Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 21/10/2021, 07:49 (GMT+7)
Học viện Chính trị nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Trải qua 70 năm (25/10/1951 – 25/10/2021) xây dựng, trưởng thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị luôn đổi mới, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bảy mươi năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự có trình độ đại học và sau đại học; hàng nghìn sĩ quan, cán bộ chính trị cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng gia Campuchia. Các thế hệ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên được đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện luôn thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ, năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, trung tâm đoàn kết, hạt nhân lãnh đạo ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân; nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhà giáo, nhà khoa học có uy tín lớn trong và ngoài Quân đội.

Trước xu thế phát triển giáo dục, đào tạo của đất nước, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự điều chỉnh, xây dựng quy hoạch hệ thống các nhà trường Quân đội theo hướng xây dựng nhà trường thông minh và chuyển đổi số, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân và hội nhập quốc tế đặt ra yêu cầu cao đối với công tác giáo dục, đào tạo trong Quân đội. Nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện tiếp tục có sự phát triển mới cả về quy mô, loại hình, đối tượng, phương thức và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng,... đòi hỏi cần có những giải pháp đột phá mang tính toàn diện nhằm đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ (nay là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Học viện

Nhằm “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”1; “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác giáo dục, đào tạo; đột phá “xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học”2, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho các lực lượng sư phạm về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự thống nhất về ý chí và hành động trong toàn Học viện, xây dựng động cơ, thái độ, trách nhiệm cho các đối tượng trong thực hiện nhiệm vụ. Nội dung tập trung giáo dục, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác giáo dục, đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội và Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ Học viện (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 35/NQ-ĐU của Đảng ủy Học viện về “Xây dựng đội ngũ cán bộ ở Học viện Chính trị giai đoạn 2019 - 2030”, phương hướng, giải pháp thực hiện giáo dục, đào tạo giai đoạn 2021 - 2030. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng quyết tâm thực hiện thắng lợi khâu đột phá “Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa; tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung đào tạo gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học” tại Học viện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Hai là, phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong thực hiện đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng, về: “xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo”3; trên cơ sở nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Học viện luôn xác định đúng chủ trương, phương hướng, giải pháp đồng bộ, khả thi trong nghị quyết lãnh đạo nhằm đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và giải quyết những khó khăn vướng mắc, đồng thời bổ sung kịp thời các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả các khâu, các bước và công tác bảo đảm trong quá trình đổi mới, sáng tạo. Cấp ủy, chỉ huy các cấp căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo chặt chẽ, sáng tạo, sát với từng đối tượng, xác định tốt khâu đột phá, giải quyết dứt điểm khâu yếu, mặt yếu, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ.

Ba là, tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ chương trình, nội dung gắn với đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy học. Để thực hiện tốt quan điểm Đại hội XIII của Đảng, về: “đổi mới đồng bộ mục tiêu, chương trình, nội dung, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện”4, Học viện thường xuyên cập nhật, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng các đối tượng theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, liên thông, tích hợp tri thức, khắc phục triệt để sự trùng lặp về nội dung giữa các cấp học, bậc học và môn học. Gắn đào tạo theo chức vụ với trình độ học vấn, bảo đảm tính hệ thống, kế thừa, liên thông giữa các trình độ đào tạo; xây dựng, hoàn thiện và cập nhật kho dữ liệu số trên mạng nội bộ. Trên cơ sở xác định rõ chuẩn đầu ra về năng lực đối với từng đối tượng, mỗi khoa và bộ môn xác định rõ những nội dung cốt lõi và nội dung liên quan trong các khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành với thời lượng phù hợp cần cung cấp và phương thức cung cấp cho người học. Học viện tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng tăng cường phương pháp dạy học mới, dạy học tích cực, hiện đại phù hợp với mỗi đối tượng, loại hình đào tạo nhằm phát huy toàn diện phẩm chất, năng lực, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ huy, huấn luyện và thực hành nghề nghiệp tương xứng với trình độ học vấn và chức danh đào tạo. Hình thành và phát triển ở người học những năng lực chung và năng lực chuyên biệt, có khả năng thích ứng tốt nhất, nhanh nhất, tạo không khí dân chủ và yêu cầu người học phải vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đề xử lý các tình huống đặt ra trong học tập và công tác.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đây là nhân tố then chốt trong đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện hiện nay. Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng, về: “chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”5, Học viện tiếp tục quan tâm kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời, bám sát Quyết định số 89/QĐ-TTg, ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030” và Nghị quyết số 109-NQ/QUTW, ngày 11/02/2019 của Quân ủy Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội, nhất là cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, để xây dựng những giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược lâu dài. Tập trung củng cố, kiện toàn, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giảng viên cả về số lượng, chất lượng, có cơ cấu hợp lý; chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, giảng viên có học vị, chức danh khoa học, dạy giỏi ở các cấp. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng những năm tiếp theo” và Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”; Chỉ thị số 89/CT-BQP, ngày 09/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về một số nhiệm vụ cấp bách nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống nhà trường Quân đội một cách thiết thực, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2025, cán bộ của Học viện có trình độ sau đại học đạt trên 70%; riêng đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu đạt từ 80% - 85%, trong đó có trên 40% tiến sĩ. Những giải pháp trên giúp Học viện xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, giảng viên đầu ngành có phẩm chất, năng lực chuyên môn giỏi, có uy tín, tư duy đổi mới, kiến tạo, từng bước tiếp cận phương thức tổ chức, quản lý, điều hành giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của Học viện cả trước mắt và lâu dài.

Năm là, bảo đảm tốt cơ sở vật chất hiện đại phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo trong điều kiện mới. Đây là nội dung quan trọng, tác động đến kết quả đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện trong những năm tới, nhất là trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và khoa học công nghệ quân sự phát triển mạnh mẽ. Quán triệt quan điểm Đại hội XIII của Đảng, về: “xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo”6, Học viện luôn chủ động, tích cực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học ngày càng hiện đại và đồng bộ theo hướng xây dựng nhà trường thông minh, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, giảng viên sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin hiện đại theo đúng quy định phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Quản lý chặt chẽ việc khai thác, sử dụng internet, thiết bị thu phát, truyền tin đúng quy chế, quy định, phù hợp với từng đối tượng. Nâng cao chất lượng đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong Quân đội, tạo môi trường sư phạm trong sạch, lành mạnh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên là nhân tố quan trọng để Học viện Chính trị không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xứng đáng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn quân sự hàng đầu của Quân đội và Quốc gia, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Kế thừa và phát huy truyền thống “Kiên định và phát triển, đoàn kết và kỷ luật, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ” mà các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên của Học viện đã xây đắp suốt 70 năm qua.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN VĂN BẠO, Giám đốc Học viện
____________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 115.

2 - Đảng bộ Học viện Chính trị – Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, tháng 8/2020, tr. 34.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 136.

4 - Sđd, tr. 136.

5 - Sđd, tr. 138.

6 - Sđd, tr. 139.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...