Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:54 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là định hướng quan trọng của Đảng ta nhằm thúc đẩy nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn chủ trương nhất quán phát triển kinh tế nhiều thành phần; trong đó, kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao nội lực của đất nước trong xu thế hội nhập. Sở dĩ có sự khẳng định đó là do Đảng ta đã nhận thức đúng và tuân theo quy luật khách quan từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa; coi phát huy vai trò của kinh tế tư nhân là phương thức quan trọng để huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển và giải phóng mạnh mẽ sức sản xuất. Tại Đại hội VI, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra quan điểm, chính sách về cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, thay cho chính sách kinh tế thuần nhất một thành phần. Các kỳ đại hội sau đó, Đảng ta tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm, chủ trương trên và có những phát triển mới cho phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002 “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Đây có thể coi là nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Đảng định hướng đối với thành phần kinh tế quan trọng này, góp phần tạo môi trường pháp lý thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển nhanh và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
Đến Đại hội XII, Đảng ta có quan điểm, định hướng rõ ràng đối với thành phần kinh tế tư nhân, coi nó “là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Cụ thể hóa tinh thần đó trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện ba đột phá chiến lược, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. So với các nghị quyết trước, nghị quyết lần này Trung ương đã xác định rõ hơn vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân, coi việc phát triển lành mạnh thành phần kinh tế này là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, định hướng phát triển kinh tế tư nhân bằng những giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với bối cảnh và điều kiện mới.
Hiện nay, kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu, tăng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Bởi vậy, Nhà nước cần khuyến khích, tạo môi trường để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng, với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP1; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, đảm bảo cho kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy phát triển mọi hình thức liên kết sản xuất, kinh doanh, cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mạng sản xuất, chuỗi giá trị thị trường giữa kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế, nhằm tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng thị trường tiêu thụ. Trong quá trình phát triển, cần phát huy mặt tích cực, có lợi cho đất nước của kinh tế tư nhân; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn, hạn chế mặt tiêu cực, nhất là những biểu hiện của “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, quan hệ “lợi ích nhóm”, thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính, v.v.
Nghị quyết Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định, cụ thể hóa rõ hơn nhận thức, tư duy nhất quán đối với thành phần kinh tế tư nhân, đảm bảo cho nó có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, trong thực tế, thành phần kinh tế này đang gặp không ít trở ngại, thách thức, nhất là vấn đề cơ chế, chính sách, vốn, công nghệ, v.v. Để khắc phục điều đó, đảm bảo cho kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế2, cần quán triệt và thống nhất nhận thức trên một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế tư nhân. Trước hết, phải nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thành phần kinh tế này, tạo sự đồng thuận xã hội, đề cao trách nhiệm, hỗ trợ, giúp đỡ kinh tế tư nhân phát triển. Cùng với đó, cần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chủ động, linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm lãi suất, tỷ giá ổn định, giảm bội chi ngân sách, an toàn nợ công. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, thể chế hóa quyền tự do kinh doanh, sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Tăng cường đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại; trọng tâm là các hoạt động hòa giải, trọng tài thương mại và tòa án nhân dân các cấp để bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân. Tiến hành rà soát, xóa bỏ các cơ chế, chính sách tạo ra bất bình đẳng giữa kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về đất đai, quản lý tài nguyên, môi trường; cơ cấu lại thị trường tài chính, nhất là hệ thống tín dụng, thị trường vốn; phát triển mạnh mẽ, thông suốt thị trường hàng hóa, dịch vụ, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm và có cơ chế, chính sách để kinh tế tư nhân tích cực tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các bộ, ban, ngành, địa phương quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh; thường xuyên cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tìm kiếm thị trường, đối tác tiềm năng.
Thứ hai, tăng cường đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Trong thời đại mà nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ thì việc đổi mới, hiện đại hóa công nghệ là vấn đề đặt ra hết sức quan trọng đối với các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Bởi vậy, Nhà nước cần khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu, các bước của quá trình sản xuất, kinh doanh, nhằm góp phần làm giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phấn đấu giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 4% - 5%/năm. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ, xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu, nhà khoa học; thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân; tăng cường hợp tác quốc tế, mua bán, chuyển giao công nghệ mới và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn. Đồng thời, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để khắc phục tình trạng mất cân đối, “thừa thầy thiếu thợ”, “thiếu cả thầy và thợ”, v.v. Vì thế, cần đổi mới căn bản toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, nhất là đào tạo nghề, đào tạo bậc cao, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị, đáp ứng nhu cầu số lượng, chất lượng nhân lực cho khu vực kinh tế tư nhân. Trong đào tạo phải có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên đào tạo nhân lực trong một số ngành, lĩnh vực theo đặt hàng của doanh nghiệp; tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo. Các chương trình hướng nghiệp, giáo dục kinh doanh phải được giới thiệu và phổ biến ngay từ bậc phổ thông, nhằm thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp, hình thành ý chí tự thân lập nghiệp của giới trẻ trong tương lai.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế tư nhân. Trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở tất cả các thành phần kinh tế, trên mọi lĩnh vực, hoạt động, xứng đáng là lực lượng tiên phong trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước. Đối với các doanh nghiệp tư nhân, đội ngũ doanh nhân đã nỗ lực vươn lên, phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, từng bước nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, giá thành hợp lý, có tính cạnh tranh cao. Tích cực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, làm ra nhiều của cải cho xã hội, tạo việc làm cho người lao động, đóng góp vào ngân sách, góp phần nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế. Để kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế, thời gian tới, cần xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, đề cao trách nhiệm xã hội, có đủ năng lực, trình độ, khả năng ngoại ngữ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất, đạt tầm cỡ khu vực, từng bước vươn ra thế giới. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, để các nhà quản lý, người lao động phát huy tài năng, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên, tự khẳng định mình trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập.
Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trước hết, cần đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các tổ chức đảng trong khu vực kinh tế tư nhân phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất cao về chủ trương nhất quán trong phát triển kinh tế tư nhân của Đảng và Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, công khai, minh bạch các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Chú trọng phát triển đảng viên trong khu vực kinh tế tư nhân; làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, chấn chỉnh kịp thời những nhận thức và hành động không đúng trong triển khai thực hiện. Cùng với đó, cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp với vai trò là tổ chức đại diện, tích cực phối hợp với các cơ quan nhà nước để cung cấp thông tin, hỗ trợ liên kết, hợp tác kinh doanh, đào tạo kỹ thuật và tư vấn cho các hội viên. Đồng thời, xây dựng các chương trình, kế hoạch giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng đối với thành phần kinh tế quan trọng này.
Quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” là một yêu cầu cơ bản, cấp thiết hiện nay. Làm tốt điều đó sẽ góp phần nâng cao nhận thức, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển, ngày càng đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thượng tá, ThS. TRẦN HỮU HÒA, Học viện Phòng không - Không quân _____________
1 - Từ năm 2003 - 2015, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của kinh tế tư nhân là 10,2%; đóng góp vào ngân sách nhà nước đạt 39,87% (năm 2002) và 39,21% (năm 2015).
2 - Phấn đấu đến năm 2035, tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế từ 1,2 - 1,5 lần; đóng góp GDP đến năm 2020 là khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, năm 2035 khoảng 60 - 65%.
Kinh tế tư nhân,động lực quan trọng
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học