Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 11/06/2012, 08:46 (GMT+7)
Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô đẩy mạnh tự phê bình và phê bình

Chấp hành Chỉ thị số 141-CT/QUTW và Kế hoạch số 142-KH/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, Thường vụ Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo đúng lộ trình và yêu cầu đề ra; coi đó là khâu mở đầu then chốt, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho Nghị quyết mang lại hiệu quả thiết thực.


Việc triển khai học tập, thực hiện Nghị quyết ở Đảng bộ Bộ Tư lệnh (BTL) Thủ đô được gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020” và 9 chương trình công tác của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội (khóa XV), theo tinh thần Chỉ thị số 141-CT/QUTW, ngày 16-3-2012 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, Kế hoạch số 49/KH-TU, ngày 16-3-2012 của Thành ủy Hà Nội và Hướng dẫn số 326-HD/CT, ngày 16-3-2012 của Tổng cục Chính trị. Qua học tập, toàn thể cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), quần chúng, trước hết là đội ngũ cấp ủy, chỉ huy các cấp đã nắm chắc, hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết; đồng thời, biểu thị sự đồng tình và nhất trí cao với các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Trung ương đã xác định, nhất là “Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên”. Trên cơ sở đó, các cấp ủy phát huy cao độ tính đảng, tính tổ chức, ý thức trách nhiệm của từng CB,ĐV và thể hiện quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Toàn thể CB,ĐV nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là cơ hội để các cấp ủy và mỗi người tự xem xét, đánh giá bản thân, tổ chức mình sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ BTL Thủ đô lần thứ nhất nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Để đẩy mạnh tự phê bình và phê bình (TPB&PB) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Thường vụ Đảng ủy (ĐU) BTL Thủ đô tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức về mục đích, nội dung, phương pháp kiểm điểm, TPB&PB. Qua quán triệt, làm cho mỗi CB,ĐV nhận rõ TPB&PB vừa là nguyên tắc tổ chức hoạt động của Đảng, đồng thời là yêu cầu cấp bách của công tác xây dựng Đảng hiện nay. Mục đích kiểm điểm, TPB&PB là: nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB,ĐV; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vững mạnh, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Thường vụ ĐUBTL yêu cầu: các cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên trong toàn Đảng bộ phải thường xuyên, tự giác xem xét, đánh giá bản thân và tổ chức của mình; coi TPB&PB như việc “rửa mặt hằng ngày” để cái xấu ngày một ít đi, cái tốt ngày càng nhiều lên. Thường vụ ĐUBTL cũng chỉ rõ và yêu cầu trong kiểm điểm, TPB&PB phải chân thành, thẳng thắn, xây dựng, dựa trên nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, không chủ quan, quy chụp, xen động cơ cá nhân; “phê bình việc chứ không phê bình người”; kiểm điểm, phê bình phải chỉ rõ nguyên nhân khuyết điểm, yếu kém, giúp mọi người sửa chữa, khắc phục triệt để. Từ đó, củng cố và xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình số 05-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Về nội dung kiểm điểm, TPB&PB, Thường vụ ĐUBTL yêu cầu phải kiểm điểm đầy đủ cả 3 nội dung đã được xác định trong Kế hoạch số 142-KH/QUTW ngày 16-3-2012 của Quân ủy Trung ương và Kế hoạch số 52/KH-TU, ngày 23-4-2012, Hướng dẫn số 04-HD/TU ngày 23-4-2012 của Thành ủy Hà Nội; trong đó, tập trung kiểm điểm về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Theo quy trình các bước, từng tập thể phải thảo luận kỹ, thẳng thắn chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, điểm được và chưa được trong lãnh đạo giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng lập trường giai cấp công nhân cho CB,ĐV, quần chúng ở đơn vị; xây dựng niềm tin vào Đảng, mục tiêu, con đường đi lên CNXH cũng như ý chí chiến đấu, tinh thần sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nội dung kiểm điểm của tập thể phải chỉ rõ hình thức, biện pháp phát hiện, giáo dục, đấu tranh ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị trong đơn vị; kết quả lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc để cơ quan, đơn vị xảy ra các vụ việc vi phạm kỷ luật. Đối với cá nhân, phải tự giác kiểm điểm TPB&PB, liên hệ chức trách, nhiệm vụ được giao với những sai sót, khuyết điểm của tập thể; tự giác, trung thực đánh giá bản thân về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; ý thức trách nhiệm trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thực hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, giữ mối liên hệ và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, v.v.

Một trong những trọng tâm của đợt sinh hoạt TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) được ĐUBTL tập trung làm rõ là xác định ưu điểm, khuyết điểm trong công tác cán bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ của BTL, nhất là việc giải quyết số lượng, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cả sĩ quan dự bị. Sau TPB&PB, phải chỉ rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể trong công tác cán bộ; từ đó, có biện pháp cụ thể để phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, phấn đấu thực hiện mục tiêu: có 85% trở lên cán bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy viên là lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong TPB&PB là giải pháp quan trọng, có ý nghĩa trực tiếp quyết định đến việc đẩy mạnh TPB&PB. Với vai trò là người đứng đầu, lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, việc nghiêm túc TPB&PB của từng đồng chí cấp ủy viên, bí thư, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy không những giúp cho mỗi người nhận rõ ưu, khuyết điểm của mình, cơ quan, đơn vị mình, mà còn là tấm gương để CB,ĐV thuộc quyền noi theo, giúp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện TPB&PB đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong kiểm điểm, cấp ủy viên là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp tập trung làm rõ mối quan hệ giữa bí thư cấp ủy (chính ủy, chính trị viên) với người chỉ huy theo tinh thần Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX). Đồng thời, liên hệ xác định rõ trách nhiệm của cá nhân đối với những thiếu sót, khuyết điểm của tập thể cấp ủy, chi bộ và đề ra phương hướng, biện pháp khắc phục.

Thường vụ ĐUBTL chỉ đạo các cấp ủy đảng gắn kiểm điểm TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) với kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng. Theo đó, Thường vụ ĐUBTL yêu cầu, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải được duy trì thành nền nếp thường xuyên và có hiệu quả cao ở từng đảng bộ, chi bộ. Trong sinh hoạt định kỳ, phải nghiêm túc kiểm điểm, liên hệ với tình hình tư tưởng, đạo đức, lối sống và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm ở từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi CB,ĐV. Đồng thời, các cấp ủy, CB,ĐV bổ sung các tiêu chí chuẩn mực đạo đức về xây dựng nét đẹp người chiến sĩ Thủ đô, phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao, gắn với nội dung TPB&PB. Cùng với kiểm điểm, TPB&PB, các cấp ủy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kịp thời phát hiện, biểu dương và nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện TPB&PB; phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cá nhân chủ nghĩa, vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và Quy định về những điều đảng viên không được làm. Các cấp cần duy trì nghiêm nền nếp, chế độ trong sinh hoạt Đảng và chính quyền; xử lý kịp thời, nghiêm minh những người vi phạm kỷ luật và tư cách đảng viên. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, tạo môi trường thuận lợi để thực hiện TPB&PB đạt hiệu quả cao.

Thường vụ ĐUBTL xác định, thường xuyên chăm lo xây dựng, phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, đẩy mạnh TPB&PB trong toàn Đảng bộ. Các tổ chức: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn được xây dựng vững mạnh về mọi mặt, hoạt động có nền nếp, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện tiêu cực, mất đoàn kết trong đơn vị. Ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng sẽ là cơ sở quan trọng để các cấp ủy đảng tiến hành TPB&PB. Các cấp phải quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình của Quân ủy Trung ương về công tác Thanh niên, Phụ nữ, Công đoàn; tiếp tục đẩy mạnh các phong trào “Nghị quyết của Đảng, hành động của thanh niên”, “Phụ nữ Thủ đô tài năng, thanh lịch”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo trong công nhân viên chức quốc phòng”… gắn với phong trào thi đua do các tổ chức đoàn, hội ở địa phương phát động.

Đẩy mạnh TPB&PB là một khâu quan trọng, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) ở Đảng bộ BTL Thủ đô đạt hiệu quả thiết thực. Làm tốt điều đó, sẽ góp phần xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương trên địa bàn Thủ đô.

Thiếu tướng LÊ HÙNG MẠNH

Phó Bí thư thường trực Đảng ủy,

Chính ủy Bộ Tư lệnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...