong và ngoài nước. Nhờ vậy, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, đạt hiệu quả cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 02%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 46 triệu đồng/năm. Đặc biệt, việc đầu tư xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ gắn với bố trí thế trận quốc phòng, an ninh khu vực biên giới bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ổn định chỗ ở cho hàng trăm nghìn hộ dân nghèo, góp phần xây dựng thế trận phòng thủ vững chắc trên tuyến biên giới. Sự phối hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh ngày càng được quan tâm; trong đó, đã phát huy tốt các khu kinh tế biên mậu ở các tỉnh biên giới; kinh tế biển, dịch vụ logistics và du lịch, v.v.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các lực lượng chức năng của Trung ương và từng địa phương đã tập trung làm tốt công tác phối hợp nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, hiệu quả các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự; không để hình thành các tổ chức chính trị đối lập; bảo đảm an toàn các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong Vùng; kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động của bọn phản động cực đoan xâm phạm an ninh quốc gia, âm mưu quốc tế hóa vấn đề “Khmer Krôm”, v.v. Đồng thời, tập trung xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố gắn với kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng Đề án xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ ở các cấp, thành lập Ban Chỉ đạo theo quy chế thống nhất, phù hợp với từng địa phương. Quan tâm đầu tư, xây dựng công trình chiến đấu, công trình phòng thủ trên các hướng, địa bàn trọng điểm, từng bước tạo thế trận phòng thủ vững chắc; củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong Vùng, nhất là địa bàn xung yếu, biên giới, biển, đảo; góp phần củng cố tiềm lực quốc phòng, nâng cao khả năng phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, luôn được Vùng quan tâm chăm lo, nhất là trong triển khai thực hiện chính sách dân tộc, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đã mang lại những kết quả quan trọng. Chương trình xóa đói giảm nghèo được triển khai thực hiện tạo nhiều chuyển biến tốt; hằng năm, tỷ lệ hộ dân tộc nghèo giảm đáng kể. Các địa phương đã tập trung hỗ trợ xây dựng nhà, đất ở, đất sản xuất; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc nghèo. Công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc Khmer; người có uy tín trong dân tộc thiểu số, chức sắc trong tôn giáo cùng tham gia bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Nhờ đó, ý thức tự lực, tự cường vượt qua đói nghèo trong đồng bào dân tộc được nâng lên, yên tâm làm ăn, sinh sống, nhiều hộ đã thoát nghèo, đủ ăn; xuất hiện nhiều mô hình tập thể, cá nhân người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi, có thu nhập cao. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và phát huy; đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng chính quyền phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.

Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố, kiện toàn, nhất là qua các kỳ đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, cấp ủy Đảng các địa phương tập trung xây dựng Đảng, hệ thống chính trị theo hướng trong sạch, vững mạnh, đủ sức lãnh đạo, điều hành và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, sẵn sàng làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn, lật đổ” của các thế lực thù địch. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn, luân chuyển và sử dụng cán bộ, nhất là việc đào tạo, tuyển chọn và thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số; đồng thời, cơ cấu họ vào các cơ quan lãnh đạo các cấp của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Từng bước kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang trên địa bàn, xây dựng lực lượng Quân đội, Công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần cảnh giác cách mạng cao, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ địa bàn, địa phương trong mọi tình huống. Đến nay, vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị, đoàn thể ở cơ sở được nâng cao, tạo bước chuyển mới trong việc tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kịp thời giải quyết những vướng mắc của nhân dân, ổn định địa bàn.

Quán triệt quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về công tác đối ngoại, nhất là với nước bạn Campuchia, các địa phương và lực lượng vũ trang trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp biên và lực lượng chức năng của Bạn trong phát triển kinh tế, ổn định an ninh, trật tự; phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia; kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc có liên quan trên tinh thần hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển.

Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị trên địa bàn Tây Nam Bộ, chúng ta đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý; đồng thời, cũng là những giải pháp cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt trong thời gian tới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững.

Trước hết, phải thường xuyên quán triệt, nhận thức đầy đủ hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI); Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cần thường xuyên giữ vững mối quan hệ chặt chẽ giữa cấp ủy Đảng các địa phương với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân Khu 9, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận định, đánh giá tình hình; đề ra chủ trương, biện pháp đồng bộ, chủ động xử lý đúng đắn, kịp thời tình huống quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Về kinh tế, phải tạo sự thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; đây là tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn Vùng và từng địa phương. Trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phải dựa trên sức mạnh tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị và vận động toàn dân tham gia. Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, có kiến thức về kinh tế, chính trị, pháp luật và quốc phòng, an ninh; có trình độ tổ chức kỷ luật, nền nếp tác phong chính quy cao. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là hợp tác toàn diện, sâu rộng với các cơ quan, lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia, nhằm tạo điều kiện thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hai là, chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới. Trọng tâm là tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) bảo đảm chặt chẽ và đạt hiệu quả thiết thực. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, không chỉ thúc đẩy phát triển các địa phương trong vùng mà còn góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu liên kết vùng, thúc đẩy các vùng kinh tế trong cả nước phát triển bền vững. Quá trình triển khai Nghị quyết quan trọng này, căn cứ vào sự chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các địa phương cần tiếp tục khai thác, phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển vùng Tây Nam Bộ trong giai đoạn mới; chú trọng xây dựng kế hoạch hành động, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể của địa phương để đạt được mục tiêu, tạo ra bước chuyển biến mới có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong toàn Vùng.

Ba là, tiếp tục nắm chắc tình hình trong và ngoài nước; nhận diện đúng đối tượng, đối tác; đấu tranh có hiệu quả với đối tượng xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc; đồng thời, tăng cường hợp tác với điều chỉnh các đối tác để cùng phát triển. Trên cơ sở nắm và đánh giá đúng tình hình, chủ động dự báo những diễn biến mới khó lường, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, phương án tác chiến sát với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là trên các khu vực, địa bàn xung yếu, trọng điểm. Tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; lấy xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần làm cơ sở, tiềm lực kinh tế giữ vai trò nền tảng và tiềm lực quân sự, an ninh giữ vai trò cốt lõi. Trong tất cả các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng, phải gắn chặt với thế trận quốc phòng, an ninh; các đề án phát triển kinh tế - xã hội phải kết hợp với củng cố quốc phòng, an ninh, nhất là những công trình lưỡng dụng quan trọng. Cần tăng cường phối hợp giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các cơ quan, lực lượng chức năng trong dự báo, nắm tình hình và xử lý những vấn đề liên quan đến an ninh xảy ra ngay tại cơ sở, kiên quyết không để xảy ra “điểm nóng”, bị động, bất ngờ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đối ngoại, kịp thời nắm tình hình, xử lý những vấn đề có liên quan; tạo tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh vững mạnh, môi trường hòa bình, ổn định, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới.

Trung tướng LƯU PHƯỚC LƯỢNG, Nguyên Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ
________________

1 - Hằng năm, sản xuất hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% lượng trái cây, 52% sản lượng thủy sản, khoảng 80% sản lượng tôm xuất khẩu của cả nước.

2 - Hoạt động từ ngày 24/8/2004 đến ngày 11/10/2017.

3 - Mức tăng trưởng giai đoạn 2004 - 2020 của cả Vùng đạt bình quân gần 8,68%, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng khu vực I: 31,86%, khu vực II: 26, 28% và khu vực III: 36,1%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...