Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 22/03/2012, 03:45 (GMT+7)
Giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trong xây dựng Đảng hiện nay

Để xây dựng Đảng ta vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp; trong đó, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên là một giải pháp rất quan trọng.

alt
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)
 

Nghị quyết đã đánh giá những hạn chế, yếu kém về công tác xây dựng Đảng trong thời gian vừa qua, nêu lên thực trạng đáng báo động trong cán bộ, đảng viên hiện nay; trong đó, nhấn mạnh: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tuỳ tiện, vô nguyên tắc…”1. Từ đó, Nghị quyết xác định phải tập trung cao độ thực hiện tốt vấn đề trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong ba vấn đề cấp bách là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Như vậy, vấn đề tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên đã trở thành vấn đề trung tâm của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Để tạo được sự chuyển biến thật sự về phẩm chất của cán bộ, đảng viên, toàn Đảng phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tăng cường giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên là giải pháp then chốt.

Đảng ta là một khối thống nhất gồm hàng triệu đảng viên, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên quyết định chất lượng hoạt động của Đảng. Thực tế quá trình hoạt động của Đảng ta chỉ rõ: khi nào tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên tốt thì Đảng mạnh, cách mạng thắng lợi; trái lại, khi nào trong Đảng có nhiều cán bộ, đảng viên yếu kém thì năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng giảm sút, cách mạng gặp khó khăn, phức tạp.Suốt chặng đường dài hoạt động của Đảng, từ khi Đảng còn hoạt động bất hợp pháp đến khi thành đảng cầm quyền, đại đa số cán bộ, đảng viên đều kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm theo lời dạy và tấm gương “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” của Bác Hồ, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi với quần chúng nhân dân. Đã có những thời kỳ khi cách mạng gặp khó khăn, thử thách, thì nhiều tấm gương cán bộ, đảng viên tự nguyện nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; khi thuận lợi, có lợi ích, thì cán bộ, đảng viên vui vẻ nhường nhịn, thực sự “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Bởi vậy, dân tin yêu Đảng, mối quan hệ Đảng – Dân gắn bó; mặc dù có ít đảng viên, lại bị kẻ thù đàn áp, nhưng Đảng vẫn mạnh, hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang lãnh đạo cách mạng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ngày càng to lớn hơn.

Từ vài thập kỷ nay, tình hình chính trị, kinh tế thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp. Đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, cùng với những thuận lợi to lớn, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do mặt trái của kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế đưa đến. Thêm vào đó, các thế lực thù địch càng ra sức thực hiện chiến lược “Diễn biến hoà bình” với âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Chúng thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, tăng cường hoạt động chống phá, hòng chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, hòng làm suy yếu, tiến tới xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, chuyển hoá chế độ chính trị nước ta theo quỹ đạo chính trị của chúng.

Tình hình đó đã làm cho xã hội và ngay cả trong Đảng, trong bộ máy của hệ thống chính trị nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Đáng chú ý là, hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên không còn là cá biệt, mà là của “một bộ phận không nhỏ”, trong đó thường là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, kể cả một số cán bộ cao cấp. Tài sản, lối sống và phong cách của nhiều đảng viên có chức, có quyền cùng gia đình họ đã cách biệt hẳn với cuộc sống của đông đảo nhân dân lao động. Hiện tượng vi phạm quyền làm chủ của nhân dân của các cơ quan công quyền cùng cán bộ trong hệ thống chính trị xảy ra ngày càng nhiều ở cấp cơ sở. Một số chủ trương cũng như cách điều hành của một số cấp uỷ, chính quyền, nhất là ở các địa phương, cơ sở, không sát thực tế, chưa hợp lòng dân, thậm chí thiếu công tâm, vụ lợi, trái pháp luật, nên thực hiện không có kết quả, có trường hợp còn bị nhân dân phản đối, khiếu kiện lên trên... Những hiện tượng tiêu cực này làm cho quần chúng nhân dân bức xúc, oán thoán, mất lòng tin vào Đảng, chính quyền, làm xói mòn bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Đảng. Đây cũng là điều kiện mà các thế lực thù địch đang ra sức lợi dụng để tuyên truyền phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, bôi đen chế độ, gây chia rẽ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Điều đáng lo ngại là hiện tượng tiêu cực ngày càng lây lan trên nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, không chỉ của cá nhân mà của cả tập thể với những biểu hiện vừa tinh vi, vừa trắng trợn và nguy cơ ngày càng nghiêm trọng. Những hiện tượng suy thoái trong Đảng do nhiều căn nguyên, nhưng chủ yếu là do sự yếu kém về tu dưỡng, rèn luyện của một bộ phận cán bộ, đảng viên, để cho cái xấu xâm nhập, lấn át cái tốt, để cho chủ nghĩa cá nhân chi phối con người mình.

Để ngăn chặn, đi tới khắc phục sự suy thoái này, phải tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp, song vấn đề then chốt là phải thực hiện tích cực, thường xuyên, có hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, trong đó cần tập trung thực hiện tốt những nội dung sau:

Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng để cán bộ, đảng viên luôn kiên định lý tưởng, mục tiêu cách mạng, hết lòng, hết sức phấn đấu, hy sinh vì độc lập dân tộc và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân. Trước tình hình khó khăn, phức tạp và các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng; thường xuyên nâng cao cảnh giác, phòng chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” của chúng; không phai nhạt lý tưởng, ngả theo các trào lưu tư tưởng sai trái hoặc hoài nghi, bàng quan với quan điểm, đường lối của Đảng; phải thực sự là tấm gương sáng và chỗ dựa tinh thần cho quần chúng.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả. Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, có ý nghĩa sâu xa, thiêng liêng đối với toàn Đảng, toàn dân. Mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng phải quyết tâm học tập, rèn luyện; thực sự tạo được bước chuyển biến sâu sắc về nhận thức, quyết tâm sửa mình theo tấm gương của Người.

Trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cùng với việc làm theo tấm gương đạo đức của Bác, cần nêu gương đạo đức của những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu qua các thời kỳ cách mạng, những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ qua những hành động, những con người cụ thể trong cán bộ, đảng viên và nhân dân hiện nay. Điều này, vừa có ý nghĩa giáo dục truyền thống tốt đẹp của Đảng, của cách mạng, vừa có ý nghĩa tôn vinh những tấm gương sáng bên cạnh tấm gương vĩ đại của Bác.

Cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự phê bình và phê bình để tiến bộ. Trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong công tác, trong tranh đấu, trong huấn luyện, các đảng viên, các cán bộ, cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình. Luôn luôn dùng và khéo dùng cách phê bình và tự phê bình, thì khuyết điểm nhất định hết dần, ưu điểm nhất định thêm lên và Đảng ta nhất định thắng lợi”2. Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên trong sinh hoạt Đảng, mục đích là để tự tu dưỡng mình, giúp nhau cùng tiến bộ và củng cố đoàn kết nội bộ. Nhưng gần đây, do nhận thức và cách làm của tổ chức cơ sở và cán bộ, đảng viên còn lệch lạc nên chất lượng, hiệu quả sinh hoạt tự phê bình và phê bình giảm sút. Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) xác định giải pháp tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, gắn với nêu cao tính tiền phong gương mẫu kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trước của cấp uỷ và các cấp uỷ viên cấp trên. Qua sinh hoạt tự phê bình và phê bình hướng vào những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, chỉ ra được ưu điểm của cán bộ, đảng viên để phát huy và nhân rộng hơn. Đồng thời, phải vạch rõ những yếu kém, khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên để kịp thời ngăn chặn, tiến tới khắc phục triệt để sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của cán bộ đảng viên.

Rèn luyện cán bộ, đảng viên trong hoạt động thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế3. Kết quả hoạt động thực tiễn là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá phẩm chất và năng lực cán bộ, đảng viên. Qua hoạt động thực tiễn, tiếp xúc với công việc, với quần chúng… cán bộ, đảng viên có điều kiện rèn luyện để trưởng thành; cũng qua hoạt động thực tiễn, những  khuyết, nhược điểm của cán bộ, đảng viên sẽ bộc lộ để được giúp đỡ sửa chữa tiến bộ.

Các tổ chức đảng tăng cường quản lý cán bộ, đảng viên về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống. Đây là chức năng, nhiệm vụ đương nhiên của tổ chức đảng. Nhưng gần đây, việc quản lý cán bộ, đảng viên của một số tổ chức đảng có phần lỏng lẻo, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, để một bộ phận cán bộ, đảng viên buông lỏng tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật, tham nhũng, sa đoạ… Các tổ chức đảng phải có trách nhiệm nắm vững quan điểm, tư tưởng, thái độ làm việc, các mối quan hệ, cách sống, cả hoàn cảnh gia đình và tài sản… của mọi cán bộ, đảng viên trong phạm vi mình quản lý để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực, không để xảy ra tình huống xấu bất ngờ. Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đất đai, tài sản, tài chính của tập thể và quốc gia; mọi chế độ, tiêu chuẩn phải tuân theo chính sách, pháp luật, chống các quy định đặc quyền, đặc lợi và phải công khai, minh bạch; tăng cường công tác thanh tra, giám sát của tổ chức đảng, cơ quan chuyên môn, của đảng viên và quần chúng nhân dân; giữ nghiêm kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm minh đối với mọi tập thể và cá nhân vi phạm.

Làm tốt việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên sẽ tạo được sự chuyển biến thực sự về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của mỗi người từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra ngoài Đảng và tới toàn dân để thực hiện được lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ: “Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”4. Làm được như vậy thì Tổ quốc Việt Nam XHCN mãi mãi trường tồn.

Đại tá, PGS, TS. VŨ NHƯ KHÔI

Viện KHXHNVQS/Bộ Quốc phòng

_________

1- Ban Tuyên giáo Trung ương – Tài liệu nghiên cứu Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI (dùng cho cán bộ chủ chốt và báo cáo viên), Nxb CTQG, H. 2012, tr. 27-28.  

2 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 265.

3-  Sđd, Tập 5, tr. 234-235.

4- Sđd, Tập 12, tr. 510.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...