Thứ Bảy, 23/11/2024, 07:04 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
(Tiếp theo)
III
MỌI QUYẾT TÂM PHẢI ĐƯỢC THỰC HIỆN
NGHIÊM TÚC TRƯỚC HẾT TỪ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã phát đi một thông điệp rõ ràng, quyết liệt, thể hiện quyết tâm của Đảng ta trong việc đổi mới, chỉnh đốn, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, kiên quyết không để rơi vào biệt phái, biến chất, mất vai trò lãnh đạo đối với đất nước, dân tộc. Quyết tâm đó chỉ trở thành hiện thực, một khi từng tổ chức đảng, từng đảng viên nhận thức sâu sắc 3 vấn đề cấp bách và thực hiện tốt 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết đã chỉ ra.
Điều đáng quan tâm và cũng là kỳ vọng lớn nhất của những người tâm huyết với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc lúc này là, thấy được người đứng đầu của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương,... thực sự có quyết tâm làm chuyển biến tình hình, nêu gương sáng về sự tận tâm, tận lực đối với công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao và mẫu mực về đạo đức, lối sống. Bởi, họ là người được cấp trên, quần chúng tin tưởng giao cho quyền quản lý, điều hành hoạt động của tổ chức; chịu trách nhiệm trước cấp trên về tất cả các vấn đề liên quan đến các mặt công tác; trong đó, có những vấn đề rất hệ trọng, như: công tác tổ chức cán bộ, công tác tài chính,... Sự quan tâm, kỳ vọng cũng đồng thời đi liền với nỗi lo: trên đỉnh cao của quyền lực, người đứng đầu nếu không có bản lĩnh, lập trường, không thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, sẽ dễ rơi vào vòng xoáy của tiền tài, danh vọng, xa hoa, lãng phí và "hàng trăm thứ bệnh” khác của chủ nghĩa cá nhân, gây mất uy tín của Đảng và tổn hại cho cách mạng. Đáng chú ý là, thân thế, sự nghiệp, việc làm của người đứng đầu, nhất là của các đồng chí cán bộ cao cấp luôn là đề tài "nóng" mà các thế lực thù địch thường khai thác, thêu dệt, lấy cớ để kích động, bôi xấu Đảng, Nhà nước, chế độ ta, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Người đứng đầu ở cương vị càng cao, tác hại của những việc làm không tốt càng lớn, dù người đó còn đương chức hay đã thôi chức.
Thực tế hơn 25 năm đổi mới đã qua cho thấy, bên cạnh những đồng chí tiêu biểu về trí tuệ, tài năng, đức độ, có cống hiến to lớn, góp phần làm nên những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của đất nước, vẫn còn không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý, kể cả cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, rơi vào chủ nghĩa cá nhân, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị; tình trạng "Tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị,..."1. Sự thật đáng buồn là, trong xã hội có căn bệnh gì, thì cán bộ cũng có người mắc chứng tật đó.
Do vậy, mọi quyết tâm đổi mới, chỉnh đốn Đảng đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc, kiên quyết trước hết từ người đứng đầu. Cán bộ lãnh đạo, chủ trì phải làm gương cho cấp dưới, quần chúng noi theo. Không cần phải chờ một nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn nào của cấp trên; cũng không cần phải đợi một phong trào hay cuộc vận động nào, từng tổ chức đảng, những bí thư cấp ủy, cán bộ lãnh đạo, chủ trì từ Trung ương đến cơ sở hãy chủ động, tự giác thực hiện những vấn đề cấp bách và các nhóm giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đề ra.
Việc "cần làm ngay" lúc này là, những người đứng đầu phải xác định rõ vị trí, vai trò của mình trong tổ chức, cơ quan, đơn vị; tự soi xét chính mình một cách khách quan, trung thực; thẳng thắn nhìn nhận những gì đã làm tốt và những gì làm sai, làm chưa tốt so với yêu cầu. Việc tốt thì tiếp tục thực hiện và phát huy. Việc chưa tốt, việc sai trái thì phải dừng lại càng sớm càng tốt. Cần nhớ lời dạy của Bác Hồ: Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh. Quyết định dừng ngay những việc làm sai là một hành động đúng của người đứng đầu trong lúc này. Dũng khí cộng sản của người đứng đầu trong cuộc đấu tranh giữa "cái tốt" với "cái xấu" thể hiện ở thái độ "dám làm, dám chịu trách nhiệm", tự phê bình trung thực, thẳng thắn và sẵn sàng nhận những hình thức kỷ luật phù hợp với tính chất của sai phạm. Cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu tổ chức phải coi tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên "như rửa mặt hằng ngày", không nên để những hạn chế, yếu kém tích tụ lâu ngày thành những ung nhọt khó chữa. Sinh thời, Bác Hồ vẫn thường tự phê bình hết sức trung thực trước chi bộ; ngay cả trước Trung ương và quốc dân đồng bào, Người cũng tự nhận lỗi về mình trước những sai lầm của Đảng, Chính phủ. Thiết nghĩ, tấm gương của Hồ Chí Minh - người đứng đầu Đảng, Chính phủ về vấn đề này còn nóng hổi trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Vấn đề cần quan tâm trước hết là lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" đã bắt đúng căn bệnh gốc đang phát tác nguy hại. Đó là: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc..."2 Đây là nguy cơ lớn nhất của một đảng cầm quyền. Thực tế thời gian qua, trước những diễn biến của tình hình, trong Đảng đã có những biểu hiện hoài nghi chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Trong hàng ngũ người đứng đầu, không ít cán bộ lãnh đạo, chủ trì có biểu hiện chỉ coi trọng công tác chuyên môn, kinh tế, kỹ thuật, mà xem nhẹ vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ; thậm chí, có quan điểm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với kinh tế thị trường, phụ họa cho nền dân chủ tư sản và quan điểm "đa nguyên chính trị", "đa đảng đối lập". Đồng thời với sự dao động về lập trường, quan điểm, đã và đang diễn ra những thay đổi nhận thức về thang giá trị đạo đức, lối sống; biểu hiện cụ thể ở sự đề cao lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chạy theo cuộc sống hưởng thụ với mức sống cách xa người lao động. Trong Đảng có những người đang giàu lên nhanh chóng, thu nhập cao gấp nhiều lần người khác; mà những thu nhập đó không phải do lao động chân chính mang lại; ngược lại, là kết quả từ việc bớt xén của công, rút ruột công trình, nhận "phết phảy", "phần trăm bôi trơn" của những dự án này nọ hoặc những "quà biếu" thay cho lời cám ơn do ưu ái trong việc xét tuyển, cất nhắc, bổ nhiệm chức vụ, nâng lương cho cán bộ, công chức, nhân viên dưới quyền,... Thực tế đó đã tồn tại ở nhiều ngành, nhiều cấp, có nơi đã trở nên trầm trọng; tuy đa số đảng viên, quần chúng nhận ra, nhưng lâu nay do thói quen “an phận thủ thường”, hoặc vì lợi ích nhất thời chi phối, nên ít người dám phanh phui sự thật hoặc chỉ đề cập một cách chung chung, không có địa chỉ, con người cụ thể, nên hiệu quả đấu tranh phê bình không cao. Vì thế, một số người có chức, có quyền càng coi thường dư luận, cho rằng khuyết điểm là của ai đó chứ không thuộc về mình, nên càng ngày càng lún sâu vào sai lầm; từ khuyết điểm nhỏ dẫn đến khuyết điểm lớn và ngày càng nghiêm trọng, khó chữa hơn.
Do vậy, việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này, Trung ương yêu cầu phải làm từ trên xuống dưới, làm kiên quyết, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; không né tránh, bao che khuyết điểm, không ngại những vấn đề gai góc; khắc phục những biểu hiện xuê xoa, cả nể, "dĩ hòa vi quý", "dễ người dễ ta". Các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu gương mẫu làm trước, đảng viên, cán bộ cấp dưới làm sau. Trong kiểm điểm, cần phân tích, làm rõ nguyên nhân vì sao trong nhiều năm qua, tuy đã triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, trải qua nhiều cuộc vận động mà những hạn chế, khuyết điểm của cơ quan, đơn vị vẫn tồn tại, chậm được khắc phục, hơn nữa có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm. Đặc biệt, cần nắm vững thực chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách; trên cơ sở đó, quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân, trước hết là của người đứng đầu tổ chức; khắc phục tình trạng "tranh công, đổ lỗi", "cha chung không ai khóc", thành tích thì của cá nhân, lỗi lầm là do tập thể. Trong kiểm điểm, tự phê bình, cần nghiêm khắc đánh giá trong từng cấp ủy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có hay không tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; nếu có thì ở mức độ nào, hình thức biểu hiện ra sao và biện pháp xử lý, khắc phục thế nào. Cần xác định rõ trách nhiệm và sự gương mẫu của bí thư cấp ủy, người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Về nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, cần làm rõ: do thiếu tu dưỡng, rèn luyện; do công tác tuyên truyền, giáo dục chưa đến nơi; do việc duy trì kỷ cương, kỷ luật không nghiêm hay do buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên, cán bộ hay còn lý do nào khác. Về việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cần phân tích rõ nguyên nhân cơ bản là do đâu; vai trò lãnh đạo, quyết tâm và sự gương mẫu của cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu thế nào;... Có làm rõ nguyên nhân thì tự phê bình và phê bình mới có hiệu quả; mới có căn cứ để đề ra biện pháp sửa chữa khuyết điểm, yếu kém; đồng thời, giúp cho cấp ủy có hướng để quy hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu mới.
Cùng với kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, việc thực hiện tốt các nhóm giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, chính sách, giáo dục chính trị, tư tưởng cũng hết sức quan trọng. Trong các nhóm giải pháp đó, việc thực hiện nghiêm Quy chế chất vấn trong Đảng; đổi mới cách lấy phiếu tín nhiệm đánh giá, nhận xét đối với các chức danh lãnh đạo; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ theo chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; áp dụng quy trình giới thiệu nhân sự người đứng đầu theo hướng người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;... là những giải pháp thiết thực, nếu làm tốt sẽ có tác dụng sàng lọc cán bộ, phát hiện người có đức, có tài để đưa vào hàng ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì. Các giải pháp: quản lý, kiểm soát chặt chẽ vốn và tài sản nhà nước; thực hiện kê khai tài sản theo quy định; nâng cao hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán;... cần được triển khai kiên quyết, theo một lộ trình chặt chẽ. Theo đó, cần nghiên cứu, ban hành những định chế tổ chức, nhằm giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, tận gốc những vụ việc tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và những tồn tại, phát sinh từ vấn đề đó.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu là vấn đề phải được thực hiện kiên quyết, triệt để, nhưng cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh để rơi vào khuynh hướng cực đoan. Đây là bài học xương máu của Đảng được rút ra trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Phương châm mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng đã nêu: "Các giải pháp phải bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, khả thi, kết hợp "chống và xây", "xây và chống", nói đi đôi với làm, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, trì trệ nhất"3. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với tổ chức, con người không nhằm mục đích nào khác là để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng đi lên; vì thế, nhất thiết phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Phải trên cơ sở kiểm điểm, tìm ra những yếu kém, bất cập, sơ hở,... để kịp thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục, tránh lặp lại những "vết xe đổ" trước đây. Bên cạnh đó, cần hết sức chú ý trong tự phê bình, phải luôn "... giữ đúng nguyên tắc, không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ"4.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một đợt sinh hoạt chính trị hết sức quan trọng. Đây là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị tự soi xét lại mình, tự đối chiếu với yêu cầu của nhiệm vụ và tự rút ra bài học sâu sắc cho mình để phấn đấu ngày càng tốt hơn với vai trò là "công bộc" của dân; là những tấm gương tiêu biểu trước quần chúng về: "trí, dũng, nhân, liêm, trung", "dĩ công vi thượng", "tiên ưu, hậu lạc", "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư",... như lời Bác Hồ dạy.
HỒNG LÂM - KHẮC THƯỜNG - HỌC TỪ
(Kỳ sau: IV - Tăng cường đổi mới, chỉnh đốn Đảng với việc xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị)
1 - Trích: Bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Báo QĐND, ngày 16-5-2012, tr. 3.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 22.
3, 4 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 27, 28.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học