Thứ Sáu, 22/11/2024, 12:41 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là cụ thể hóa quan điểm kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, cần được tiếp tục quán triệt sâu sắc, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại”1, nên các quy hoạch, kế hoạch, dự án của các bộ, ngành, địa phương luôn gắn với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và được cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, cơ quan quân sự các cấp tham gia ý kiến, thẩm định chặt chẽ. Quá trình thực hiện đã có sự phối hợp giữa các bên ngay từ khi chuẩn bị đến khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tạo sự gắn kết, đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành, các địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ; gắn xây dựng các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia, các khu kinh tế mở, khu chế xuất tập trung với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố trên cả nước, v.v. Tuy nhiên, việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên một số lĩnh vực, địa bàn, trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có lúc, có nơi hiệu quả chưa cao; cơ chế hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành thiếu chặt chẽ, việc tổ chức, triển khai thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực và địa phương chưa chủ động, thiếu tích cực và đồng bộ; nội dung, phương thức kết hợp chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế thị trường, v.v.
Để kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân chặt chẽ, hiệu quả trong từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương này. Đây là giải pháp quan trọng, nhằm định hướng, thống nhất nhận thức, đề cao trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu. Nội dung tuyên truyền, giáo dục tập trung làm rõ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kết hợp kinh tế với quốc phòng; tầm quan trọng của kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; yêu cầu, nội dung, phương thức kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong các lĩnh vực, từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể. Trên cơ sở đó, tạo sự đồng thuận xã hội, thống nhất chủ trương, hành động trong hệ thống chính trị, các ngành, lĩnh vực từ Trung ương đến địa phương; đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân gắn với xây dựng thế trận phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, chú trọng các công trình quốc phòng, quân sự một cách hài hòa, hợp lý theo kế hoạch thống nhất. Thực hiện tốt công tác này, cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp; phát huy vai trò của các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trước hết là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp, cán bộ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Kiên quyết khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân tại các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Thực tiễn cho thấy, sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý thống nhất của Nhà nước là nhân tố quyết định thắng lợi đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân nói riêng. Đặc biệt, đối với các địa bàn chiến lược, trọng điểm về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, khu vực biên giới, biển, đảo và các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu cần phải lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tập trung, thống nhất thì nhiệm vụ này mới đạt hiệu quả cao.
Thực hiện giải pháp này, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, không chỉ dừng lại ở chủ trương, quan điểm, nhận thức mà phải cụ thể bằng chỉ thị, nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động, kế hoạch công tác. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong khu vực phòng thủ, khu kinh tế - quốc phòng; kiên quyết khắc phục những biểu hiện thiếu quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo. Hằng năm và từng thời kỳ, các cấp ủy cần tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời có chủ trương, biện pháp khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, bảo đảm việc kết hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, làm cho kinh tế phát triển bền vững, thế trận quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Coi trọng việc nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đặc thù đối với các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, bảo đảm cho việc kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân được tiến hành nghiêm túc, hiệu quả; có chính sách khuyến khích đầu tư công nghệ hiện đại, sản xuất những mặt hàng có tính lưỡng dụng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân.
Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng, cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, vì thế, căn cứ vào tình hình cụ thể và chức năng, nhiệm vụ được giao, mỗi tổ chức, lực lượng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực tham gia một cách hiệu quả. Đồng thời, phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng để hỗ trợ, giúp đỡ, tạo thế cho nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố.
Các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu phải căn cứ vào kế hoạch, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân để xác định cụ thể mục tiêu, nội dung, phương thức kết hợp. Quá trình thực hiện phải tuân thủ nguyên tắc, vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng, tổ chức thực hiện kết hợp chặt chẽ, toàn diện, không để phát triển kinh tế ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng.
Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của Quân đội nhân dân trong kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, Quân đội nhân dân phải tích cực tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên các địa bàn, nhất là địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Trong đó, chú trọng điều chỉnh thế bố trí lực lượng trên các hướng, địa bàn chiến lược nhằm không ngừng nâng cao khả năng phòng thủ đất nước. Cơ quan quân sự các cấp cần đề cao trách nhiệm, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân; thực hiện tốt chức năng thẩm định về mặt quốc phòng các dự án phát triển kinh tế - xã hội không để ảnh hưởng đến thế trận quốc phòng. Phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, nhất là lực lượng Công an, Đối ngoại để chủ động nắm chắc mọi diễn biến tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực; tiềm lực mọi mặt của đất nước và khả năng huy động, động viên quốc phòng. Trên cơ sở đó, tham mưu hoạch định chủ trương, giải pháp kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc ngay trong thời bình, sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân trong thời chiến. Đồng thời, chủ động tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế, kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đưa hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội đi vào chiều sâu. Tập trung làm tốt công tác quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các khu kinh tế - quốc phòng thành những điểm sáng về kinh tế, văn hóa, xã hội, hạt nhân về quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo.
Xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng tự chủ, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, ngày càng hiện đại, liên kết chặt chẽ với công nghiệp dân sinh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Nâng cao hiệu quả tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đóng quân, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, nhằm tăng cường “thế trận lòng dân” trên các địa bàn chiến lược.
Kết hợp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân là chủ trương chiến lược của Đảng ta. Trước yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đòi hỏi các ban, bộ, ngành, địa phương, đơn vị tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt chủ trương này, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng, TS. ĐÀO TUẤN ANH, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng ____________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 157.
Kết hợp phát triển,thế trận quốc phòng toàn dân,hai nhiệm vụ chiến lược
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học