Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 03/03/2011, 16:05 (GMT+7)
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN - một đột phá chiến lược để phát triển kinh tế nhanh và bền vững

 Đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết nhiệm kỳ 2006- 2010, Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: “Thể chế kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm yếu cản trở sự phát triển”1. Để khắc phục, Đại hội đã chủ trương thực hiện 3 đột phá chiến lược: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN, phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại; trong đó, việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN được đặt lên hàng đầu, bởi đó là khâu đột phá mang lại hiệu quả cao nhất, có tác động thúc đẩy 2 đột phá còn lại.

title
Đại tướng Phùng Quang Thanh,  Bộ trưởng BQP trò chuyện với các đại biểu quân đội bên lề Đại hội XI. (Ảnh: Minh Trường - nguồn: Báo QĐND)
Thực tiễn của 25 năm đổi mới cho thấy: chỉ với việc chuyển đổi thể chế kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang thể chế kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước XHCN – nay gọi là thể chế KTTT định hướng XHCN, các nguồn lực của nền kinh tế đã được phát huy có hiệu quả hơn. Nhờ đó, từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực, đời sống nhân dân rất khó khăn, nay nước ta đã ra khỏi tình trạng nước kém phát triển với GDP bình quân đầu người đạt 1.200 USD, trở thành nước xuất khẩu gạo có vị trí thứ hai trên thế giới. Điều đó đã khẳng định rằng, một thể chế kinh tế phù hợp sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và tình hình sẽ ngược lại.

Mặc dù thuật ngữ “Thể chế KTTT định hướng XHCN” mới xuất hiện trong văn kiện Đại hội IX của Đảng cùng với thuật ngữ “KTTT định hướng XHCN”, nhưng những yếu tố của thể chế kinh tế này đã từng bước được xây dựng cùng với quá trình đổi mới kinh tế. Trải qua 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã làm được nhiều việc để xây dựng và từng bước hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN trên cả 3 phương diện: “luật chơi”, “sân chơi” và “người chơi”. Theo đó, hệ thống luật pháp tạo khung khổ pháp lý cho nền KTTT định hướng XHCN đã được bổ sung, hoàn thiện, đáp ứng điều kiện để nước ta trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Các loại thị trường bước đầu được hình thành đồng bộ, bao gồm cả thị trường công nghệ và thị trường lao động; trong đó, thị trường chứng khoán - thành tựu cao nhất của KTTT -  đã trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Các loại hình doanh nghiệp dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau đều được khuyến khích phát triển không giới hạn về quy mô và trình độ, trong những lĩnh vực mà luật pháp không cấm.

Tuy nhiên, thể chế KTTT định hướng XHCN của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập; thể hiện rõ nhất ở chỗ: hệ thống luật pháp và cơ chế, chính sách chưa thật đồng bộ và thống nhất, có khi khó đi vào cuộc sống (như Luật Đất đai); vấn đề sở hữu, quản lý và phân phối trong các doanh nghiệp nhà nước chưa được giải quyết tốt, còn có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế (nhất là trong tiếp cận các nguồn tín dụng); các yếu tố thị trường và các loại thị trường hình thành và phát triển chậm, chưa đồng bộ, vận hành chưa thông suốt, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, trốn lậu thuế, gian lận thương mại còn nhiều; cải cách hành chính còn chậm, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng; khoảng cách giàu - nghèo ngày càng doãng ra, hệ thống an sinh xã hội còn sơ khai và chưa đồng bộ, v.v. Những vấn đề đó đã góp phần làm cho “Kinh tế phát triển chưa bền vững, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH chậm; chế độ phân phối bất hợp lý, phân hóa xã hội tăng lên”2. Vì vậy, đột phá vào hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn, nhằm tạo tiền đề thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Đó cũng là cách làm ít tốn kém nhất trong quá trình thực hiện 3 đột phá chiến lược. 

Để hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN trong thời gian tới, Đại hội XI chủ trương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao quát cả 3 yếu tố tạo thành thể chế kinh tế, với trọng tâm hướng vào “tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính”. 

- Điều quan trọng hàng đầu là, phải nhận thức đúng đắn về tính phổ biến và tính đặc thù của nền KTTT định hướng XHCN; để trên cơ sở đó, hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhằm đảm bảo cho mọi hoạt động kinh tế phù hợp với quy luật vận hành của nền KTTT, cũng như để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình phát triển. Theo đó, mặc dù nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta được nhận thức là một hình thái KTTT đặc biệt, có nét đặc thù là “được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH”; nhưng tính phổ biến của KTTT luôn đòi hỏi sự vận hành của nền KTTT định hướng XHCN phải chịu sự chi phối trước hết của các quy luật kinh tế khách quan. Do vậy, trong quá trình vận hành, cơ chế thị trường phải được vận dụng đầy đủ để phát huy mạnh mẽ và có hiệu quả mọi nguồn lực; còn sự can thiệp của nhà nước XHCN vào nền KTTT để thực hiện quyết tâm chính trị nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH cũng không thể tùy tiện, duy ý chí, mà phải trên cơ sở tôn trọng các quy luật của thị trường. Bỏ qua hay vi phạm các quy luật thị trường, thì sự can thiệp của nhà nước XHCN chẳng những sẽ làm méo mó các quan hệ thị trường, mà các mục tiêu của CNXH cũng sẽ khó thực hiện được như mong muốn, làm nảy sinh thêm các tiêu cực. Đây là vấn đề được Đại hội nhấn mạnh cả trong Báo cáo Chính trị cũng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; phản ảnh bước tiến mới trong tư duy và hành động của Đảng ta về phát triển nền KTTT định hướng XHCN; thể hiện sự đoạn tuyệt triệt để với “tàn dư” của cơ chế kinh tế cũ và khẳng định quyết tâm đổi mới toàn diện hoạt động quản lý nhà nước về kinh tế cho phù hợp với yêu cầu của nền KTTT. 

Nhằm tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Đại hội XI chủ trương: tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế trên cơ sở tôn trọng quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân; Nhà nước bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp; cùng với việc đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân, sẽ xây dựng, hoàn thiện luật pháp về sở hữu đối với các loại tài sản mới như sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu, tài nguyên nước...; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của các chủ sở hữu đối với xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng: giảm mạnh và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân; đẩy mạnh xã hội hóa các loại dịch vụ công phù hợp với cơ chế KTTT định hướng XHCN. Một khi các thủ tục hành chính phiền hà được xóa bỏ, thì môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp sẽ được đảm bảo. 

- Thứ hai, tiếp tục thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu, các thành phần kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; đảm bảo mọi thành phần kinh tế, các chủ thể tham gia thị trường đều được coi trọng, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.  

Việc tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong quá trình phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là kết quả của quá trình tổng kết lý luận và thực tiễn đổi mới 25 năm qua của Đảng ta, phản ánh nét đặc thù của nền KTTT định hướng XHCN so với nền KTTT theo định hướng tư bản chủ nghĩa. Để kinh tế nhà nước làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, điểm nhấn trong thời gian tới, được Đại hội XI khẳng định: là thực hiện đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu toàn dân đối với đất đai, tài nguyên, vốn và các loại tài sản công khác, nhằm đảm bảo quyền sở hữu vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng quyền sử dụng được giao cho các chủ thể thuộc mọi thành phần kinh tế theo nguyên tắc hiệu quả thông qua cơ chế thị trường; đồng thời, đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp và nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước theo hướng: cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty nhà nước, tập trung vào một số ngành và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, phân định rõ quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, xác định cụ thể quyền và trách nhiệm của hội đồng quản trị và giám đốc doanh nghiệp đối với tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm khắc phục tình trạng vô chủ và sử dụng vốn nhà nước đầu tư tràn lan, kém hiệu quả, gây tổn thất, lãng phí.

Kinh tế tập thể sẽ được chăm lo phát triển với nhiều hình thức đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX). Điểm khác căn bản đối với các loại hình kinh tế tư nhân được Đại hội lần này nhấn mạnh là HTX vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng xã hội; do vậy, việc phát triển các HTX, các tổ hợp tác kiểu mới và các mô hình kinh tế tập thể khác phải tuân theo nguyên tắc tự nguyện; đồng thời, các HTX phải đổi mới hoạt động theo hướng thực sự là các đơn vị kinh doanh thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Nhà nước tạo điều kiện phát triển các trang trại ở nông thôn và hình thành HTX của các chủ trang trại. Đây là hướng phát triển tất yếu của kinh tế nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Nhất quán với chủ trương phát huy quyền tự do kinh doanh theo pháp luật của mọi công dân để làm giàu cho bản thân và đóng góp cho xã hội, Đại hội XI tiếp tục khuyến khích phát triển mạnh các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế. Điểm mới trong lần này là Đảng chủ trương thực hiện “Chương trình quốc gia về phát triển doanh nghiệp”, trong đó, sẽ tạo điều kiện để hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và để tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, hình thành các doanh nghiệp lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường; đồng thời, khác với trước đây, việc thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài (nguồn vốn FDI) được thực hiện có chọn lọc, hướng vào những ngành, lĩnh vực kinh tế phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển của đất nước, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, không làm hại môi trường.  

- Thứ ba, phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường. Để vừa bảo vệ thị trường nội địa, vừa bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, nhất là trong điều kiện chúng ta đến thời hạn mở cửa thị trường theo lộ trình đã cam kết với quốc tế, Đại hội XI nhấn mạnh sự cần thiết phải sớm hoàn thành việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh doanh cho phù hợp với điều kiện Việt Nam, tuân thủ những quy định của các tổ chức quốc tế và khu vực mà nước ta tham gia. Điểm nhấn trong Đại hội XI, là Đảng khẳng định phải hoàn thiện thể chế về giá theo hướng: thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; đồng thời, có cơ chế kiểm soát cạnh tranh và độc quyền trên tất cả các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ, tài chính, đất đai, khoa học, công nghệ và thị trường lao động. Điều đó tiếp tục thể hiện sự nhất quán trong nhận thức của Đảng ta về tính phổ biến và tính đặc thù của KTTT trong quá trình phát triển nền KTTT định hướng XHCN.

- Thứ tư, nâng cao vai trò và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước đối với nền KTTT định hướng XHCN. Điểm nhấn quan trọng trong các văn kiện của Đại hội XI về vấn đề này, là khẳng định sự cần thiết phải “giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường”. Theo đó, Nhà nước quản lý, điều hành nền kinh tế, nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của CNXH, bằng pháp luật, quy hoạch, kế hoạch và các công cụ điều tiết khác, nhưng “trên cơ sở tôn trọng và vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật và cơ chế vận hành của KTTT”; Nhà nước tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng phát triển, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, vừa không phó mặc cho thị trường, vừa không tùy tiện can thiệp làm sai lệch các quan hệ thị trường, không lẫn lộn chức năng quản lý kinh tế nhà nước với chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.      

Năng lực và hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước được nâng cao theo đúng những định hướng mà Đại hội XI xác định, sẽ là nhân tố vừa bảo đảm cho nền kinh tế được vận hành trôi chảy theo yêu cầu của các quy luật kinh tế khách quan, vừa bảo đảm hiện thực hóa được các mục tiêu của CNXH một cách bền vững.

 NGUYỄN NGỌC HỒI

           

1-Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam - Báo Nhân dân, ngày 21-1-2011.

2- Sđd.

 
Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...