Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
LTS - Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã họp Hội nghị lần thứ tư; trong đó, đã bàn một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng. Đây là nội dung hết sức quan trọng, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng trong thời kỳ mới. Để góp phần quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về vấn đề này, nhóm tác giả Hồng Lâm, Khắc Thường, Học Từ có loạt bài viết với chủ đề: “Để xứng đáng là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới”.
I. ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC CỦA THỜI ĐẠI VÀ DÂN TỘC
Bằng bản lĩnh, trí tuệ của mình, hơn 80 năm qua, Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện đã xác lập, củng cố và không ngừng nâng cao vai trò lãnh đạo đối với dân tộc. Từ ngày có Đảng, sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và CNXH; thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong hơn 25 năm đổi mới, Đảng đã lãnh đạo phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, từng bước đưa nước ta quá độ đi lên CNXH, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình; vị thế trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN và hội nhập quốc tế (HNQT) sâu rộng, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm mục tiêu “đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Sự nghiệp đó vừa đứng trước những thuận lợi, thời cơ lớn, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức không nhỏ. Điều đó đặt ra yêu cầu đối với Đảng ta - một đảng dày dạn kinh nghiệm trong những giai đoạn cách mạng đã qua, phải tiếp tục nâng cao bản lĩnh, trí tuệ; thường xuyên “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” để luôn làm tốt sứ mệnh, vai trò lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. Để thực hiện tốt điều đó, cùng với việc nắm bắt thời cơ, thuận lợi, hơn bao giờ hết, Đảng phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc những khó khăn, thách thức của thời đại và dân tộc để chủ động vượt qua, đưa sự nghiệp cách mạng đạt những thành tựu to lớn hơn nữa.
Thách thức thứ nhất là, sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo đang diễn ra trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Nước ta quá độ lên CNXH trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi to lớn và sâu sắc… Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển là xu thế lớn; nhưng đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp, chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, khủng bố, tranh chấp lãnh thổ, biển, đảo, tài nguyên và cạnh tranh quyết liệt về lợi ích kinh tế tiếp tục diễn ra phức tạp. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á phát triển năng động, nhưng cũng tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định”1. Có thể thấy, trong những năm gần đây, nhiều sự kiện trên thế giới diễn ra ngoài dự đoán của các nhà hoạch định chiến lược các quốc gia. Bên cạnh cuộc đấu tranh quyết liệt giữa CNXH và CNTB, giữa các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội với các thế lực cực đoan, hiếu chiến diễn ra dưới nhiều hình thức, sắc thái khác nhau, người ta còn thấy nổi lên mâu thuẫn không kém phần quyết liệt về lợi ích giữa các lực lượng, các quốc gia, dân tộc, khu vực, trong đó đáng chú ý có mâu thuẫn giữa các nước lớn với nhau. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế của hệ thống TBCN những năm 2008 - 2009; tiếp đến là cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra ở Mỹ và hàng loạt nước Tây Âu hiện nay, phản ánh sự bế tắc của CNTB, xuất phát từ những mâu thuẫn vốn có không thể tự giải quyết được. Theo nhận định và dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế, tình hình trên sẽ làm tiền đề cho cuộc suy thoái mới của CNTB. Cũng xuất phát từ vấn đề lợi ích, tình hình Biển Đông hiện nay đang diễn biến phức tạp trước những toan tính khó lường của một số quốc gia .v.v.
Trong bối cảnh đó, việc nước ta tham gia ngày càng sâu rộng vào quá trình toàn cầu hóa, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, đòi hỏi Đảng ta phải hết sức tỉnh táo trong các quan hệ quốc tế. Một mặt, phải luôn nắm vững bản chất khoa học, cách mạng, phương pháp luận biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH và giữ vững nguyên tắc; mặt khác, phải mềm dẻo, linh hoạt, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có đối sách phù hợp để tranh thủ được điểm tương đồng, loại bớt những khác biệt, tranh chấp, thậm chí đối đầu, căng thẳng, thêm bạn, bớt thù, để tập trung cho phát triển, xây dựng đất nước. Hơn lúc nào hết, việc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định để phát triển phải là ưu tiên số một trong mọi chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước ta.
Thách thức thứ hai là, tham gia hội nhập, đi vào KTTT, liệu Đảng có đủ bản lĩnh, kinh nghiệm để lãnh đạo đất nước giữ vững định hướng XHCN? Trong bối cảnh hiện nay, không tham gia vào quá trình toàn cầu hóa, HNQT, đất nước khó có thể phát triển nhanh và bắt kịp với trình độ của thế giới. Đó là một tất yếu khách quan. Nhưng cũng có một tất yếu khác là, tham gia vào toàn cầu hóa, HNQT, cũng đồng nghĩa phải chấp nhận tính hai mặt của quá trình đó. Bên cạnh mặt tích cực, hệ lụy từ HNQT cũng không ít. Đi vào KTTT (dù đó là KTTT định hướng XHCN), mặt trái cũng rất nhiều. Hệ lụy lớn nhất của HNQT - cũng là kịch bản mà các nước tư bản phương Tây vẫn áp dụng đối với Việt Nam; đó là, thông qua việc thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa của Đảng và Nhà nước ta để từng bước tác động, làm cho nền kinh tế của chúng ta xa dần quỹ đạo của CNXH, chuyển đổi theo mô hình TBCN; từ biến đổi về kinh tế dẫn đến biến đổi về chính trị. Đồng thời với biến đổi về kinh tế, chính trị, sẽ tạo ra những thay đổi về văn hóa theo mô hình phương Tây, trong đó có rất nhiều “giá trị” không phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam. Mặt trái lớn nhất của KTTT cũng vậy, đó chính là xu hướng tự phát TBCN của nền kinh tế, coi lợi nhuận tối đa là mục đích. Thực tế hơn 25 năm đổi mới đã khẳng định, thách thức đó là hiện hữu. Quá trình HNQT và phát triển KTTT đã làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội ta. Xu hướng làm ăn chụp giật, “cá lớn nuốt cá bé”, coi thường luật pháp, vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường, sinh thái, xem thường yêu cầu bảo đảm quốc phòng – an ninh,... trong lĩnh vực kinh tế đang ngày càng gia tăng. Khoảng cách về thu nhập giữa các thành phần kinh tế, giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền ngược đang doãng ra. Lối sống thực dụng, ích kỷ, đề cao vật chất, tiền bạc, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm,… đang phát triển. Kỷ cương xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, tai nạn và tệ nạn xã hội đang là những vấn đề gây bức xúc trong dư luận và đau đầu những nhà quản lý,v.v.
Thách thức càng lớn hơn khi yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đặt ra cho Đảng phải giải quyết nhiều vấn đề trọng đại. Đảng phải tập trung lãnh đạo đẩy mạnh CNH,HĐH, gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển KTTT định hướng XHCN; xây dựng văn hóa, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ XHCN; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; chủ động và tích cực HNQT... Đồng thời, phải nhận thức và giải quyết tốt các mối quan hệ giữa độc lập dân tộc và CNXH; giữa đổi mới kinh tế với đổi mới hệ thống chính trị; giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa độc lập tự chủ và HNQT; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh; giữa nội lực và ngoại lực; giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại... Nếu Đảng không nhận thức đầy đủ những vấn đề này, thì sự chệch hướng XHCN vẫn là một nguy cơ, thách thức tiềm ẩn.
Thách thức thứ ba là, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng hiện nay còn nhiều hạn chế, yếu kém về trình độ, năng lực, nhất là về bản lĩnh chính trị và đạo đức, lối sống. Có thể thấy, hiện nay không ít cán bộ, đảng viên vừa thiếu hiểu biết về quá trình HNQT và phát triển KTTT, vừa nắm chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh không chắc, dẫn đến khả năng quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng vào giải quyết nhiệm vụ thực tiễn đặt ra có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực dự báo, hoạch định chính sách, tạo dựng khung pháp lý, đưa ra những quy định theo thông lệ quốc tế trong hội nhập thương mại toàn cầu còn nhiều bất cập; việc ký kết, làm ăn, thu hút đầu tư nước ngoài nhiều trường hợp còn bị động, mất thời cơ, chưa phát huy hết thế mạnh của nước ta trên thị trường quốc tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, không ít trường hợp làm sai, làm trái với đường lối, quan điểm của Đảng, vi phạm pháp luật, dẫn đến gây hậu quả nghiêm trọng, bất bình trong nhân dân.
Bên cạnh kiến thức và sự hiểu biết, vấn đề được quan tâm nhiều nhất hiện nay là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, một số cán bộ có chức, có quyền, được giao quản lý khối lượng tài sản, tiền bạc lớn, quản lý cán bộ thuộc quyền…, do không tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, rơi vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, vụ lợi, có hành vi tham nhũng, lãng phí, thu lợi bất chính. Trong Đảng có sự phân hóa giàu – nghèo; một số cán bộ, đảng viên giàu lên nhanh chóng, cuộc sống xa cách người lao động. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã thẳng thắn chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”2… Thực tế cho thấy, đã có không ít cán bộ, đảng viên tỏ ra hoài nghi về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH ở Việt Nam, đề cao CNTB, thậm chí công khai bày tỏ quan điểm trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái với nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng; “thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân”3;tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân diễn ra ở nhiều nơi. Đây là điều đáng lo ngại nhất, cũng là thách thức, nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền.
Cũng cần thấy rằng, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài chậm được khắc phục. Nhiều nguyên tắc Đảng bị vi phạm; nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức, dẫn đến tình trạng dựa dẫm vào tập thể, không quy rõ trách nhiệm cá nhân, vừa không khuyến khích nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu, vừa tạo kẽ hở cho việc vụ lợi, lạm quyền. Trên thực tế thời gian qua, phần lớn những vụ tiêu cực có liên quan đến cán bộ lãnh đạo chỉ bị phanh phui khi dư luận, báo chí vào cuộc, ít do chi bộ phát hiện. Điều đó cũng chứng tỏ, vũ khí “tự phê bình và phê bình” chưa phát huy hiệu quả; công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng; công tác quản lý, rèn luyện đảng viên còn bị buông lỏng. Cùng với đó, công tác tổ chức cán bộ của Đảng cũng bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí của công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Công tác giáo dục, đào tạo cán bộ, với mục tiêu để đội ngũ cán bộ của Đảng, nhất là đội ngũ cán bộ chiến lược có trình độ lý luận cao, năng lực thực tiễn giỏi, đặc biệt là khả năng thích ứng với HNQT và yêu cầu của phát triển KTTT,... còn có khoảng cách so với yêu cầu đặt ra. Việc đánh giá, bố trí cán bộ có nơi chưa thật công tâm, khách quan; còn có biểu hiện cục bộ, nể nang, thiếu cơ chế chặt chẽ để trọng dụng người có tài, có đức. Công tác kiểm tra, giám sát, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật ở nhiều nơi, nhiều cấp chưa thường xuyên, ráo riết; chưa phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với việc làm của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, cũng phải kể đến chính sách, chế độ, môi trường làm việc chưa tạo động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của đội ngũ cán bộ,v.v.
Thách thức nữa đặt ra đối với Đảng trong tình hình hiện nay là, các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta một cách điên cuồng, quyết liệt. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là thủ tiêu chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN, đưa Việt Nam vào quỹ đạo của CNTB. Để thực hiện âm mưu đó, chúng kiên trì thực hiện nhiều thủ đoạn chống phá ta về tư tưởng, tâm lý thâm hiểm và xảo quyệt; đặc biệt là thủ đoạn dùng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo làm mũi nhọn xung kích, “đột phá khẩu”; kết hợp giữa “ngoại kích” với “nội công”, tạo sự “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chống phá. Một số kẻ cơ hội về chính trị, bất mãn với chế độ ra sức lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái, vu cáo, đả kích chế độ ta, gây bất bình, hoài nghi của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và CNXH. Nội dung chống phá của họ vẫn là lợi dụng những hạn chế, yếu kém của đất nước, nhất là những sai lầm của các cấp chính quyền, tình trạng tham nhũng, thiếu gương mẫu của cán bộ trong hệ thống chính trị,... để quy kết, thổi phồng thành những vấn đề thuộc về bản chất, yếu kém “mang tính hệ thống, không thể khắc phục” của Đảng; từ đó, phủ định con đường XHCN, phủ định vai trò độc tôn lãnh đạo đất nước của Đảng, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, đòi đa nguyên, đa đảng… Những luận điệu đó tuy không có gì mới, nhưng hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nhân dân, kể cả đối với những đảng viên, cán bộ thiếu thông tin, không trau dồi thường xuyên bản lĩnh chính trị, lập trường, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác.
Những thách thức trên là một thực tế; chúng tồn tại đan xen, tác động qua lại lẫn nhau; thách thức nào cũng cần được nhận thức đầy đủ, thấu đáo trong Đảng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hàng đầu, cũng là thách thức lớn, bao trùm nhất đối với Đảng ta trong lúc này là phải tự vượt qua chính mình, khắc phục những hạn chế, yếu kém đang làm cho năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín bị suy giảm. Đảng phải kiên quyết “tự đổi mới, tự chỉnh đốn” để tiếp tục xứng đáng là lực lượng lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới. “Yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa”4. Thời gian không chờ đợi chúng ta bàn tính nhiều, vì sự cấp bách đã rõ ràng và thời cơ đã chín muồi. Trước đây, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, có những thời khắc đất nước như "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, ý chí kiên định của mình, Đảng đã lãnh đạo nhân dân vượt qua và giành được những thắng lợi vĩ đại. Tin tưởng rằng, trước những thách thức mới của thời đại và dân tộc, Đảng nhất định sẽ có quyết tâm cao, chủ trương, giải pháp đổi mới, chỉnh đốn Đảng đúng đắn, từ đó tạo sức mạnh mới và uy tín mới để tiếp tục đưa đất nước thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XI đã đề ra.
HỒNG LÂM - KHẮC THƯỜNG - HỌC TỪ
(Kỳ sau: II - Quyết liệt tự đổi mới, tự chỉnh đốn - vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ)
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 67.
2 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng (khoá XI) - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 2/2012, tr. 1.
3 - Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCHTƯ Đảng (khoá XI) - Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 2/2012, tr. 2.
4 - Nguyễn Phú Trọng - Quyết tâm tạo chuyển biến rõ rệt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 3/2012, tr. 3.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học