Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 27/09/2019, 08:12 (GMT+7)
Bộ đội Tăng thiết giáp tập trung nâng cao sức mạnh đột kích

Là binh chủng chiến đấu - lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân Việt Nam, 60 năm qua, Binh chủng Tăng thiết giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phát huy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã và đang thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhằm nâng cao sức mạnh đột kích, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Thực hiện chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “Cách mạng, chính quy và tương đối hiện đại”, trong đó có các binh chủng thuộc lực lượng Lục quân theo Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa II), ngày 05-10-1959, Trung đoàn Xe tăng 202 - đơn vị Tăng thiết giáp đầu tiên của Quân đội được thành lập tại Quế Lâm, Quảng Tây, Trung Quốc (tổ chức tiền thân của Binh chủng Tăng thiết giáp sau này). Sau khi thành lập, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã chủ động khắc phục khó khăn, nhanh chóng ổn định biên chế, tổ chức, tiếp nhận, huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, phương tiện, vừa tăng cường luyện tập, diễn tập, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, khả năng hiệp đồng chiến đấu với bộ binh, các binh chủng khác, vừa đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống.

Thiếu tướng Nguyễn Khắc Nam kiểm tra công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại Lữ đoàn 147, Quân chủng Hải Quân

Bước vào giai đoạn đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chấp hành mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, Trung đoàn sử dụng một phần lực lượng lên đường vào Nam chiến đấu. Với phương châm: lấy xe tăng địch để đánh địch, vừa nghiên cứu thực tiễn chiến trường, hình thành cách đánh của Bộ đội Tăng thiết giáp, vừa kết hợp xây dựng, phát triển lực lượng. Bộ đội Tăng thiết giáp đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh, các binh chủng, tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh quan trọng, giành thắng lợi quyết định với hiệu suất chiến đấu cao và không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt1.

Bộ đội Tăng thiết giáp đã tham gia chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, đánh bại địch ở nhiều vùng (Trị Thiên - Huế, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ,…), lập công xuất sắc với nhiều trận đánh đặc biệt điển hình, như: tiêu diệt cụm cứ điểm Huội San - Tà Mây, cứ điểm Làng Vây (1968), Đắc Tô - Tân Cảnh (1972), Phước Long, Buôn Ma Thuột (1975), đánh địch rút chạy trên Đường 7, đánh địch lấn chiếm, bảo vệ vùng giải phóng, v.v. Dù chiến đấu trong đội hình của các binh đoàn chủ lực hay độc lập hành quân, chiến đấu, Bộ đội Tăng thiết giáp đều bí mật, bất ngờ, phát huy sức mạnh đột kích, thọc sâu, tiến công thần tốc, phản kích táo bạo, tiêu diệt địch, càng đánh, càng mạnh. Đồng thời, từng bước hình thành, phát triển nghệ thuật tác chiến Tăng thiết giáp trên các loại địa hình, nhất là địa bàn thành phố, thị xã, tạo tiền đề quan trọng để tiến công giải phóng Sài Gòn; cùng các lực lượng khác cơ động, đột phá, chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài, thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu bên trong, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau năm 1975, Bộ đội Tăng thiết giáp còn tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế giúp bạn Lào, Cam-pu-chia. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Bộ đội Tăng thiết giáp đã có 44 tập thể, 15 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang đó, đồng thời quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã, đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm tăng cường sức mạnh đột kích, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới; trong đó, tập trung vào một số nội dung cơ bản sau.

Một là, xây dựng Bộ đội Tăng thiết giáp có bản lĩnh chính trị vững vàng, “tư tưởng, tinh thần thép”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Nhận thức sâu sắc vai trò của binh chủng chiến đấu, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh chủng đã và đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường tập trung xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị, “tư tưởng, tinh thần thép”, tạo cơ sở, động lực hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Để làm được điều đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong Binh chủng triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; trọng tâm là đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, bảo đảm phù hợp với đối tượng, đặc điểm địa bàn và nhiệm vụ được giao. Mục tiêu cao nhất là xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, tin tưởng vào công cuộc đổi mới đất nước, tiến trình hiện đại hóa Quân đội, Binh chủng. Đồng thời, tin tưởng vào vũ khí, trang bị, phương tiện, cách đánh của Bộ đội Tăng thiết giáp, không dao động, chùn bước trước những khó khăn, thử thách, điều kiện, môi trường huấn luyện gian khổ, khốc liệt, thậm chí là hy sinh, mất mát nếu chiến tranh xảy ra. Trước mắt, xây dựng cho được “bản lĩnh sắt, tinh thần thép”, kiên định, tuyệt đối không để bị tác động bởi những tiêu cực của kinh tế thị trường và sự chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trên không gian mạng. Vấn đề cốt lõi nhất của lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân là tập trung giáo dục cho bộ đội nắm chắc lập trường, quan điểm, thế giới quan, phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng, nhiệm vụ của Binh chủng, đơn vị, truyền thống của Bộ đội Tăng thiết giáp, v.v. Đây là cơ sở khoa học giúp bộ đội phân tích, đánh giá, luận giải, phân biệt rõ đối tượng, đối tác, từ đó nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với lời căn dặn của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: “Tăng Thiết giáp là khối sắt thép cơ động, có sức đột kích mạnh, nhưng cái quan trọng nhất là thép tư tưởng, chính trị mới là cái quyết định nhất, cơ bản nhất”.

Huấn luyện hiệp đồng với bộ binh tiến công địch phòng ngự trong công sự của Lữ đoàn xe tăng 201

Hai là, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện - đào tạo, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt - khâu đột phá quan trọng quyết định sức mạnh chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp. Vì vậy, các cơ quan, đơn vị, nhà trường xác định quyết tâm, trách nhiệm chính trị trong quá trình thực hiện. Trước hết, tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương và Nghị quyết 438-NQ/ĐU của Đảng ủy Binh chủng về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”; trong đó, chú trọng cụ thể hóa, điều chỉnh các chỉ tiêu, nội dung, biện pháp cho phù hợp với đặc điểm nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, chủ động nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ, toàn diện cả nội dung, chương trình, phương pháp quản lý, điều hành huấn luyện - đào tạo; đưa những nội dung mới, như: chiến tranh công nghệ cao, tác chiến không gian mạng, chiến tranh thông tin,… vào chương trình, kế hoạch huấn luyện. Trong quá trình huấn luyện, bám sát quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp và phương châm huấn luyện, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu; tăng cường huấn luyện thực hành ban đêm, cơ động lực lượng, huấn luyện hiệp đồng quân chủng, binh chủng theo các tình huống, phương án chiến đấu và huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, xe tăng mới. Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, rèn luyện thể lực, nâng cao sức bền cho bộ đội, huấn luyện cơ bản, chính khóa với huấn luyện bù, vét, bổ sung cho các đối tượng. Đặc biệt, coi trọng việc truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp, kinh nghiệm huấn luyện ở nước ngoài; thực hiện nghiêm quy định của Điều lệ Công tác tham mưu huấn luyện, nhất là chế độ hội thi, hội thao, kiểm tra đánh giá kết quả, chế độ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị Tăng thiết giáp toàn quân chủ động tham gia các cuộc diễn tập do các quân khu, quân đoàn, quân chủng tổ chức theo kế hoạch của Bộ; coi trọng nâng cao chất lượng diễn tập hiệp đồng chiến đấu với các đơn vị đứng chân trên địa bàn, lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực phòng thủ, nhất là trong thực hiện nhiệm vụ chống bạo loạn lật đổ. Thông qua diễn tập, kịp thời điều chỉnh các phương án, kế hoạch, nâng cao trình độ lãnh đạo, chỉ huy, khả năng hiệp đồng chiến đấu của Bộ đội Tăng thiết giáp với bộ binh và các binh chủng khác, làm cơ sở để Bộ Tư lệnh Binh chủng tham mưu cho Bộ về tổ chức sử dụng, chỉ huy, điều hành lực lượng Tăng thiết giáp toàn quân thực hiện nhiệm vụ tác chiến và các nhiệm vụ khác trên các chiến trường.

Phút giải lao trên thao trường

Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến Tăng thiết giáp. Nghệ thuật tác chiến là nội dung quan trọng để nâng cao sức mạnh đột kích - yếu tố đảm bảo cho Bộ đội Tăng thiết giáp chiến đấu giành thắng lợi. Do vậy, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến là vấn đề cấp bách không chỉ đối với Bộ đội Tăng thiết giáp mà của cả Quân đội. Trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa quân sự thế giới và kế thừa truyền thống quân sự dân tộc, nhất là những trận đánh điển hình, mang nét nghệ thuật đặc sắc của Bộ đội Tăng thiết giáp trong kháng chiến để vận dụng phát triển nghệ thuật tác chiến Tăng Thiết giáp trong chiến tranh hiện đại. Do xe tăng có kích thước, tiếng ồn lớn, mục tiêu dễ bị lộ, trong khi địch sử dụng phương tiện trinh sát, quan sát hiện đại, vũ khí công nghệ cao, tác chiến không gian mạng rộng rãi,… nên cơ quan khoa học quân sự cần phối hợp với các đơn vị, nhà trường tập trung nghiên cứu các biện pháp ngụy trang, nghi trang, nghi binh, giảm tiếng ồn, bảo đảm yếu tố bí mật trong quá trình cơ động, phòng tránh và triển khai tiến công. Trong tác chiến phòng thủ quân khu và các hoạt động tác chiến trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, xe tăng là lực lượng chiến đấu quan trọng. Do vậy, muốn phát huy sức mạnh đột kích, các cơ quan, đơn vị cần nghiên cứu các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp, hiệp đồng với bộ binh, các lực lượng trong khu vực phòng thủ, nhất là phương pháp cơ động của xe tăng ở địa bàn thành phố khi tham gia chống bạo loạn lật đổ, trong điều kiện có nhiều đám đông, phương tiện tụ tập, gây ách tắc giao thông, khó khăn cho việc cơ động triển khai lực lượng.

Bên cạnh đó, cần tập trung nghiên cứu đối tượng tác chiến, mục tiêu của Tăng thiết giáp; công tác tham mưu chiến dịch, nghệ thuật tác chiến của Tăng thiết giáp trong các loại hình tác chiến chiến dịch, chiến lược. Tiếp tục điều chỉnh thế bố trí chiến lược, tổ chức, sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp trên các chiến trường và trên các đảo, đảm bảo tiện phối hợp, hiệp đồng với bộ binh cơ động đánh địch trên các hướng, địa bàn theo quyết tâm, phương án tác chiến; tổ chức, sử dụng lực lượng Tăng thiết giáp của các quân khu, quân đoàn, Quân chủng Hải quân trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ đột kích chiến đấu và các nhiệm vụ khác theo hướng linh hoạt, đầy đủ, kịp thời.

Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, nhất là sức mạnh đột kích, đảm bảo cho Bộ đội Tăng thiết giáp hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến đấu, xứng đáng với truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng”.

Thiếu tướng NGUYỄN KHẮC NAM, Tư lệnh Binh chủng
______
_________

1 - Ngày 22-6-1965, Bộ Quốc phòng Quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Thiết giáp (năm 1994 đổi thành Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...