Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 06/07/2023, 10:09 (GMT+7)
Hòa Bình kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI)

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh là chủ trương lớn, được xác định trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quán triệt sâu sắc chủ trương đó, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao hiệu quả kết hợp hai nhiệm vụ trọng tâm này.

Trong những năm qua, quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng đã được thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quân ủy Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tỉnh Hòa Bình chủ trương đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với đặc điểm của địa phương và đạt được những kết quả tích cực. Rõ nét nhất là nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và toàn dân về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh không ngừng được nâng cao; nội dung kết hợp tương đối toàn diện, đồng bộ, thống nhất từ trong quy hoạch, kế hoạch đến biện pháp tổ chức thực hiện, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, Quân khu 3 và cả nước. Quy chế phối hợp giữa các cấp, ngành, lĩnh vực,... với lực lượng Quân sự, Công an từng bước được bổ sung, hoàn thiện, bảo đảm chặt chẽ, khoa học và mang tính khả thi cao; hình thức, phương pháp kết hợp từng bước được đổi mới; công tác tham mưu và tổ chức kết hợp của các ban, ngành, lực lượng, nhất là lực lượng vũ trang được phát huy hiệu quả, góp phần tạo ra nguồn lực kinh tế huy động phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bảo vệ địa bàn, bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 2013 - 2022, các ngành kinh tế của Tỉnh phát triển khá toàn diện và đạt được nhiều kết quả ấn tượng, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,3%/năm; quy mô kinh tế năm 2022 đạt 57.684 tỉ đồng, gấp 2,1 lần so với năm 2013 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, thu ngân sách năm 2022 đạt 5.274 tỉ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2013. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, phát triển bảo đảm tính lưỡng dụng vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa gắn với thế phòng thủ chung của Tỉnh và Quân khu, nhất là trên các hướng, địa bàn trọng điểm. Những năm gần đây, Tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hoàn thiện hệ thống điện, đường, trường, trạm, ưu tiên các vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Các dự án đầu tư xây dựng của Tỉnh đều được thẩm định chặt chẽ, bảo đảm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và khả năng động viên cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Hiện nay, Tỉnh quy hoạch và đầu tư được 08 khu công nghiệp với diện tích 1.433 ha, 03 căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp tỉnh với diện tích 420 ha, 15 căn cứ hậu cần - kỹ thuật cấp huyện, thành phố với diện tích 576 ha; tạo cơ chế thuận lợi cho hơn 7.000 doanh nghiệp hoạt động, quản lý chặt chẽ đất quốc phòng, các công trình quốc phòng và khu quân sự trên địa bàn.

Mô hình Làng văn hoá, quốc phòng - an ninh huyện Yên Thủy.
Nguồn: baohoabinh.com.vn

Phát huy các kết quả đã đạt được và trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI), Tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, phấn đấu đưa Hòa Bình trở thành tỉnh vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh. Để đạt được các mục tiêu đó, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương và toàn dân đối với nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Trên cơ sở tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả quan điểm: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”1, Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng và nhân dân nắm chắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, an ninh của Đảng trong tình hình mới; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; khó khăn, hệ lụy, mặt trái của nền kinh tế thị trường, v.v. Nội dung giáo dục, tuyên truyền bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, sát với đối tượng, địa bàn; trong đó, tập trung hướng vào làm rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng việc gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng và Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quá trình giáo dục, tuyên truyền cần chú ý khắc phục triệt để tư tưởng chỉ coi trọng nhiệm vụ phát triển kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc ngược lại; đồng thời, kiên quyết xử lý tình trạng thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, dẫn đến phát triển không cân đối, hài hòa giữa hai lĩnh vực, nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, ngành, các thành phần kinh tế và toàn thể nhân dân trong thực hiện kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh thời kỳ mới.

Hai làlãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể đến triển khai thực hiện ở từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Trước mắt, tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn kết chặt chẽ với liên kết phát triển kinh tế vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Tỉnh tập trung 05 khâu đột phá phát triển: (1). Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đặc biệt là văn hóa dân tộc Mường và văn hóa Hòa Bình; (2). Đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; (3). Phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; (4). Đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số gắn với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; (5). Tập trung mạnh mẽ việc thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Tỉnh. Về không gian phát triển, Tỉnh định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo 02 hành lang: hành lang kinh tế Đông - Tây là một bộ phận của hành lang kinh tế Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên và hành lang kinh tế phía Đông gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc CT02 qua Lương Sơn (giáp Hà Nội) - Lạc Thủy - Yên Thủy - Lạc Sơn (giáp tỉnh Thanh Hóa).

Với đặc thù là địa phương có tỷ lệ đất quốc phòng lớn, quá trình thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh sẽ có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đối với quốc phòng, an ninh. Do đó, để nâng cao hiệu quả kết hợp, Tỉnh chỉ đạo trong công tác quy hoạch, phải luôn gắn kết chặt chẽ quy hoạch tổng thể với xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ; các công trình dân sinh, trọng điểm phải luôn bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Đồng thời, tiếp tục phát triển mô hình “Làng, bản Văn hóa - Quốc phòng - An ninh” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ Tỉnh với phương châm: “Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói; sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh; gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền; làng, xóm yên vui”. Đây là mô hình mang đậm bản sắc riêng của Hòa Bình với mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh, làm cơ sở xây dựng khu vực phòng thủ huyện, tỉnh ngày càng vững chắc; xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “thế trận lòng dân”, đoàn kết máu thịt giữa quân với dân, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với Nhân dân,… góp phần cải thiện đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Ba là, phát huy vai trò tham mưu và tổ chức thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là lực lượng vũ trang trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh. Tỉnh chỉ đạo cơ quan Quân sự, Công an tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhằm đảm bảo việc kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh luôn được thực hiện đồng bộ, thống nhất, thông suốt và đạt hiệu quả cao. Để làm được điều đó, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cần tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi không chỉ trong kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh mà còn mở rộng gắn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và ngược lại. Trong đó, cơ quan Quân sự, Công an phải làm nòng cốt phối hợp với các ban, sở, ngành thẩm định chặt chẽ các dự án, thực hiện tốt các biện pháp, cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin ngay từ trong quán triệt, triển khai quy hoạch, kế hoạch của từng công trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Cơ quan Quân sự cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành địa phương huy động, bố trí nguồn lực phù hợp xây dựng các hạng mục công trình quân sự; trong đó, ưu tiên các công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần - kỹ thuật các cấp, bảo đảm ngày càng liên hoàn, vững chắc. Đồng thời, tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng, lập quy hoạch, sử dụng đất quốc phòng một cách tổng thể và từng giai đoạn, tích hợp vào từng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tỉnh, bảo đảm kết hợp hài hòa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN PHI LONG, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.
___________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 324.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...