Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:46 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Trải qua hơn 80 năm đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH; đồng thời, không ngừng đổi mới và chỉnh đốn về chính trị, tư tưởng, tổ chức, để xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Ngay khi mới thành lập, trong Cương lĩnh - bản Tuyên ngôn đầu tiên của mình - Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam xác định mục tiêu chiến lược là lãnh đạo toàn dân đấu tranh làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, để đi tới xã hội cộng sản. Kiên định mục tiêu đó, Đảng đã lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, trở thành Đảng cầm quyền, lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tạo tiền đề tiến lên xây dựng xã hội XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống các thế lực thực dân, đế quốc hùng mạnh nhất, đem lại độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Đảng đề ra đường lối tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và xây dựng CNXH trên cả nước, giữ vững độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia; lãnh đạo thành công sự nghiệp đổi mới, đưa đất nước quá độ lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Những thắng lợi vẻ vang đó của cách mạng đã khẳng định trên thực tế vai trò và năng lực lãnh đạo của ĐCS Việt Nam.
Về phương diện pháp lý, Hiến pháp của chúng ta đã từng có Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Mới đây nhất, Hiến pháp được Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thông qua năm 2013, tiếp tục khẳng định điều đó. Đây chính là kết tinh ý chí, lợi ích và quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện rõ “ý Đảng, lòng dân” sâu sắc; nguyện vọng của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch đang chĩa mũi nhọn công kích, nói xấu, hạ uy tín của Đảng; đòi “đa nguyên, đa đảng” thì việc tiếp tục khẳng định hiến định ĐCS Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội càng hết sức cần thiết, thể hiện uy tín của Đảng trong lòng nhân dân.
Cũng cần nhận thức rõ, trong thời đại ngày nay, bất cứ một nhà nước nào trên thế giới đều do một đảng chính trị lãnh đạo. Công nhận và khẳng định cơ sở pháp lý của một nhà nước cũng có nghĩa là khẳng định cơ sở pháp lý của đảng chính trị cầm quyền. Ở Việt Nam, từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ĐCS là Đảng chính trị cầm quyền. Cơ sở pháp lý quốc tế của Nhà nước cách mạng Việt Nam và ĐCS cầm quyền từng bước được xác lập bởi Hiệp định sơ bộ, ngày 06-3-1946; Hiệp định Giơ-ne-vơ, ngày 21-7-1954 và Hiệp định Pa-ri, ngày 27-01-1973. Tháng 01-1950, Liên Xô, Trung Quốc và sau đó là các nước XHCN đặt quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam độc lập. Thập niên 60 của thế kỷ XX, nhiều nước châu Phi, khu vực Mỹ – La-tinh xác lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Năm 1973, Nhật Bản, Ô-xtrây-lia, Pháp, Anh và nhiều quốc gia châu Âu đặt quan hệ ngoại giao với Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Tháng 9-1977, Cộng hòa XHCN Việt Nam - Nhà nước thống nhất của Việt Nam - trở thành thành viên Liên hợp quốc. Năm 1995, Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước trong tổng số 193 nước thành viên Liên hợp quốc; quan hệ đối tác chiến lược với 13 nước, trong đó phần lớn là các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G8) và là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Điều đó đã khẳng định vị thế của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do ĐCS Việt Nam lãnh đạo trong đời sống chính trị của thế giới và quan hệ pháp lý quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế càng phát triển, vị thế của Nhà nước Việt Nam do ĐCS lãnh đạo càng thêm vững chắc.
Từ kinh nghiệm lịch sử và khoa học lãnh đạo, quản lý, Đảng không ngừng hoàn thiện nội dung, phương thức lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đối với Nhà nước, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối thành chính sách, pháp luật của Nhà nước và hoàn thiện hệ thống đó theo đúng quan điểm, nội dung Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đảng định hướng cơ cấu bộ máy chính quyền Nhà nước và cử những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực tiêu biểu của Đảng trực tiếp nắm bộ máy chính quyền nhà nước ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở; tiến hành kiểm tra, giám sát bộ máy, cán bộ, công chức và hoạt động của chính quyền nhà nước, bảo đảm thực hiện đúng đường lối, quyết định của Đảng, lợi ích của đất nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đảng lãnh đạo, vận động và tổ chức nhân dân tham gia xây dựng và quản lý Nhà nước. Đối với xã hội, Đảng lãnh đạo các giai cấp, tầng lớp nhân dân, tổ chức xã hội, các dân tộc, tôn giáo hướng tới tăng cường đại đoàn kết, đồng thuận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, thực hiện dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm chính sách xã hội; tạo dựng các mối quan hệ xã hội, văn hóa, đạo đức, xây dựng con người Việt Nam trong thời đại mới, vì một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Với nội dung, phương thức đó, sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ngày càng được khẳng định trong thực tiễn; uy tín của Đảng đối với nhân dân và trên trường quốc tế ngày càng cao; đời sống kinh tế - xã hội không ngừng phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường.
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện, xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế đặt ra những nhiệm vụ to lớn, nặng nề với những yêu cầu rất cao trong lãnh đạo, quản lý đất nước và xã hội. Để ĐCS Việt Nam hoàn thành sứ mệnh lịch sử, xứng đáng với vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng phải tăng cường xây dựng và chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và tầm tư duy, trí tuệ, xứng đáng với yêu cầu phát triển của thực tiễn và sự kỳ vọng của nhân dân.
Trước hết, Đảng phải không ngừng bổ sung, phát triển, bảo đảm tính đúng đắn của đường lối và phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối. Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh và đường lối - đó là sự biểu hiện tập trung của khoa học lãnh đạo, kết tinh trí tuệ và ý chí, bản lĩnh chính trị của đội tiền phong. Đường lối đúng đắn thể hiện ở sự vận dụng sáng tạo lý luận, quy luật khách quan của lịch sử và cách mạng vào thực tiễn của Việt Nam; có sự kế thừa, phát triển truyền thống của dân tộc, cách mạng; đồng thời, giải quyết những vấn đề mà thời đại mới đặt ra. Đường lối đúng thể hiện được lợi ích của giai cấp, dân tộc, đất nước, nhân dân và được trải nghiệm qua thực tiễn; phản ánh quy luật phát triển tất yếu của cách mạng. Nhờ Cương lĩnh, đường lối đúng đắn, ĐCS Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đưa Việt Nam từ nước thuộc địa nửa phong kiến, nghèo nàn, lạc hậu phát triển ngang tầm thời đại, uy tín quốc tế ngày càng cao, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Trong tình hình mới, Đại hội XI của Đảng đã bổ sung, phát triển Cương lĩnh 1991 với những nội dung quan trọng về lý luận và thực tiễn xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Cương lĩnh đó đã được thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc trong Hiến pháp năm 2013 và trong nhiều luật sửa đổi, ban hành mới. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 do Đại hội XI của Đảng đề ra được cụ thể hóa trong những chính sách lớn, giải pháp của Nhà nước và Chính phủ. Các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định những vấn đề trọng đại trong đời sống kinh tế - xã hội, đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh. Đó là sự lãnh đạo Nhà nước, xã hội chặt chẽ, có hiệu quả mà Đảng không làm thay vai trò quản lý của Nhà nước, quyết định bản chất và sức mạnh của Nhà nước. Để xứng tầm lãnh đạo Nhà nước và xã hội, cũng tại Đại hội XI, Đảng đã nhấn mạnh: “Phải phòng và chống những nguy cơ lớn: sai lầm về đường lối, bệnh quan liêu và sự thoái hóa, biến chất của cán bộ, đảng viên”1; tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đối với cách mạng Việt Nam. Theo đó, nhiều vấn đề trong đường lối đổi mới đã được bổ sung, phát triển, như: nội dung, quy mô và bước đi của CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT) định hướng XHCN; thực hiện các đột phá chiến lược, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ, xây dựng văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đảng cũng đã đề ra đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; lãnh đạo cải cách hành chính, tư pháp và giáo dục pháp luật,... Những vấn đề cơ bản và thiết yếu đó trong đường lối được thực hiện nghiêm túc, có chất lượng, hiệu quả bảo đảm cho vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của ĐCS Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Hai là, nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ của Đảng, tăng cường công tác tư tưởng, giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Một đảng chân chính cách mạng phải được trang bị học thuyết lý luận tiền phong. V.I. Lê-nin nêu rõ: “Không có lý luận cách mạng thì cũng không thể có phong trào cách mạng… Chỉ đảng nào được một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiền phong”2. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Đảng phải có chủ nghĩa làm cốt, không có lý luận thì giống như người không có trí khôn, như người đi trong đêm tối. Theo tư tưởng đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, ĐCS Việt Nam luôn coi trọng công tác tư tưởng, không ngừng nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ của Đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng khẳng định: “ĐCS Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản”3.
Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng phải luôn kế thừa, vận dụng, phát triển lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Phải nhận thức rõ hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, về mục tiêu và mô hình xã hội XHCN; về những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của thời kỳ quá độ; về khả năng và nội dung bỏ qua chế độ TBCN; kế thừa thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ trên thế giới và kinh nghiệm của các nước. Đồng thời, nhận thức rõ hơn về KTTT định hướng XHCN; về hệ thống chính trị, nhất là vai trò của ĐCS cầm quyền và Nhà nước pháp quyền XHCN; lý luận về văn hóa và con người trong xây dựng CNXH; lý luận về thời đại, thế giới đương đại và quan hệ quốc tế của Việt Nam; tư duy khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Những vấn đề đó đều rất cần được tổng kết và tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ hơn; qua đó, nâng cao trình độ lý luận và trí tuệ của Đảng. Cùng với đó, việc kế thừa di sản truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tri thức mà nhân loại đã tạo ra cũng góp phần làm giàu trí tuệ của Đảng. Sự phát triển đó khẳng định nền tảng tư tưởng của Đảng, định hướng đúng đắn về tư tưởng, lý luận của Đảng và dân tộc là độc lập dân tộc và CNXH.
Ba là, Đảng phải thật sự vững mạnh về tổ chức, kỷ luật nghiêm minh và không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo. Sức mạnh của Đảng phụ thuộc rất lớn vào năng lực tổ chức, hoạt động của hệ thống tổ chức đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở cũng như trong toàn bộ hệ thống chính trị và các lĩnh vực hoạt động, tính kỷ luật, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để tạo môi trường thuận lợi cho Đảng hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, Đảng phải hoàn thiện và thực hiện nghiêm nguyên tắc tổ chức và hoạt động; trong đó, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản; tập trung trên cơ sở thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, dân chủ bảo đảm cho những quyết định tập trung đúng đắn. Đồng thời, lấy tự phê bình và phê bình là nguyên tắc phát triển của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất trên cơ sở Cương lĩnh và Điều lệ Đảng; giữ mối liên hệ, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Trong tình hình hiện nay, điều cốt tử là phải tập trung khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, hách dịch, nhũng nhiễu quần chúng; xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm Điều lệ Đảng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực hiện tốt điều đó, sẽ loại trừ được nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và trong xã hội. Các tổ chức đảng phải đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng và sự đồng thuận trong xã hội; thực hiện nghiêm quy định về những điều đảng viên không được làm, theo tinh thần Trung ương làm gương trước địa phương, cấp trên làm gương cho cấp dưới, cán bộ làm gương cho quần chúng. Mặt khác, phải đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, giữ nghiêm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước, xây dựng môi trường xã hội trong sạch, lành mạnh.
Cùng với đó, phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trước hết, Đảng phải chú trọng chất lượng ra nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chủ trương, bảo đảm sát yêu cầu phát triển của thực tiễn; đồng thời, thường xuyên xem xét điều chỉnh, bổ sung, phát triển cho phù hợp. Lãnh đạo, chỉ đạo việc hiện thực hóa đường lối, quyết định của Đảng, đưa đường lối vào cuộc sống; khắc phục bệnh quan liêu, xa rời thực tiễn; phải thật sự gần dân, tin dân, hiểu dân, bàn bạc với dân và vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu.
Trong lãnh đạo cách mạng, ĐCS Việt Nam đã giải quyết thành công các mối quan hệ cơ bản, như: dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc và CNXH, kháng chiến và kiến quốc, chiến lược và sách lược, đường lối và phương pháp cách mạng, dân tộc và thời đại,… Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh: “…phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa KTTT và định hướng XHCN; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất XHCN; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”4. Đó cũng chính là nội dung căn bản Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội hiện nay.
PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC _____________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 66.
2 - V.I. Lê-nin - Toàn tập, Tập 6, Nxb Tiến bộ, M. 1975, tr. 30 - 32.
3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 88.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 72 - 73.
Đảng,lãnh đạo,Nhà nước,xã hội
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học