Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 17/05/2022, 11:13 (GMT+7)
Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số là xu hướng tất yếu trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, xây dựng chính phủ điện tử có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quán triệt chủ trương của Đảng và Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo từng bước xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Ngày 01/7/2014, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số1. Bộ Quốc phòng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.02; Kế hoạch xây dựng Chính phủ điện tử giai đoạn và hằng năm3; quy chế gửi, nhận văn bản, lập và nộp hồ sơ điện tử trên môi trường mạng4 để thống nhất định hướng và triển khai thực hiện trong toàn quân.

Các cơ quan chức năng của Bộ đã phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất, hướng dẫn cơ quan, đơn vị trong toàn quân triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ xây dựng chính phủ điện tử; hạ tầng kỹ thuật, bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ chỉ huy, điều hành trên một số lĩnh vực được xây dựng, bước đầu vận hành thông suốt trên môi trường mạng. Ứng dụng hiệu quả khoa học - công nghệ trong cải tiến vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ huấn luyện, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, công tác nghiệp vụ của các ngành và trong công nghiệp quốc phòng, v.v. Lực lượng chuyên trách về chính phủ điện tử được hình thành, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu; nghiên cứu, thiết kế, xây dựng các quy trình xử lý thông tin và chế tạo một số sản phẩm có giá trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Tính đến tháng 02/2022, có 54,17% cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ sử dụng phần mềm Hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành; 76,39% sử dụng phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 87,5% ứng dụng chữ ký số. Tỷ lệ văn bản gửi, nhận nội bộ trên mạng máy tính quân sự, đối với văn bản không mật đạt 80%; gửi, nhận văn bản có ký số theo quy định của Chính phủ thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia đạt 100%5. Đến nay, Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng đã cung cấp 292 thủ tục hành chính qua môi trường mạng. Cổng Thông tin một cửa Bộ Quốc phòng hoạt động hiệu quả, cung cấp các thủ tục biên phòng điện tử và kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia6. Xây dựng, hình thành kho dữ liệu lớn của ngành Thông tin Khoa học quân sự, với trên 02 triệu tài liệu số hóa được tổ chức thành hơn 30 cơ sở dữ liệu thành phần và hơn 40 thư viện số trong toàn quân. Từ ngày 01/4/2022, các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trên mạng truyền số liệu quân sự và không gửi văn bản giấy đối với các văn bản không có độ mật. Triển khai chính phủ điện tử trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng bước đầu đạt được những kết quả tích cực, tạo nền tảng kết nối, trao đổi thông tin, nghiệp vụ giữa Bộ Quốc phòng với các cơ quan nhà nước, từng bước chuyển đổi cách tiếp cận, xử lý, giải quyết công việc từ truyền thống sang môi trường mạng; phục vụ chức năng quản lý nhà nước về quốc phòng và công tác quản lý, chỉ huy, điều hành của cấp ủy, chỉ huy các cấp được kịp thời, nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng giai đoạn đầu, có nội dung còn lúng túng, chậm và chưa toàn diện. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân viên chuyên môn về chính phủ điện tử, chính phủ số chưa đầy đủ, sâu sắc. Kết quả xây dựng, phát triển chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Về cơ bản, các cơ quan, đơn vị mới chỉ sử dụng chữ ký số dưới dạng thử nghiệm. Việc vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công hiệu quả chưa cao. Hệ thống thông tin dữ liệu còn cục bộ, chưa có sự kết nối, chia sẻ; dữ liệu và thông tin chưa được cập nhật kịp thời; thiếu quy hoạch tổng thể, số lượng cơ sở dữ liệu cấp Bộ và các ngành còn ít. Một số cơ quan, đơn vị còn chậm xây dựng, ban hành quy định, quy chế, kế hoạch triển khai chính phủ điện tử, nhất là quy định về lập, xử lý hồ sơ, khai thác, sử dụng tài liệu qua môi trường mạng, v.v.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Cải cách hành chính và Chỉnh phủ điện tử Bộ Quốc phòng

Giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng xác định chuyển đổi số toàn diện dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp với quyết tâm cao, hành động quyết liệt từ Bộ đến các cơ quan, đơn vị; trước mắt, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, trước hết là cấp ủy, chỉ huy, cơ quan đầu ngành và lực lượng chuyên trách các cấp trong xây dựng, phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số của Bộ Quốc phòng và cơ quan, đơn vị đến cán bộ, đảng viên, nhân viên, đặc biệt là lực lượng chuyên trách về chính phủ điện tử. Tập trung quán triệt, triển khai hiệu quả Kế hoạch số 4396/KH-BQP, ngày 04/11/2021 về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Kế hoạch số 229/KH-BQP, ngày 24/01/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng năm 2022. Phấn đấu mọi cán bộ, đảng viên, nhân viên hiểu rõ các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tổng thể, quy trình, cách làm, tích cực tham gia xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng, trực tiếp là ở ngành, cơ quan, đơn vị mình. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục cần tiến hành đồng bộ ở tất cả các cấp với hình thức, phương pháp phù hợp đối tượng, đặc thù từng cơ quan, đơn vị; chú trọng cán bộ công tác tại các cơ quan Bộ Quốc phòng, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, viện nghiên cứu, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, v.v. Phát huy tốt vai trò trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí trong Quân đội, tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả về chính phủ điện tử, chính phủ số; nội dung tuyên truyền phải thường xuyên cập nhật theo tiến độ xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số của quốc gia và Bộ Quốc phòng.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Căn cứ vào các chương trình, kế hoạch của Bộ, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có chủ trương, giải pháp thiết thực, lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai cụ thể phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn việc đánh giá kết quả triển khai xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số với trách nhiệm người đứng đầu, chỉ huy, quản lý các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên rà soát, huy động, bố trí hợp lý mọi nguồn lực, nhất là các nguồn lực nội sinh phục vụ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, đảm bảo khoa học, hiệu quả, tiết kiệm. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phân rõ trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số tại cơ quan, đơn vị để tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”; tham chiếu qua bộ tiêu chí đánh giá, tổ chức tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm theo từng giai đoạn; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt, phê bình, chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những vấn đề hạn chế, thiếu sót.

Phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng (cơ quan thường trực) trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch tổng thể theo chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp điều kiện đặc thù quân sự, quốc phòng để đảm bảo tính khả thi trong triển khai, thực hiện. Cơ quan thường trực cần khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, nâng cấp Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng phù hợp với xu thế phát triển và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0.

Ba là, xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đồng bộ đối với công tác xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Giai đoạn 2022 - 2025, các cơ quan đầu ngành cần phát huy vai trò tham mưu giúp Bộ xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, quy định, hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ để công tác xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số đi vào nền nếp, ngày càng hiệu quả, thiết thực. Văn phòng Bộ Quốc phòng cần chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát, cập nhật danh mục các dịch vụ công trực tuyến hằng năm của Bộ Quốc phòng; nghiên cứu, đề xuất ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội về xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, quy chế hoạt động của các trang/cổng thông tin điện tử, v.v. Cơ quan thường trực chủ trì nghiên cứu, tham mưu cho Bộ ban hành quy định về công tác xây dựng, tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp thông tin, dữ liệu trong Bộ Quốc phòng; quy định chương trình khung về đào tạo nghiệp vụ chính phủ điện tử trong Quân đội; quy định chuẩn kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu theo đặc thù quân sự; hướng dẫn quy hoạch, xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp Bộ, ngành; hướng dẫn số hóa quy trình, tư liệu và phân quyền truy cập, sử dụng tư liệu số, v.v.

Các cơ quan, đơn vị cần chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành để giải quyết các tồn tại, vướng mắc phát sinh, cập nhật những chủ trương, chỉ đạo mới, những vấn đề thực tiễn đặt ra và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi trong quá trình triển khai thực hiện.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao làm nòng cốt xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên có trình độ cao về khoa học - công nghệ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần phân công nhiệm vụ, đãi ngộ hợp lý để phát huy tối đa trình độ năng lực, tinh thần say mê khám phá, sáng tạo của từng cá nhân. Các học viện, nhà trường nghiên cứu, sớm đưa nội dung về chính phủ điện tử, chính phủ số vào chương trình giáo dục, đào tạo. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ hằng năm; trong đó, ưu tiên bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho lực lượng chuyên trách về chính phủ điện tử tại các cơ quan, đơn vị. Một số nội dung, kiến thức cơ bản về chính phủ điện tử, chính phủ số cần đưa vào chương trình học tập tại chức hằng năm cho cán bộ, đảng viên, nhân viên tại các cơ quan, đơn vị.

Các cơ quan chức năng của Bộ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, tốt nghiệp các cơ sở đào tạo ngoài Quân đội vào công tác ở các lĩnh vực phù hợp. Trong xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch hằng năm và giai đoạn, cần huy động trí tuệ của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài Quân đội, học hỏi kinh nghiệm các bộ, ngành, địa phương để triển khai thực hiện bài bản và tránh rơi vào “chủ nghĩa kinh nghiệm”.

Năm là, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ mới, bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin và đẩy mạnh triển khai, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật. Phát huy vai trò tiên phong của các cơ quan, đơn vị khoa học - công nghệ Quân đội trong nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi, tham mưu cho Bộ tăng cường ứng dụng các thành tựu mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số: trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, v.v. Ưu tiên xây dựng hạ tầng số đồng bộ, linh hoạt; các cơ sở dữ liệu số liên thông, thống nhất và an toàn.

Các cơ quan, đơn vị cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng truyền số liệu quân sự đến cấp chiến thuật. Các cơ quan đầu ngành cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu nền tảng, trọng yếu, trước hết là cơ sở dữ liệu về thông tin khoa học quân sự, quân nhân, bảo hiểm xã hội, trang bị kỹ thuật, tuyển sinh quân sự,... góp phần nâng cao hiệu quả quản lý ngành, quản lý nội bộ, đồng thời kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các ngành, cơ quan, đơn vị khác khi có quy hoạch của Bộ. Trong quá trình thực hiện, cần tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng cấp trên và học tập kinh nghiệm của các đơn vị bạn. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống liên thông gửi, nhận văn bản điện tử với các cơ quan Trung ương, địa phương; hệ thống xác thực định danh điện tử; hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ và chữ ký số công cộng; gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính với triển khai xây dựng chính phủ điện tử, nâng cao hiệu quả hoạt động Cổng Dịch vụ công Bộ Quốc phòng và các trang/cổng thông tin điện tử, v.v. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị cần chú trọng công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, với nòng cốt là lực lượng tại chỗ kết hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Quốc phòng.

Xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng là một chủ trương lớn, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài cần được tiếp tục triển khai đồng bộ với lộ trình, bước đi phù hợp, đạt hiệu quả thiết thực, nhằm tạo phương thức điều hành, cách làm mới, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đủ sức làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thiếu tướng NGUYỄN VIẾT TUYÊN, Chánh Văn phòng Quân ủy Trung ương, Văn phòng Bộ Quốc phòng
_____________________

1 - Nghị quyết số 36a/NQ-CP, ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử; Nghị quyết số 17/NQ-CP, ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg, ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số quốc gia.

2 - Quyết định số 4475/QĐ-BQP, ngày 18/10/2018 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ Quốc phòng phiên bản 1.0.

3 - Kế hoạch số 229/KH-BQP, ngày 24/01/2022 về phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số trong Bộ Quốc phòng năm 2022.

4 - Quyết định số 3268/QĐ-BQP, ngày 01/8/2019 ban hành Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử và lập, nộp lưu hồ sơ điện tử vào lưu trữ cơ quan trong Bộ Quốc phòng.

5 - Báo cáo Kết quả công tác xây dựng Chính phủ điện tử trong Bộ Quốc phòng tháng 02/2022; một số nhiệm vụ trọng tâm tháng 3/2022.

6 - Ngày 12/12/2012, Cổng Thông tin điện tử Bộ Quốc phòng được khai trương và đi vào hoạt động, trở thành kênh cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác, chính thống thông tin, dịch vụ công của Bộ Quốc phòng trên môi trường mạng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...