Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 23/09/2021, 08:31 (GMT+7)
Học viện kỹ thuật quân sự phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các thầy giáo có nhiệm vụ nặng nề và vẻ vang là đào tạo cán bộ cho dân tộc”1, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành (28/10/1966 - 28/10/2021), Học viện Kỹ thuật Quân sự luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp hàng vạn nhân lực kỹ thuật quân sự chất lượng cao cho các đơn vị trong toàn quân, nền công nghiệp quốc phòng, góp phần quan trọng vào xây dựng Quân đội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kết quả đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng vai trò nòng cốt thuộc về đội ngũ giảng viên qua các thời kỳ. Những năm qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về công tác cán bộ, giáo dục và đào tạo; triển khai nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên toàn diện. Trong đó, làm tốt công tác dự báo, định hướng sự phát triển nhiệm vụ, yêu cầu của công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học trong từng giai đoạn để chủ động kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên phù hợp. Chú trọng cả số lượng và chất lượng, phẩm chất và năng lực; thực hiện đào tạo đi trước một bước, gắn đào tạo với sử dụng cán bộ; quan tâm bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt; đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế đơn vị, đảm bảo sự gắn kết giữa nhà trường với đơn vị,… nâng cao phẩm chất, năng lực mọi mặt đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Để đạt hiệu quả cao, Học viện thực hiện đúng nguyên tắc, quy trình tuyển chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, sắp xếp, sử dụng cán bộ, nhất là giảng viên; thực hiện tốt chế độ, chính sách, khuyến khích giảng viên phát triển năng lực; chú trọng trẻ hóa đội ngũ, nhất là độ tuổi trung bình của đội ngũ nhà giáo có học hàm, học vị cao đã giảm đáng kể. Giai đoạn 2011 - 2020, Học viện có 380 cán bộ đào tạo tiến sĩ, 282 cán bộ đào tạo thạc sĩ, 401 cán bộ đi thực tế tại các đơn vị. Hiện nay, Học viện là cơ sở giáo dục, đào tạo có uy tín, chất lượng cao của Quân đội, Quốc gia và khu vực, đội ngũ giảng viên có trình độ và chất lượng cao. Trong đó: sau đại học đạt gần 89%, vượt 29% so với mục tiêu Quân đội đề ra, vượt 15% so với mặt bằng chung các trường Quân đội; tiến sĩ là 51%, ngoại ngữ tương đương B2 quốc tế trở lên gần 36%, 07 Giáo sư, 74 Phó Giáo sư, 09 Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú, 49 Giảng viên dạy giỏi cấp Bộ Quốc phòng, v.v.

Trước yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới và bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao, Học viện chủ động xây dựng Đề án Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xác định: “Đến năm 2030, là trường đại học nghiên cứu trong tốp đầu về khoa học - kỹ thuật và công nghệ của đất nước, trong tốp 700 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu thế giới; một số lĩnh vực tương đương với các trường đại học lớn trong khu vực và hội nhập quốc tế; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và Quân đội giao; phấn đấu đến năm 2045, trở thành trường đại học thuộc tốp 500 các trường đại học tiên tiến, hàng đầu trên thế giới”. Thực hiện mục tiêu đề ra, Học viện triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao, ngang tầm nhiệm vụ.

Trước hết, tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là giải pháp tiên quyết, xuyên suốt và có tính chất quyết định đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện. Toàn Học viện, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy các cấp cần thường xuyên quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trong giai đoạn hiện nay; thống nhất quan điểm: xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt, quyết định đến chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học; từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác xây dựng đội ngũ này. Phát huy kết quả xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giai đoạn 2016 - 2020, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển theo hướng chuẩn hóa, đạt tiêu chí của trường đại học nghiên cứu, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học - kỹ thuật quân sự và sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt các kế hoạch, chương trình, đề án về cán bộ và công tác cán bộ, nhất là Kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch phát triển Học viện Kỹ thuật Quân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 20452.

Giới thiệu bài giảng cho học viên học tập trên giảng đường

Hai là, đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao toàn diện phẩm chất, năng lực, trình độ và uy tín của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Quán triệt, thực hiện khâu đột phá chiến lược “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…”3, Học viện luôn đi trước một bước trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; trong đó, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phương pháp sư phạm, ngoại ngữ, tin học, năng lực nghiên cứu khoa học,… đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa Quân đội, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Kết hợp giữa mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ với đề cao trách nhiệm tự học, tự bồi dưỡng; thông qua thực tiễn giảng dạy, nghiên cứu khoa học, biên soạn tài liệu, giáo trình, tổ chức các giải thưởng khoa học,… để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ đội ngũ giảng viên. Học viện tăng cường cử cán bộ, giảng viên đi thực tế đơn vị, nhất là các quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại nhằm gắn “lý luận với thực tiễn”, “giảng đường với thao trường”; từ đó bổ sung kiến thức thực tiễn, nâng cao chất lượng toàn diện cho đội ngũ này. Việc cử cán bộ, giảng viên đi thực tế phải bám sát quy hoạch, kế hoạch, đảm nhận các cương vị phù hợp với từng đối tượng; tập trung đi thực tế tại các đơn vị có vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại. Học viện đề xuất với Bộ Quốc phòng cho giảng viên tham gia các chương trình nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật; diễn tập, hội thi, hội thao của các đơn vị. Định kỳ cử các đoàn cán bộ đi khảo sát thực tiễn vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhu cầu đào tạo; tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với đơn vị, các học viện, nhà trường trong và ngoài nước, các cơ sở nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất. Qua đó, kịp thời bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo; giảng viên đổi mới phương pháp giảng dạy, góp phần phát triển chương trình đào tạo, định hướng nghiên cứu khoa học phù hợp với thực tiễn.

Ba là, đề xuất và thực hiện tốt cơ chế, chính sách giữ chân, thu hút cán bộ, giảng viên. Cụ thể hóa quan điểm “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”4, cùng với thực hiện có hiệu quả các chế độ, chính sách hiện hành của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với đội ngũ giảng viên5, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng áp dụng một số chế độ, chính sách đặc thù, đảm bảo thống nhất, đồng bộ và khả thi từ khâu phát hiện, tuyển chọn, tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ, tôn vinh; đầu tư thỏa đáng, tạo bước đột phá về chính sách để đủ sức giữ chân, thu hút nhân tài về Học viện công tác, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, những cán bộ, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, năng lực sư phạm, quản lý giáo dục thuộc các lĩnh vực mũi nhọn, các chuyên ngành đào tạo mà Quân đội cần. Đồng thời, quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách hậu phương Quân đội, chăm sóc sức khỏe; nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng môi trường, bảo đảm điều kiện làm việc,... tạo động lực thúc đẩy đội ngũ cán bộ, giảng viên yêu nghề, gắn bó với Học viện, toàn tâm, toàn ý phát huy tâm huyết, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, Học viện kiên quyết loại khỏi đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục những cá nhân không đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, đạo đức, tư cách.

Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, đánh giá và sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Học viện chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp quán triệt và thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, quy chế, quy định, hướng dẫn về công tác cán bộ; thực hiện nghiêm quy định phân cấp quản lý cán bộ và các chế độ công tác cán bộ; quản lý toàn diện đối với đội ngũ cán bộ, nhất là giảng viên. Tổ chức đánh giá phẩm chất, năng lực, đạo đức, tư cách của cán bộ, giảng viên bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định, không hình thức; phát huy trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, các tổ chức chuyên môn và người học. Chú trọng phát huy vai trò nêu gương của từng cán bộ, giảng viên; có chính sách đặc thù để khuyến khích cán bộ, giảng viên tâm huyết, yêu nghề, hết mình cống hiến cho sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Quân đội và đất nước.

Học viện xác định, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên là công tác có tính cách mạng, lâu dài, quyết định trực tiếp tới chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật quân sự. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự luôn kiên quyết, kiên trì thực hiện; bảo đảm cụ thể, rõ ràng, có tính pháp lý cao trong từng khâu, từng bước; tạo môi trường giáo dục, đào tạo năng động, khoa học, có khả năng thu hút nhân tài cả nước; phấn đấu thực sự là nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng phát triển nền khoa học - công nghệ quân sự Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng CAO MINH TIẾN, Chính ủy Học viện
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 400.

2 - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 2442/QĐ-BQP, ngày 28/7/2021.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 338.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 160.

5 - Các chính sách: Hỗ trợ kinh phí cho các công bố khoa học và văn bằng sở hữu trí tuệ; chính sách đối với những nhà giáo có học hàm, học vị, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...