Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 31/03/2017, 09:14 (GMT+7)
Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn chú trọng giải quyết tốt vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn; coi đó là cơ sở, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường tiềm lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Nếu như Văn kiện các Ðại hội lần thứ VII, VIII, IX của Ðảng mới chỉ từng bước xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển toàn diện kinh tế nông thôn, nông nghiệp, thì Văn kiện Đại hội X, XI, nhất là Đại hội XII đã dần xác định rõ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội hàm của việc xây dựng nông thôn mới. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới để các địa phương phấn đấu thực hiện. Từ năm 2011 phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền đất nước tích cực hưởng ứng, tham gia. Qua đó, hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo nhiều vùng quê; điều kiện sống của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng lên cả về vật chất và tinh thần; sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng, có nhiều chuyển biến, thu nhập của người dân ở nông thôn được tăng lên. Tính đến hết tháng 11-2015, cả nước đã có 14,5% xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010).

Nhà Văn hóa thôn Đại Áng, xã Đại Áng một hạng mục trong chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì, Hà Nội.
(Ảnh: hanoimoi.com.vn)

Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng còn những hạn chế, bất cập, đó là: chưa đạt được mục tiêu đề ra (tới năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chí); các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức; có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền; một số địa phương chạy theo thành tích nên có biểu hiện huy động quá sức dân, hoặc nợ đọng trong xây dựng cơ bản vượt quá khả năng chi trả; một số dự án bố trí dân cư thực hiện kéo dài, chưa đảm bảo các điều kiện phục vụ sản xuất, đời sống của người dân, v.v. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng tiếp tục định hướng “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới1, trên cơ sở đó, Chính phủ đã cụ thể hóa bằng Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17-10-2016, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 1600/QĐ-TTg, ngày 16-8-2016, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020, nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên và đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

Để xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, thời gian tới cần tập trung giải quyết tốt một số nội dung sau:

1- Tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Quá trình tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần chú trọng nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, củng cố lòng tin của toàn dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần của nền quốc phòng toàn dân.

Trước hết, cấp ủy, chính quyền các cấp cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết Đại hội XII của Đảng về tầm quan trọng của chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới đến các cấp, ngành, địa phương và người dân; làm rõ mục tiêu, yêu cầu các tiêu chí mới và tuyên truyền cách làm hay, sáng tạo, cũng như những lệch lạc, bất cập trong quá trình thực hiện để rút kinh nghiệm. Công tác tuyên truyền cần toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh (đạt loại khá trở lên), xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức, lối sống trong sạch theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phải gắn với công tác vận động, làm cho người nông dân thấy rõ vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, tích cực hưởng ứng, tham gia bằng việc làm cụ thể; phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong tuyên truyền, vận động và các cơ quan thông tin, báo chí cần thường xuyên phổ biến mục tiêu, nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới, về Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

2- Đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí xây dựng về chính trị, xã hội, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và Chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo; đảm bảo thống nhất nội dung trong công tác vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, xây dựng cộng đồng dân cư phát triển, góp phần thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Chương trình, Đề án của Chính phủ về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phải chú trọng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; giữ vệ sinh cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn thực phẩm; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, v.v.

Cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao. Các cơ quan, ban, ngành cần gắn phong trào thi đua của ngành mình với việc thực hiện nội dung cuộc vận động; mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang phải hăng hái tham gia bằng các hình thức phù hợp, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp và bước chuyển mang tính đột phá trong xây dựng nông thôn mới và xây dựng “thế trận lòng dân”, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh - nền tảng chính trị, xã hội của nền quốc phòng toàn dân.

3- Chú trọng nâng cao thu nhập và bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân. Giải quyết tốt vấn đề này chính là thực hiện tốt nội dung cơ bản của Chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, góp phần xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân. Theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2016 – 2020), tỷ lệ hộ nghèo cả nước tăng gần gấp đôi: từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016, với 85% hộ nghèo sống ở nông thôn. Trong khi đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới đề ra là: đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; còn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu cụ thể: giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm).

Để tăng thu nhập cho người dân, các địa phương cần phải đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng chú trọng hơn tới việc tổ chức sản xuất nông sản hàng hóa quy mô phù hợp, chất lượng bảo đảm, gắn với chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, phát triển ngành nghề, thu hút đầu tư của doanh nghiệp, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh thực hiện phong trào “mỗi xã một sản phẩm” và chú trọng xây dựng thương hiệu để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư. Cùng với đó, phải quan tâm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nhằm chuyển lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Đối với việc cung ứng các dịch vụ xã hội cơ bản, khi thu nhập của người dân tăng cao, sẽ thúc đẩy các dịch vụ này phát triển; tuy nhiên, trước mắt cần phải huy động sự chung sức của toàn xã hội, nhất là vai trò của Nhà nước trong việc trực tiếp cung cấp và quản lý.

4- Thường xuyên chú trọng thực hiện tốt tiêu chí về quốc phòng an ninh. Cụ thể là: xây dựng lực lượng dân quân “vững mạnh, rộng khắp” và hoàn thành các chỉ tiêu quốc phòng; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, không có khiếu kiện đông người kéo dài, không để xảy ra trọng án, tội phạm và tệ nạn xã hội, v.v.

Dân quân xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông phối hợp với công an xã tuần tra kiểm soát địa bàn. (Ảnh: baodaknong.org.vn)

Để thực hiện tốt yêu cầu về quốc phòng, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã phải lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân, công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ; tuyển chọn công dân nhập ngũ, quản lý lực lượng dự bị động viên theo quy định của pháp luật. Hằng năm, phải xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, như: Kế hoạch tổ chức lực lượng, huấn luyện và hoạt động của dân quân; Kế hoạch xây dựng làng xã chiến đấu; Kế hoạch phòng thủ dân sự; Kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 của xã (trừ đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã), v.v. Muốn xây dựng lực lượng “dân quân vững mạnh, rộng khắp”, trước hết, phải thấu triệt phương châm ở đâu có tổ chức đảng, chính quyền và có dân, đều phải tổ chức dân quân. Mỗi địa phương, tùy theo đặc điểm, nhiệm vụ mà đề xuất tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị cho lực lượng dân quân phù hợp với địa bàn; đồng thời, bảo đảm yêu cầu tinh, gọn, có đủ lực lượng dân quân thường trực; dân quân binh chủng, dân quân cơ động, dân quân tại chỗ và những xã ven biển phải có dân quân biển, v.v. Để bảo đảm vững mạnh, cấp ủy, chính quyền vừa phải chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục chính trị cho lực lượng, vừa ưu tiên tuyển chọn những công dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương có lý lịch rõ ràng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, văn hóa, sức khỏe tốt, chấp hành đúng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Đồng thời, phấn đấu đạt tỷ lệ 15% đảng viên trong lực lượng; 100% Chỉ huy trưởng, Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã, Thôn đội trưởng là đảng viên, trong đó có 85% Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự trở lên tham gia đảng ủy xã; tiểu đội dân quân cơ động có đảng viên; trung đội dân quân cơ động có tổ đảng; xã có điều kiện tổ chức chi bộ quân sự cấp xã; nâng tỷ lệ đoàn viên trong dân quân tự vệ đạt từ 60% trở lên. Cùng với đó, phải bảo đảm huấn luyện đủ 100% quân số biên chế theo kế hoạch và thực hiện tốt công tác bảo quản vũ khí trang bị, cất giữ đúng nơi quy định, không để xảy ra mất mát, cháy nổ. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng cần phát huy tốt vai trò của các lực lượng trong bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, nhằm đạt yêu cầu “An ninh, trật tự xã hội”, để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá NGUYỄN CÔNG TÂM

______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 89.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...