Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 12/08/2019, 08:44 (GMT+7)
Bộ đội Biên phòng quán triệt, thực hiện Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia

Trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, ngày 28-9-2018, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 33-NQ/TW về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để Bộ đội Biên phòng - lực lượng “chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia” tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện.

Nghị quyết 33-NQ/TW ra đời trong bối cảnh thế giới, khu vực, trong nước có những diễn biến phức tạp, khó dự báo, nhất là tình hình tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo; nổi lên là tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và sự bất đồng giữa các nước trong khu vực tại Biển Đông. Nhìn tổng thể, có thể thấy Nghị quyết đã thể hiện nhiều nội dung sâu sắc, toàn diện, khoa học, cách mạng, bao hàm nhiều vấn đề lớn, hệ trọng, liên quan đến nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, đòi hỏi các cấp, các ngành, hệ thống chính trị tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến quán triệt Nghị quyết 33-NQ/TW tại
Học viện Biên phòng

Trước hết, Nghị quyết xác định mục tiêu chung là bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ hòa bình, an ninh, văn hóa, pháp luật, tính uy nghiêm và biểu tượng quốc gia tại biên giới, cửa khẩu; xây dựng biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển; bảo vệ, phòng thủ vững chắc biên giới quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở khu vực biên giới và cả nước. Đặc biệt, Nghị quyết xác định rất rõ các quan điểm chỉ đạo, nguyên tắc chiến lược, phương châm, nhiệm vụ và giải pháp; trong đó chỉ rõ: quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia. Nghị quyết cũng chỉ ra yêu cầu phải ổn định tổ chức biên chế và xác định Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng, là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, trong đó, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại.

Cùng với đó, Nghị quyết tiếp tục khẳng định phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới quốc gia. Tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp. Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện phương thức, phương án tổ chức, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới và xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

Hiện nay và trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ biên giới quốc gia và công tác biên phòng nói riêng đặt ra những yêu cầu ngày càng cao, nặng nề, khó khăn, phức tạp. Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết, Bộ đội Biên phòng tập trung quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, tổ chức quán triệt sâu sắc trong toàn lực lượng, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực để triển khai tổ chức thực hiện. Nghị quyết 33-NQ/TW thể hiện sự phát triển về tư duy chiến lược trong công tác lãnh đạo, quản lý, bảo vệ biên giới và là sự quan tâm, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với lực lượng Bộ đội Biên phòng. Do vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để quán triệt sâu sắc nội dung của Nghị quyết vào quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng, nhất là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương khu vực biên giới tổ chức quán triệt Nghị quyết tới các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong tỉnh. Trước hết, tập trung vào cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, đảng viên, làm cho đội ngũ này nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nội dung cơ bản của Nghị quyết, làm cơ sở để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới. Nội dung quán triệt phải toàn diện, trọng tâm là môi trường chiến lược, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp. Trong đó nhấn mạnh: sự nghiệp bảo vệ biên giới quốc gia đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

Hai là, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp theo phương châm “nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt và Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia”. Thực hiện tốt phương châm đó, các đơn vị biên phòng tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia; bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, pháp luật, quân sự, sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị, khả năng nghiên cứu, nắm và dự báo sớm, sát, đúng, đầy đủ tình hình để chủ động tham mưu cho cấp có thẩm quyền xử lý tốt các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường trách nhiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở khu vực biên giới, biển, đảo. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương phát huy tốt phong trào tổ an ninh tự quản đường biên giới, mốc quốc giới, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Tập trung xây dựng Bộ đội Biên phòng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Ba là, tiếp tục tham mưu đầu tư xây dựng, phát triển các cụm dân cư biên giới, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân làm nền tảng cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh và quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố tăng cường tham mưu cho các tỉnh ủy (thành ủy), ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biên giới và phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, ban, ngành, lực lượng ở khu vực biên giới triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống nhân dân ở khu vực biên giới; tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp ở khu vực biên giới vững mạnh về mọi mặt. Đặc biệt, các đồn Biên phòng tiếp tục đưa đảng viên gắn trách nhiệm phụ trách hộ gia đình trên địa bàn và tham gia sinh hoạt các tổ chức đảng ở cơ sở, góp phần củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng ở khu vực biên giới, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh. Tiếp tục tham mưu cho các địa phương đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thực hiện có hiệu quả chương trình phổ cập giáo dục bậc tiểu học, trung học cơ sở, nâng cao dân trí cho nhân dân ở khu vực biên giới; thực hiện tốt việc giao đất, giao rừng, tạo điều kiện cho nhân dân định canh, định cư, sinh sống, ổn định lâu dài, bền vững ở khu vực biên giới gắn với tự quản đường biên giới, mốc quốc giới.

Bốn là, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm đường biên giới, phá hoại mốc quốc giới và tăng cường quan hệ hợp tác với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu, bảo vệ nhân dân và các mục tiêu chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới. Củng cố, kiện toàn, bổ sung, hoàn chỉnh thế trận, tổ chức lực lượng, kết hợp các hình thức, biện pháp bảo vệ biên giới quốc gia; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống có hiệu quả với các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới quốc gia và giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng đẩy mạnh và phát huy kết quả giao lưu hữu nghị quốc phòng, biên giới, giao lưu biên phòng và chương trình “Biên cương thắm tình hữu nghị”; duy trì và nhân rộng mô hình kết nghĩa đồn, trạm Biên phòng, kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới, xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Thiết lập và duy trì có hiệu quả cơ chế “đường dây nóng”, tuần tra chung, gặp gỡ, trao đổi thông tin, diễn tập liên hợp xử lý tình huống phối hợp phòng, chống tội phạm xuyên biên giới, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa ở khu vực biên giới. Đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, hoàn thiện phương thức, phương án tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trung tướng, PGS, TS. HOÀNG XUÂN CHIẾN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...