Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 20/11/2023, 19:19 (GMT+7)
Giá trị văn hóa quân sự trong cuốn sách về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng của Tổng Bí thư

Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến nhiều vấn đề mới, quan trọng, cấp thiết, phản ánh tư duy sáng tạo mang tầm chiến lược; trong đó có nội dung về giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Đây là những định hướng rất quan trọng cần được quán triệt, nhận thức và giữ gìn, phát huy nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng thời kỳ mới.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã hun đúc, xây đắp nên hệ giá trị văn hóa quân sự độc đáo, đặc sắc Việt Nam, đó là những giá trị cơ bản về truyền thống yêu nước và nhân văn, nhân đạo; nghệ thuật quân sự độc đáo và văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Kế thừa hệ giá trị văn hóa quân sự của dân tộc, trong cuốn sách về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự tiếp nối, bổ sung, làm sâu sắc hơn giá trị văn hóa quân sự Việt Nam. Với tư duy, tầm nhìn chiến lược, kiến tạo, sự uyên bác, hiểu biết sâu rộng, nhãn quan chính trị sắc bén, kinh nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú, ngôn ngữ diễn đạt chặt chẽ, dễ hiểu, nội dung cuốn sách làm sáng tỏ sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa quân sự trong thời kỳ mới, góp phần lan tỏa mạnh mẽ đến toàn Đảng, toàn quân, toàn dân những giá trị cốt lõi của văn hóa quân sự Việt Nam.

Trước hết, giá trị của truyền thống yêu nước trong hoạt động quân sự được thể hiện sinh động cả trong thời chiến và thời bình. Trong kháng chiến chống quân xâm lược, cán bộ, chiến sĩ luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, không quản khó khăn, gian khổ, hy sinh, chủ động, mưu trí, sáng tạo, chiến đấu dũng cảm, chiến thắng kẻ thù để Tổ quốc được độc lập, tự do, thống nhất, dân tộc ta mãi mãi trường tồn, nhân dân có cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Khi tình hình quốc tế có những biến động phức tạp, nhưng toàn quân vẫn “luôn một lòng một dạ trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân, nêu cao ý chí quyết chiến, quyết thắng, xứng đáng với lòng yêu mến, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân”1, thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Yêu nước thể hiện ở việc cán bộ, chiến sĩ toàn quân ra sức học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác, chủ động, sáng tạo, xung kích vươn lên chiếm lĩnh, xác lập những đỉnh cao mới trong học tập, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất, rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc;... trong đó, nhiều đồng chí đã lập công xuất sắc và anh dũng hy sinh. Đó là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Nhân văn, nhân đạo trong hoạt động quân sự được thể hiện ngay từ: “Mục tiêu chiến đấu của Quân đội chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam - vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân”2. Tổng Bí thư khẳng định: Quân đội luôn là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường; cán bộ, chiến sĩ Quân đội dầm mình trong bão lũ, mang từng hạt muối, viên thuốc đến với đồng bào gặp nạn đã trở thành biểu tượng sinh động của lòng quả cảm trong thời bình; hết lòng giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc; xây dựng đời sống văn hóa và nông thôn mới, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn.

Giá trị nhân văn, nhân đạo còn thể hiện sinh động ở tinh thần quốc tế vô sản khi Quân đội ta giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, để lại hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” - Đội quân nhà Phật trong lòng nhân dân nước bạn. Trong thời kỳ mới, giá trị nhân văn, nhân đạo được lan tỏa sâu rộng thông qua hoạt động hội nhập quốc tế về quân sự, quốc phòng, trở thành một trụ cột đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế đánh giá cao Việt Nam trong hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, có nhiều đóng góp tích cực tại Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu đăng, v.v.

Đường lối chính trị, quân sự, phương pháp cách mạng và nghệ thuật quân sự đúng đắn, độc đáo, sáng tạo. Nét độc đáo chưa có tiền lệ trong lịch sử và cách mạng nước ta từ tháng 7/1954 đến tháng 5/1975 là Đảng ta đã thực hiện đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, tiến hành đồng thời cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhằm mục tiêu chung là giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, kiên định phương pháp cách mạng bạo lực tổng hợp, gồm hai lực lượng chủ yếu là lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; kiên trì thực hiện tư tưởng chiến lược tiến công với phương châm: đánh lui từng bước, đánh đổ từng bộ phận, kéo địch xuống thang từng bước, tiến tới đánh bại hoàn toàn quân địch. Tiếp đó, nghệ thuật quân sự và chiến tranh nhân dân đã phát triển tới đỉnh cao, đó là lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, được xây dựng vững mạnh, bố trí rộng khắp; kết hợp chặt chẽ “lực, thế, thời, mưu” trong từng trận đánh, từng chiến dịch rất linh hoạt. Tổng Bí thư chỉ rõ: nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông ta là “dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nghĩa là: kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất; kết hợp chặt chẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân.

Văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” là nét đặc sắc, độc đáo, thể hiện sinh động thông qua các hoạt động của bộ đội, được Tổng Bí thư khái quát: hình ảnh người chiến sĩ lăn lộn trên thao trường, dầm mình trong giông bão, vật lộn với giặc lửa, chịu đựng gian khổ, hiểm nguy, quên mình cứu dân, bảo vệ tài sản của đồng bào trong thiên tai, hỏa hoạn; những chiến sĩ ngày đêm chiến đấu, công tác thầm lặng từ bản làng hẻo lánh, rẻo cao, đến hải đảo xa xôi, cống hiến sức lực, trí tuệ, xương máu của mình, canh giữ biên giới, đất trời, biển khơi; những chiến sĩ hy sinh khi làm nhiệm vụ,… đọng mãi trong tâm trí nhân dân. Giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” còn được thể hiện ở sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ; gắn bó máu thịt với nhân dân, tôn trọng dân, bảo vệ và giúp đỡ dân; đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng chí, đồng đội; đề cao trách nhiệm, kỷ luật nghiêm, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là vấn đề đang được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Trên cơ sở kế thừa truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, phát huy giá trị văn hóa quân sự Việt Nam trong thời kỳ mới, thời gian tới cần tiếp tục quán triệt tốt tinh thần cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một là, giữ vững định hướng chính trị trong giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quân sự thời kỳ mới. Đây là nội dung cơ bản, quan trọng hàng đầu, gắn liền với việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội; làm cho Quân đội “ngày càng phát triển mạnh hơn, uy tín cao hơn và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” ngày càng sâu sắc, tỏa sáng hơn”3. Đồng thời, chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng bộ Quân đội phải làm gương, làm mẫu về mọi mặt trong toàn Đảng, thật sự trong sạch, vững mạnh, có tính chiến đấu cao, lãnh đạo toàn quân tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc, của Quân đội, lập nhiều chiến công mới, mãi xứng danh là Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, bách chiến, bách thắng.

Hai là, gắn kết chặt chẽ giữa giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa quân sự với công tác giáo dục chính trị trong Quân đội. Tổng Bí thư đặc biệt coi trọng công tác giáo dục chính trị để bảo đảm Quân đội luôn kiên định mục tiêu lý tưởng cách mạng, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tổng Bí thư yêu cầu cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, truyền thống, văn hóa dân tộc, bản chất giai cấp và nhiệm vụ xây dựng Quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân; đối tượng, đối tác trong tình hình mới. Coi trọng bồi đắp đặc trưng cơ bản của phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tình thương yêu đồng chí, đồng đội, quan hệ máu thịt quân - dân, khát vọng vươn lên cho bộ đội. Nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng trong thực hiện nhiệm vụ.

Ba là, đa dạng hóa các hoạt động văn hóa để làm giàu và lan tỏa giá trị văn hóa quân sự trong thời kỳ mới. Đây là nội dung rất cơ bản được Tổng Bí thư chỉ rõ: coi trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, công tác tuyên truyền báo chí, Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần, góp phần lan tỏa sâu rộng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”. Định hướng cho bộ đội tích cực học tập, rèn luyện, đổi mới, sáng tạo theo tinh thần “bảy dám”4, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vào lĩnh vực quân sự.

Bốn là, chủ động nhận diện, đấu tranh kiên quyết, phản bác có hiệu quả, đẩy lùi âm mưu, hoạt động phản văn hóa, không để xâm nhập vào môi trường quân sự. Hiện nay, các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng nước ta; trong đó, Quân đội là một trọng điểm. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu: Quân đội phải đi đầu đấu tranh phản bác mạnh mẽ những quan điểm sai trái, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”,… Quân đội và chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; kiên quyết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong nội bộ; phải dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật, không sợ khuyết điểm; không nể nang, né tránh, kiên quyết xử lý các vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ nghiêm kỷ luật Đảng và kỷ luật Quân đội. Qua đó, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tá, TS. NGUYỄN THANH HẢI, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_____________________

1 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb. CTQGST, H. 2023, tr. 390.

2 – Sđd, tr. 27 - 28.

3 - Sđd, tr. 86.

4 - Bảy dám: dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...