Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Tư, 26/04/2023, 09:01 (GMT+7)
“Đề cương về văn hóa Việt Nam” và vai trò soi đường, hình thành, phát triển văn hóa quân sự thời đại Hồ Chí Minh

Cách đây 80 năm, Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời đã nêu rõ những quan điểm căn bản của Đảng trong xây dựng nền văn hóa cách mạng, nhằm thực hiện vai trò sứ mệnh: “soi đường cho quốc dân đi”. Những quan điểm ấy đã thấm sâu vào phong trào cách mạng của toàn dân tộc nói chung và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, góp phần hình thành và phát triển văn hóa quân sự  thời đại Hồ Chí Minh.

Nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương văn hóa) thể hiện rõ ba phương châm mang tính bao trùm của nền văn hóa cách mạng: (1). Chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập. (2). Chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa rời đông đảo quần chúng. (3). Chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ. Trong đó, Đảng ta cũng nhấn mạnh ba nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa ở Việt Nam thời kỳ này, gồm: dân tộc hóa, đại chúng hóa, khoa học hóa. Nghĩa là, phải xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc (dân tộc hóa), mang tính phổ cập, phổ biến (đại chúng hóa) và luôn tìm cách đấu tranh loại bỏ cái cũ, cái lạc hậu, bảo thủ phản động; hướng đến cái mới, dân chủ, tiến bộ, dễ học, dễ nắm bắt và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại (khoa học hóa). Thông qua Đề cương văn hóa, Đảng ta đã khẳng định vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng và sức mạnh của văn hóa; coi đó là chỗ dựa về tư tưởng, tinh thần cho mỗi người dân và vận động văn nghệ sĩ đi theo Đảng để làm cách mạng.

Từ Đề cương văn hóa tới văn hóa quân sự

Được soi sáng bởi Đề cương văn hóa, ngay từ những ngày đầu thành lập, Quân đội ta đã không chỉ tập trung xây dựng một đội quân chiến đấu để cùng với toàn dân đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mà còn hướng tới xây dựng một đội quân văn hóa. Thực tiễn lịch sử gần 80 năm qua cho thấy, dưới những chỉ dẫn của Đề cương văn hóa, việc hình thành, phát triển văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành nét đặc sắc tiêu biểu trong xây dựng một đội quân cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu và là cội nguồn cho những chiến công oanh liệt của Quân đội ta. Việc thực hiện những quan điểm, chủ trương của Đề cương văn hóa trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam và hình thành, phát triển văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:

Một là, quán triệt “Cách đặt vấn đề” của Đề cương văn hóa, coi “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận” và “Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”, ngay trong chủ trương xây dựng Quân đội, Đảng ta và Bác Hồ đã coi chính trị là gốc, “quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại”1. Vì vậy, “Tên: Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là một Đội tuyên truyền”2. Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân cũng thể hiện rõ tư tưởng lực lượng vũ trang ba thứ quân, kháng chiến toàn dân - cũng là sự tiếp nối truyền thống, giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam trong đội quân cách mạng đầu tiên.

Hai là, bằng việc vạch trần “những thủ đoạn phát xít trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam” và nêu lên những quan điểm căn bản của việc xây dựng một nền văn hóa mới - văn hóa xã hội chủ nghĩa, Đề cương văn hóa đã mang lại niềm cảm hứng lớn lao cho đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Việt Nam yêu nước. Một thế hệ trí thức, văn nghệ sĩ đang bế tắc nhiều năm dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, đã từ đây mà nhận ra con đường để đến với cách mạng. Nhiều người trong số họ thấm nhuần chủ trương “Cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển”, nhanh chóng tham gia kháng chiến, trở thành “Bộ đội Cụ Hồ”, vừa cầm súng, vừa sáng tác và biểu diễn cổ vũ cho công cuộc “kháng chiến, kiến quốc” dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ba là, trong thời đại Hồ Chí Minh, kể từ khi Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944, thấm nhuần các nguyên tắc căn bản trong xây dựng nền văn hóa mới mà Đề cương văn hóa chỉ ra, văn hóa quân sự được hình thành và bổ sung thêm những giá trị mới nhằm thực hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, vì hạnh phúc của nhân dân, đó là: lòng yêu nước, khát vọng hòa bình, tinh thần nhân văn, nhân đạo trong hoạt động quân sự; nghệ thuật quân sự độc đáo “lấy ít địch nhiều”, “lấy yếu chống mạnh”, đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân; những phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”, v.v. Những giá trị đó phản ánh trọn vẹn tính dân tộc, tính đại chúng, tính khoa học của nền văn hóa cách mạng; đồng thời, thể hiện rõ bản chất, truyền thống vẻ vang của Quân đội ta, một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân Việt Nam, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.

Thực hiện những chỉ dẫn của Đề cương văn hóa và các quan điểm căn bản của Đảng ta về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc xây dựng văn hóa quân sự cả trong cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 143/CT, ngày 12/5/1992 của Tổng cục Chính trị về tiến hành Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong các đơn vị Quân đội”, hơn 30 năm qua, công tác xây dựng môi trường văn hóa luôn được coi trọng, trở thành nhiệm vụ thường xuyên trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo sức mạnh tổng hợp và là động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Các đơn vị trong toàn quân đã xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, như: Nhà văn hóa, Phòng Hồ Chí Minh, bảo tàng, thư viện, đội chiếu phim, v.v. Qua đó, phản ánh đầy đủ diện mạo văn hóa quân sự ở mỗi đơn vị; thực sự là nơi để bộ đội hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, đồng thời cũng trở thành chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa ấy. Đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ là lực lượng nòng cốt trong các thiết chế văn hóa cơ sở, đồng thời cũng trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, cổ động, giáo dục chính trị, tư tưởng, hoạt động văn hóa quần chúng,… ở đơn vị cơ sở. Cùng với đó, các đơn vị đã quán triệt, cụ thể hóa và triển khai thực hiện hiệu quả Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”, thể hiện sự sáng tạo, cách làm mới của Quân đội trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội được chú trọng, hình thành nên đội ngũ đông đảo, trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, có phẩm chất, năng lực, đóng góp quan trọng trong xây dựng văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều nghệ sĩ Quân đội được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú. Tổng cục Chính trị cũng định kỳ tổ chức các trại sáng tác, cuộc vận động sáng tác, xây dựng quỹ đầu tư các tác phẩm trọng điểm về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính. Từ đó đã có thêm nhiều tác phẩm có giá trị ở hầu hết các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, sân khấu, hội họa, điện ảnh,... bổ sung vào kho tàng văn học Việt Nam, làm phong phú, sâu sắc thêm đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội.

Phát huy giá trị văn hóa quân sự trong tình hình mới

Tiếp thu những chỉ dẫn của Đề cương văn hóa cùng các quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng các giá trị văn hóa quân sự trong tình hình mới là đòi hỏi khách quan, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, cần tập trung thực hiện một số định hướng căn bản sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam: quyết chiến, quyết thắng, mưu trí, dũng cảm, kiên cường, bất khuất, “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa quân sự của cha ông trong giai đoạn hiện nay, như: tinh thần “toàn dân đánh giặc” được phát triển thành đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân; vận dụng linh hoạt các yếu tố “thế, lực, thời, mưu” để đương đầu với những kẻ thù hung bạo; tư tưởng “mưu phạt tâm công”, thêm bạn, bớt thù; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, v.v.

Thứ hai, tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong Quân đội, xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Tập trung xây dựng các mối quan hệ văn hóa ngày càng tốt đẹp, chuẩn mực, trở thành hình mẫu trong đời sống xã hội, như: quan hệ cấp trên - cấp dưới, đồng chí - đồng đội, quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt giữa bộ đội với nhân dân, quan hệ đoàn kết hữu nghị, hiểu biết, tin cậy với quân đội và nhân dân các nước láng giềng của các đơn vị đóng quân ở địa bàn biên giới.

Thứ ba, đổi mới tư duy và hành động trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với tổ chức thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Trong đó, đặt trọng tâm vào việc giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” với nội dung mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. Đồng thời, coi trọng hướng vào việc thu hút nhân tài, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu rất cao của quá trình hiện đại hóa Quân đội trong những năm tới; nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ trực tiếp cho các lực lượng tiến thẳng lên hiện đại.

Thứ tư, tiếp tục đầu tư xây dựng và đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa trong Quân đội, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Quân đội ngày càng đông đảo về số lượng, tinh, mạnh về chất lượng. Đồng thời, có các cơ chế mạnh mẽ động viên, khuyến khích đội ngũ này phát huy tối đa năng lực sáng tạo, lòng nhiệt huyết trong nghiên cứu, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn xây dựng và phát triển văn hóa quân sự Việt Nam trong tình hình mới. Tích cực sáng tác, biểu diễn các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao, phản ánh đầy đủ đời sống của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt nam xã hội chủ nghĩa.

Thượng tá, TS. NGUYỄN MINH CƯỜNG, Trường Sĩ quan Chính trị
________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 217.

2 - ĐCSVN – Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2008, tr. 882.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...