Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:02 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc là nội dung cơ bản của xây dựng nền quốc phòng toàn dân; là quan điểm nhất quán của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt tinh thần đó và trên cơ sở đặc điểm, điều kiện của địa bàn, Quân khu 2 đã, đang đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này, với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Nằm án ngữ địa bàn phía Bắc và Tây Bắc của Tổ quốc, có trên 1.375km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc và Lào; nơi có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên cùng bề dày văn hóa, lịch sử, truyền thống,… Quân khu 2 có vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là về quốc phòng, an ninh trong thế trận phòng thủ chung của cả nước. Vì thế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân nói chung, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố nói riêng với Quân khu vừa là yêu cầu khách quan, vừa có ý nghĩa thiết thực nhằm bảo vệ địa bàn, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở từng địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, trước sự gia tăng của thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất do tác động của biến đổi khí hậu cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch,… tạo nguy cơ chia cắt, cô lập trên nhiều khu vực, việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc càng có ý nghĩa quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền 9 tỉnh trên địa bàn nỗ lực xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc, đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần phòng, chống hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, tạo thuận lợi để các địa phương phát triển nhanh, bền vững.
Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tập trung trí tuệ và sức lực quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều đó đã và đang đặt ra cho công cuộc củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc những yêu cầu mới cao hơn, nặng nề hơn. Đối với nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang Quân khu, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, phải hết sức coi trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc, xây dựng Quân khu luôn ổn định về chính trị, mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng, an ninh, đảm bảo đủ khả năng và sức mạnh cần thiết, xử lý hiệu quả mọi tình huống có thể xảy ra. Để thực hiện mục tiêu đó, lực lượng vũ trang Quân khu tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trọng tâm là Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định 152/2007/NĐ-CP và Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, v.v. Trên cơ sở đó, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, lực lượng, triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng đi vào chiều sâu, vững chắc.
Trước hết, tập trung chăm lo xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu, cơ sở để xây dựng các tiềm lực khác cho khu vực phòng thủ. Đặc biệt hiện nay, lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”,… các thế lực thù địch đã, đang xác định địa bàn Quân khu là một trong những trọng điểm chống phá, hòng kích động tư tưởng ly khai, tự trị; gieo rắc nghi ngờ, làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước, nên làm tốt công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Theo đó, Quân khu đặt ra yêu cầu đối với công tác giáo dục, tuyên truyền phải làm cho mọi người nhận thức rõ việc xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc là chủ trương chiến lược của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là nghĩa vụ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt. Từ đó, làm rõ sự cần thiết phải xây dựng từng khu vực, địa bàn, nhất là địa bàn biên giới vững chắc về mọi mặt; làm rõ bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng. Đi liền với đó, cơ quan quân sự trong toàn Quân khu phải chủ động làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hệ thống chính trị và đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vững mạnh, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, tạo nền tảng để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc ngay từ cơ sở.
Cùng với đó, cơ quan chức năng của Quân khu phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, nhất là Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các tỉnh tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở và thế hệ trẻ, chức sắc, chức việc tôn giáo, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong dòng họ, nhằm nâng cao nhận thức, quyết tâm, trách nhiệm đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, trong đó có nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ. Các cơ quan, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Quân khu thường xuyên bám, nắm địa bàn, chú trọng làm tốt công tác dân vận; luôn có mặt nơi khó khăn, phức tạp nhất để giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; chung sức xây dựng nông thôn mới, giúp dân xóa đói, giảm nghèo, v.v. Qua đó, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp để xây dựng khu vực phòng thủ ở từng địa phương ngày càng vững chắc.
Thấu suốt quan điểm xây dựng tiềm lực kinh tế là xây dựng nhân tố vật chất trực tiếp tạo sức mạnh cho khu vực phòng thủ, Quân khu cùng với các tỉnh tập trung phát triển kinh tế, kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế là bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Theo đó, trên cơ sở đặc điểm, điều kiện của từng khu vực, từng tỉnh, cơ quan quân sự các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện chương trình, dự án kinh tế theo hướng phát huy thế mạnh của địa bàn, như: tài nguyên rừng, thủy lợi, du lịch, sản xuất nông nghiệp đặc hữu, dược liệu, v.v. Phối hợp vận động nhân dân định canh, định cư; hướng dẫn sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi đại gia súc, trang trại gia đình, v.v. Đồng thời, coi trọng gắn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với xây dựng thế trận phòng thủ của từng tỉnh và Quân khu. Nhờ đó, những năm gần đây, kinh tế trên địa bàn có bước phát triển ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện (tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,63% năm 2009 xuống còn 26,11% năm 2017), tạo điều kiện vật chất quan trọng để xây dựng khu vực phòng thủ. Quân khu cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương bố trí ổn định dân cư, nhất là các tỉnh biên giới, khu vực triển khai dự án thủy điện và nơi có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét cao, như: sắp xếp ổn định dân cư tỉnh Điện Biên; tái định cư vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang; đề án của các đoàn kinh tế - quốc phòng,... để vừa bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế, vừa góp phần xây dựng thế trận vững chắc cho khu vực phòng thủ. Đặc biệt, Quân khu đã phối hợp với các địa phương lập quy hoạch, xây dựng dự án các khu kinh tế - quốc phòng1 đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, triển khai có hiệu quả các công trình: điện, giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh xá, nhà văn hóa, v.v. Đây là vấn đề rất quan trọng, có ý nghĩa chiến lược trong kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, cần được tiếp tục triển khai, nhân rộng.
Để tăng cường tiềm lực quân sự - nội dung cốt lõi của khu vực phòng thủ, Quân khu xác định cần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang, gắn với hoàn chỉnh thế trận khu vực phòng thủ. Trước hết, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tăng cường chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về mọi mặt; chú trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo đó, Quân khu tập trung kiện toàn tổ chức biên chế đối với các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên theo đúng quy định của Bộ Quốc phòng; ưu tiên quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, làm nhiệm vụ A2 và các lực lượng đặc thù. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, nhất là triển khai có hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” của Bộ Quốc phòng, đảm bảo giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thực hiện đột phá vào công tác huấn luyện, theo hướng coi trọng huấn luyện theo nhiệm vụ, tình huống; nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo ở nhà trường với thực tiễn. Trong đó, Quân khu chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ các cấp; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy. Trong xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, Quân khu tập trung nâng cao chất lượng chính trị và tỷ lệ đảng viên. Đối với lực lượng dự bị động viên, cùng với làm tốt công tác tạo nguồn, đăng ký, quản lý, huấn luyện và bảo đảm chế độ chính sách, Quân khu chú trọng đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ sĩ quan dự bị, nâng cao khả năng tổ chức, chỉ huy, xử lý tại chỗ các tình huống xảy ra.
Cùng với xây dựng lực lượng, Quân khu phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quy hoạch, xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ. Trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu, như: chốt chiến dịch, cụm điểm tựa phòng ngự, căn cứ chiến đấu, sở chỉ huy, đường hầm,… kết hợp với tận dụng, cải tạo hang động tự nhiên thành các công trình quân sự, bảo đảm bí mật, vững chắc. Đi liền với các giải pháp trên, Quân khu chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp, hướng dẫn cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là các tỉnh biên giới lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đối ngoại quốc phòng, góp phần tạo thế vững, lực mạnh cho khu vực phòng thủ.
Thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân khu 2 vẫn còn khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch, phần tử xấu chống phá với nhiều thủ đoạn xảo quyệt hơn; tệ nạn xã hội, thiên tai,… tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng trên địa bàn, trong đó có việc xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ. Vì vậy, Quân khu tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả của các cấp, ngành, lực lượng trong địa bàn với nhiều giải pháp phù hợp, sát thực để xây dựng các khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc và đi vào chiều sâu, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thiếu tướng PHÙNG SĨ TẤN, Tư lệnh Quân khu ______________
1 - Xín Mần, Vị Xuyên (Hà Giang); Bát Xát (Lào Cai); Phong Thổ (Lai Châu); Mường Chà (Điện Biên)
Quân khu 2,khu vực phòng thủ
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học