Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:40 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Xuất phát từ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; từ thực trạng phát triển nguồn nhân lực trong thời gian qua và từ yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn, sáng tạo của Đảng, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thực tế cho thấy, nói đến nguồn nhân lực là nói đến nguồn lực con người, đây là “nguồn lực” đặc biệt của mỗi quốc gia, bao gồm trình độ học vấn, chuyên môn; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kỹ năng nghề nghiệp; sức khỏe,... của mỗi cá nhân hợp thành khả năng lao động xã hội. Trên thực tế, giữa nguồn lực con người, vốn, tài nguyên thiên nhiên, cơ sở vật chất - kỹ thuật, khoa học - công nghệ,... luôn có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nguồn nhân lực được xem là năng lực nội sinh chi phối các nguồn lực khác. Nói cách khác, nguồn nhân lực chính là nhân tố quyết định đến việc khai thác, sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn lực khác, do vậy nó quyết định đến sự phát triển của quốc gia. Thực tiễn đã chứng minh, có những quốc gia không giàu về tài nguyên, điều kiện thiên nhiên không thuận lợi như Nhật Bản, Israel, Singapore,... nhưng vẫn phát triển, vẫn “cất cánh” một khi quốc gia đó biết coi trọng phát triển và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã chủ trương thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, Quốc hội ban hành Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014, Luật Giáo dục năm 2019, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, v.v. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. Các bộ, ngành, địa phương cũng xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực; thực hiện nhiều giải pháp, chính sách nhằm thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bước đầu đạt được kết quả quan trọng. Nhờ vậy, nguồn nhân lực của nước ta được tăng cường cả về quy mô và chất lượng. Theo Tổng cục Thống kê: Lực lượng lao động của nước ta đã tăng từ 50,4 triệu người năm 2010 lên 56,2 triệu người năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên khoảng 65% năm 2020. Nguồn nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, như: y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng, v.v.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, song so với yêu cầu đặt ra, phát triển nguồn nhân lực, nhất là chất lượng cao ở nước ta thời gian qua vẫn còn có mặt hạn chế. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn còn lớn, chất lượng đào tạo chưa cao, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ, năng lực, kỹ năng tay nghề cao, thừa lao động thủ công; thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp giỏi và đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nhân lành nghề, v.v. Từ thực tế nêu trên, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ mới. Để thực hiện đột phá chiến lược này, cần nghiên cứu, quán triệt một số chủ trương, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Ở bình diện quốc gia, chúng ta mới đưa ra chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nói chung, về cơ bản chưa có chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay trong chiến lược, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng chưa xác định rõ nhu cầu cụ thể về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước nói chung cũng như của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng. Vì vậy, chưa có cơ sở xây dựng một chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thống nhất, đồng bộ để thu hút, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và trọng dụng một cách hiệu quả, hợp lý lực lượng này. Chính vì vậy, tại Đại hội lần này, Đảng ta xác định là phải tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ lao động ở nước ta đã qua đào tạo đạt 70%1; trong đó, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Đây là quan điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Thực tế hiện nay, nước ta đang thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp có trình độ năng lực cao; thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế, kỹ thuật và công nhân lành nghề, trong đó có lĩnh vực then chốt. Để nâng cao năng lực và hiệu quả quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp, đòi hỏi phải ưu tiên phát triển nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý, ở các lĩnh vực then chốt là hoàn toàn đúng đắn.
Hai là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục và đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của giáo dục và đào tạo được đặt lên hàng đầu. Với tinh thần đó, Đại hội xác định: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”2. Thực hiện chủ trương này, cần chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý dạy và học trực tuyến, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế. Đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện. Quan tâm phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; gắn giáo dục đào tạo với nghiên cứu khoa học và công nghệ; hình thành các trung tâm nghiên cứu, các nhóm đổi mới sáng tạo. Đồng thời, gắn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Thực tế cho thấy, nếu có nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng không có cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ hợp lý thì cũng không thu hút được lực lượng này và sẽ dẫn đến “chảy máu chất xám”. Trong khi đó, nhân tài ngày càng khan hiếm, bởi tài năng không phải ngẫu nhiên có được, mà phải trải qua một quá trình học tập, rèn luyện công phu, lâu dài nên cần có cơ chế, chính sách tuyển dụng cụ thể, thiết thực, phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc.
Ba là, gắn phát triển nguồn nhân lực với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Để phát triển và phát huy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, cần gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Thực tế ở nước ta những năm qua, “thị trường khoa học và công nghệ phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa”3. Để khắc phục tình trạng này, cần “Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại... Có chiến lược phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện đất nước... Chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học lý luận chính trị”4. Đồng thời, gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, cần “Nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu”5. Khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư mở trường đại học, viện nghiên cứu chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển, phát huy nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Bốn là, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là quan điểm mới, thể hiện tư duy, tầm nhìn mới về phát triển nói chung, phát triển nguồn nhân lực nói riêng của Đảng ta. Nói đến chất lượng nguồn nhân lực không chỉ nói đến sức khỏe, trí tuệ, năng lực, mà còn phải nói đến yếu tố nền tảng đó là văn hóa, tư tưởng. Với tinh thần đó, Đại hội XIII của Đảng chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phải gắn với việc “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”6. Để làm tốt được việc này, cần “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới... Từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”7. Quan tâm “Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa công sở lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn; đẩy lùi quan liêu, bè phái, mất đoàn kết, chủ nghĩa cơ hội và thực dụng. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”8. Cùng với đó là khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong mỗi con người Việt Nam. Bởi, đây chính là động lực tinh thần thôi thúc mạnh mẽ họ phấn đấu vươn lên nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức để không ngừng phát triển.
Thực tế, con người luôn là nhân tố số một của lực lượng sản xuất; đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển lâu dài và bền vững. Với tinh thần đó, thực hiện thắng lợi đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những ưu tiên hàng đầu ở nước ta hiện nay.
Đại tá, PGS, TS. NHÂM CAO THÀNH, Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn _______________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 113.
2 - Sđd, tr. 115.
3 - Sđd, tr.70 - 71.
4 - Sđd, tr. 140.
5 - Sđd, tr. 141.
6 - Sđd, tr. 54.
7 - Sđd, tr. 143.
8 - Sđd, tr. 144.
nguồn nhân lực,chất lượng cao,đột phá chiến lược
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học