Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Bảy, 12/02/2011, 09:26 (GMT+7)
Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước

 Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo để tiếp tục tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trước sự tác động phức tạp của bối cảnh chính trị, kinh tế, an ninh... quốc tế hiện nay. Đó là điều mà nhân dân ta và bạn bè quốc tế hoàn toàn tin tưởng. Tuy nhiên, các thế lực thù địch với CNXH thì ra sức phủ nhận điều đó, nhất là vào thời điểm lịch sử hiện nay: Đảng kỷ niệm lần thứ 81 ngày thành lập và tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Xung quanh chủ đề này, Tạp chí Quốc phòng toàn dân xin giới thiệu bài viết: "Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước hiện nay" của tác giả Vũ Khắc Thường, bài viết gồm 2 phần.

I.

VỊ THẾ LÃNH ĐẠO VÀ NHỮNG ĐÒI HỎI MỚI ĐỐI VỚI ĐẢNG

Không phải đến bây giờ, mà ngay từ khi mới ra đời, chủ nghĩa cộng sản đã trở thành "bóng ma ám ảnh" đối với chủ nghĩa tư bản. Do vậy, bài trừ chủ nghĩa cộng sản và Đảng Cộng sản là mục tiêu hàng đầu mà lực lượng phản động quốc tế đã ráo riết tiến hành. Để làm được điều đó, chúng không từ một âm mưu, thủ đoạn nào. Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, bắt nguồn từ những sai lầm trong việc hoạch định đường lối và trong công tác xây dựng đảng, Đảng Cộng sản Liên Xô và nhiều Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước XHCN Đông Âu đã rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Cùng với đó, là sự tác động của các thế lực phương Tây đã từng bước làm cho Liên Xô tan vỡ, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ. Đó là điểm đánh dấu thời kỳ thoái trào của CNXH; làm cho uy tín của các Đảng Cộng sản và lòng tin của quần chúng nhân dân vào CNXH và Đảng Cộng sản bị

tổn hại nghiêm trọng. Tình hình trên đã tác động rất lớn đến đời sống chính trị, xã hội ở Việt Nam, trong đó có cả đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng. Tận dụng triệt để thời cơ đó, lực lượng phản động quốc tế và các phần tử cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ... đã chĩa mũi nhọn tăng cường chống phá các nước XHCN; trong đó, Việt Nam là một trong số ít nước XHCN còn lại đã trở thành tâm điểm.

Ở nước ta, sự chống phá chế độ XHCN và Đảng Cộng sản được các thế lực thù địch xác định là một nội dung trọng yếu, hàng đầu trong chiến lược "Diễn biến hoà bình". Sự chống phá đó diễn ra trên nhiều phương diện, cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nhất là trước mỗi kỳ đại hội của Đảng. Sau sự kiện các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ đến nay, Đảng ta đã tiến hành 5 kỳ đại hội. Các kỳ đại hội gần đây, nhất là Đại hội lần thứ XI,

các thế lực phản động, thù địch, cơ hội chính trị đã lợi dụng xu thế toàn cầu hoá kinh tế và thành tựu về công nghệ truyền thông để tăng cường sự chống phá hơn bao giờ hết. Điều đó đã tác động không nhỏ tới nhận thức và tình cảm đối với chế độ XHCN, Đảng Cộng sản của không ít người dân cũng như trong cộng đồng quốc tế; mặc dù thủ đoạn chống phá Đảng của chúng thường dựa trên sự xuyên tạc, bóp méo sự thật. Chính chủ nghĩa thực dân bị cả cộng đồng quốc tế coi là "vết nhơ của nhân loại". Chính chủ nghĩa đế quốc, thực dân đã xâm lược, đô hộ đất nước ta, gây ra cho nhân dân ta biết bao nhiêu tội ác, khổ đau; và cũng chính dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đánh đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, đế quốc mở ra thời kỳ mới phát triển của dân tộc. Thế nhưng, có kẻ không biết ngượng mồm còn lớn tiếng cho rằng với việc làm đó, Đảng đã trở thành "tội đồ" của nhân dân!!!        

Tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam hơn 80 năm qua gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; khoảng thời gian đó đã khẳng định trên thực tế: Đảng ta là đại diện chân chính, duy nhất của dân tộc mà cho tới nay chưa có tổ chức chính trị nào khác có thể thay thế. Mặc dù vậy, các thế lực thù địch, cơ hội, bất mãn vẫn tìm mọi cách để phủ định thành tựu lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, nhất là trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Với những luận điệu cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã lỗi thời và không thể đi liền với tư tưởng Hồ Chí Minh... chúng tập trung xuyên tạc, bài bác chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bởi lẽ, đây là nền tảng tư tưởng đảm bảo cho sự gắn bó, đồng thuận xã hội, tăng cường lòng tin của nhân dân với Đảng, với chế độ. Bất chấp những thành tựu to lớn mang tính chất lịch sử của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, các thế lực thù địch đã tập trung khoét sâu vào những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý và tổ chức điều hành của hệ thống chính trị; công kích vào đường lối đổi mới của Đảng. Chúng cho rằng: Đảng đã hết vai trò lịch sử; bước sang giai đoạn mới, Đảng không có đủ khả năng để lãnh đạo;  chủ trương thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN là "đầu Ngô, mình Sở"... Nhiều luận điệu xuyên tạc, kích động xung quanh các vấn đề quan hệ đối ngoại, chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của đất nước... đều nhằm gây ra sự hoài nghi giữa nhân dân với Đảng. Trước thềm Đại hội XI, chúng tăng cường bịa đặt xấu về đời tư, về gia đình của nhiều đồng chí giữ vị trí trọng trách trong Đảng, gán cho bộ máy trong hệ thống chính trị của Đảng mọi điều xấu xa nhằm hạ uy tín của Đảng đối với nhân dân... Tư tưởng xuyên suốt trong mọi mưu đồ của các thế lực thù địch là nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được xác nhận trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và công khai kêu gọi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập.

Việc tăng cường chống phá chế độ XHCN, phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam với mọi âm mưu và thủ đoạn xấu độc của các thế lực thù địch là rất nguy hại. Điều đó cộng với việc chậm khắc phục các hạn chế, yếu kém trong Đảng và sự thoái hoá về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã làm tổn hại đến thanh danh của Đảng ta và phần nào đã làm suy giảm lòng tin của quần chúng đối với Đảng và chế độ XHCN mà Đảng và nhân dân ta đang nỗ lực phấn đấu xây dựng.

Đại hội lần thứ XI của Đảng là một sinh hoạt chính trị sâu rộng không những trong nội bộ Đảng mà trong toàn xã hội, để toàn Đảng và toàn dân đánh giá toàn diện về vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hơn 25 năm qua. Đồng thời, thông qua ý kiến của đông đảo nhân dân và những ai quan tâm, có thiện chí, thì đây còn là dịp để Đảng tiếp thu những ý kiến chân tình, thắng thắn, xác đáng trong việc thực hiện vai trò lãnh đạo đất nước hiện nay của mình. Mặc dù đây đó còn có ý kiến phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng; nhưng vượt lên trên tất cả, bao trùm nhất vẫn là sự kỳ vọng, thiện cảm và tin tưởng của hầu hết người dân Việt Nam yêu nước chân chính và những người có thiện chí đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và tương lai của đất nước Việt Nam. Thực tiễn là thước đo chân lý; thực tiễn với những thay đổi lớn lao của đất nước, gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong hơn 80 năm qua, trong đó có 25 năm đổi mới đã trở thành một đảm bảo hàng đầu để người dân Việt Nam tiếp tục gửi gắm niềm tin và kỳ vọng của mình đối với thắng lợi của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Điều này còn được củng cố vững chắc thông qua các Văn kiện Đại hội lần thứ XI của Đảng nhằm "đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại". Đại hội đã tổng kết toàn diện và sâu sắc những thành tựu "to lớn và có ý nghĩa lịch sử" trong 20 năm thực hiện "Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH": Đất nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới, ra khỏi tình trạng kém phát triển, bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi; sức mạnh về mọi mặt được tăng cường, độc lập chủ quyền và chế độ XHCN được giữ vững, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; tạo tiền đề để nước ta tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn mới... Những đổi thay đó của đất nước cùng với các chủ trương và giải pháp chiến lược có tính khả thi cao để tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hiện nay của Đại hội đã góp phần quan trọng tăng cường sự tin tưởng, gắn bó của toàn dân đối với Đảng, với chế độ. Có thể khẳng định rằng: Đại hội XI của Đảng là một dấu mốc quan trọng trên con đường tiến lên của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững theo mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên CNXH. Thông qua quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội XI của Đảng còn cho thấy, niềm tin vào Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ trong hầu hết mọi người dân trong nước mà còn là tình cảm của đông đảo bạn bè trên thế giới. Các đảng viên Đảng Cộng sản Pháp trong Chi bộ Thành phố Păng-tanh qua theo dõi Đại hội XI của Đảng ta đã bày tỏ: Trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh thắng mọi kẻ thù thực dân, đế quốc sừng sỏ, giành độc lập dân tộc. Ngày nay, Đảng Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục lãnh đạo đất nước quyết tâm xây dựng thành công CNXH. Bài học thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ khi lãnh đạo nhân dân giành chính quyền và giành độc lập dân tộc cũng như trong thời kỳ đổi mới là những kinh nghiệm vô cùng quý báu để các Đảng Cộng sản, các đảng cánh tả tiến bộ trên toàn thế giới học hỏi. Ông Y-a-xư-ô Ôga-ta, Phó chủ tịch Đảng Cộng sản Nhật Bản, khẳng định: vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam mang tính quyết định trong việc lãnh đạo đất nước để đạt được các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội. Ông Hoóc-hê Crây-nết, Bí thư phụ trách quan hệ Quốc tế của Đảng Cộng sản Ác-hen-ti-na, đánh giá: con đường xây dựng CNXH tại Việt Nam là tấm gương sáng và công cuộc đổi mới tại Việt Nam là nguồn cổ vũ cho cuộc đấu tranh vì CNXH tại Mỹ La-tinh...

Những gì đang diễn ra trong đời sống xã hội và qua thái độ của hầu khắp mọi người dân và bạn bè quốc tế qua Đại hội Đảng lần thứ XI đã cho thấy, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam cả trong quá khứ và hiện tại đã được thực tế lịch sử và nhân dân Việt Nam xác nhận. Điều đó không phải tự nhiên có được từ ý muốn chủ quan của Đảng hay từ sự thiện cảm bột phát, cảm tính của quần chúng nhân dân và bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, để tiếp tục giữ vững được lòng tin và vai trò lãnh đạo đối với dân tộc trong thời kỳ mới, Đảng phải có sự quyết tâm vượt bậc để vượt qua mọi khó khăn, thách thức; trong đó, tập trung khắc phục sự hạn chế, yếu kém, bất cập về phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, trước hết là chủ động phòng ngừa sự "tự diễn biến" trong nội bộ; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng để xứng đáng với trọng trách lịch sử đã được nhân dân giao phó.

VŨ KHẮC THƯỜNG

(Kỳ sau: II - Tăng cường tự đổi mới, tự chỉnh đốn, để Đảng thật sự là đạo đức, là văn minh!)

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...