Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 18/04/2014, 17:31 (GMT+7)
Kỷ niệm 144 năm Ngày sinh V.I. Lê-nin (22-4-1870 – 22-4-2014)
Giá trị hiện thực của học thuyết V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN là một di sản lý luận quý báu, một cống hiến quan trọng của V.I. Lê-nin vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác, đáp ứng yêu cầu bức thiết bảo vệ chế độ mới ở nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười (1917) và có giá trị to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, với sự nghiệp bảo vệ CNXH.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Mười thành công, V.I. Lê-nin đã khẳng định một cách dứt khoát tính tất yếu khách quan giai cấp công nhân và nhân dân lao động phải tiến hành bảo vệ Tổ quốc XHCN. Người nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng Hồng quân vững mạnh, tăng cường khả năng quốc phòng đất nước, coi đó là một nhiệm vụ hệ trọng của chính quyền mới. V.I. Lê-nin là người đầu tiên nêu lên khái niệm “bảo vệ Tổ quốc XHCN”. Người chỉ rõ: “Kể từ ngày 25 tháng Mười 1917, chúng ta là những người chủ trương bảo vệ tổ quốc. Chúng ta tán thành “bảo vệ tổ quốc”, nhưng cuộc chiến tranh giữ nước mà chúng ta đang đi tới, là cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc XHCN, bảo vệ CNXH với tính cách là tổ quốc, bảo vệ nước Cộng hòa xô-viết, với tính cách là một đơn vị trong đạo quân thế giới của CNXH [1].

V.I. Lê-nin không những chỉ ra tính tất yếu khách quan phải bảo vệ Tổ quốc XHCN, mà còn nhấn mạnh sự cần thiết phải vũ trang bảo vệ Tổ quốc trước sự bao vây, uy hiếp và tiến công bằng vũ lực của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động hòng bóp chết Nhà nước Xô-viết non trẻ - rằng: “Không cầm vũ khí bảo vệ nước cộng hòa XHCN, thì chúng ta không thể tồn tại được”[2]. V.I. Lê-nin còn chỉ rõ: “...hãy chăm lo đến khả năng quốc phòng của nước ta và của Hồng quân ta như chăm lo đến con ngươi trong mắt mình, và hãy nhớ rằng chúng ta không được phép lơ là một giây phút nào trong việc bảo vệ công nhân và nông dân của ta và bảo vệ những thành quả của họ”[3].

Một loạt vấn đề lý luận cơ bản về bảo vệ Tổ quốc XHCN được V.I. Lê-nin nêu lên và thể hiện sinh động trong quá trình cách mạng Nga và trong thực tiễn bảo vệ Tổ quốc. Đó là các vấn đề: phải thường xuyên nâng cao cảnh giác cách mạng; chăm lo tăng cường quốc phòng; xây dựng Hồng quân vững mạnh; thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp quốc phòng, xây dựng quân đội kiểu mới; phương thức đấu tranh bảo vệ Tổ quốc,... Tư tưởng của học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I. Lê-nin cần phải được tuân thủ nghiêm ngặt trong tiến trình xây dựng và bảo vệ chế độ xã hội mới.

Giá trị to lớn và sức sống của học thuyết V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN thể hiện sinh động ở sự thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nhà nước vô sản đầu tiên ở nước Nga trong muôn vàn khó khăn, thử thách, đã đập tan cuộc chiến tranh phản cách mạng của các thế lực thù địch trong nước câu kết với 14 nước đế quốc tiến hành. Giá trị to lớn và sức sống của học thuyết đó còn thể hiện đặc biệt nổi bật ở chiến thắng vĩ đại của Liên Xô trong việc đập tan chủ nghĩa phát-xít, cứu loài người khỏi thảm họa hủy diệt, mở ra thời kỳ cao trào phát triển mới của cách mạng XHCN và giải phóng dân tộc trên thế giới.

Học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I. Lê-nin nhắc nhở chúng ta rằng, một khi xao nhãng tăng cường quốc phòng, không tuân thủ những yêu cầu, nguyên tắc của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thì CNXH sẽ “không thể tồn tại được”. Sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là do sai lầm của các đảng cộng sản ở đó trong quá trình cải tổ, cải cách, đổi mới, đã chứng minh tính đúng đắn và hết sức nóng hổi của tư tưởng V.I. Lê-nin về cách mạng phải biết tự bảo vệ, về chăm lo tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nó để lại một bài học đau xót về sự mất cảnh giác, về sự xao nhãng, không tuân thủ những yêu cầu, nguyên tắc của học thuyết V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc XHCN, về sự tự làm suy yếu, làm mất sức đề kháng của Đảng Cộng sản trước âm mưu, thủ đoạn và các đòn tiến công quyết liệt của các thế lực thù địch.

Thực tế lịch sử phát triển CNXH hiện thực trên thế giới đòi hỏi những người cộng sản, các nước XHCN phải nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, nhận thức sâu sắc bài học cách mạng phải biết tự bảo vệ, có ý thức và biết chăm lo tăng cường quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Trong tình hình mới, đối với nước ta học thuyết bảo vệ Tổ quốc XHCN của V.I. Lê-nin càng có ý nghĩa quan trọng và còn nguyên giá trị. Nó tạo cơ sở cho chúng ta hiểu rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trước những diễn biến phức tạp, nhanh chóng của tình hình và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta hiện nay đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. So với 10 năm trước, tình hình thế giới và khu vực đã có nhiều thay đổi sâu sắc, có những diễn biến mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc. Đông Nam Á trở thành địa bàn cạnh tranh quyết liệt về thị trường và tài nguyên; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp đổi mới vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng tới nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế ngày càng bộc lộ rõ và gay gắt. Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cùng sự xuống cấp của các giá trị văn hóa, tình trạng phân cực giàu nghèo,... có xu hướng ngày càng tăng. Các nguy cơ mà Đảng ta đã từng cảnh báo không những không giảm mà có mặt còn trầm trọng hơn.

Thấm nhuần và phát triển học thuyết bảo vệ Tổ quốc của V.I. Lê-nin, phát huy truyền thống dân tộc trong tình hình mới, chúng ta càng phải “Nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”[4] Phải quán triệt thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình mới"; thấu suốt quan điểm: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”[5]. Trên cơ sở đó, “Sớm đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng khó khăn hiện nay, phát triển nhanh và bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[6].

Trong các vấn đề cơ bản nêu trên, việc làm thế nào để “yên” lòng dân là vấn đề đặc biệt quan trọng, là yêu cầu cơ bản trong thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Để làm “yên” lòng dân, phải ra sức củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ XHCN; thực hiện các chủ trương, chính sách hợp lòng dân, hết sức làm những việc có lợi cho dân, hết sức tránh những việc có hại đối với dân. Phải chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Kiên quyết đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên. Đó là những nội dung, yêu cầu đặc biệt quan trọng để gia tăng nội lực đất nước và sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, thực hiện “giữ nước từ khi nước chưa nguy”. Đó cũng là sự vận dụng học thuyết của V.I. Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc vào thực tiễn cách mạng nước ta hiện nay./.

 

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG

Viện KHXHNVQS - BQP

________
[1]- V.I. Lê-nin, Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến Bộ, M. 1978, tr. 102.

[2] - Sđd, Tập 38, tr.165.

[3]- Sđd, Tập 44, tr. 368 - 369.

[4]- ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2013,  - tr. 168-169.

[5]- Sđd - tr. 169.

[6]- Sđd - tr. 170.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...