Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 12/12/2024, 13:55 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đẩy mạnh phong trào Thi đua “Dân vận khéo” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Quán triệt sâu sắc chủ trương: “Thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”; tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận”1 do Đại hội XIII của Đảng xác định, bằng trách nhiệm, tình cảm và quyết tâm cao, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai công tác dân vận với nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc nơi biên cương Tổ quốc.

Trong những năm qua, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng để trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai toàn diện các biện pháp công tác biên phòng; trong đó, chú trọng đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” với quyết tâm chính trị cao, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Từ thực tiễn tổ chức Phong trào, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thực chất; nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo”2 được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, như: “Ánh sáng vùng biên”; “Truyền thanh bản xa”; “Thứ bảy về bản”, v.v. Hiệu quả của công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, “tăng cường đồng thuận, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước”3 và Quân đội, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đồn Biên phòng Làng Mô di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm do mưa lũ đợt tháng 10/2024. Ảnh: qdnd.vn

Hiện nay, tình hình trên tuyến biên giới của Tỉnh cơ bản ổn định, song vẫn tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. Hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, pháo nổ,… vẫn còn xảy ra; tình hình thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến khu vực; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo nổi lên nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết. Từ thực tiễn đó, để nâng cao hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các tổ chức, lực lượng trong tiến hành công tác dân vận. Để làm được điều đó, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của từng cấp ủy, từng tổ chức cũng như trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn đơn vị, với tinh thần “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em là ruột thịt”; chủ động khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phong trào Thi đua Quyết thắng và phong trào Thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương và Đơn vị. Đồng thời, duy trì chặt chẽ quy chế phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng Tỉnh với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương nhằm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ vận động quần chúng, cán bộ, chiến sĩ dân vận ở các cấp bảo đảm đủ số lượng và chất lượng. Thực hiện linh hoạt, hiệu quả phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) trong tiến hành công tác dân vận.

Hai là, nâng cao dân trí, “thắp sáng vùng biên”, tạo cơ sở vững chắc trong công tác dân vận. Khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình gồm 28 xã, phường (244 thôn, bản, tổ dân phố), trong đó có 5.155 hộ/22.204 khẩu đồng bào dân tộc thiểu số. So với mặt bằng chung, trình độ dân trí, nhận thức của đồng bào vùng biên còn thấp; nhiều phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại. Vì vậy, nâng cao kiến thức, nhận thức cho đồng bào, tạo nền tảng bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội được Bộ đội Biên phòng Tỉnh xác định là trọng tâm của công tác dân vận, vận động quần chúng trong thời gian tới. Theo đó, các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân với hình thức đa dạng, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa bàn, nhận thức của từng đối tượng; chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền cổ động với tuyên truyền đặc biệt. “Sử dụng có hiệu quả các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội theo hướng thiết thực”4, phát huy hiệu quả các mô hình: “Truyền thanh bản xa”, “Tiếng loa biên phòng”; thông qua các lễ hội truyền thống, hoạt động văn hóa, thể thao; gặp gỡ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số,... nhằm tạo chuyển biến tích cực hơn nữa về nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiểu biết xã hội, trình độ dân trí, tinh thần cảnh giác cho nhân dân, bảo đảm sự miễn dịch trước âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Để nâng cao dân trí ở khu vực biên giới theo hướng bền vững, các cơ quan, đơn vị, nhất là các đồn Biên phòng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục5 và cấp ủy, chính quyền địa phương lan tỏa các mô hình đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, như: đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2018 - 2025, mô hình “Tiết học biên cương”, chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”, dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” và các mô hình, việc làm thiết thực khác. Bên cạnh đó, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ kinh phí xây mới, tu sửa trường học; tặng học bổng, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo vượt khó,... góp phần xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, từng bước nâng cao mặt bằng dân trí khu vực biên giới, góp phần vào sự phát triển chung của Tỉnh cả trước mắt và lâu dài6.

Ba là, chung sức xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, vì nhân dân phục vụ. Năng lực, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể vừa có vai trò quyết định đến việc “dẫn dắt” nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, vừa là cơ sở bảo đảm vai trò “là chủ” và “làm chủ” của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền khu vực biên giới của Tỉnh vẫn còn những hạn chế, đòi hỏi Bộ đội Biên phòng Tỉnh cần tích cực chung tay củng cố. Trên cơ sở đánh giá toàn diện kết quả triển khai thực hiện đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường cán bộ đảm nhiệm chức danh phó bí thư đảng ủy phụ trách cơ sở; giới thiệu đảng viên thuộc Đảng bộ Bộ đội Biên phòng về sinh hoạt tại một số chi bộ bản thuộc các xã biên giới phía Tây của tỉnh” cùng các chỉ thị, hướng dẫn của trên, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh xác định đột phá vào nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ tăng cường trong tham mưu, tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng; xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có đủ phẩm chất, năng lực; xây dựng các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, tham mưu hiệu quả trong “phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân”7. Thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Bốn là, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Những năm qua, mặc dù đã được quan tâm đầu tư về mọi mặt, song đời sống nhân dân khu vực biên giới của Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện; tiềm năng, thế mạnh và nguồn lực phát triển ở địa bàn biên giới chưa được phát huy hiệu quả. Trước thực tế đó, Bộ đội Biên phòng Tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các chương trình, dự án trọng điểm; các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, huy động nhiều nguồn lực nhằm tiếp tục duy trì và phát triển các chương trình, mô hình hỗ trợ sinh kế cho nhân dân, như: Mô hình “Ánh sáng vùng biên”; “Tiếng máy vùng biên”, “Con giống vùng biên”, “Giếng nước vùng biên”8, v.v. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình: “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bỏ lại phía sau”, “Thứ Bảy về bản” với những hoạt động ý nghĩa thiết thực, hướng về nhân dân, góp phần chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ nhân dân vươn lên thoát nghèo, cùng với địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Tham gia tích cực các chương trình, mục tiêu quốc gia về văn hóa, giáo dục, y tế. Duy trì, nhân rộng hoạt động ký kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới với 02 tỉnh Khăm muộn và Savannakhet (Lào); đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa đối ngoại biên phòng với đối ngoại nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thực hiện hiệu quả Phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt” không chỉ góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; mà còn thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Bộ đội Biên phòng Tỉnh đối với nhân dân; là động lực, nền tảng để mỗi cán bộ, chiến sĩ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Đại tá NGÔ MINH ĐIỀN, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tỉnh
_________________
       

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 193.

2 - Giai đoạn 2021 - 2023, xây dựng 44 mô hình “Dân vận khéo”, trên các lĩnh vực.

3 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 191.

4 - Sđd, tr. 191.

5 - Theo Chương trình phối hợp số 633/CTr-BTLBP-BGDĐT, ngày 02/3/2018 giữa Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6 - Giai đoạn 2020 - 2024, tuyên truyền, vận động 916 em trong độ tuổi đến trường, 162 học sinh bỏ học quay lại trường; tổ chức 138 “Tiết học biên cương”; nhận nuôi, hỗ trợ 349 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá trên 1,5 tỉ đồng. Năm 2022, em Cao Thị Lệ Hằng trúng tuyển vào Đại học Sự phạm Quảng Bình (là người đồng bào Rục đầu tiên trúng tuyển đại học); năm 2024, em Nguyễn Anh Vũ, “con nuôi” đầu tiên của Bộ đội Biên phòng Tỉnh đã trúng tuyển vào Học viện Biên phòng.

7 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 191.

8 - Giai đoạn 2020-2024 đã huy động nguồn lực xã hội trên 300 công trình, tổng trị giá trên 08 tỉ đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...