Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 18/05/2021, 07:03 (GMT+7)
“Đảng ta là một Đảng cầm quyền”

II. Trọng trách lớn lao trước dân tộc

Mùa Xuân năm 1930, do yêu cầu của lịch sử và kết quả vận động, phát triển chín muồi của các điều kiện khách quan, sự chuẩn bị chu đáo của các nhân tố chủ quan, nhất là sự ảnh hưởng từ vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời, gánh vác trọng trách lớn lao trước dân tộc. Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, được sự tin tưởng, cưu mang và giúp đỡ tận tình của nhân dân, Đảng ta không ngừng phấn đấu hoàn thành trọng trách mà nhân dân giao phó, từng bước thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình. 15 năm sau khi ra đời, đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công, trở thành Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền, lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay sau đó, Đảng lãnh đạo nhân dân ta đứng lên chung sức, đồng lòng đánh thắng hai cuộc chiến tranh tàn khốc do thực dân Pháp và đế quốc Mỹ gây ra. Từ sau năm 1975 đến nay, Đảng lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; khẳng định uy tín, vị thế và trọng trách lớn lao của Đảng trước Tổ quốc và Nhân dân.

Khi bàn về vai trò Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Đảng cầm quyền” là gánh vác trọng trách lớn lao trước quốc dân, đồng bào chăm lo cho vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Để hoàn thành trọng trách lớn lao trước nhân dân, Người nhấn mạnh Đảng “… phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để…. phải là người lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, của nhân dân Việt Nam…”1. Từ khi ra đời đến nay, vấn đề Đảng Cộng sản cầm quyền và lãnh đạo cách mạng Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các nhà khoa học. Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta xác định: “Nghiên cứu, tổng kết, tiếp tục làm rõ quan điểm về Đảng lãnh đạo và Đảng cầm quyền làm cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng một cách cơ bản, toàn diện”2. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta nhấn mạnh: “Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, làm sáng tỏ một số vấn đề về đảng cầm quyền”3. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá đội lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng nhấn mạnh những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng Đảng: “Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng có hiệu lực, hiệu quả”4. Nhất quán với quan điểm của Đảng, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “... nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước”5. Từ vị thế, vai trò đó, yêu cầu nội dung cầm quyền của Đảng cần xác định rõ tính tất yếu khách quan, vị trí cầm quyền, quyền hạn và trách nhiệm trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng của Đảng, đất nước trong các thời kỳ lịch sử và trong từng lĩnh vực, nhiệm vụ cụ thể, góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lực với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và với các tổ chức chính trị - xã hội.

Trọng trách lớn lao, sứ mệnh và vai trò của Đảng ta đã được lịch sử dân tộc ghi nhận: cùng một lúc Đảng vừa lãnh đạo nhân dân ta làm tư sản cách mạng, vừa làm dân tộc cách mạng và vừa làm giai cấp cách mạng. Đây là đặc điểm lớn nhất của cách mạng vô sản ở Việt Nam do Đảng lãnh đạo và là đặc điểm quan trọng nhất phản ánh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam, quy định trọng trách của Đảng trước dân tộc và nhân dân. Khi chưa giành được chính quyền, nhiệm vụ chính trị của Đảng là lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ thực dân, phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng. Trong điều kiện có chính quyền, để hoàn thành trọng trách lớn lao trước dân tộc và nhân dân, Đảng tiến hành xây dựng và sử dụng chính quyền nhà nước một cách hiệu quả, làm công cụ mạnh mẽ nhất để trấn áp thù trong, giặc ngoài, xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, chi viện cho miền Nam “thành đồng Tổ quốc”, thực hiện cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Thực tế chỉ ra rằng, từ chỗ chưa nắm được chính quyền đến chỗ cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội là một bước phát triển vượt bậc, mang tính bước ngoặt của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng. Với vai trò cầm quyền của mình, Đảng luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thực hiện “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, làm tiền đề, cơ sở vững chắc để xây dựng chủ nghĩa xã hội trên đất nước Việt Nam. Đây là sự nghiệp vĩ đại, chưa có tiền lệ trong lịch sử dân tộc, song sẽ rất lâu dài, khó khăn, gian khổ, thậm chí phải chấp nhận những thất bại tạm thời, phải kiên trì làm đi, làm lại nhiều lần mới có thể gặt hái thành công. Trọng trách lớn lao, uy tín, vị thế của Đảng thể hiện rõ nhất ở điểm này.

Trở thành một đảng cầm quyền, phương thức lãnh đạo, điều kiện hoạt động, quy mô, nội dung và nhiệm vụ chính trị của Đảng đã thay đổi căn bản, trọng trách trước Tổ quốc, trước nhân dân và dân tộc của Đảng nặng nề hơn, Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình. Vì vậy, quan điểm, mục tiêu, phương châm lãnh đạo; quy mô, phạm vi tác động, ảnh hưởng và nhiệm vụ chính trị của Đảng trở nên rộng lớn hơn, bao quát và phức tạp hơn; nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng theo đó cũng từng bước thay đổi cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế. Cùng với đó, các nguy cơ và các mối đe dọa đối với Đảng, với lợi ích quốc gia - dân tộc cũng tăng lên.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, lần đầu tiên Đảng ta thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Đảng gắn bó chặt chẽ hơn với nhân dân, đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân. Đảng lãnh đạo Nhà nước nhưng không làm thay Nhà nước. Các tổ chức đảng và đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp, pháp luật. Vai trò, trách nhiệm cầm quyền, lãnh đạo của Đảng được hiến định trong Hiến pháp, đảm bảo quyền lực chính trị và địa vị pháp lý của Đảng đối với Nhà nước và xã hội. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định vị thế, uy tín, trọng trách cầm quyền của Đảng là khẳng định cho được trách nhiệm và quyền hạn của Đảng trong việc xây dựng bộ máy Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước. Cần quán triệt sâu sắc rằng “Đảng cầm quyền” hoàn toàn không có nghĩa là Đảng tự biến mình thành chính quyền, một mình nắm giữ chính quyền và làm chức năng của chính quyền. Điều đó có nghĩa là, Đảng phải thể hiện rõ lập trường, quan điểm, ý chí và sự quyết tâm của mình trong lãnh đạo xây dựng bộ máy Nhà nước bằng việc đề ra phương hướng, nguyên tắc tổ chức, cán bộ, quản lý và làm cho mọi hoạt động của bộ máy Nhà nước vận hành thông suốt, thực hiện tốt chủ chương, đường lối, quyết sách của Đảng. Nội dung cầm quyền của Đảng thể hiện rõ trong việc giám sát Nhà nước thực hiện Cương lĩnh chính trị, chủ trương, đường lối, nghị quyết, chính sách của Đảng, đảm bảo tính định hướng chính trị và điều kiện để kiến tạo, phát triển Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Trọng trách lớn lao của Đảng Cộng sản cầm quyền trước dân tộc còn thể hiện ở chỗ Đảng xác định đúng nội dung, phương thức cầm quyền phù hợp với mục tiêu, chương trình hoạt động của Đảng; từ việc xác định mục tiêu, quan điểm, phương châm lãnh đạo đến việc xác định nội dung, phương thức thực hiện mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể, phù hợp với đặc điểm và từng lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Trong đó, trọng trách cầm quyền của Đảng đối với lĩnh vực chính trị - xã hội thể hiện rõ nhất tính ưu việt của Đảng Cộng sản, có ý nghĩa quyết định sự phát triển của các lĩnh vực khác. Bởi vì, việc hoạch định mục tiêu, đường lối chính trị là nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu, luôn là nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với việc cầm quyền và lãnh đạo cách mạng của Đảng. Để làm được điều đó, Đảng phải xác lập vị thế, gìn giữ và không ngừng nâng cao uy tín, tầm ảnh hưởng của mình, xây dựng, bổ sung và hoàn thiện thể chế chính trị - xã hội của đất nước, trước hết và quan trọng nhất là cơ cấu tổ chức chính trị - xã hội, cơ chế vận hành xã hội và những điều kiện đảm bảo cho các vấn đề trên được thực hiện thống nhất, hiệu quả. Trong đó, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với tư cách là lực lượng của nhân dân - những nội dung quan trọng của Đảng cầm quyền cần phải thực hiện tốt. Đảng nắm quyền lực, lãnh đạo Nhà nước bằng cách hóa thân vào Nhà nước, phân công cán bộ, đảng viên của Đảng giữ các chức vụ quan trọng trong các cơ quan nhà nước và lãnh đạo các cơ quan đó vận hành thông suốt theo Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng. Bằng phương thức cầm quyền của mình, Đảng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước hoạt động, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm phát huy hiệu lực, hiệu quả cao nhất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trọng trách cầm quyền của Đảng thành công đến mức nào là tùy thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng có dân chủ, có tuân theo pháp luật, có thực sự khoa học hay không; mức độ làm cho Nhà nước trở thành Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân đạt đến trình độ nào.

Trọng trách lớn lao của Đảng trước dân tộc và nhân dân còn thể hiện ở việc luôn chủ động, tích cực đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, thông qua hệ thống phương pháp, hình thức, biện pháp mà Đảng sử dụng tác động vào Nhà nước, thông qua Nhà nước để thực hiện các nội dung cầm quyền. Phương thức đó là “Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng Cương lĩnh, chiến lược, các chủ trương, chính sách lớn, bằng công tác tổ chức, cán bộ, kiểm tra, giám sát; lãnh đạo thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật; lãnh đạo xây dựng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, Hiến pháp và pháp luật; chú trọng lãnh đạo đổi mới, nâng cao chất lượng lập pháp, cải cách hành chính và cải cách tư pháp”6. Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng hành động gương mẫu của đảng viên, cử những đảng viên ưu tú vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị; thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong những tổ chức này.

Trong giai đoạn hiện nay, trọng trách lớn lao của Đảng thể hiện ở mục tiêu mà Đại hội XIII đã xác định, phấn đấu: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trng bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”7. Đó là niềm vinh dự, tự hào, lẽ sống cao đẹp và là trọng trách lớn lao của Đảng trước Tổ quốc và Nhân dân. Từ nay đến năm 2045, toàn bộ tinh lực của Đảng sẽ tập trung lãnh đạo nhân dân ta thực hiện mục tiêu cao cả ấy; đó cũng là điều giải thích vì sao Đảng sống trong lòng nhân dân, được nhân dân yêu quý, suy tôn và hết lòng bảo vệ; và, vì sao trọng trách của Đảng ngày càng nâng cao.

Nếu không đứng vững ở vị trí cầm quyền, Đảng không thể thực hiện đầy đủ các phương thức lãnh đạo và các mục tiêu đã xác định. Đảng cầm quyền không làm thay bất cứ việc gì của cơ quan nhà nước, càng không phải là “đảng trị” mà theo cơ chế: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - Nhân dân làm chủ (làm chủ trực tiếp, làm chủ thông qua nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội của mình). Bởi vậy, Đảng phải không ngừng tự đổi mới, chỉnh đốn, nâng cao năng lực cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

 (Số sau: III. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng)

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN BÁ DƯƠNG* - Thiếu tướng, TS. ĐỖ HỒNG LÂM**
_________________ 

* - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

** - Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng toàn dân

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 41.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 306.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 255.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 199.

5 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 229.

6 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 196 -197.

7 - Sđd, tr. 36.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...