Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
“Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng” là một trong những quan điểm do Đại hội XI của Đảng xác định. Việc xác định quan điểm này dựa trên sự nhận thức sâu sắc của Đảng ta về mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế của nước ta trong tình hình mới.
Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Quân chủng Hải quân) là một trong những doanh nghiệp tích cực thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế. (Ảnh: Văn Dũng - nguồn: Báo QĐND) Xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay có mối quan hệ chặt chẽ, tác động thúc đẩy lẫn nhau. Nền kinh tế độc lập tự chủ là cơ sở để mở rộng hội nhập quốc tế trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Giữ vững độc lập, tự chủ về kinh tế còn là điều kiện tiên quyết để giữ vững định hướng XHCN trong quá trình hội nhập quốc tế. Mặt khác, hội nhập quốc tế trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế là điều kiện cần thiết để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; nó cho phép chúng ta tận dụng được ngoại lực để phát huy nội lực, đẩy nhanh tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của nền kinh tế nước ta trong khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tác động tích cực, giữa hai quá trình đó cũng có những tác động trái chiều nhau. Tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ sẽ làm nảy sinh tâm lý không muốn hội nhập quốc tế, hoặc hội nhập quốc tế một cách dè dặt, dễ bỏ lỡ thời cơ của đất nước. Mặt khác, hội nhập quốc tế cũng sẽ đặt ra không ít những thách thức đối với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế, tính phụ thuộc lẫn nhau đối với nền kinh tế của mỗi quốc gia ngày càng tăng, nhất là đối với những nền kinh tế sức cạnh tranh còn nhiều hạn chế như nước ta. Đặc biệt là, trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch triệt để lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế để đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta. Bằng nhiều con đường khác nhau, nhất là thông qua con đường hợp tác đầu tư, chúng khuyến khích phát triển mạnh kinh tế tư nhân hòng lấn át kinh tế nhà nước, thực chất là nhằm xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, thủ tiêu cơ sở kinh tế của CNXH, từng bước tạo ra những tiền đề cho chuyển hoá chế độ kinh tế - xã hội ở nước ta. Đồng thời, thực hiện chiến lược “chi phối đầu tư”, các thế lực thù địch còn tìm cách xâm nhập, khống chế các ngành kinh tế then chốt, nhằm tạo sự lệ thuộc, lái nền kinh tế nước ta từng bước đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.
Những tác động trái chiều giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay là hiện hữu. Tuy nhiên, mức độ tác động tiêu cực còn phụ thuộc vào nhận thức và tính năng động của chúng ta. Để hiện thực hoá quan điểm trên do Đại hội XI của Đảng xác định, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế; theo đó, chúng ta cần nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt những nội dung chủ yếu sau:
Một là, tăng cường khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế, tạo vị thế cho nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng. Thực hiện vấn đề này, cần nhận thức đúng nền kinh tế độc lập tự chủ trong điều kiện hội nhập quốc tế là nền kinh tế không biệt lập, khép kín, tự cung, tự cấp, tự sản xuất mọi thứ bằng mọi giá; không phải là sự quyết định tùy tiện, cứng nhắc, không tính đến các quy định cũng như tập quán của các thể chế kinh tế - tài chính quốc tế, không thực hiện đúng các cam kết quốc tế, không quan tâm đến lợi ích của các đối tác. Để tăng cường khả năng độc lập, tự chủ, chúng ta phải chú trọng thực lực của nền kinh tế thông qua tập trung phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực và sản phẩm kinh tế chủ yếu có hiệu quả và sức cạnh tranh cao, như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, hoá dầu…; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đầy đủ, hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sản xuất, đời sống nhân dân và của chính hội nhập quốc tế; tăng cường năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ, nhanh chóng thích nghi và làm chủ công nghệ mới, công nghệ ngoại nhập. Quá trình đó cần chú ý giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển các thành phần kinh tế, các loại thị trường; tăng nhanh dự trữ ngoại tệ, kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài; có hệ thống luật pháp hoàn chỉnh, mạng lưới an sinh xã hội khả thi. Đồng thời, phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, an toàn năng lượng, tài chính - tiền tệ, môi trường; bảo đảm cho nền kinh tế đất nước phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và “luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình, bảo đảm hiệu quả và lợi ích quốc gia” như Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã xác định.
Hai là, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế của đất nước. Thực hiện vấn đề này, trước hết phải luôn duy trì nền kinh tế ở mức tăng trưởng cao và bền vững; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu chủ yếu mà Đại hội XI của Đảng đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2011-2015: 7,0 - 7,5%/năm; bình quân 5 năm, giá trị gia tăng công nghiệp - xây dựng từ 7,8 - 8%; giá trị gia tăng nông nghiệp từ 2,6 - 3%/năm; cơ cấu GDP: nông nghiệp 17 - 18%, công nghiệp và xây dựng 41 - 42%; sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 35% tổng GDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%1... Đồng thời, phải phát huy tối đa lợi thế so sánh để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Theo đó, cần triệt để tận dụng lợi thế về vị trí địa kinh tế để mở rộng sự ảnh hưởng của nền kinh tế nước ta trong khu vực và trên thế giới; triệt để phát huy lợi thế về tài nguyên thiên nhiên để phát triển các ngành kinh tế mà các nền kinh tế khác không có điều kiện; tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, giá rẻ để phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và tăng cường xuất khẩu lao động, tạo việc làm và tăng thu nhập, tham gia ngày càng sâu rộng vào phân công lao động, hợp tác quốc tế. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm truyền thống đã và đang có ưu thế trên thị trường quốc tế, như: hàng mỹ nghệ, dệt may, giày da, thủy sản, v.v. Đáng lưu ý là, trong hội nhập quốc tế, các doanh nghiệp nước ta phải biết phân tán rủi ro ra nhiều lĩnh vực, nhiều thị trường, đối tác và khách hàng. Trong quan hệ với các doanh nghiệp nước ngoài, phải thực sự “biết mình, biết người”, tránh đối đầu trực tiếp với các đối thủ mạnh; đề cao đàm phán, thương lượng, biết chia sẻ cùng đối tác, tăng cường sự hợp tác để giảm áp lực cạnh tranh. Trước sự chi phối thị trường thế giới của các công ty xuyên quốc gia có thế lực, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết cách thâm nhập vào thị trường "ngách", hướng tới những nơi đối thủ còn bỏ ngỏ; phải luôn đổi mới sản phẩm (cả khi nó đang hưng thịnh); nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm chi phí trên cơ sở lựa chọn phương án sản xuất tối ưu; đổi mới phương pháp quản lý, tinh giản bộ máy, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đổi mới khoa học, công nghệ (nhất là ở các khâu then chốt có ảnh hưởng mạnh đến chất lượng sản phẩm và chi phí), để tạo ưu thế cạnh tranh của hàng hóa.
Ba là, hội nhập quốc tế tích cực và chủ động nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của nền kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta. Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia trong xu thế toàn cầu hoá kinh tế là tất yếu khách quan của quá trình hội nhập quốc tế. Điều đó đòi hỏi các quốc gia trong quá trình hội nhập quốc tế phải tích cực và chủ động; có sự chuẩn bị chu đáo, vững chắc các điều kiện trong nước để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong mỗi bước đi của lộ trình hội nhập quốc tế. Nhận thức được vấn đề này, trên cơ sở nắm vững các quy luật, tính tất yếu của sự vận động kinh tế toàn cầu, phát huy năng lực nội sinh của đất nước, Đảng ta đã xác định lộ trình, nội dung, quy mô, bước đi hội nhập quốc tế phù hợp. Đảng chủ trương thực hiện đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ kinh tế quốc tế; không chỉ tập trung vào một thị trường, một sản phẩm; chủ động thực hiện các cam kết song phương, đa phương, vận dụng các “luật chơi” của các thể chế kinh tế - thương mại quốc tế trên cơ sở bảo đảm lợi ích tối cao của đất nước; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, không bị động và cũng không nóng vội, chủ quan, chủ động lựa chọn đối tác và phương thức kinh doanh, dự báo được những thuận lợi và khó khăn khi hội nhập quốc tế.
Tích cực hội nhập quốc tế được thể hiện với tinh thần mạnh mẽ, khẩn trương, toàn diện và sâu rộng hơn so với giai đoạn trước. Chúng ta không chần chừ, do dự mà đẩy mạnh đổi mới bên trong, từ phương thức lãnh đạo, quản lý đến hoạt động thực tiễn, từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp; khẩn trương hoàn thiện chiến lược, lộ trình, kế hoạch hội nhập quốc tế; tích cực tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời, mạnh dạn đầu tư ra ngoài nước, mở rộng, đa dạng hoá các hoạt động kinh tế đối ngoại và tham gia các thể chế, định chế kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế.
Tích cực hội nhập quốc tế còn thể hiện ở việc không duy trì quá lâu các chính sách bảo hộ, khắc phục nhanh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước. Tích cực nhưng vững chắc, có sự chuẩn bị cần thiết về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực quản lý, hoàn thiện hệ thống luật pháp, có thông tin cập nhật và dự báo tình hình chính xác, có đội ngũ cán bộ hiểu biết về thị trường, đối tác, tinh thông nghiệp vụ hội nhập quốc tế.
Bốn là, kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong hội nhập quốc tế là một trong những nội dung quan trọng nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ với hội nhập quốc tế của nước ta trong tình hình mới.
Một trong những nội dung trọng tâm của kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong hội nhập quốc tế hiện nay là phải giữ vững độc lập, chủ quyền, bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc, không để các thế lực thù địch lợi dụng để đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, chống phá cách mạng nước ta. Mở rộng quan hệ quốc tế phải quán triệt và thực hiện nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc; giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hoà bình. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các quan hệ hợp tác quốc tế về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại để tạo sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới, thực hiện “thêm bạn, bớt thù”, tạo môi trường, điều kiện bảo vệ Tổ quốc “từ xa”.
Trong hội nhập quốc tế, nhất là trong hợp tác về kinh tế với các nước và vùng lãnh thổ, các trung tâm kinh tế quốc tế lớn, các tổ chức quốc tế và khu vực, phải hướng vào việc phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; chú ý lựa chọn những đối tác, những ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi cho cả phát triển kinh tế, xã hội và tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước. Triệt để khắc phục tình trạng chỉ nhằm lợi ích kinh tế mà không tính đến lợi ích quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Thực hiện tốt các nội dung trên sẽ góp phần quan trọng vào việc giữ được độc lập tự chủ về kinh tế, tạo cơ sở bảo đảm giữ vững định hướng XHCN trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đại tá, TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ
Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn quân sự-BQP
1- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, ngày 20-01-2011, tr. 3.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học