Thứ Sáu, 22/11/2024, 06:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Nghị quyết Đại hội XI của Đảng xác định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt”1. Quán triệt quan điểm đó, Học viện Lục quân đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung vào một số vấn đề có tính đột phá nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Một trong những giải pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định là tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Học viện trong giai đoạn mới. Thực hiện mục tiêu “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao,...”2, Học viện đã tích cực xây dựng đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng, có tâm huyết với nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đảm nhiệm tốt nhiệm vụ GD-ĐT. Đến nay, 100% giảng viên của Học viện có trình độ đại học; trong đó, gần 50% là thạc sĩ và tiến sĩ. Riêng đội ngũ giảng có 73,23% là thạc sĩ, tiến sĩ, 48 giáo sư, phó giáo sư và 22 đồng chí đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 2011, có 48 đồng chí giảng viên được công nhận danh hiệu “Giảng viên dạy giỏi” cấp bộ và cấp học viện. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên của Học viện hiện nay còn thiếu so với nhu cầu và có tình trạng mất cân đối, bởi hằng năm, số giảng viên đến tuổi nghỉ hưu nhiều hơn số giảng viên trẻ được tuyển dụng. Với đội ngũ hiện tại, cường độ làm việc của các nhà giáo của Học viện rất cao; số tiết phải đảm nhiệm giảng dạy vượt nhiều so với quy định. Trong khi đó, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, đòi hỏi phải có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển toàn diện đội ngũ nhà giáo; ưu tiên đội ngũ giảng viên nòng cốt mạnh và nguồn giáo sư, phó giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.
Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện luôn xác định: xây dựng đội ngũ giảng viên là khâu then chốt; từ đó, đề ra nhiều chủ trương và biện pháp xây dựng nhằm nâng cao chất lượng và khắc phục sự thiếu hụt về số lượng giảng viên. Một mặt, Học viện tích cực đề nghị Bộ Quốc phòng điều động thêm số cán bộ đã trải qua các cương vị công tác từ đơn vị về; chọn lọc và giữ lại một số cán bộ, học viên đang đào tạo tại Học viện để đào tạo bổ sung cho đội ngũ giảng viên. Mặt khác, Học viện đề nghị cấp trên cho kéo dài thời gian công tác của một số giảng viên đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng còn sức khỏe, có phẩm chất, năng lực, có tâm huyết với nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm cao để tiếp tục đảm nhiệm việc giảng dạy. Ngoài việc mở các lớp đào tạo tại chỗ; tổ chức các hội thao, hội thi giáo viên dạy giỏi, Học viện còn cử giảng viên đi thực tế và học tập ở nước ngoài để nâng cao trình độ, tích lũy kiến thức, bổ sung kinh nghiệm thực tiễn vào giảng dạy. Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng, Học viện đã có mối quan hệ đối ngoại quốc phòng với nhiều học viện quân sự của các nước trên thế giới. Thông qua các chuyến thăm, hội thảo khoa học, Học viện đã rút ra nhiều vấn đề thiết thực cho việc bổ sung, phát triển nghệ thuật quân sự (NTQS) Việt Nam để đưa vào nghiên cứu, giảng dạy. Đó là cơ sở để Học viện tập trung xây dựng, bồi dưỡng nâng cao chất lượng, số lượng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong vận dụng phương pháp dạy - học hiện đại và sử dụng các phương tiện kỹ thuật; chỉ đạo chặt chẽ giảng viên đột phá vào viết bài giảng điện tử, sử dụng phần mềm dạy - học và tích cực chuẩn bị thủ tục thực hiện dự án công nghệ mô phỏng phục vụ công tác nghiên cứu, huấn luyện tại Học viện.
Để bảo đảm nâng cao chất lượng GD-ĐT của Nhà trường và nhiệm vụ xây dựng quân đội trong thời kỳ mới, Học viện đang tập trung cải tiến, hiện đại hóa trang, thiết bị giảng dạy, hệ thống giảng đường, thao trường, bãi tập theo tinh thần “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa”. Theo đó, Học viện đã và đang tăng cường trang bị phương tiện dạy - học hiện đại; tích cực đầu tư, trang bị hệ thống công nghệ thông tin phục vụ cho công tác GD-ĐT, trước hết là trong giảng dạy, học tập và quản lý. Ngoài việc đầu tư trang thiết bị cho các giảng đường chuyên dùng, chuyên ngành và phòng phương pháp của các khoa, Học viện đang xúc tiến đầu tư để sớm hoàn thành nâng cấp Phòng điều hành huấn luyện, tạo ra sự đột phá về cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nâng cao chất lượng GD-ĐT. Trên cơ sở đó, đổi mới công tác quản lý, điều hành huấn luyện theo hướng khoa học, hiện đại, hiệu quả, đề cao tính chủ động của các khoa giảng viên và của người học. Đồng thời, tiếp nhận, trang thiết bị Thư viện số dùng chung trong Bộ Quốc phòng giai đoạn 2 và đưa vào hoạt động có hiệu quả, phục vụ cán bộ, giảng viên và học viên nghiên cứu, tham khảo; tổ chức sưu tầm tài liệu, giao lưu, liên kết thông tin với các đơn vị trong và ngoài Quân đội ở khu vực phía Nam; hoàn thành và bảo đảm chất lượng tốt các bộ phim tư liệu huấn luyện; bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu và các vật chất khác cho các đối tượng khi huấn luyện. Cùng với việc chỉ đạo các khoa chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giảng dạy và học tập, Học viện còn duy trì có nền nếp các khâu, các bước của quá trình dạy - học, như: nâng cao chất lượng giáo án, bài giảng và các hoạt động phương pháp, nhất là trong thông qua bài giảng, dự giảng, sinh hoạt trao đổi học thuật, nghiên cứu thực tế ở cơ sở,... Công tác khảo thí và bảo đảm chất lượng đào tạo, thanh tra, kiểm tra quá trình dạy - học, đánh giá kết quả học tập của người học được duy trì chặt chẽ, nghiêm túc, bảo đảm thực chất, phân loại rõ trình độ kiến thức giữa các nhóm học viên, nhóm đối tượng, loại hình đào tạo. Nhờ đó, các chương trình, nội dung, các đề mục huấn luyện đảm bảo sự liên thông, sát hợp với từng đối tượng. Các môn khoa học xã hội và nhân văn quân sự giảng dạy theo từng chủ đề, vận dụng sát với yêu cầu môn học. Phương pháp huấn luyện các hình thức chiến thuật, tập bài cơ bản, tập bài ứng dụng, luyện tập, diễn tập chỉ huy cơ quan..., các tưởng định chiến thuật, chiến dịch được xây dựng phù hợp với yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.
Một bước đột phá quan trọng khác là đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học NTQS vào giảng dạy, bảo đảm phục vụ cho nâng cao chất lượng GD-ĐT. Các đề tài khoa học về NTQS Việt Nam phải hướng đến kế thừa những tinh hoa NTQS truyền thống và vận dụng nhuần nhuyễn NTQS hiện đại. Vì vậy, ngoài việc nghiên cứu đối tượng tác chiến, phát triển lý luận chiến thuật, chiến dịch phù hợp với quan điểm đường lối quân sự của Đảng, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh thời kỳ mới; đặc điểm, tính chất của chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao, Học viện chú trọng tổ chức khai thác và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào công tác xây dựng đơn vị, huấn luyện, coi đó là một khâu đột phá trong thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT. Trong đó, tập trung rà soát lại hệ thống tài liệu phục vụ cho các loại đối tượng đào tạo của Học viện. Qua việc rà soát, Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo cơ quan chức năng tổ chức tái bản, in ấn hàng ngàn tài liệu, bảo đảm đủ cho công tác huấn luyện. Bên cạnh các tài liệu do Bộ và Học viện xuất bản, Ban Giám đốc còn giao nhiệm vụ cho các khoa và cơ quan chức năng chỉnh sửa bộ tài liệu các hình thức chiến thuật cấp trung đoàn, sư đoàn tiến công và phòng ngự ở các địa hình khác nhau đã được Bộ nghiệm thu và cho xuất bản. Hiện tại, Học viện đang tổ chức biên soạn mới bộ tài liệu trung đoàn, sư đoàn bộ binh tiến công địch đổ bộ đường không ở các địa hình; tác chiến phòng thủ của huyện (quận) trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bộ tài liệu về tác chiến trên biển, đảo để phục vụ cho huấn luyện.
Để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, Học viện đã có bước đột phá, đổi mới bằng việc xây dựng mô hình Ngân hàng đề tài khoa học. Đây là một trong những nhóm giải pháp đã được xác định thành hệ thống và triển khai từng bước từ nhiều năm nay tại Học viện. Việc xác định đề tài để đưa vào Ngân hàng do ban (tổ) khoa học của các phòng, khoa chức năng thực hiện, sau đó được Hội đồng khoa học của Học viện thẩm định. Ngoài việc thông qua cấp Học viện, xác định đề tài có chất lượng, Học viện còn thuê chuyên gia thẩm định độc lập và nghiệm thu để bảo đảm cho việc nghiên cứu và ứng dụng vào thực tiễn GD-ĐT. Nhờ đó, các đề tài tránh được sự trùng lặp, tập trung vào những vấn đề thiết thực nhất của thực tiễn mà NTQS Việt Nam phải hướng tới và đáp ứng. Hiện nay, Ngân hàng đề tài khoa học của Học viện đã xác định đề tài đủ để các tác giả nghiên cứu trong 5 năm tới.
Cùng với các bước đột phá đó, Học viện còn thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, tổ chức phương pháp huấn luyện,... coi đây là một hướng ưu tiên để xây dựng, bổ sung, phát triển, ứng dụng vào GD-ĐT, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng, TS. TRẦN XUÂN NINH
Giám đốc Học viện
______________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr.130-131.
2 - Sđd, tr. 106.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học