Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 21/01/2013, 23:29 (GMT+7)
Huyện Châu Thành đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Là một trong những địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh của tỉnh Hậu Giang, những năm qua, huyện Châu Thành luôn quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa phương trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH

Huyện Châu Thành có diện tích tự nhiên 14,578 km2; số dân hơn 81 ngàn người, chủ yếu là dân tộc Kinh; cơ cấu hành chính gồm: 2 thị trấn, 7 xã. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hậu Giang, huyện Châu Thành đã có những bứt phá đi lên, đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN). Trong đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, Huyện xác định trước hết phải quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm về quốc phòng, quân sự của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XI, Nghị quyết Trung ương 8 (khoá IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, các chỉ thị, nghị quyết của trên và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ X (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, có giải pháp phù hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trên địa bàn.

Để xây dựng nền QPTD trên địa bàn đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, Huyện đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhằm tạo sự thống nhất về quan điểm, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ các cấp và các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự (QP,QS) địa phương. Đây là một nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa cơ bản lâu dài. Đặc biệt, huyện Châu Thành được trên đầu tư xây dựng khu - cụm công nghiệp Nam sông Hậu, trung tâm thương mại, thị trấn Mái Dầm, thị trấn Ngã Sáu, mở rộng và đưa vào sử dụng nhà lồng chợ Đồng Phú, chợ trung chuyển trái cây Phú Hữu phục vụ nhân dân mua bán, trao đổi hàng hóa, thu hút được nhiều khách du lịch trong nước và nước ngoài. Do tốc độ đô thị hoá nhanh, bên cạnh mặt tích cực, cũng đang nảy sinh những phức tạp mới về tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Huyện, nhất là tranh chấp đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng...; các hoạt động chống phá nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền. Trong khi đó, nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết tốt; tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp, phạm pháp hình sự chưa giảm; công tác cải cách hành chính còn nhiều hạn chế; chuyên môn nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu công việc... Do đó, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục QP-AN cho toàn dân là yêu cầu hết sức bức thiết, nhằm giúp cho mọi người nhận thức đúng tình hình nhiệm vụ của địa phương, của đất nước; nâng cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Huyện coi trọng phát huy vai trò tham mưu của Hội đồng Giáo dục QP-AN; từ đó, chỉ đạo cơ quan quân sự chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng của địa phương, như: Phòng Văn hoá Thông tin, Phòng Giáo dục - Đào tạo, Đài Truyền thanh Huyện... tổ chức tốt công tác giáo dục QP-AN và các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhân các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị của quốc gia, của địa phương, ngày truyền thống của Quân đội. Ngoài việc quán triệt Chỉ thị 12-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về công tác giáo dục QP-AN, các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, Huyện còn chủ động tuyên truyền, vận động toàn dân chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, nhất là: Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên và các quy định ở địa phương. Trong 2 năm (2011, 2012), toàn Huyện có 746 đối tượng được bồi dưỡng kiến thức QP-AN, đạt 100% chỉ tiêu1. Công tác giáo dục QP-AN cho học sinh các trường trung học phổ thông và trường dạy nghề trên địa bàn được thực hiện tốt, đạt 100%. Thông qua đó, làm chuyển biến về nhận thức, quan điểm, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ của Huyện. Đội ngũ cán bộ đã thực hiện tốt chức trách được phân công trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác QP,QS địa phương; “thế trận lòng dân” trên địa bàn ngày càng được củng cố vững chắc.

Trong xây dựng nền QPTD, Huyện thực hiện tốt việc “Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH...)”2. Vấn đề này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa quán triệt đầy đủ các quan điểm của Đảng, vừa phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ địa phương. Nằm ở phía Bắc của tỉnh Hậu Giang, ngoài cụm công nghiệp Nam sông Hậu, huyện Châu Thành còn có 471 cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp quy mô vừa và nhỏ; 918 cơ sở thương mại - dịch vụ, với tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ 2.352 tỷ đồng... Xuất phát từ vị trí, tiềm năng của địa phương, Huyện luôn chú trọng gắn quy hoạch phát triển KT-XH với quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ Huyện. Các dự án phát triển KT-XH, nhất là các khu công nghiệp, công trình giao thông vận tải, xây dựng cơ bản, bưu chính - viễn thông, đầu tư phát triển du lịch... đều tính đến bảo đảm cho QP-AN ngay từ khâu quy hoạch. Công tác quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển sản xuất (kể cả kinh doanh, dịch vụ) đều gắn chặt với xây dựng, củng cố, phát triển, không ngừng nâng cao tiềm lực quốc phòng, bảo đảm có thể chuyển từ sản xuất thời bình sang thời chiến theo yêu cầu đặt ra. Hầu hết các cơ sở công nghiệp, cơ sở thương mại trên địa bàn Huyện đã được đưa vào quy hoạch phát triển kinh tế ngành; đồng thời, cũng là cơ sở tiềm lực quốc phòng, có kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện phục vụ nhu cầu quốc phòng, trực tiếp là hoạt động tác chiến của khu vực phòng thủ khi có tình huống chiến tranh. Đến nay, UBND Huyện và các ngành đã xây dựng xong kế hoạch bảo đảm nhu cầu quốc phòng năm đầu chiến tranh; đã tập trung đánh giá kỹ năng lực và khả năng huy động các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn; khả năng bảo đảm lương thực, thực phẩm,  xăng dầu và phương tiện vận chuyển; các công trình dân sinh phục vụ quốc phòng khi cần thiết. Trên cơ sở đó, Huyện chỉ đạo các ban, ngành và nhân dân tích cực triển khai thực hiện các dự án, đề án, kế hoạch phát triển KT-XH gắn với tăng cường QP-AN giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020.

Cùng với đó, Huyện thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương vững mạnh, có sức chiến đấu cao, thực sự làm nòng cốt xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, Huyện ủy, UBND Huyện đều ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của tỉnh Hậu Giang về QP-AN. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng LLVT địa phương vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, đủ sức làm tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về công tác QP-AN. Thực hiện điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn kiện, phương án, kế hoạch tác chiến, kế hoạch chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch phòng thủ dân sự, kế hoạch phòng, chống lụt bão... từ Huyện đến các xã (thị trấn). Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự, công an thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Trong huấn luyện, tập trung nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu sát với thực tế, phương án tác chiến; nâng cao khả năng phòng, chống “diễn biến hoà bình”, tác chiến - trị an, khắc phục thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. Năm 2012, Huyện đã tổ chức diễn tập vận hành cơ chế cho xã Phú Tân và 2 thị trấn (Mái Dầm, Ngã Sáu); tham gia Hội thi báo cáo viên giỏi trong LLVT tỉnh Hậu Giang và thi tìm hiểu pháp luật về dân quân, tự vệ. Hiện tại, Huyện đã có kế hoạch chỉ đạo diễn tập tác chiến - trị an cho các xã Phú Hữu, Phú An và Đông Phú. Bên cạnh đó, Huyện còn tổ chức kiểm tra các địa phương, đơn vị trên địa bàn về công tác trực ban, trực chiến, trực phòng không và các chốt dân quân trọng điểm; duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp giữa ngành Công an và Quân sự theo Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong xây dựng LLVT địa phương, Huyện chú trọng xây dựng Ban Chỉ huy Quân sự và Công an xã (thị trấn) vững mạnh toàn diện; xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ thường trực, tại chỗ và cơ động, bảo đảm độ tin cậy chính trị, sự cân đối, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; xây dựng lực lượng dự bị động viên vững mạnh, đảm bảo nguồn dự bị đạt 99% trở lên. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành việc xây dựng Trụ sở làm việc của cơ quan Công an, Quân sự theo kế hoạch đề ra. Trên cơ sở đó, chỉ đạo LLVT Huyện thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Theo tiến trình phát triển, huyện Châu Thành đang tích cực tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tập trung khai thác và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của Huyện, đẩy mạnh CNH,HĐH gắn với xây dựng nền QPTD vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

VÕ VĂN THẮNG

Chủ tịch UBND Huyện

                        

1 - Đối tượng 1: 1; đối tượng 2: 8; đối tượng 3: 43; đối tượng 4: 454; đối tượng 5: 235; chức sắc tôn giáo: 5.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...