Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 25/02/2013, 22:36 (GMT+7)
Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị khắc phục khuyết điểm trong xây dựng đội ngũ nhà giáo sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI)
Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Chính trị luôn xác định: kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao vừa là vấn đề cơ bản lâu dài, vừa là yêu cầu cấp bách hiện nay. Đây cũng là vấn đề trọng tâm trong chương trình khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
 
Qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, Ban Thường vụ, Đảng ủy (BTV,ĐU) Nhà trường đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những điểm làm được và chưa làm được trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ nhà giáo (ĐNNG) nói riêng. Trong xây dựng ĐNNG, BTV,ĐU Nhà trường đã quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và vận dụng sáng tạo, cụ thể, sát tình hình thực tiễn của Nhà trường khi mới thành lập. Trên cơ sở đó, kịp thời ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và nghiên cứu khoa học (NCKH); trong đó, xác định giải pháp then chốt là: “Xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý và chất lượng ngày càng cao”. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn, phát triển ĐNNG của Nhà trường đến năm 2015”. Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ VIII (8-2010) tiếp tục hoàn thiện, phát triển các chủ trương, biện pháp xây dựng ĐNNG, coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng GD-ĐT1, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực. Bằng nhiều biện pháp tích cực, chủ động, đến nay Trường Sĩ quan Chính trị đã xây dựng ĐNNG cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, số lượng phù hợp với tổ chức biên chế, cơ cấu tương đối hợp lý và chất lượng ngày càng được nâng lên. Về trình độ học vấn, hiện nay, 100% giảng viên có trình độ đại học; trong đó, số có trình độ sau đại học (SĐH) (tính cả giảng viên kiêm nhiệm) là 35%; tính riêng ở các khoa là 31,82%; số giảng viên đã qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy thực tế đạt 50%. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ĐNNG có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nhạy bén trước mọi diễn biến của tình hình; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống; luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; không có suy thoái về tư tưởng chính trị; có năng lực, trình độ sư phạm đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Qua kiểm tra hằng năm, có 100% bài giảng đạt khá, giỏi, riêng giỏi đạt 60%; số giảng viên giỏi hằng năm đạt 14,1%2.

Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị, Hội thi Bí thư chi bộ giỏi năm 2012  (bacninh.gov.vn)

Thông qua kiểm điểm, BTV,ĐU Nhà trường cũng chỉ rõ: một số ít cán bộ, đảng viên (trong đó có giảng viên) còn có tư tưởng trung bình chủ nghĩa, ích kỷ, thực dụng, thiếu ý chí phấn đấu, thậm chí “vô cảm”, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; một số vi phạm kỷ luật về đạo đức, lối sống, làm ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy và uy tín của người giảng viên. Khuyết điểm nêu trên do nhiều nguyên nhân, nhưng vấn đề cơ bản nhất là: BTV,ĐU Nhà trường chưa có nhiều biện pháp hiệu quả để bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, năng lực cho ĐNNG; chưa làm tốt công tác quản lý, đánh giá và chưa đặt ra yêu cầu cao cho từng giảng viên.

Những năm tới, cùng với nhiệm vụ đào tạo chính trị viên, giáo viên khoa học xã hội nhân văn cấp phân đội cho toàn quân, Nhà trường được Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh và triển khai đề án đào tạo SĐH 3 chuyên ngành: Triết học, Chủ nghĩa xã hội khoa học và Xây dựng Đảng. Trong khi đó, cơ sở vật chất, nơi ăn, ở của Nhà trường còn rất nhiều khó khăn. Phát huy kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu (ĐU,BGH) Nhà trường đã xây dựng chương trình khắc phục khuyết điểm trong xây dựng ĐNNG, theo hướng: về số lượng, không chỉ đủ theo biên chế mà cần bảo đảm nguồn kế cận, kế tiếp và dự trữ vững chắc; về chất lượng, phải đạt chuẩn quốc gia về chức danh khoa học và học vị, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được kinh qua các cương vị lãnh đạo, chỉ huy cần thiết; thực hiện tốt giảng dạy và NCKH. Theo đó, Nhà trường đang tập trung giải quyết một số nội dung biện pháp cơ bản sau:

1. Tiếp tục giải quyết số lượng, cơ cấu ĐNNG, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài. Nhà trường phấn đấu đến năm 2015 có đủ số lượng giảng viên theo biên chế và có dự trữ khoảng 10 - 20%, bảo đảm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT, NCKH; đồng thời, có điều kiện bố trí cán bộ đi học, đi thực tế và sẵn sàng cung cấp cán bộ cho cấp trên. Cùng với đó, bảo đảm cơ cấu ĐNNG đồng bộ, cân đối giữa các bộ môn trong từng khoa; giữa các khoa và giữa các ngành; tạo sự cân đối về cơ cấu quân hàm, tuổi quân, tuổi đời, tuổi nghề, học vấn, kinh nghiệm chỉ huy, lãnh đạo, ngành và chuyên ngành đào tạo. Các cấp tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ khoa, bộ môn và ĐNNG có chuyên môn cao; chú trọng bồi dưỡng ĐNNG trẻ; đảm bảo các lớp kế cận, kế tiếp một cách vững chắc. Các khoa tích cực cử giảng viên đi đào tạo SĐH, phấn đấu đến năm 2015, số giảng viên có trình độ SĐH đạt 50% trở lên, trong đó, có khoảng 12% tiến sĩ; có nhiều giảng viên đạt chức danh khoa học và từng bước xây dựng đội ngũ chuyên gia đầu ngành có trình độ cao ở một số chuyên ngành.

Để giải quyết tốt số lượng và chất lượng ĐNNG, một mặt, BTV,ĐU Nhà trường chủ động lựa chọn nguồn bổ sung từ học viên đào tạo cơ bản tốt nghiệp loại giỏi, loại khá ở các học viện, trường sĩ quan; cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quản lý học viên của Nhà trường; cán bộ có khả năng phát triển tốt ở các đơn vị cơ sở; đề nghị kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ đối với một số giảng viên có trình độ SĐH, có chất lượng giảng dạy, NCKH tốt... Mặt khác, xây dựng, nâng cao vị thế, uy tín của Nhà trường để thu hút nguồn cán bộ có trình độ SĐH ở các đơn vị, nghiên cứu sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học ngoài Quân đội có chuyên ngành phù hợp về Nhà trường công tác.

2. Tăng cường công tác quản lý, thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp bồi dưỡng, nâng cao trình độ mọi mặt để ĐNNG có phẩm chất đạo đức, tư cách nghề nghiệp và chất lượng tốt, đạt chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT và Bộ Quốc phòng. Quản lý ĐNNG là một khâu quan trọng, là cơ sở để tiến hành tốt các mặt công tác cán bộ trong Nhà trường. Quản lý tốt giúp cho các cấp ủy, chi bộ đánh giá đúng thực trạng đội ngũ giảng viên, là cơ sở để xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, phát triển. Trong quản lý ĐNNG, Nhà trường tiến hành chặt chẽ, toàn diện cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ và từng giảng viên; đặc biệt coi trọng quản lý lập trường chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ nhận thức, năng lực công tác, nhất là năng lực giảng dạy và NCKH, năng lực lãnh đạo, chỉ huy đơn vị; phương pháp, tác phong công tác, các mối quan hệ trong và ngoài đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý của các tổ chức với việc tự quản lý của từng giảng viên; gắn công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Quy định về những điều đảng viên không được làm. Nhà trường đặc biệt coi trọng phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong tham mưu, đề xuất, quản lý, sử dụng ĐNNG; kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục, quản lý ĐNNG với quản lý đảng viên. Trên cơ sở đó, xây dựng ý thức trách nhiệm, ý chí quyết tâm phấn đấu vươn lên, đề cao lòng yêu nghề, yêu trường, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT của Nhà trường cho ĐNNG. Thực hiện tốt các khâu, các bước trong quy trình xây dựng, phát triển, nhất là quy hoạch và sử dụng ĐNNG. Hằng năm, Nhà trường cần thực hiện tốt việc rà soát, phân loại chất lượng giảng viên, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch ĐNNG, cả trước mắt và lâu dài; tăng cường công tác thanh tra chuyên môn và quản lý chất lượng GD-ĐT; tích cực, chủ động ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, bệnh thành tích trong ĐNNG. Ngoài ra, cần tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ giảng viên; chủ động bồi dưỡng kinh nghiệm thực tế theo hướng: cán bộ cấp khoa qua thực tế cấp sư đoàn, cán bộ bộ môn qua cấp trung đoàn, giảng viên qua thực tế cấp tiểu đoàn, đại đội, v.v.

3. Phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nâng cao trình độ của ĐNNG. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định trực tiếp đến nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy và NCKH của ĐNNG. Trên tinh thần đó, ĐU,BGH phát động và đẩy mạnh phong trào tự học, tự rèn trong toàn trường. Các cấp ủy, chi bộ khoa phải thường xuyên giáo dục cho đội ngũ giảng viên có nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện. Mỗi giảng viên phải xây dựng, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch tự đào tạo, tự bồi dưỡng, rèn luyện, bảo đảm tính khoa học, hiệu quả; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn; thực hiện yếu nội dung gì, tự bổ sung, hoàn thiện nội dung đó, nâng cao trình độ, kỹ năng sư phạm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

4. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ chính sách đối với ĐNNG. Đây là giải pháp quan trọng, tạo động lực để ĐNNG yên tâm với sự nghiệp GD-ĐT, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng ĐU,BGH Nhà trường tiếp tục thực hiện nghiêm túc, bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội đối với ĐNNG; quan tâm bảo đảm ngày càng tốt hơn điều kiện làm việc, nơi ăn ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất, nghiên cứu để mỗi nhà giáo phát huy kiến thức và kinh nghiệm của mình, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giảng dạy và NCKH. ĐU,BGH Nhà trường từng bước chỉ đạo xây dựng chính sách, khuyến khích đội ngũ giảng viên tích cực học tập, phấn đấu vươn lên; tạo điều kiện để họ mở rộng giao lưu, tham gia vào các chương trình, kế hoạch nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu và giảng dạy ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội; kịp thời khen thưởng đối với giảng viên có thành tích trong giảng dạy, NCKH; đồng thời, xử lý nghiêm minh những cán bộ, giảng viên vi phạm phẩm chất đạo đức, tư cách của người thầy, pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Nhà trường.

Thực hiện nghiêm túc chương trình khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về công tác xây dựng Đảng, Trường Sĩ quan Chính trị sẽ xây dựng được ĐNNG vững mạnh về mọi mặt, là lực lượng nòng cốt trong nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, xây dựng Nhà trường chính quy, tiên tiến, mẫu mực.
 
Trung tướng TRẦN TRUNG KHƯƠNG
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Nhà trường
 
___________
1 - Trường Sĩ quan Chính trị - Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Sĩ quan Chính trị lần thứ VIII, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 30.
2 - Năm 2011, có 36 giảng viên giỏi cấp trường, 03 giảng viên giỏi cấp bộ; năm 2012 có 39 giảng viên giỏi cấp trường.
 
Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...