Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 19/07/2012, 14:39 (GMT+7)
Để xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới*

(Tiếp theo và hết)

IV

TĂNG CƯỜNG ĐỔI MỚI, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VỚI VIỆC XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI VỮNG MẠNH VỀ CHÍNH TRỊ

Xây dựng vững mạnh về chính trị là vấn đề mang tính nguyên tắc, tạo cơ sở, nền tảng để phát huy bản chất cách mạng, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta. Việc đổi mới, chỉnh đốn (ĐM,CĐ) Đảng trong Đảng bộ Quân đội là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; vì vậy, có quan hệ chặt chẽ và tác động tích cực tới quá trình xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị.

Trong khi đánh giá một cách khách quan về những thành tựu, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã đề cập rất thẳng thắn, toàn diện những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, mà thực chất là những hạn chế, yếu kém thuộc về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) của Đảng. Đối với Đảng bộ Quân đội, những hạn chế, yếu kém đó không phải là ngoại lệ. Chỉ có điều, ở mỗi đảng bộ, chi bộ, tùy theo đặc điểm nhiệm vụ, loại hình hoạt động, thì mức độ biểu hiện, tính chất nghiêm trọng của những hạn chế, yếu kém có khác nhau; trong đó, không loại trừ có một số tổ chức đảng, hạn chế, yếu kém ở mức độ gay gắt. Điều đó đã được Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ Quân đội, các nghị quyết của Quân uỷ Trung ương thời gian qua chỉ ra khá rõ, như: một số CB,ĐV có biểu hiện phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, lối sống; việc nhận xét, đánh giá chất lượng cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ CB,ĐV có nơi chưa thực chất; tính chiến đấu, tinh thần tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng chưa cao; công tác quản lý, rèn luyện đảng viên ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa chặt chẽ; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách có nơi còn hình thức; tinh thần trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của một số cán bộ chủ trì chưa được phát huy đầy đủ;... Những hạn chế, yếu kém đó trực tiếp làm suy giảm vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến chất lượng chính trị, sức mạnh tổng hợp của Quân đội. Do đó, tăng cường ĐM,CĐ Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đối với Đảng bộ Quân đội là một nhiệm vụ trọng tâm hiện nay.

Trong ĐM,CĐ Đảng, vấn đề cần tập trung trước hết đối với Đảng bộ Quân đội là phải tích cực củng cố trận địa tư tưởng trong từng đảng bộ, chi bộ cơ sở, khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận CB,ĐV. Có thể khẳng định, lập trường tư tưởng chính trị, sự kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là nội dung gốc của sự giác ngộ cách mạng. Suy thoái về tư tưởng chính trị cũng là nguyên nhân chính dẫn đến những suy thoái khác, như đạo đức, tác phong, lối sống,… Cần thẳng thắn thừa nhận, thời gian gần đây, trước những khó khăn của cách mạng, nhất là trước sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, sự điều chỉnh của CNTB; đặc biệt là trước những cám dỗ trong cơ chế thị trường…, một bộ phận CB,ĐV quân đội đã nảy sinh những khuynh hướng nhận thức lệch lạc; có người đã đặt “dấu hỏi” về  mục tiêu, lý tưởng mà mình đang phấn đấu. Đây đó, cũng có người chỉ nhìn thấy khó khăn, mặt trái, mặt tiêu cực của xã hội, mà không thấy những gam màu tươi sáng của đất nước trong quá trình đổi mới đi lên. Cũng có những CB,ĐV vin vào khách quan, tự buông thả mình vào vòng xoáy của chức vụ, tiền tài, chạy theo cuộc sống hưởng thụ, xa rời bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”; trong số đó, có cả một số CB,ĐV ở cương vị lãnh đạo, chỉ huy, chủ trì cơ quan, đơn vị.

Để củng cố trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội, giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong từng đảng bộ, chi bộ cơ sở. “Chống” phải đi đôi với “xây”; “xây” phải gắn liền với “chống” - đó là phương châm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã đề ra. Vấn đề cần quan tâm là, thực hiện tự phê bình và phê bình phải như thế nào để đúng với phương châm đó; đúng với tinh thần Hồ Chí Minh - tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén làm trong sạch nội bộ Đảng; là “công cụ” để “rửa mặt hằng ngày” của mỗi tổ chức đảng, mỗi CB,ĐV. Lâu nay, trong chúng ta, việc tự phê bình và phê bình chưa được nhận thức đầy đủ; tinh thần, thái độ tự phê bình và phê bình của một số tập thể và cá nhân chưa thực sự thẳng thắn. Điều đó biểu hiện ở sự tồn tại khá dai dẳng những thói quen, như: “thích nghe khen, ghét nghe chê”, cả nể, xuê xoa, “dĩ hòa vi quý”; hay, căn bệnh thành tích, vun vén cho lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”;… Hệ quả tiềm ẩn là sự trì trệ kéo dài của tổ chức, sự xuống cấp về dân chủ, kỷ cương, kỷ luật; là nảy sinh những “khâu yếu”, “mặt yếu”, sự mất lòng tin vào chỉ huy, lãnh đạo, mất đoàn kết nội bộ, trực tiếp ảnh hưởng đến hiệu suất thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị. Suy cho cùng, đó là sự “thiếu trung thực” - một phẩm chất cần khắc phục của người CB,ĐV mà lúc sinh thời Bác Hồ đã chỉ ra cho chúng ta. Cho nên, lúc này là lúc mọi CB,ĐV quân đội phải thấm nhuần sâu sắc hơn nữa lời dạy của Bác, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương của Người, tự phê bình và phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, không né tránh sự thật, không che chắn khuyết điểm; lấy lợi ích chung làm thước đo phân biệt đúng, sai để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Muốn cấp dưới tự phê bình và phê bình đạt yêu cầu đề ra, thì cấp trên, người đứng đầu phải nêu cao tính tiền phong, thật thà, trung thực, thẳng thắn, thường xuyên tự phê bình và phê bình trước. Muốn cấp dưới “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thì cấp trên, người đứng đầu cũng phải là tấm gương mẫu mực về điều đó trong công việc, nhiệm vụ và đạo đức, lối sống. Không có một lời rao giảng về đạo đức nào thành công khi lời nói không đi đôi với việc làm.

Đồng thời với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, phải tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu hơn vào nhận thức, tư duy, trở thành bản lĩnh chính trị của mỗi CB,ĐV, chiến sĩ trong Quân đội. Đây là vấn đề không được xem nhẹ, khi chúng ta đã ý thức được tính cấp bách của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đang diễn ra, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”, âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội. Vừa qua, công tác giáo dục chính trị trong Quân đội đã được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tính thuyết phục trong giáo dục vẫn là một hạn chế lâu nay chưa khắc phục được. Nguyên nhân sâu xa là trình độ và năng lực tuyên truyền, giáo dục của đội ngũ cán bộ, nhất là chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị các cấp, giảng viên khoa học xã hội nhân văn các nhà trường quân đội chưa đáp ứng yêu cầu của công tác giáo dục. Tới đây, vấn đề này cần được quan tâm hơn nữa, bảo đảm để công tác giáo dục chính trị lý giải có sức thuyết phục những vấn đề mới đặt ra của thực tiễn, góp phần khẳng định tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng và những thành tựu đổi mới của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; từ đó, củng cố niềm tin cho đảng viên, cán bộ, chiến sĩ vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Cùng với công tác tư tưởng, ĐM,CĐ Đảng phải đi sâu vào đổi mới công tác tổ chức, công tác cán bộ và công tác chính sách. Đối với công tác tổ chức, vấn đề cần coi trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, gắn xây dựng đội ngũ đảng viên với xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; bảo đảm giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách. Muốn vậy, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện một cách nghiêm túc Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ chính trị (khóa IX) và Nghị quyết 513-NQ/ĐUQSTW của Quân ủy Trung ương “Về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; tập trung khắc phục những hạn chế, như việc phân định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế trách nhiệm, mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân chưa rõ ràng, dẫn đến hiện tượng bao biện, làm thay hoặc không có người chịu trách nhiệm khi cơ quan, đơn vị xảy ra sai sót, khuyết điểm. Cùng với đó, cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, rèn luyện đảng viên ở mọi lúc, mọi nơi; chú trọng xây dựng cơ chế để cấp dưới giám sát cấp trên, tổ chức đảng giám sát đảng viên khi đi công tác xa đơn vị hay ở nơi cư trú, nhất là giám sát việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; kết hợp chặt chẽ giữa kiểm tra định kỳ với kiểm tra đột xuất đối với tổ chức đảng và đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng;… Đối với công tác cán bộ, cần coi trọng tuân thủ mọi quy định, quy trình, quy chế trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp, điều động, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, bảo đảm dân chủ, khách quan; nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ của các học viện, nhà trường quân đội; đề cao phẩm chất, năng lực, uy tín của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; kiên quyết khắc phục những tiêu cực nảy sinh trong công tác cán bộ;… Đối với công tác chính sách, cần có cơ chế khuyến khích, động viên, thu hút nhân lực, nhân tài, nhất là đối với những cơ quan, đơn vị cần nhiều “chất xám” hoặc đơn vị công tác ở lĩnh vực đặc thù, nơi khó khăn, gian khổ.

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Quân đội theo tinh thần Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thiết thực góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ CB,ĐV trong sạch, vững mạnh. Vừa qua, vấn đề này đã được các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tiêu cực, xây dựng được nhiều nhân tố mới tiêu biểu trong “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác. Tuy nhiên, theo đánh giá, hiệu quả của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Quân đội chưa cao, tính lan tỏa chưa thực sự sâu, rộng; các biện pháp chỉ đạo thực hiện còn mang tính nhất thời,… Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục có những biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, sâu sát hơn nữa nội dung này. Một mặt, phải đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành một nội dung trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” của cơ quan, đơn vị; vào kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng và đảng viên định kỳ; gắn với tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định về những điều đảng viên không được làm và thực hiện những chuẩn mực đạo đức chung, chuẩn mực đạo đức của Quân đội và của từng cơ quan, đơn vị. Mặt khác, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải xây dựng quy chế, quy định rõ ràng trong “làm theo” tấm gương của Bác cũng như thực hiện các chuẩn mực, lấy đó làm căn cứ để nhận xét, bình xét, đánh giá mức độ tiến bộ, trưởng thành của mỗi CB,ĐV và tổ chức đảng. Kinh nghiệm cho thấy, muốn cho một yêu cầu nào đó trở thành một phong trào hành động, có sức lan tỏa mạnh mẽ, thì người đứng đầu tổ chức phải nêu gương trước. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường ĐM,CĐ Đảng, xây dựng Quân đội về chính trị cũng vậy, rất cần sự mẫu mực về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” của bí thư cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp.

Nhiệm vụ ĐM,CĐ Đảng đối với Đảng bộ Quân đội theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được xác định là một trọng tâm để xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị trong tình hình hiện nay. Nhiệm vụ đó đòi hỏi mỗi CB,ĐV trong Quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp phải đề cao hơn nữa trách nhiệm chính trị của mình, bảo đảm cho Nghị quyết mang lại hiệu quả thiết thực. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đó, rất có thể sẽ đụng chạm tới những nếp nghĩ, thói quen cũ, thậm chí có cả những quyền lợi nhất thời của mỗi người; do đó, rất cần sự dũng cảm, hy sinh của “những người trong cuộc”, nhất là người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị. Sự hy sinh đó, chắc chắn sẽ góp phần quan trọng vào tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, chất lượng chính trị của toàn quân, thiết thực nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Quân đội trong thời kỳ mới.

 HỒNG LÂM - KHẮC THƯỜNG - HỌC TỪ

                 

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 4, 5, 6/ 2012.


 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...