Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:50 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
(Tiếp theo và hết)*
2. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như công cuộc bảo vệ Tổ quốc hiện nay đã khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của lực lượng vũ trang nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, bằng đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng phát triển từ nhỏ đến lớn, càng đánh càng mạnh, càng trưởng thành và thắng lớn, cùng với nhân dân cả nước lập nên những chiến công chói lọi trong lịch sử dân tộc: thực hiện thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, đánh thắng hai tên đế quốc đầu sỏ là Pháp và Mỹ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì thế, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân là vấn đề hệ trọng trong toàn bộ sự nghiệp cũng như từng giai đoạn cách mạng và là nội dung cơ bản trong đường lối quân sự của Đảng ta.
Quán triệt tinh thần đó, Chiến lược Quốc phòng tiếp tục đề cập tầm quan trọng và sự cần thiết xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh, trọng tâm là lực lượng vũ trang nhân dân và nòng cốt là lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ) vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong đó, đặc biệt coi trọng xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” theo chủ trương của Đảng và được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Ngay từ khi ra đời và trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội ta luôn là quân đội cách mạng, của dân, do dân, vì dân, luôn mang bản chất giai cấp công nhân, tính dân tộc, tính nhân dân sâu sắc. Hiện nay, trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm vào lực lượng vũ trang, hòng “phi chính trị hóa” Quân đội, càng đòi hỏi chúng ta phải giữ vững, tăng cường bản chất, tính chất đặc thù đó. Yếu tố cách mạng vì thế là một nội dung quan trọng hàng đầu trong phương hướng xây dựng Quân đội, nhằm đảm bảo cho Quân đội nhân dân thực sự là lực lượng chính trị trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân và là lực lượng chiến đấu nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính quy, tạo sự thống nhất, kỷ cương, nền nếp trong mọi hoạt động của bộ đội, nhất là trong công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Xây dựng quân đội tinh nhuệ không chỉ là mục tiêu, yêu cầu khách quan đối với Quân đội ta - đội quân cách mạng, anh hùng, “bách chiến, bách thắng” - mà còn là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân. Quân đội nhân dân Việt Nam phải thực sự là một đội quân tinh nhuệ, trước hết và quan trọng nhất là tinh nhuệ về chính trị và trình độ tác chiến. Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và trong điều kiện thực lực của đất nước, sự phát triển của khoa học - công nghệ quân sự cùng với những tác động tích cực từ cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, chúng ta cần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Như vậy, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” là một thể hoàn chỉnh, thống nhất; trong đó, mỗi yếu tố có vai trò riêng nhưng luôn gắn kết và tác động lẫn nhau, không được xem nhẹ bất cứ yếu tố nào. Thực hiện tốt phương hướng đó sẽ đảm bảo cho Quân đội nhân dân có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ trong thời bình và thời chiến. Quá trình xây dựng Quân đội cần coi trọng cả lực lượng thường trực và lực lượng dự bị động viên; tích cực đổi mới phương thức tổ chức, quản lý, huấn luyện, chính sách,... phù hợp với điều kiện mới. Cần nhận thức đúng vai trò chiến lược của lực lượng dự bị động viên, để có sự quan tâm đúng mức, phấn đấu rút ngắn dần khoảng cách về chất lượng so với lực lượng thường trực.
Quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng về mối quan hệ, sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng nhấn mạnh việc tăng cường phối hợp giữa lực lượng Công an và lực lượng Quân đội theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm đảm bảo xử trí tốt các tình huống an ninh và quốc phòng mà Chiến lược An ninh và Chiến lược Quốc phòng đã xác định.
Gắn liền với việc xây dựng Quân đội nhân dân, Chiến lược Quốc phòng đề cập tới sự cần thiết phải xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, thực sự là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự gắn với an ninh ở cơ sở và làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc trong chiến tranh nhân dân địa phương, khi đất nước có chiến tranh.
Từ phân tích, dẫn giải ở trên cho thấy, những nội dung chính về xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân mà đường lối quân sự xác định, được Chiến lược Quốc phòng quán triệt và thể hiện tuy khái quát, nhưng khá đầy đủ và toàn diện; trong đó, nêu rõ những điểm mới, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với an ninh trong tình hình mới.
3. Tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Thực tiễn cho thấy, chiến tranh nhân dân không phải là sản phẩm riêng của Việt Nam, mà là sản phẩm chung của nhân loại, phổ biến là các quốc gia nhỏ chống lại kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn. Thế nhưng, chiến tranh nhân dân Việt Nam lại có nét riêng rất đặc sắc, đầy sáng tạo và nó trở thành sức mạnh nội sinh vô cùng to lớn của dân tộc ta. Có lẽ bởi truyền thống hào hùng, con người Việt Nam thông minh, sáng tạo, quả cảm nên chiến tranh nhân dân Việt Nam phong phú, đa dạng và không chỉ được tiến hành trong chiến tranh giải phóng để giành độc lập dân tộc, mà còn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Cũng vì thế, chiến tranh nhân dân Việt Nam đã khiến kẻ thù “khiếp đảm kinh hồn”, được các quốc gia cùng tất thảy những người yêu chuộng hòa bình, yêu chính nghĩa trên thế giới đánh giá cao. Nó thực sự là tài sản vô giá của dân tộc ta và là một nội dung cốt lõi trong đường lối quân sự của Đảng.
Chiến lược Quốc phòng không đề cập cụ thể và toàn diện về chiến tranh nhân dân, mà chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng và phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân; đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng về thực hiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược của kẻ thù, nếu chúng liều lĩnh tiến hành. Khi đó, sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc phát triển ở trình độ cao, có đặc điểm và yêu cầu rất khác so với chiến tranh giải phóng mà chúng ta đã tiến hành trước đây. Vì thế, trong quá trình nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Chiến lược Quốc phòng đòi hỏi cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược phải nắm vững đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân của Đảng, đặc biệt là nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân cùng những kinh nghiệm quý đã được đúc kết qua thực tiễn chiến tranh, để vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong điều kiện mới. Đồng thời, gợi mở cho ta phương hướng, giải pháp chỉ đạo thực tiễn xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lượng vũ trang nhân dân (tổ chức, biên chế, trang bị,...), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong thời bình, sẵn sàng giải quyết xung đột vũ trang và đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch ở mọi quy mô, hình thức.
Đặc trưng của chiến tranh nhân Việt Nam là cả nước làm binh, toàn dân đánh giặc, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi đường phố, kênh rạch là một chiến hào, mỗi làng, bản là một cụm chiến đấu. Đánh giặc bằng mọi vũ khí, trang bị hiện có, gồm cả thô sơ, tương đối hiện đại và hiện đại; đánh địch cả ngày lẫn đêm, mọi lúc, mọi nơi, cả phía trước, bên sườn, phía sau và ngay trong lòng địch bằng những hình thức tác chiến và quy mô lực lượng phù hợp. Nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam được biểu hiện ở nhiều khía cạnh, nổi bật là nghệ thuật quân sự, với các yếu tố “thế, lực, thời, mưu” được vận dụng một cách triệt để và kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt. Các yếu tố không gian, thời gian, địa hình, thời tiết và con người cùng vũ khí, trang bị,… được sử dụng sáng tạo, uyển chuyển, lợi hại khôn lường. Với thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, vững chắc, chuyển hóa linh hoạt, cùng với tài thao lược của Đảng, ta luôn giành và giữ vững quyền chủ động về chiến lược, còn địch mất dần thế chủ động ban đầu và lâm vào bị động, đối phó.
Chiến tranh là cuộc đọ sức, đấu chí quyết liệt giữa hai bên đối địch, khi đã mất quyền chủ động chiến lược thì thất bại là tất yếu. Thực tiễn chiến tranh, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ đã minh chứng rõ điều này. Địch muốn “đánh nhanh, thắng nhanh”, ta thực hiện kháng chiến trường kỳ, buộc chúng phải đánh lâu dài, kế hoạch chiến lược bị phá sản. Chúng muốn leo thang và mở rộng chiến tranh, ta kéo địch phải xuống thang và thu hẹp chiến trường; địch muốn tập trung lực lượng chiến lược, ta buộc địch phải phân tán, căng kéo lực lượng để chi viện cho các chiến trường; địch ỷ vào ưu thế về vũ khí, trang bị, muốn phân tuyến, tác chiến từ xa, ta thực hiện áp sát, bám “thắt lưng địch”, buộc chúng phải đánh gần trong thế “da báo”, cài răng lược; địch muốn chọn đồng bằng là địa bàn, hướng tác chiến chính, ta “tương kế, tựu kế” lừa dụ chúng phải tác chiến ở địa bàn mà ta lựa chọn. Hơn thế, cái hay của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam là, khi thời cơ xuất hiện, ta đã biết phát huy sức mạnh tổng hợp của cả đất nước và toàn dân tộc để chủ động tổ chức các đòn quyết chiến chiến lược ngay trên hướng đồng bằng, đô thị để sớm kết thúc chiến tranh một cách có lợi nhất.
Vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất và cũng là nét độc đáo nhất của nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam được thể hiện tập trung ở phương thức tiến hành chiến tranh. Đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương của lực lượng vũ trang địa phương ngay từ đầu và trong suốt quá trình chiến tranh với quy mô sử dụng lực lượng phù hợp theo từng thời điểm. Trong thời kỳ đầu chiến tranh, lực lượng địch còn mạnh và giữ quyền chủ động tác chiến, ta sử dụng lực lượng vũ trang địa phương (gồm bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) là chủ yếu, kết hợp với sự chi viện ở mức độ hợp lý của một số đơn vị bộ đội chủ lực, với hình thức tác chiến cơ bản là phòng thủ. Đến giữa và cuối cuộc chiến tranh, khi địch đã suy yếu và mất dần quyền chủ động, thì ta thực hiện tác chiến binh chủng hợp thành của các binh đoàn, binh chủng trên các hướng, địa bàn chiến lược có lựa chọn với tác chiến rộng khắp của lực lượng vũ trang địa phương bằng hình thức tác chiến phản công, tiến công là chủ yếu để sớm kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi cho ta. Trong sự kết hợp đó, mỗi thành phần lực lượng đều có vai trò quan trọng. Đối với chiến tranh nhân dân địa phương, lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, thực hiện tác chiến rộng khắp, liên tục để tiêu hao lực lượng và kìm chân địch, không cho chúng phát triển tiến công theo kế hoạch đã định, tạo thế trận có lợi cho bộ đội chủ lực tác chiến. Còn chiến tranh chính quy của các binh đoàn chủ lực bằng hình thức tác chiến phản công, tiến công trong thế trận chiến tranh nhân dân có vai trò quyết định nhất, nhằm thực hiện tiêu diệt lớn quân địch, làm thay đổi cục diện chiến tranh theo hướng có lợi cho ta, đồng thời là chỗ dựa và tạo điều kiện cho chiến tranh nhân dân địa phương không ngừng phát triển. Thực tiễn các cuộc chiến tranh giải phóng trước đây cho thấy, kẻ xâm lược thường có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh, có ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại. Vì thế, nếu chúng ta chỉ tiến hành đơn thuần hình thức chiến tranh chính quy hoặc chiến tranh nhân dân địa phương thì sẽ khó thắng được địch, mà phải kết hợp chặt chẽ hai hình thức tác chiến đó mới tạo nên được sức mạnh quân sự hơn địch để thắng địch. Cùng với đó, còn phải kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và đấu tranh ngoại giao,… tạo nên sức mạnh tổng hợp để giành thắng lợi, trong đó đấu tranh quân sự trên chiến trường có ý nghĩa trực tiếp quyết định.
Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống kẻ thù xâm lược thì đó sẽ là cuộc đọ sức hết sức quyết liệt và chắc chắn sẽ khác nhiều so với các cuộc chiến tranh trước đây, do chi phối bởi những đặc điểm mới, yêu cầu mới, cùng sự phát triển của cả ta và địch. Vì thế, chúng ta phải kiên định tiến hành chiến tranh toàn dân, toàn diện và vận dụng sáng tạo phương thức tiến hành chiến tranh, nghệ thuật quân sự Việt Nam phù hợp với điều kiện mới. Cần thấy khi đó, chúng ta thực hiện chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc với những thuận lợi mới, rất cơ bản và được thể hiện rõ ở một số nội dung chủ yếu sau. Thứ nhất, tác chiến trong thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc với khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) làm nền tảng, được xây dựng và thường xuyên củng cố ngay từ thời bình. Thứ hai, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân không ngừng được nâng cao. Thứ ba, sự kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng với nhiệm vụ an ninh mà nòng cốt là phối hợp hoạt động giữa lực lượng Quân đội và lực lượng Công an được tăng cường, có hiệu quả, làm nòng cốt cho toàn dân phòng, chống kẻ địch xâm lược từ bên ngoài kết hợp với bạo loạn lật đổ từ bên trong. Thứ tư, có sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bộ thống soái tối cao, dày dạn kinh nghiệm thực tiễn chiến tranh. Thứ năm, cuộc chiến tranh của nhân dân ta là chiến tranh yêu nước, chính nghĩa chống chiến tranh xâm lược, phi nghĩa của địch, nên sẽ tranh thủ được sức mạnh của thời đại kết hợp với sức mạnh dân tộc để giành thắng lợi.
Như vậy, có thể thấy, đường lối quân sự với những nội dung cốt lõi: xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và tiến hành chiến tranh nhân dân là sự kết tinh trí tuệ của Đảng đã được kiểm nghiệm, khẳng định qua thực tiễn khắc nghiệt của chiến tranh và trở thành “cẩm nang” chiến thắng của dân tộc ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thấu suốt tinh thần đó, Chiến lược Quốc phòng đã quán triệt, thể chế hóa đường lối quân sự một cách cô đọng, rõ nội hàm tư tưởng, sát hợp với tình hình mới. Chiến lược Quốc phòng cùng với Chiến lược An ninh và các chiến lược chuyên ngành quân sự là cơ sở quan trọng góp phần đảm bảo cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG
____________
* - Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 11-2018
Chiến lược Quốc phòng,đường lối quân sự,bảo vệ Tổ quốc
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học