Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 13/09/2012, 15:29 (GMT+7)
Công tác cán bộ - khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng ta vững mạnh

Nghị quyết số 12-NQ/TW (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được triển khai nghiêm túc trong toàn Đảng, với sự quan tâm sâu sắc của toàn dân, toàn quân. Kết quả thực hiện Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Trong đó, ba vấn đề mà Nghị quyết xác định là cấp bách, cần tập trung thực hiện, đều liên quan trực tiếp đến công tác cán bộ.


Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về đổi mới công tác cán bộ, tháng 8-2012 (nguồn: TTXVN)

Đảng lãnh đạo cách mạng bằng Cương lĩnh, đường lối. Nhưng để có Cương lĩnh, đường lối chính trị đúng và thể hiện sinh động, hiệu quả trong thực tiễn, phải có đội ngũ cán bộ tốt. Nói cách khác, cán bộ chính là người hoạch định, kiến tạo đường lối của Đảng và cũng là người trực tiếp tổ chức thực hiện đường lối đó. Vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng 82 năm qua, ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là vấn đề trọng yếu, khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng thực sự vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng; đồng thời, là nhân tố quyết định sự tồn vong của chế độ, sự thành bại của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2 cũng là vì thế.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, với đội ngũ cán bộ vững vàng, kiên định, dày dạn bản lĩnh, được tôi luyện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, một lòng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, quân và dân ta đã lập nên những kỳ tích trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua. Mặc dù vậy, Đảng ta không chủ quan, thỏa mãn, mà vẫn luôn coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về con người và tổ chức, tích cực đổi mới phương thức hoạt động... Nhờ đó, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng không ngừng được nâng cao, đảm bảo cho Đảng không bị rơi vào trì trệ, khủng hoảng, mất vai trò lãnh đạo như đã từng xảy ra đối với Đảng Cộng sản Liên Xô và ở một số nước XHCN Đông Âu trước đây.

Nghiên cứu sâu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), chúng ta thấy rõ: Nghị quyết không đề cập toàn diện nội dung về xây dựng Đảng, mà chỉ tập trung vào một số vấn đề cấp bách nhất. Thực chất đó là công tác cán bộ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Xuất phát từ đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện nay, Nghị quyết xác định tư tưởng chỉ đạo thực hiện là phải gắn chặt giữa “chống với xây”, “xây với chống”. Quá trình xây dựng đội ngũ cán bộ cũng đồng thời phải khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Đặc biệt, phải kiên quyết chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp chiến lược. Nghị quyết xác định những vấn đề cấp bách, trọng tâm để tập trung đột phá như vậy là rất trúng và đúng, đảm bảo “vừa tầm, vừa sức”, có tính khả thi trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, nó cũng phù hợp với bối cảnh chung, tính chất phức tạp của tình hình hiện nay, khi mà các thế lực thù địch đang tăng cường các hoạt động chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ máy tổ chức của Đảng, Nhà nước; trong đó, những cán bộ yếu kém với những biểu hiện nêu trên là “mục tiêu vàng” để chúng tập trung khai thác, lợi dụng. Nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), một lần nữa chúng ta thấy rõ tầm quan trọng, tính đột phá, then chốt của công tác cán bộ trong toàn bộ tiến trình xây dựng Đảng được Đảng ta tiếp tục khẳng định.

Công tác cán bộ trước hết là công tác của cấp ủy các cấp. Để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết, các cấp ủy cần đề cao trách nhiệm, tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Trong đó, then chốt là phải bám sát nghị quyết chuyên đề, thực hiện đúng quy chế về công tác cán bộ, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình quy định. Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, mỗi khâu là một “mắt xích” có quan hệ mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau. Do đó, trong quá trình lãnh đạo tổ chức thực hiện, phải hết sức chặt chẽ, coi trọng tính toàn diện, không được coi nhẹ bất cứ khâu nào; đồng thời, phải gắn chặt với công tác tư tưởng và chính sách. Trước hết, phải đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ. Bởi có đánh giá đúng cán bộ (cả điểm mạnh, điểm yếu, “sở trường, sở đoản” của từng cán bộ) thì mới quy hoạch, bố trí, sắp xếp và sử dụng đúng cán bộ, tạo điều kiện cho họ phát huy được thế mạnh (năng lực) trong hoạt động thực tiễn. Nếu đánh giá không đúng sẽ có kết quả ngược lại và không những thế, còn nảy sinh những bất lợi không đáng có về tư tưởng, đoàn kết nội bộ, động lực phấn đấu,... ngay trong đội ngũ cán bộ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Thực tiễn cho thấy, đây cũng là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ hiện nay. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do một số cấp ủy và người đứng đầu chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của khâu này; thậm chí còn cho rằng: việc đánh giá cán bộ chỉ có ý nghĩa động viên, khen thưởng, thăng hàm,... từ đó dẫn tới việc thực hiện một cách hình thức, đánh giá không đúng thực chất, “dĩ hòa vi quý”... Để thực hiện tốt khâu này, trước hết, các cấp ủy cần khắc phục những nhận thức chưa đúng; phải hết sức công tâm, khách quan, thẳng thắn, không nể nang, né tránh. Phải thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) để đánh giá chính xác năng lực, phẩm chất của cán bộ. Thực hiện phương châm “trên làm trước, dưới làm sau”, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình thực sự nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị, tạo được niềm tin trong đảng viên, cán bộ và nhân dân. Cấp ủy các cấp cần lấy đó làm tấm gương để noi theo khi triển khai thực hiện.

Về quy hoạch cán bộ: Thực tiễn cho thấy, công tác này mới chỉ được coi trọng và làm khá tốt ở cấp dưới (địa phương, cơ sở), còn ở cấp Trung ương, cấp chiến lược thực hiện chưa tốt. Biểu hiện rõ nhất là công tác quy hoạch còn chắp vá, thiếu đồng bộ, dẫn tới lúng túng, bị động trong bố trí, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ. Không ít trường hợp, kể cả cán bộ cấp chiến lược, do quy hoạch không tốt, nên đã đề bạt, bổ nhiệm không thực sự chính xác, hoặc bố trí, sắp xếp chưa phù hợp với chuyên môn và thế mạnh, sở trường của họ, dẫn tới hiệu quả làm việc của cán bộ không cao. Công tác quy hoạch hết sức quan trọng; do đó, chất lượng cán bộ phụ thuộc rất lớn vào công tác này. Có thể nói, quy hoạch thế nào thì sẽ có đội ngũ cán bộ như thế ấy. Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với các cấp ủy khi tiến hành công tác quy hoạch là phải hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ cả trong xây dựng và thực hiện quy hoạch; khi đã có quy hoạch, thì phải phấn đấu để thực hiện việc đề bạt, bổ nhiệm theo quy hoạch. Tất nhiên, trong thực hiện phải rất linh hoạt, sáng tạo. Cần tránh cả hai khuynh hướng: thứ nhất, cứng nhắc, máy móc đến mức “tuyệt đối hóa quy hoạch”, theo kiểu cán bộ đã được quy hoạch thì dù phẩm chất, năng lực có “vừa vừa” hoặc có non kém một chút cũng bổ nhiệm, bố trí theo đúng quy hoạch; thứ hai, không coi trọng đúng mức công tác quy hoạch, dẫn tới tùy tiện, vô nguyên tắc, “quy hoạch một đằng làm một nẻo”. Để thực hiện tốt công tác quy hoạch, cấp ủy và người đứng đầu phải đề cao trách nhiệm, chủ động xây dựng quy hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ; hằng năm phải tiến hành nghiêm túc việc rà soát, bổ sung quy hoạch. Quy hoạch phải bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, cơ cấu về độ tuổi, thế hệ, kế cận, kế tiếp, một chức danh có thể bố trí 2-3 người và một người có thể sắp xếp 2-3 vị trí theo hướng phát triển. Mục tiêu của công tác quy hoạch là nhằm bảo đảm sự chủ động trong sử dụng cán bộ, xây dựng nên đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có đủ “đức, tài” để gánh vác và hoàn thành trọng trách được giao. Công tác quy hoạch phải được thực hiện trên cơ sở làm tốt các bước: phát hiện, tạo nguồn, đánh giá cán bộ và phải xuất phát từ yêu cầu của công việc để xếp người cho phù hợp, tránh vì người mà xếp việc; đồng thời, phải gắn chặt công tác quy hoạch với công tác bồi dưỡng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ.

Trong quá trình lãnh đạo thực hiện công tác cán bộ, vấn đề cốt yếu là cấp ủy các cấp phải triệt để tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ; đồng thời, gắn với mở rộng dân chủ thông qua việc lắng nghe ý kiến của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, Hội đồng quân nhân, nhằm tránh chủ quan, phiến diện. Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi phải phát huy cao nhất trách nhiệm, trí tuệ của các ủy viên, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Khi cấp ủy thảo luận những nội dung của công tác cán bộ, nhất là việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, phải thực sự dân chủ, công tâm, khách quan. Trong đó, ý kiến người đứng đầu rất quan trọng. Trường hợp đặc biệt và cũng là cá biệt, khi ý kiến của người đứng đầu không thống nhất với ý kiến của tập thể cấp ủy thì cần được bảo lưu và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã rất đúng khi nêu: “xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị”. Thực chất vấn đề này là muốn nhấn mạnh đến vị trí, tầm quan trọng của người đứng đầu; theo đó, tăng quyền hạn và coi trọng ý kiến của họ, nhất là trong việc lựa chọn cấp phó và người kế nhiệm. Đương nhiên, gắn liền với đó là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, mà biểu hiện tập trung nhất của tinh thần trách nhiệm là sự công tâm. Xác định như vậy là hoàn toàn chính xác. Bởi người đứng đầu mang trọng trách lớn và là nhân tố góp phần quyết định kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị và sự phát triển của cơ quan, đơn vị nói chung, chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ nói riêng. Cán bộ vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của công tác cán bộ. Với tư cách chủ thể, cán bộ, nhất là người đứng đầu, phải thực sự công tâm, khách quan, cầu thị trong lựa chọn, sắp xếp, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ cũng như trong mọi hoạt động, công tác. Đây là điều tưởng dễ, mà khó. Thực tiễn cho thấy, phần lớn người đứng đầu (cán bộ chủ trì các cấp) đáp ứng được tiêu chí trên, tức là có tư chất lãnh đạo, quản lý; nhưng bên cạnh đó, cũng có một số người không xứng tầm, độc đoán, gia trưởng, đố kỵ, hẹp hòi… Khi đánh giá vấn đề nào đó, họ thường “nhiễm bệnh chủ quan”, cho rằng ý kiến của mình là chuẩn mực, là “duy nhất đúng”, là “khuôn vàng, thước ngọc”, coi thường hoặc bất chấp ý kiến của mọi người. Vì thế, cán bộ, đảng viên và nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ chủ trương của Đảng về thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu. Nếu hai năm liền mà số phiếu tín nhiệm thấp thì có thể xem xét miễn nhiệm, thay thế. Với tư cách là đối tượng của công tác cán bộ, người đứng đầu phải hết sức cầu thị, tôn trọng và chấp hành nghiêm túc quyết định của cấp ủy.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đang được cụ thể hóa và trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng. Để đảm bảo thành công, tạo được niềm tin và đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), cần gắn chặt với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần soi xét lại mình một cách nghiêm túc, trung thực và cầu thị trong kiểm điểm, tự phê bình và phê bình.

Đại tá NGUYỄN MẠNH HÙNG

                  

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr. 269.

2 - Sđd, tr. 240.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...